LỜI ƯỚC HẸN QUÁ KHỨ
Tôi dụi mẩu thuốc lá vào cái gạt tàn, đẩy ghế đứng dậy. Bên ngoài, mưa đã tạnh. Tôi lấy cuốn nhật kí từ trong hộc bàn, bìa ngoài bằng da đen của nó đã sờn nhưng bên trong thì vẫn luôn vẹn nguyên. Tôi quyết định sẽ làm đầy thêm sự vẹn nguyên đó bằng những dòng sắp viết.
Vì một lời hứa trở về.
Tớ sẽ đợi.
***
20h30, 2/10/2018
Sau một hồi tìm kiếm tư liệu cho công việc sắp tới, tôi bỗng dưng thấy chán và mệt lạ thường. Đầu óc cứ vo ve như thể có một tổ ong vô hình đang cư ngụ bên trong. Các khớp ngón tay mỏi nhừ sau gần hai tiếng đồng hồ gõ bàn phím liên tục. Lôi trong ngăn kéo ra gói White Horse vừa mua hồi chiều, tôi rút ra một điếu, châm lửa rồi hít một hơi dài.
Ngả người ra đằng sau trên chiếc ghế xoay bằng da đã mòn vẹt nhiều, tôi phả làn khói trắng đục vào không khí. Rít thêm một hơi dài, tôi khum tròn môi thả vào không trung những vòng tròn khói chầm chậm. Trần nhà phút chốc nhòa đi…
loi-hen-uoc-qua-khu
* * *
Năm ba tuổi, tôi được mẹ cho theo học ở một trường mẫu giáo gần nhà. Trường nằm gần cuối đường Tăng Bạt Hổ, ngay bên cạnh trạm xá khu vực và đối diện với khu dân cư hay có mấy gã culi bốc vác mồ hôi nhễ nhại, buổi trưa đứng bóng mặt trời hay ngồi chém gió nơi quán bia hơi và tán tỉnh mụ chủ quán đã trải qua hai đời chồng.
Trường khá nhỏ với khoảng bốn, năm phòng học gì đó. Sân trường đặt vài ba cái xích đu đã rỉ sét và ít con hươu nai bằng đá nhìn cứ như mới bị gã thợ săn nào đó cho một nhát rìu vào mông. Giờ ra chơi, lúc nào tôi và mấy thằng bạn trong lớp cũng rủ nhau leo lên rồi với tay đu qua chiếc cầu trượt gần đó và trượt xuống. Rất nghệ thuật ! Và hậu quả của cú trượt đó là mông đỏ au như bị roi quất, cô giáo ra lôi vào cho quỳ ở góc lớp. Bốn thằng đầu đinh, mũi xanh thò lò, mặt nhem nhuốc mở to mắt nhìn nhau rồi phá lên cười. Riêng thằng Hữu “trâu” lại khóc. Vì nó đã làm bẩn chiếc áo mà mẹ nó mua cho…
Hồi ấy, nói thì có vẻ khó tin, nhưng tôi đã dính “thính” của một cô bạn cùng lớp. Nhỏ ấy có hai bím tóc xinh xinh, môi hồng hay cười chúm chím cực dễ thương. Hai má lúm đồng tiền khiến tôi nhìn không chớp mắt mỗi khi chơi chung nhóm bạn mà có nhỏ ấy. Đặc biệt, nhỏ vẽ rất đẹp và có hồn. Nhất là khoảng tô màu, mấy bức tranh của nhỏ đều được tô rất chuẩn so với cái tuổi bọn tôi lúc ấy. Cô giáo lúc nào cũng lấy mấy bức tranh của nhỏ ra làm mẫu cho bọn tôi vẽ. Thực ra, đối với một thằng nhóc hỉ mũi chưa sạch, đi đâu cũng mẹ dắt tay như hồi đó, việc hàng ngày đến lớp để được thấy cô bạn nhỏ ấy cười là điều hạnh phúc nhất rồi. Ngang bằng với chiếc ô tô ba tặng, buổi đi công viên chơi ngựa xoay với mẹ hay chị gái dắt đi ăn kem.
