Lời thề cỏ may
Khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, thi đàn bỗng nổi lên một hiện tượng Phạm Công Trứ với dạt dào cảm hứng nông thôn qua tác phẩm tiêu biểu “Lời thề cỏ may”.
Làm sao quên được tuổi thơ
Tuổi vàng, tuổi ngọc – tôi ngờ lời ai
Thuở ấy tôi mới lên mười
Còn em lên bảy, theo tôi cả ngày
Quần em dệt kín cỏ may
Áo tôi đứt cúc, mực dây tím bầm
Tuổi thơ chân đất đầu trần
Từ trong lấm láp em thầm lớn lên
Thế rồi xinh đẹp là em
Em ra tỉnh học em quên một người
Cái hôm nghỉ Tết vừa rồi
Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò
Gặp tôi, em hỏi hững hờ
“Anh chưa lấy vợ, còn chờ đợi ai?”
Em đi để lại chuỗi cười
Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lê
Trăng vàng đêm ấy, bờ đê
Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may…
Phạm Công Trứ
Rất tự tin, Phạm Công Trứ lấy cỏ may làm thương hiệu cá nhân, và in cả “Cỏ may thi tập”. Dù sau này Phạm Công Trứ có chuyển hướng sang “Phồn thi” thì công chúng vẫn nhắc đến anh ở phía cỏ may. Nhìn ở góc độ nghề nghiệp, câu chuyện cỏ may của Phạm Công Trứ cũng là câu chuyện thú vị để bàn thêm về thơ lục bát Việt Nam!
Khởi sự làm thơ của Phạm Công Trứ vẫn là những câu thơ lính trận như nhiều trai tráng cùng thế hệ. Để bộc lộ phẩm chất thi sĩ cấp trung đoàn hoặc thi sĩ cấp sư đoàn, thì thời Phạm Công Trứ 20 tuổi ở Trường Sơn năm 1973 đã làm được, như miêu tả đường hành quân “Tiếng chim rừng cũng ướt nhòe đứt nối/ Lâu lắm rồi suối thèm được trăng soi” hoặc miêu tả bóng hồng nơi khói lửa “Mặt em? Không, mặt mùa xuân/ Tiếng em? Không, tiếng nắng ngân lưng trời”.
Thế nhưng, bước qua giai đoạn bao cấp, Phạm Công Trứ mới thực sự dan díu với thi ca khi công bố bài thơ Lời thề cỏ may gây ấn tượng: “Em đi để lại chuỗi cười/ Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lê/ Trăng vàng đêm ấy, bờ đê/ Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may…”.
Giọng thơ trong trẻo và đắm đuối đã mở ra cho Phạm Công Trứ một hướng sáng tác mang đậm phong vị quê mùa cổ điển. Phạm Công Trứ lấy cố hương Hải Hậu – Nam Định làm bệ đỡ cho thơ, với những hồi ức sinh động “Tuổi ấu thơ trôi nhanh như bay/ Chúng tôi lớn lên lúc nào không biết/ Rãnh nước sau nhà thoắt thành nhỏ hẹp/ Thuyền lá tre không chở nổi tâm hồn” và những hồi ức lãng mạn “Đường làng cây sóng hành đôi/ Tháng năm vương cỏ, tháng mười vương rơm/ Tháng hai xuân tím mặt đường/ Em đi gánh nước hoa vương tóc dài”.
Rất lạc quan và rất hăm hở, gã trai của Đồng bằng Bắc bộ mang mùi hương cỏ, hình hài cỏ, tinh thần cỏ nhập cuộc đô thị sầm uất: “Cỏ may giăng tím triền đê/ Một đêm trăng sáng cỏ về cùng tôi/ Ngỡ là gỡ cỏ mà chơi/ Ai ngờ duyên số thề bồi với nhau/ Tôi đi, cỏ cũng lên tàu/ Tôi vào khoa luật, cỏ vào công viên/ Tôi thì điều khoản triền miên/ Cỏ thì giăng mắc những miền phồn hoa”.
Phạm Công Trứ học ngành Luật trong nước, rồi lấy được bằng tiến sĩ luật ở nước ngoài. Phạm Công Trứ từng có giai đoạn đứng trên giảng đường luật khoa đấy chứ, nhưng vì mê thơ mà nhảy sang làm báo để thuận tiện đánh đu cùng chữ nghĩa.
Bỏ chỗ oai vệ mà ra chỗ chênh vênh, Phạm Công Trứ có chút xao xác “Tôi làm thơ khi trên mảnh đất này/ Thơ dần mất giá/ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… mấy ai tìm đọc nữa/ Những ông chủ nhà in chẳng thiết in thơ nữa/ Muốn giải bày ư? Phải có những triệu đồng/ Bao nhà thơ đứt gánh giữa đường/ Thời thực dụng rẽ tìm lối khác” nhưng vẫn hồ hởi tìm kiếm giá trị riêng mình trong nỗi phập phồng “Trong mỗi một chiếc lá/ Có một bài thơ rồi/ Còn anh là thi sĩ/ Giải mã từ mà thôi”.
