Lòng vị tha
Ở cái thị trấn Calhour bé nhỏ này, ngài William Jaysey ngoài chức danh Thị trưởng ra, giới cử tri Calhour đang nung nấu ý định giới thiệu William ra tranh cử chức Thẩm phán tiểu bang, hay Thượng nghị sĩ liên bang nhằm tôn vinh địa danh quê hương mình.
William Jaysey có vợ cùng hai cô con gái sinh đôi. Vào giữa buổi sáng, ông có thói quen ghé quán Turbyfull’s. Sáng nay cũng thế, trước khi ngồi xuống chiếc ghế, William lặng nhìn người bán hàng đứng sau quầy.
– Người mới này là ai thế – Thị trưởng hỏi nhỏ viên chủ quán.
– Đó là Jemmy.
Trên đường trở về nhà, William có cảm tưởng rằng đã gặp Jemmy ở đâu rồi… Từ đấy mỗi buổi sáng khi tới quán cà phê, hình ảnh người bán hàng cứ gợi cho ông một kỷ niệm mơ hồ nào đó, nhất là khi nghe cái giọng hát sầu não từ miệng Jemmy…
Kỷ niệm đó là những ngày William còn trẻ, cách đây hơn bốn thập niên, lúc ông mới chân ướt chân ráo đến Thị trấn Calhour này. Với năm chục nghìn đôla trong tay, ông đã mua chiếc máy cày hiệu Kubota duy nhất trong cả vùng, cùng một khu đất nhỏ chưa khai khẩn. Những thành công của William Jaysey đã khuyến khích cư dân bản địa dùng máy móc thay cho sức kéo thủ công. Tất cả những gì mà người dân Calhour biết về cuộc đời viên Thị trưởng tương lai, rằng ông đã từng tham gia chiến đấu ở nước ngoài rồi trở về lành lặn…
Bỗng dưng sáng nay Jemmy nhìn William với nụ cười khác thường:
– Ông William, cặp con gái song sinh của ông thật là xinh đẹp. Chắc là các cô ấy tự hào về người cha của mình lắm? Một nhân vật vẻ vang sắp được đề cử vào chức vụ lớn.
– Chính tôi mới tự hào về chúng nó… – Thị trưởng vừa quan sát thái độ người bán hàng vừa đáp lấp lửng.
Chờ Jemmy quay lại sau khi lau dọn đống cốc chén bề bộn sau quầy, Thị trưởng gằn giọng hỏi:
– Thế anh đã bao giờ chơi quyền anh chưa?
Minh họa: Đặng Tiến. |
Cảnh sát trưởng Tom nghe vậy liền lên tiếng:
– Dấu vết trên mặt anh ta không phải do đấm bốc chuyên nghiệp gây ra đâu. Lính gác Nhà tù Liên bang xúi đầu gấu đánh đấy, phải không Jemmy?
Nhân viên bán hàng gật đầu kèm nụ cười không đổi:
– Tôi tưởng mình đã từng trải, vậy mà có người còn từng trải hơn tôi nữa…
Cảnh sát trưởng tiếp tục giải thích để Thị trưởng vỡ lẽ:
– Jemmy đã được ngài Anstruther – Thống đốc Tiểu bang ân xá trước thời hạn, vì có công dập tắt trận hỏa hoạn lớn trong tù.
William gật gù nhớ ra trận hỏa hoạn kinh hoàng ấy:
– Jemmy, tôi thấy gương mặt anh trông rất quen, chắc là báo giới dạo đó đã đưa hình anh trên trang nhất?
Đôi mắt nhân viên bán hàng chợt ánh lên những tia khó tả:
– Hồi trẻ tôi hơi rồ dại. Nếu chịu yên phận và lấy vợ, thì giờ đây tôi cũng có một gia đình tử tế cho riêng mình như các ông vậy. Tuy nhiên, nếu tôi có con chắc bọn trẻ sẽ xấu hổ về cha chúng thôi. Còn ông, ông William ạ, các con ông không có gì phải hổ thẹn cả.
*
Tại nhà riêng, William nhấm nháp một cốc whisky trước lúc đi ngủ và nghĩ ngợi miên man. Ký ức gợi nhớ về miền quê Crookshark, nơi đất đai vốn cằn cỗi. Rồi nhớ tới viên kế toán tập sự James Buxton đã ăn trộm quỹ lương của một công ty xây dựng. Buxton đã bắn vào một trong những người truy đuổi hắn trước khi biến mất.