Có một lần, vào mùa chơi nhãn vỡ (hồi ấy vào những khoảng thời gian cố định trong năm, bọn nhóc chúng tôi lại chơi mỗi thứ đồ chơi khác nhau), tôi đã bị nhỏ giận dỗi, lẫy và xòe (nghĩa là nghỉ chơi) gần hai tuần và sau đó là mãi mãi. Tôi nhớ rất rõ khi ấy mình chơi xếp nhãn với mấy thằng cùng lớp. Với khả năng thần sầu của mình, tôi ăn được rất nhiều nhãn vỡ. Thôi thì đủ mọi loại nhãn : nhãn con ếch, nhãn công chúa, nhãn người nhện, nhãn bông hoa… Đúng lúc tôi đang đứng đếm nhãn, xem lại chiến lợi phẩm của mình, nhỏ ấy tiến lại gần nhìn vào xấp nhãn trên tay tôi một cách chăm chú. Tôi vênh mặt lên hỏi.
– Gì đấy?
– Cho tao cái nhãn bông hoa đó đi – Nhỏ nói
– Không – Tôi rụt tay đưa xấp nhãn ra giấu sau lưng.
Nhỏ năn nỉ.
– Cho tao đi. Tao thích cái nhãn đó.
– Không. – Tôi vẫn rất kiên định.
Thế là nhỏ dẫu môi, mắt ngân ngấn nước rồi quay mặt chạy đi. Tôi chẳng hề quan tâm mà tiếp tục đếm xấp nhãn rồi vào học khi có tiếng cô giáo gọi. Trưa hôm đó, nhỏ bỏ bữa. Mặc dù trưa hôm đó ăn món cháo thịt bò bằm mà nhỏ thích. Tôi nhìn thấy vậy nhưng không nghĩ ra được điều gì đang xảy ra.
Hai tuần sau, tôi mới trở lại lớp. Ấy là lúc tôi bị sốt kéo dài và mẹ bắt ở nhà cho đến lúc lành bệnh. Khi đến lớp, tôi lại đặt chiếc cặp nhỏ in hình Pikachu màu vàng – chú pokemon nổi tiếng – xuống ghế như thường lệ. Nhưng có một điều lạ đó là suốt buổi học sáng hôm ấy và cả buổi chiều, nhỏ không hề xuất hiện. Tôi nghĩ chắc là nhỏ cũng đau như tôi.
Nhưng hôm sau, hôm sau nữa… tôi không hề thấy mặt nhỏ thêm lần nào nữa. Cho đến một ngày, tôi liều mạng thử hỏi cô giáo.
– Cô ơi cô, bạn Trâm sao không đi học vậy cô?
Cô giáo mải mê hướng dẫn một thằng nhóc lớp tôi tập viết nhưng cũng dừng lại và đáp.
– Trâm theo bố mẹ đi ở nơi khác rồi Lương à.
Thế là từ đó cho đến lúc hết thời mẫu giáo, tôi không còn gặp lại nhỏ. Và xấp nhãn tôi thắng được lần ấy mãi mãi nằm lại ở thùng rác nơi góc trường.
Im lìm, thấp thoáng.
loi-hen-uoc-qua-khu-1
* * *
Trời bắt đầu mưa. Những hạt nước nhỏ đầu tiên theo gió lùa vỗ vào mặt kính ở khung cửa sổ nơi bàn làm việc của tôi nhìn ra ngoài con sông sau nhà. Bộp. Bộp. Tách. Roạt, mấy nhành cây lòa xòa của gốc trứng cá theo gió lả lướt qua lại vuốt ve làn không khí mệt mỏi sau cả ngày dài oằn mình dưới cái nắng gay gắt. Cơn mưa rào bất chợt vụt đến kéo theo những miền kí ức xa xăm thời thơ ấu trở về. Chầm chậm dưới làn khói thuốc mỗi lúc mỗi dày đặc hơn. Mơ hồ dưới ánh đèn phòng chợt vàng vọt hơn không giống như thường ngày. Rõ ràng trong không gian thinh lặng khi bố mẹ đã ngủ và con mèo Ruby đang lim dim mắt ngay bên dưới chân.