Có đòn bảy từ bài thơ Lời thề cỏ may được độc giả nắc nỏm, Phạm Công Trứ quyết tâm làm một thi sĩ chân quê. Dự định của Phạm Công Trứ không phải hão huyền, mà có cơ sở từ truyền thống phong thổ đàng hoàng. Mảnh đất Nam Định, thế kỷ 20 đã hun đúc hai thi sĩ chân quê, một Nguyễn Bính ở huyện Vụ Bản và một Đoàn Văn Cừ ở huyện Nam Trực, thì chả lẽ thế kỷ 21 không dung nạp một Phạm Công Trứ ở huyện Hải Hậu?
Thi sĩ Phạm Công Trứ và tập thơ Cỏ may thi tập.
Viết kiểu Nguyễn Bính, cũng rõ tài hoa của Phạm Công Trứ: “Cỏ gà trắng, nắng se se/ Hơi may thoắt đã đổi hè thành thu/ Bồng bềnh hai nửa tháng tư/ Nửa giống tháng sáu, nửa như tháng mười”.
Còn viết kiểu Đoàn Văn Cừ, cũng rõ tấm lòng của Phạm Công Trứ: “Nắng mới bừng lên, nắng chứa chan. Bướm hoa chợt tỉnh giấc mơ vàng. Từng đàn con trẻ lăn trên cỏ. Chân đạp vào trời, miệng hét vang”.
Thế nhưng, tâm tư của Phạm Công Trứ gần gũi với Nguyễn Bính hơn, đặc biệt thể hiện qua bài thơ Mưa xuân từ bữa ngại bay cứ y hệt tác giả Lỡ bước sang ngang tái sinh: “Mưa xuân từ bữa ngại bay/ Hoa xoan nát dưới gót giày ngõ quê/ Em ra thành phố không về/ Mẹ treo khung cửi dứt nghề tằm dâu/ Làng giờ nhạt tục ăn trầu/ Thôn Đoài sắp đốn hàng cau liên phòng/ Gái làng bao đám cưới chồng/ Rước dâu đâu xác pháo hồng lối đi/ Trăng vàng vẫn dãi bờ đê/ Cố nhân còn có nhớ về cố hương?”.
Được đà, Phạm Công Trứ liên tục bám lấy cảm hứng Nguyễn Bính để bày tỏ những quan sát đời thường đang đổi thay vùn vụt: “Lối xưa xe ngựa thâm u/ Lối nay xe cúp vù vù khoe sang/ Nền xưa lầu hạc gác vàng/ Nền nay siêu thị chắn ngang mây trời/ Bạn xưa chay tịnh vườn Bùi/ Bạn nay thịt chó dậy mùi Nhật Tân/ Mình xưa chân đất đầu trần/ Mình nay bụng phệ tay cầm mô-bai/ Xưa nay hai nửa mặt đời/ Vừa lao lên trước, vừa lùi về sau”, đồng thời cũng bám lấy cảm hứng cỏ may để bộc lộ trắc ẩn bản thân: “Thôi nhé! Trăng vàng phụ bờ đê/ Cỏ may đành lỗi với lời thề/ Ngoại ô tạm lánh đời phồn thị/ Níu lại hồn làng nửa nét quê”.
Thế mạnh của Phạm Công Trứ nằm ở lục bát. Thể thơ câu sáu chữ, câu tám chữ có thể xem như một phát minh độc đáo của người Việt. Cái vần chân ở câu sáu và cái vần lưng ở câu tám, nhịp nhàng lắm, dẫn dụ lắm, quyến rũ lắm. Lục bát dễ chinh phục người đọc nhưng lại đầy thách thức người làm. Viết sao cho luyến láy êm tai thì ai cũng viết được, nhưng viết cho ra phong cách lại chả mấy ai viết được.
Truyện Kiều của Nguyễn Du để lại một lâu đài lục bát để hậu bối trầm trồ và chiêm ngưỡng. Nguyễn Bính dị biệt, tạo nên một khu vườn lục bát toàn hoa đồng cỏ nội. Phạm Công Trứ muốn nối gót theo cũng đầy gian nan. Vậy mà Phạm Công Trứ cũng có được ba bài lục bát về mùa thu đáng nâng niu.
Bài Thu cảm lý sự bất ngờ: “Mướp tàn sen cũng đi tu/ Lá tre đã thả một mùa heo may/ Con sông không ốm mà gầy/ Mắt em chưa tối đã đầy hoàng hôn”. Bài Thu cúc lãng đãng mơ màng: “Sen tàn hạ xuống đáy ao/ Heo may dắt cúc ra chào mùa thu/ Mùa thu khoác áo sương mù/ Đầu đội mây trắng ngồi tu nắng vàng”.