Giải thưởng trị giá năm chục nghìn đôla đã được đưa ra cho ai giúp Cảnh sát trong việc tóm cổ James Buxton. Người nhận được món tiền thưởng khổng lồ đó là James Calvin Williams, tên khai sinh hồi nhỏ của ông qua việc chỉ điểm nơi Buxton ẩn náu. Nhưng giờ đây William e ngại rằng người ta sẽ biết rõ sự thật, đó là hiểm họa đang đe dọa ông.
Càng nghĩ về Buxton, William càng sợ hãi. Hắn đang ấp ủ những dự tính gì đây? Tìm cách tống tiền hay phục kích bắn lén mình? Thậm chí còn nhắc đến hai đứa con gái song sinh, hắn sẽ chọn cách trả thù nào vậy? Có nên nói cho ngài Cảnh sát trưởng Tom Wheeler biết và nhờ luật pháp bảo vệ? Không! Nếu thế thì Tom sẽ hỏi nguyên nhân và điều bí ẩn chôn sâu trong lòng bấy lâu sẽ bị phanh phui, rằng cách đây hơn bốn mươi năm, William đã hướng dẫn Cảnh sát địa hạt Crookshark đến bắt James Buxton, lúc y đang lẩn trốn trong kho thóc sau nhà ông bác, hòng lĩnh thưởng số hiện kim mơ ước cả đời.
Có thể tuy không bị buộc tội nhưng mọi người sẽ không bắt tay ông, không cười hoặc dừng lại trò chuyện cùng William, cũng như không hỏi xin lời tư vấn từ viên Thị trưởng vốn được họ trọng vọng nữa. Một điều chắc chắn là từ nay trở đi họ sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho ông. Họ sẽ tha hồ bàn tán với nhau, rằng William Jaysey đã nhẫn tâm phản bội bạn bè bởi lóa mắt trước đống tiền…
William chợt nhớ tới hai cô con gái, ông lên tiếng hỏi vợ:
– Lizzi, các con đâu? Sao giờ này chúng vẫn chưa về?
– Hai đứa đi cùng đám bạn tới khu Three Springs thăm thác nước Fall Frolic. Không có gì phải lo lắng cả. Mục sư Powell thu xếp cho chúng đi và về bằng xe của trường dòng.
William bỗng cảm thấy sợ hãi:
– Vậy em có biết ai lái chiếc xe đó không?
– Làm gì mà anh hốt hoảng lên thế? Mục sư có nói tên tài xế nhưng em quên mất. Chỉ nhớ rằng đó là cái ông làm ở quán Turbyfull’s có cái mặt chằng chịt vết sẹo…
– Em hãy thay quần áo khác nhanh lên để đi cùng anh tới chỗ viên mục sư – William nói như ra lệnh.
*
– Tài xế của tôi là người tốt – Mục sư Powell nói với hai vị khách bất ngờ giữa buổi đêm – Tôi tin như thế.
Cảnh sát trưởng Tom Wheeler vừa có mặt liền xen vào:
– Xin ông bà cứ yên tâm. Tôi đã cử người đi tìm chiếc xe đó.
Chợt có tiếng chuông điện thoại di động réo rắt. Tom bấm máy với nét mặt căng thẳng. Khi cuộc gọi chấm dứt, Cảnh sát trưởng khoát tay nói:
– Mọi người hãy đi theo tôi.
Khi tất cả đã yên vị trên cỗ xe chuyên dụng có gắn còi hụ của cảnh sát, Tom cho biết:
– Viên Trưởng đồn ga xe lửa vừa báo tin, rằng có một chiếc xe buýt chở đầy học sinh dừng lại gần nhà ga. Trên đó một cô gái vừa bị bắn, đồng thời một cậu học sinh đánh nhau với tài xế.
Bà William lập cập va răng vào nhau:
– Ôi, cặp con gái cưng của tôi!
Lizzi vừa tựa người vào vai chồng vừa ôm mặt khóc nức nở. Còn ngài Thị trưởng thầm nghĩ trong đầu: “Thật là tồi tệ! Tuy mình không bỏ lỡ cơ may kiếm bộn tiền, nhưng lại quên phắt chuyện James Buxton bị đày ải trong chốn lao tù”.
