“Làm ra tiền rồi lấy tiền chữa bệnh” – Chúng ta đang sống kiểu gì vậy?

Làm việc chăm chỉ để chạy tiến độ đến mức kiệt sức. Không điều độ. Vắt kiệt trí não và cơ thể của bạn. Không chỉ ngành sản xuất nói riêng mà cuộc sống lao động ở thời hiện đại đang thao túng cuộc sống con người một cách khó tin.

Ba năm trước, khi mới chỉ 25 tuổi, tôi bị đau dạ dày mãn tính vì liên tục bỏ qua bữa ăn sáng và ăn tối rất muộn, liên tục ăn không đúng bữa để bụng đói vì ham công tiếc việc phải làm nốt cho xong. Đến khi vào viện, vị bác sĩ đã lớn tuổi khám cho tôi xong chỉ lắc đầu ngán ngẩm: “Tôi không hiểu giới trẻ các anh chị ngày nay nghĩ gì nữa. Mới chỉ có hai mấy tuổi đầu đã bị đau dạ dày. Các anh chị làm ra tiền, xong tiền đấy lại mang đi khám bệnh uống thuốc. Nó có phải là một cái vòng luẩn quẩn ngớ ngẩn không?”.

Lời nói của vị bác sĩ như một cú tát vào lòng tự hào đam mê công việc của tôi. Ngay cả đến thời điểm hiện tại, mặc dù tôi đã chú ý cải thiện hơn việc ăn uống của mình nhưng bệnh đau dạ dày vẫn thỉnh thoảng tái phát lại và thậm chí còn có nguy cơ phát triển thành những loại bệnh khác. Nhìn xung quanh bạn bè và đồng nghiệp dân văn phòng của tôi, đâu đâu cũng thấy ai đang mắc một bệnh gì đó, nhẹ nhàng thì đau lưng, mỏi cổ, thừa cân, đau cổ tay, giảm thị lực… nặng hơn thì đau dạ dày, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ… Như thể trong cơ thể chúng ta ai cũng đang mang một mầm mống bệnh nào đó, chỉ cần đợi đến thời điểm cơ thể chúng ta yếu đuối nhất là chúng sẽ bộc phát ra và đánh gục chúng ta vậy.

Mới hôm trước, mọi người trong giới sản xuất lại truyền tay nhau cái tin về sự ra đi đột ngột và vô cùng đáng tiếc của một người bạn làm nghề dựng phim. Bạn ra đi khi mới chỉ ở cái tuổi đời còn rất trẻ và lý do bạn qua đời chỉ vì làm việc quá chăm chỉ và cật lực, nghe mới đau xót biết bao. Với các anh chị em trong giới, mọi người đều biết rằng mỗi khi bắt đầu một dự án mới là một lần vắt kiệt sức lao động. Bất cứ vị trí nào trong đoàn quay cũng đều phải đối mặt với việc làm việc trên hiện trường trong nhiều ngày, thậm chí là nhiều tuần, rồi thì ăn qua loa vội vàng hay ngủ lăn lóc tại hiện trường quay là điều quá bình thường đối với mọi người. Mỗi lần xong một dự án như vậy, nhìn mấy trong đoàn ai cũng gầy đi trông thấy. Đối với anh em đội ngũ hậu kì, ngay cả khi đóng máy xong, mọi áp lực vẫn còn đó vì phải chạy deadline trả cho khách hàng. Mỗi khi rơi vào tình huống như vậy, đại đa số anh em đều không có được ngủ hoặc không dám ngủ, chỉ có nốc bò húc, cà phê, thuốc lá,… rồi làm tiếp, đến việc ăn còn cảm thấy khó khăn vì cơ thể còn không muốn tiếp nhận.

Làm việc chăm chỉ để chạy tiến độ đến mức kiệt sức. Không điều độ. Vắt kiệt trí não và cơ thể của bạn. Không chỉ ngành sản xuất nói riêng mà cuộc sống lao động ở thời hiện đại đang thao túng cuộc sống con người một cách khó tin. Tại sao chúng ta vẫn còn ở mãi trong cái vòng luẩn quẩn này và không chịu thoát ra vậy?

Vậy điều gì mới làm cho cuộc đời con người có ý nghĩa?

Đã bao giờ bạn cho phép bản thân mình ngồi xuống nghỉ ngơi và tự vấn mình những câu hỏi sau: “Mục đích sau cùng của tất cả những đánh đổi này là gì? Là tiền bạc, hay công danh, hay thăng tiến sự nghiệp? Và cuối cùng chúng ta sẽ nhận lại được những gì cho cuộc sống của chúng ta? Những giá trị trên liệu có đáng để chúng ta đánh đổi sức khỏe, thời gian, cuộc sống của chúng ta hay không? Những giá trị mà chúng ta đang mang ra đánh đổi đều là những thứ sau này không thể lấy lại được, liệu chúng ta có cảm thấy hối tiếc khi sau này nhìn lại không?”