Và bài Thu tàn chơi vơi hoài niệm: “Cỏ may xao xác ngõ ngoài/ Mấy chùm hoàng thảo rối bời giậu thưa/ Chập chờn nắng lặn vào trưa/ Loang mù vào sớm, đổ mưa vào chiều/ Cành bàng xác lá như thiêu/ Cánh chim năm ngoái ít nhiều hoang mang”.
Cả ba bài lục bát quẩn quanh sắc thu, gió thu, tình thu của Phạm Công Trứ có chất liệu hình ảnh rất cũ, có cấu trúc câu thơ rất cũ và có phương pháp tu từ cũng rất cũ, nhưng lại khơi dậy rung động rất mới. Giỏi thật!
Dù xoay chuyển ý tứ nhanh hơn, nhưng nếu vẫn chọn giọng điệu mộc mạc và đằm thắm thì Phạm Công Trứ mãi mãi là cái bóng của Nguyễn Bính. Bằng sự nhạy bén, Phạm Công Trứ đã thoát khỏi ảnh hưởng Nguyễn Bính nhờ chất cợt đùa.
Ví dụ, bài Đường vào chùa Hương lả lơi theo mái chèo: “Bến Đục mà nước thì trong/ Bao nhiêu trần tục rửa lòng ở đây/ Trời lồng nước, núi liền mây/ Lờ mờ sương sớm, ngất ngây hương tình/ Trên đò các cụ tụng kinh/ Chúng mình trẻ quá, chúng mình tụng nhau”. Trong 6 câu này, 5 câu trước giống Nguyễn Bính và thua xa Nguyễn Bính, nhưng câu sau cùng lại khác Nguyễn Bính và trẻ trung hơn Nguyễn Bính!
Dĩ nhiên, Phạm Công Trứ thừa biết ưu điểm ấy, song sử dụng kỹ năng cợt đùa đâu có đơn giản. Chuyển hướng sang Phồn thi, Phạm Công Trứ dùng chất cợt đùa không mấy hiệu quả, từ thể thơ lục bát “Dù đài các hay quê mùa/ Cũng thích phần xác, cũng ưa phần hồn/ Dẫu chuộng thực hay chuộng khôn/ Chung quy vẫn một vần “ồn” mà ra” đến thể thơ 4 chữ “Thoạt đầu khỏa tay/ Nuột nà tay trắng/ Rồi thì khỏa chân/ Ngọc ngà chân thẳng/ Rồi thì khỏa ngực/ Mởn mơ ngực hồng/ Rồi thì khỏa hông/ Hông đầy ngồn ngộn/ Bây giờ khỏa rốn/ Rốn tròn bây-by/ Rồi nữa khỏa gì/ Gặp em hỏi nhỏ/ Em cười quay đi!”. Kiểu Phồn thi của Phạm Công Trứ hơi có tính tấu hài bình dân, chứ rất ít chất thơ. Vì sao? Vì những vần điệu cợt đùa không chuyển hóa sự thao thức gì của tác giả.
Sự cợt đùa giúp Phạm Công Trứ biệt lập so với Nguyễn Bính, nhưng đôi khi Phạm Công Trứ tự tin quá mức mà sản xuất ra… vè. Cũng đề tài tình yêu, Phạm Công Trứ cợt đùa suông thì chỉ có vè “Tiểu thuyết em đã đọc nhiều/ Mà em chưa hiểu tình yêu là gì/ Thì em hãy cứ yêu đi/ Rồi em sẽ biết là gì: tình yêu”, còn Phạm Công Trứ cợt đùa có gửi gắm ưu tư thì lập tức có thơ “Tình tôi một đống rơm chiêm/ Em đùa xòe một que diêm ném vào/ Bén rơm lửa bốc ào ào/ Chút tro còn lại gió trao cho trời/ Giận thân những muốn chửi đời/ Đến khi ngửa mặt lên rồi lại im”.
Phạm Công Trứ một mình giữ gìn Lời thề cỏ may nên cũng biết làm giá thi sĩ: “Trăng vàng con của đồng quê/ Thơ tôi con của lời thề đẻ rơi/ Phố phường ngoảnh mặt thơ tôi/ Tôi mà chết sớm ai nuôi trăng vàng?”.
Đúng vậy chứ sao, không có Phạm Công Trứ thì thơ Việt thế kỷ 21 vắng đi một tâm hồn luôn chấp chới trước những vẻ đẹp làng quê đang bị chi phối bởi lối sống bon chen: “Hội tan thần phật về trời/ Cỏ may giập nát gượng ngồi dần lên/ Chân nhang que đứng, que xiên/ Gió lăn xác lá quét trên sân chùa”.
NguồnLê Thiếu Nhơn/CAND