Đến nơi, một nhân viên gác bên ngoài đồn cảnh sát chạy tới:
– Không nghiêm trọng lắm đâu. Viên đạn chỉ sượt qua vai cô bé. Tuy nhiên thiếu nữ hơi bị sốc do quá sợ hãi…
Bà William run rẩy hỏi vọng ra:
– Cô bé nào? Grace hay Helene thế?
Người nhân viên lắc đầu:
– Không phải con của ông bà đâu. Đó là bé Nancy hàng xóm nhà tôi, nhưng tôi đã gửi cô gái trở lại khu Three Springs theo xe của bác sĩ. Thôi, mời quý vị nên xuống xe và vào bên trong.
Cặp song sinh nhà William liền chạy ùa tới:
– Kìa bố mẹ, bố mẹ đến đây làm gì thế?
William đã mất bình tĩnh, ông ôm cả hai đứa con vào lòng và bắt đầu rấm rứt khóc. Lúc sau khi sự lo âu đã dịu bớt, ông theo chân người cảnh sát viên lọt hẳn vào bên trong. Những người có mặt gồm tài xế Buxton, Cảnh sát trưởng Tom, mục sư Powell, vợ chồng Thị trưởng, viên sĩ quan Trưởng đồn và hai cậu học sinh trung học. Một trong hai đứa đang trả lời khẩu cung:
– Cháu không hề có ý định làm tổn thương bạn ấy. Cháu chỉ định quăng khẩu súng đi thôi, nhưng lại lỡ tay… Cháu đã lấy trộm của bố khẩu súng đó, nhưng nghĩ lại sợ bị bố đánh nên mới tìm cách phi tang.
Nước mắt cậu bé bắt đầu ứa ra, trong khi cậu học sinh còn lại nặng lời dọa bạn:
– Nếu có chuyện gì đó xảy ra với Nancy, mày phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Bỗng Buxton tiến tới và đặt tay lên vai cậu bé cùng giọng trấn an:
– Nancy không sao đâu.
Nhưng cặp mắt cậu bé vẫn long lên sòng sọc:
– Nếu Nancy chết, tao sẽ giết mày dù có phải đi tù cũng cam.
Buxton bấm nhẹ tay lên vai cậu bé:
– Hãy nghe đây! Cháu nói về nhà tù sao dễ dàng quá thế! Chú đã phạm tội vào lúc tuổi không hơn cháu bao nhiêu. Chú bị bắt trong trường hợp nào ư? Một người quen với chú từ dạo hai đứa còn nhỏ đã giao nộp chú cho Cảnh sát để lĩnh thưởng. Anh ta đã phản bội chú chỉ vì tiền.
Trong tù, chú từng bị bọn đầu gấu đánh đập tàn nhẫn. Biết bao lần chú cố vượt ngục hòng trả mối hận nhưng bất thành. Ý nghĩ trả thù cứ bám riết lấy tâm trí chú, làm cho chú không lúc nào được thanh thản. Đó là nỗi đau của chú. Nỗi đau sâu lắng biến thành tảng đá vô hình đeo đẳng mãi trên cơ thể chú. Rồi một ngày kia, không chịu đựng được nữa, chú đã trút bỏ gánh nặng ấy đi. Từ đó dù đang ở tù, chú vẫn cảm thấy mình là người tự do bởi chú đã tha thứ cho người đó, đã trút được nỗi đau tinh thần của lòng mình.
Buxton buông thõng tay. Còn cậu bé thở hắt ra lấy lại gương mặt tươi tỉnh khi trước. Lúc này tài xế Buxton mới quay lại phía mọi người:
– Kìa, xin chào mục sư, chào ngài Cảnh sát trưởng và ông bà William Jaysey.
Cảnh sát trưởng Tom liền xen vào:
– Đã đến lúc phải đưa bọn trẻ trở lại thị trấn.
William buột miệng:
– Ông Jemmy, ông có biết kẻ đã giao nộp…
Hai cậu học sinh cũng ùa theo:
– Đúng rồi, người đã giao nộp chú tên là gì vậy? Chú có bao giờ gặp lại kẻ phản trắc ấy không?
Gương mặt đầy sẹo của Jemmy Buxton trở nên đăm chiêu. Sau đó ông mỉm cười:
– Chú không thể nhớ được…
Chợt Buxton quay qua nói với tất cả những người trong văn phòng:
– Dù sao đi nữa điều đó không thành vấn đề. Tôi đã tự trút bỏ được gánh nặng của tôi rồi. Xin chào quý vị.
John Abbott (Mỹ)- Kim Dung (dịch)/ VNCA