Ba năm đầu của thời tiểu học trôi qua trong êm ả. Ngoại trừ năm lớp hai, con nhỏ Diệu An thông minh đột biến ra thì thời gian còn lại tôi đều dẫn đầu bảng thành tích học tập của lớp với điểm số cao chót vót. Ngày ấy, tôi kiêu căng phách lối với lũ con trai trong lớp và trịch thượng, tỏ vẻ anh hùng khi đứng trước bầy con gái. Những giờ kiểm tra, tôi thường hoàn thành bài làm rất sớm rồi ngồi khoanh tay một cách ngạo mạn chờ đợi những lời cầu xin sự giúp đỡ từ ánh mắt tội nghiệp của tụi nhóc trong lớp. Mỗi lần ra chơi, tôi hiếm khi chơi đùa cùng bạn bè mà thường ngồi một góc trong lớp đọc truyện tranh. Kiểu như chúng ta không cùng đẳng cấp và tụi mày không thể hiểu nổi việc tao làm.
Tôi học lớp 4/3, nằm cạnh lớp 4/4 như một điều hiển nhiên về việc sắp xếp vị trí lớp mà hầu như trường tiểu học nào lúc đó cũng thế. Cũng là những thằng nhóc nghịch ngợm, vẫn là những đứa con gái mít ướt hay chơi búp bê dưới gốc phượng vào giờ ra chơi, nhìn tổng quan thì hai lớp chẳng khác nhau là mấy khi xem xét hình ảnh các thần dân đang sống trong vương quốc riêng của mỗi lớp với diện tích vài mét vuông. Tuy nhiên, khi nói đến lớp trưởng, chức vụ mang lại quyền lực tối thượng cho bọn học trò lúc ấy lại được thể hiện dưới hai bộ mặt hoàn toàn khác nhau. Nếu như lớp tôi có nhỏ Diệu An mặc dù học giỏi nhưng lại mắc tật hay mách lẻo thầy cô và nói xấu bạn bè, thì 4/4 quả thật rất may mắn khi có được Đỗ Quyên giữ chức vụ cao nhất này.
Đỗ Quyên sống ở gần trường cùng với bà ngoại trong một ngôi nhà xập xệ, dột nát ngay mặt tiền đường Đào Duy Anh. Nhà tôi ở gần đó, cách nhà Đỗ Quyên cỡ năm trăm mét tính theo đường xe chạy. Mỗi lần tan học, tôi thường thấy Đỗ Quyên ra về cuối cùng mặc cho tụi bạn cùng lớp chen lấn, xô đẩy nhau nhằm chiếm lấy chiếc vé ưu tiên cho chuyến tàu đầu tiên ra khỏi cổng trường.
Quyên không giống bất kỳ một thành viên nào khác trong lớp, ít nhất là về khoản trang phục. Nhỏ mặc một chiếc áo sơ mi trắng thường xuyên lấm lem hay sau này tôi mới biết được là nhỏ chỉ có mỗi một chiếc áo đó thôi. Chiếc quần tây màu xanh vá hai mảnh to tướng sau bờ mông lép kẹp. Duy chỉ có khuôn mặt nhỏ nhắn lúc nào cũng sáng sủa, hai lúm đồng tiền bên má khẽ sâu hơn mỗi khi nhỏ mỉm cười và tóc luôn được cột lên cao rất gọn gàng.
