MẠC NGÔN – NIỀM KIÊU HÃNH CỦA VĂN HỌC TRUNG HOA

Năm 2012 văn đàn xướng tên Mạc Ngôn là chủ nhân tiếp theo của giải thưởng Nobel Văn học. Trước thềm công bố, tại các trang bình chọn/cá cược uy tín, số phiếu của Haruki Murakami chiếm tỷ lệ cao hơn nhưng kết quả cuối Viện Hàn Lâm Thụy Điển vẫn không lựa chọn Murakami và vinh danh nhà văn lớn của Trung Quốc – Mạc Ngôn.

Đây không phải là lần đầu tiên giải thưởng danh giá này thuộc về một người Trung Quốc nhưng Mạc Ngôn là người đầu tiên sinh sống tại Đại Lục nhận được giải thưởng này. Trước đó, Cao Hành Kiện – Nhà văn người Pháp gốc Trung được Viện Hàn Lâm Thụy Điển tôn vinh vào năm 2000.

– Đôi nét về Mạc Ngôn – Nhà văn “Không bao giờ nói” –

Mạc Ngôn, 64 tuổi, tên thật là Quản Mạc Nghiệp, sinh tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ông phải bỏ học Tiểu học do các mạng văn hóa và phải lao động nhiều năm ở nông thôn. Năm 1976 ông nhập ngũ. Năm 1984, ông trúng tuyển vào khoa Văn thuộc học viện Nghệ thuật Quân giải phóng và tốt nghiệp năm 1986. Năm 1987, ông hoạt động trong lĩnh vực báo chí và viết văn chuyên nghiệp. Đến năm 1981, ông ra mắt tác phẩm đầu tay với bút danh Mạc Ngôn có nghĩa là “không nói”.

Tác phẩm đưa tên tuổi của Mạc Ngôn vang danh thế giới là cuốn tiểu thuyết Cao lương đỏ, được đạo diễn tài năng Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim điện ảnh. Năm 1994, Cao lương đỏ giành giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes. Ngoài ra, độc giả Việt còn yêu mến ông qua các tác phẩm quen thuộc khác như Đàn hương hình, Báu vật của đời (Phong nhũ phì đồn), Tửu quốc…Đến nay, ông đã cho in 10 truyện dài, 20 truyện vừa, hơn 60 truyện ngắn và 5 tuyển tập những bài ký, phóng sự, tùy bút…, tổng cộng trên 200 tác phẩm. (Theo Wikipedia.org)

– Mạc Ngôn và dấu mốc Nobel Văn học –

Năm 2012 là dấu mốc đặc biệt trong sự nghiệp của Mạc Ngôn nói riêng và Văn học Trung hoa nói chung khi giải thưởng Nobel danh giá vinh danh tên ông trên thượng đài.
Viện hàn lâm Thụy Điển đánh giá về Mạc Ngôn: “Với sự pha trộn giữa các yếu tố huyền ảo, hiện thực, lịch sử và xã hội, Mạc Ngôn đã tạo ra một thế giới gợi nhớ lại những kiệt tác của hai nhà văn lỗi lạc William Faulkner và Gabriel Garcia Marquez. Trong các tác phẩm của Mạc Ngôn, hiện thực gây ảo giác hòa trộn với truyện dân gian, lịch sử và đương đại”.

Như nhiều nhà văn danh tiếng đương thời, Mạc Ngôn không đặt nặng thắng thua trong cuộc đua tranh giải thưởng Nobel văn học. Khi ông được thông báo về giải thưởng, “ông ấy đang ở nhà với cha mình. Ông ấy vừa rất vui mừng vừa sợ hãi”. Ông Eric Abrahamsen (đại diện Nhà xuất bản) chia sẻ: “Tôi nghĩ ông ấy sợ giới truyền thông và muốn được yên”. Trong bài phỏng vấn tờ báo Trung Quốc, Mạc Ngôn bày tỏ sự vui mừng, ông sẽ tập trung vào các tác phẩm mới và nỗ lực hết mình.

Tuy nhiên, đối với Mạc Ngôn, đây không phải là mục tiêu mà ông phấn đấu.

“Tôi nghĩ nhà văn viết vì lương tâm của họ. Họ viết vì độc giả. Chẳng ai viết để đoạt giải cả”. – Theo Nhân dân Nhật báo.

sưu tầm

Bình luận Facebook