Hôm ấy, trưa nắng gắt của một ngày tháng ba, tôi lại thất bại trong việc tìm cách ra khỏi trường sớm nhất khi tiếng trống tan trường vang lên. Và cũng như mọi lần, khi ngoái nhìn ra phía sau, gương mặt quen thuộc của Đỗ Quyên lại hiện ra dưới những tia nắng chói chang chiếu xiên khoan qua tán lá bàng phía trên, đậu lại trên đôi má mịn màng nửa hờn dỗi nửa tinh nghịch. Lướt mắt quanh sân trường một vòng. Vắng lặng ! Tôi lấy hết can đảm trong trái tim đang đập liên hồi, hít sâu rồi thở mạnh trước khi lê đôi giày bata trắng bước tới gần Đỗ Quyên.
Thịch !
“Này ! Sao mày hay về trễ vậy?”
Nhỏ im lặng không nói. Cúi đầu bước nhanh hơn. Tôi bước gần như chạy để theo kịp cái đuôi tóc đang ngoe nguẩy phía trước.
“Ê ! Chơi kiểu gì thế? Tao hỏi sao không trả lời mày?”
Nhỏ ba chân bốn cẳng chạy thẳng ra khỏi cổng trường, bỏ lại thằng tôi đứng đó lẫn trong sự ngơ ngác và tức giận tột cùng. Sân trường im lặng, nắng bất động và có một tiếng “xoảng” nào đó rất to được tạo ra trong thinh không. Dường như thế?
Bữa cơm trưa đáng lẽ đã vui vẻ hơn nếu như tôi không làm đổ tô canh cá mẹ nấu rồi nhờ bê lên bàn ăn. Bố mắng tôi rất dữ. Trò bắn bi buổi chiều cũng không diễn ra như mọi hôm – khi tôi đều dẫn đầu về số lượng bi ăn được của bọn nhỏ trong xóm. Khu đất trống dưới bờ sông ngày nào cũng là nơi tôi thi triển những kĩ năng bắn bi thuộc hàng lão luyện nhất. Vậy mà chiều hôm đó, ngôi vương của tôi bị hạ bệ một cách cay đắng bởi thằng Xệ, con mụ Ty nuôi heo nhà ở cuối xóm.
Sáng hôm sau, tôi đến lớp với tâm trạng ủ ê. Vừa đặt cái cặp xuống ghế, thằng Hùng “còm” buông ngay một câu nhận xét.
“Lương ! Làm gì mặt mày ỉu xìu như cái bánh bao chiều thế?”
Cô chủ nhiệm phát bài kiểm tra môn Tự Nhiên Xã Hội tuần trước. Như một phép màu, tâm trạng tôi ngay lập tức thay đổi nhanh như được lập trình sẵn. Con mười đỏ chói trong khung điểm như truyền sinh lực cho tôi, giúp tôi lấy lại phong độ thường ngày. Giờ ra chơi, tôi là trung tâm của lũ bạn khi say sưa nói chuyện ba hoa trên trời dưới đất. Vài thằng con trai thấy ghét liền lảng ra chỗ khác chơi đuổi bắt. Lúc ấy, tình cờ làm sao khi nhỏ Diệu An mới đi cantin ăn hàng về.
Phịch ! Nó thả mình xuống ghế ngay cạnh tôi.
“Giỏi ghê ha ! Tao làm có chín điềm.”
“Chơ sao nữa. Tao mà lị” – Tôi kiêu ngạo đáp.
Chẳng hiểu vì sao khi đó một suy nghĩ nhẹ lướt qua trong đầu tôi.
“Ê ! An, Thế nhỏ Quyên lớp trưởng 4/4 được mấy điểm?” – Tôi cố gắng lấy giọng thản nhiên hỏi
Nhỏ Diệu An tròn xoe đôi mắt ra chiều ngạc nhiên đáp.
“Nó á? Lần này nó điểm thấp ghê lắm mày ơi.”
“Mấy?” – Tôi hồi hộp.
“Ba thôi” – nhỏ An đáp với giọng thảng thốt.
Tôi im lặng trong hai giây trước khi phá lên cười to rồi cố tình nói lảng sang chuyện khác. “Ra về mày biết tay tao”. Tôi khoái trá nghĩ thầm.
Trống tan trường vừa nổi lên, lũ bạn tôi ùa ra khỏi lớp với tốc độ của tên lửa Nasa. Riêng tôi, lấy lí do dán lại cuốn vở bị rách (mà bị rách thật do sơ ý) nên cố tình nán lại lớp để ra về sau cuối. Rốt cuộc, lần ra về cuối này của tôi là do chủ ý chứ không phải do thua cuộc trong cuộc tranh chấp ngoài cổng trường như mọi hôm. Tôi lặng lẽ bỏ sách vở vào cặp, rón rén tới đứng ở cửa lớp lén nhìn sang lớp 4/4. Và không nằm ngoài dự đoán, nhỏ Quyên lại ra về vào đúng giờ ấy, khi sân trường đã vắng tanh.
Cúi xuống gài lại dây giày thật chặt, tôi ngưng thở trong giây lát trước khi ùa chạy thật nhanh về phía trước. Khoảng cách giữa tôi và con Quyên không hề xa. Ngay lúc cái đuôi tóc của nó chưa kịp quay lui để hiểu cái gì đang xảy ra phía sau, tôi đã tiến sát sau lưng đồng thời dùng cả hai tay đẩy thật mạnh. Con Quyên ngã dúi về phía trước, bàn chân trái vấp mặt sân khiến cả thân người nó ngã về phía trước. Nó chỉ kịp “hự” lên một tiếng rất nhỏ trước khi chà nguyên hai cẳng tay xuống sân trường.
Tôi đứng ngay trước mặt nó, mặt cười nhăn nhở lè lưỡi trêu.
“Ê. Đồ học ngu, bài kiểm tra được có ba điểm. Tưởng giỏi lắm nữa cơ, chảnh chó hả mày? Mày tưởng mày hơn tao à?”
Tôi nói một mạch không nghỉ, tim đập như điên vì sự phấn khích tột độ. Đỗ Quyên hết nhìn tôi lại đưa hai cẳng tay rươm rướm máu lên nhìn. Và hiển nhiên, mắt nó ngấn nước. Nhưng tuyệt nhiên không có dòng nước mắt nào lăn xuống. Quyên gượng đứng dậy, giữ nguyên tư thế hai cẳng tay trước ngực rồi bỏ chạy ra khỏi cổng trường.
Tôi đứng đó. Trơ.
* * *
Hôm sau, hôm sau nữa, thứ bảy và chủ nhật đến như một lẽ hiển nhiên. Hai ngày quan trọng nhất, vui nhất, thoải mái nhất của đời học sinh tiểu học bỗng chốc chán chường một cách lạ thường. Tôi ăn uống không thấy ngon, bỏ mặc món trứng chiên yêu thích đến nỗi mẹ tôi thốt lên : “Hôm nay sao thế con?”. Mẹ sờ tay lên trán tôi. “Chẳng sốt, trán vẫn mát đây này. Mẹ nấu không ngon hả con?”. Tôi lắc đầu, cố gắng vơ nốt chỗ cơm còn lại trong chén rồi xin phép bố mẹ lên phòng nằm. Chiếc chăn bông thoang thoảng mùi thuốc diệt gián. “Chắc mẹ có xịt trong phòng rồi”. Tôi căng mắt ra trong bóng tối ngập ngụa, bít bùng. Chợt ! Mi mắt khẽ chớp. Gì thế nhỉ?
Thái dương tôi dường như mát hơn. Thứ gì đó nhẹ, mỏng đang lướt chầm chậm từ khóe mắt tôi ra ngoài.
Hai ngày cuối tuần của tôi trôi qua trong những giấc ngủ chập chờn. Thi thoảng trong giấc chiêm bao không tên, tôi lại mơ thấy những chiếc nhãn vở, chiếc cặp in hình Pikachu. Vụt ! Bím tóc đuôi sam, má lúm đồng tiền. Vụt ! Sân trường đầy nắng và lá rụng, hai cẳng tay rướm máu. Vụt ! Chuông đồng hồ báo thức reo lên như bị cơn động kinh dành riêng cho thế giới máy móc.
Mắt nhắm mắt mở tắt chuông đồng hồ, tôi gượng ngồi dậy. Đầu đau như búa bổ, tôi ngồi thừ người lắng nghe những va chạm nhức nhối ngay trong đầu. Nhói. Êm. Lại nhói. Dạ dày tôi thót lên một cái. Thứ gì đó từ trên cổ họng rơi tuột xuống bên dưới.
Sáng thứ hai, sau khi ngốn xong bữa sáng với mì trứng và cốc sữa đậu nành mẹ mua, tôi lại mang cặp rồi đi bộ đến trường như bao buổi sáng trước đó. Chẳng có điều gì đặc biệt ngoại trừ giờ chào cờ sáng hôm đó, tôi không hề hát quốc ca mặc cho bọn nhóc đứng xung quanh ra sức rống lên. Một cách cố tình lén lút, tôi nhìn sang bên phải, nơi mà lớp 4/4 vẫn thường xếp hàng trong giờ chào cờ.
Không có !
Buổi học sáng hôm ấy trôi qua trong sự ồn ào như thường lệ của bọn nhóc lớp tôi. Trừ tôi.
Tiết học cuối trôi qua trong giọng giảng bài đều đều nhàm chán của thầy Pháp – giáo viên dạy môn Âm Nhạc. Tôi cố gắng hoàn thành bài tập vẽ nốt nhạc xong sớm nhất có thể trước khi ngồi thừ người. “Xin lỗi kiểu gì bây giờ?”
Tiếng trống tan trường vang lên. Ông Cư bảo vệ hôm nay dường như đánh to hơn mọi ngày. Lũ bạn tôi ùa ra khỏi lớp như thường lệ. Tôi đợi chúng nó về hết trước khi mang cặp đứng dậy. “Lần này lại đi sau, nhưng cố gắng nói xin lỗi rõ ràng, rành mạch nghe chưa Lương.”
Nhưng rồi, vừa bước dăm bước chạm tới cánh cửa lớp, khuôn mặt con Tâm “tẹt” – ám chỉ cái mũi không được cao của nó – hiện ra như đang đợi sẵn từ lâu. Tôi ngạc nhiên hỏi.
– Chưa về à? Đứng đây làm gì nữa?
– Về chứ. Nhưng xong nhiệm vụ mới về. Này, con Quyên gửi cho mày cái này. Tao đã hứa với hắn là không tò mò giở ra xem rồi đó.
Ngạc nhiên lần hai. Tôi chưa cầm lấy vội.
– Vậy Quyên đi đâu? Sao lại nhờ mày đưa giùm?
– Tao không biết, mày hỏi nhiều quá. Này.
Nó dúi “cái này” ấy vào tay tôi rồi chạy biến ra về. Lúc này, tôi mới nhìn kĩ thứ ấy. Một hộp giấy vuông nhỏ màu nâu, có in hình họa tiết cỏ bốn lá màu xanh. Nhìn quanh quất, sân trường vắng tanh. Hành lang dãy lớp học tôi đang đứng cũng không một bóng người. Hồi hộp ! Tôi mở nắp hộp.
Một chiếc móc chìa khóa hình Pikachu màu vàng. Tôi nhấc nó ra khỏi hộp. Dưới đáy hộp, một mẩu giấy nhỏ được gấp làm tư.
“Tao đây. Đỗ Quyên đây.
Mày còn nhớ hồi học mẫu giáo, tao xin mày cái nhãn hình bông hoa ấy không? Khi đó mày không cho, tao tức quá về khóc cả đêm luôn. Sau đợt đó, ba tao đi công tác bên Mĩ định dẫn mẹ con tao theo. Tao có chịu đi đâu, lại khóc để ba tao không dẫn đi nữa. Sau ba tao đi một mình, để mẹ ở lại Việt Nam với tao. Ba tao hẹn một năm nữa ổn định rồi dẫn mẹ con tao theo.
Qua bên đó, ba tao làm ăn thua lỗ, đi vay nợ nần không trả được. Nghe nói bị bọn xã hội đen nào đó ở bển đuổi đánh, đến giờ lâu rồi không nghe tin tức gì hết. Có người nói ba tao chết bên ấy rồi. Mẹ tao từ ngày nghe tin ba tao như vậy tự nhiên điên luôn. Khi khóc khi cười mà tao chẳng biết vì sao.
Tao về ở với bà ngoại, mẹ tao suốt ngày nằm lì trong nhà không có khi nào ra bên ngoài luôn mày ơi. Toàn ngoại tao lo hết mọi việc, tao có phụ giúp được mấy việc trong nhà.
À, không biết sao mà ngoại tao khi nào cũng nói là tao lớn lên không giống lúc còn nhỏ tí nào hết. Hèn gì mày ko nhận ra tao cũng phải. 6 năm rồi chơ phải ít đâu. Haha
Sao hôm đó mày đẩy tao ngã thế? Hai tay tao giờ còn rát đây này, bôi thuốc đỏ vào mà chưa khỏi. Tao có làm gì mày đâu? Tao làm bài kiểm tra điểm thấp là do đêm trước, tao thức cả đêm bón thuốc sốt cho mẹ tao đó. Không kịp học bài nên có làm được quái gì đâu. Còn tao hay về cuối là vì không muốn ai biết về tao và chuyện của tao thôi. Tao phải đổi tên để đi học vì hình như ba tao làm gì đó có dính dáng tới công an ấy. Ngoại tao bảo thế.
À còn nữa, tao về cuối là để nhìn mày. Tao biết mày cũng hay bị bỏ lại ở cuối khi ra về phải không? Tao giả vờ im lặng đó chứ mày tới bắt chuyện, tao thích lắm.
Tao thích mày.
Ngoại dẫn tao và mẹ về quê rồi. Xa lắm, ngoài Nam Định cơ. Tao ra ngoài ấy học tiểu học luôn.
Mày gắng học nghe. Hẹn gặp lại.
Bảo Trâm.”
Cái tên Bảo Trâm nằm cuối bức thư khiến tôi choáng váng. Lẽ nào lại thế? Lẽ nào cái con nhỏ mang đồ xuề xòa, cũ kĩ đó lại là Bảo Trâm sao? Đúng thật, là cả Đỗ Quyên lẫn Bảo Trâm đều có má lúm đồng tiền nhưng sao lại khác nhau thế?
Chiếc lá bàng vàng úa bất chợt buông mình xuống trước mặt tôi. À !
Là do hình bóng Trâm năm đó khắc quá sâu trong kí ức tôi nên giờ đây, khi đã lớn hơn một chút, Trâm lại xuất hiện trước mặt tôi. Nhưng dưới cái tên khác là Đỗ Quyên. Quyên lại học chung trường với tôi nhưng không còn là con nhóc dỗi hờn, hay khóc nhè năm đó nữa. Vẫn là cái lúm đồng tiền ấy, nhưng nụ cười không còn nữa.
Trâm ơi ! Sao lại thế? Cứ bước qua cuộc đời tớ rồi vụt tan biến nhanh như vậy.
Trưa hôm đó, nắng đang gay gắt chợt tắt đi. Mây đen ùn ùn kéo đến.
* * *
Tôi dụi mẩu thuốc lá vào cái gạt tàn, đẩy ghế đứng dậy. Bên ngoài, mưa đã tạnh. Tôi lấy cuốn nhật kí từ trong hộc bàn, bìa ngoài bằng da đen của nó đã sờn nhưng bên trong thì vẫn luôn vẹn nguyên. Tôi quyết định sẽ làm đầy thêm sự vẹn nguyên đó bằng những dòng sắp viết.
Vì một lời hứa trở về.
Tớ sẽ đợi.
Kì Phong