Chúng ta có những hoàn cảnh khắc nghiệt và ràng buộc khác nhau, vì vậy không phải ai cũng có điều kiện để theo đuổi và đạt được một cái nghề lý tưởng như ý nguyện. Trên thực tế, nghề nào cũng có cái được, cái mất, an toàn, nguy hiểm, và cũng đều có được sự đền bù tương xứng riêng của nghề đó. Thế nên, con người chúng ta lại càng nỗ lực hơn để phấn đấu trong cuộc sống, để mong một ngày nào đó chúng ta có thể hưởng được hoa thơm trái ngọt của thành quả do mình tạo ra.

Với các bạn trẻ hiện nay, nhất là ở độ tuổi từ 18 đến 25, tôi luôn ủng hộ việc các bạn làm “quá sức” một chút. Vì khi bước sang giai đoạn tuổi lão hóa, hoặc gần nhất khi bước đến lứa tuổi từ 30 đến 35, khả năng học tập, tư duy sáng tạo, cường độ làm việc của chúng ta sẽ giảm đi từ 20 – 50%. Nên nếu thực tế ở giai đoạn trẻ, các bạn nên làm việc ở cường độ cao với 200% khả năng, bằng cách xây dựng những thói quen tốt như tập thể thao, đọc sách, nâng cao kiến thức… bạn sẽ có được một nền tảng tốt hơn trong tương lai.

Ở công ty của tôi – một môi trường khá năng động cho các bạn trẻ, nhìn sự nhiệt huyết của các bạn với công việc luôn là động lực truyền cảm hứng cho bản thân tôi muốn cố gắng cùng các bạn. Các bạn có thể làm overtime (làm thêm giờ) vào buổi tối mà không có một lời kêu ca nào. Họ được sống và làm việc với đam mê của mình, chẳng phải đó là những quãng thời gian có ý nghĩa và hạnh phúc nhất của họ sao?

Nhưng đương nhiên ở vai trò là quản lý, tôi luôn dặn họ phải cân bằng và giữ gìn sức trẻ của mình (vâng, là sức trẻ chứ không phải sức khỏe). Người trẻ rất dễ sa đà và không nhận ra ranh giới của mình. Lúc này, họ rất cần bạn – là những người có kinh nghiệm hơn, mang trên mình đầy “chiến tích bệnh tật” để chỉ bảo họ làm sao để cân bằng. Vì suy cho cùng, cuộc đời này là một cuộc đua dài hơi, bạn cũng cần phải tính toán sức lực của mình để biết lúc nào là lúc chạy nước rút, lúc nào là chạy sức bền… để có thể hoàn thành cuộc đua phải không?

Khi hơi thở hóa thinh không

“Bạn sẽ làm gì khi con đường phía trước không biết là còn dài bao nhiêu? Sẽ sống từng ngày đó như thế nào?” – bác sĩ Paul Kalanithi đã tự hỏi chính mình như vậy sau khi chính anh phát hiện ra mình đang bị ung thư giai đoạn cuối, khó có thể vượt qua, sau những tháng ngày của tuổi thanh xuân anh đã đánh đổi đến kiệt sức để đổi lấy.

Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta thường tự tin vào sức khỏe của mình lắm. Chúng ta cậy rằng sức chịu đựng của chúng ta cho phép chúng ta làm như vậy. YOLO đi, bạn chỉ sống có một lần duy nhất thôi mà? Đúng là như vậy đấy, nhưng “khi hơi thở đã hóa thinh không” thì chúng ta đâu còn cảm nhận được gì nữa. Khi qua thế giới bên kia, chúng ta đâu có thể mang theo tiền tài, công danh, sự nghiệp… gì đâu? Có khi, chúng ta còn vô tình để lại gánh nặng tinh thần khổ đau cho những người ở lại nữa. Họ là người thân, bạn bè, đồng nghiệp của chúng ta và chúng ta đâu muốn tình huống tệ nhất đó xảy ra phải không?

Khi sự đã rồi, nếu đã biết trước thì tôi đã không làm việc quá sức như vậy để không có việc đáng tiếc đó xảy ra. Bản thân chúng ta cần phải sáng suốt và biết được đâu là giới hạn cơ thể của mình. Đừng để mọi thứ nó đi đến chữ quá. Vì suy cho cùng, nếu bạn lên tiếng về tình trạng sức khỏe của mình, chắc chắn anh em đồng nghiệp hay bạn bè sẽ phải suy nghĩ lại và tìm phương án để giúp đỡ bạn.

Hoàng Văn Khoa (Pewpew) – streamer đình đám một thời, bất ngờ công bố quyết định giải nghệ vào đầu năm nay trước sự ngỡ ngàng của người hâm mộ. “Từ mai mình có thể sống một cuộc sống bình thường. Ngày làm 8 tiếng, cuối tuần đi chơi hang out cùng bạn bè. Ngủ một giấc không lo sợ nhỡ việc. Một thời để nhớ. Nếu bạn còn trẻ, hãy sống sao tới 30 tuổi nghĩ lại và mỉm cười”, PewPew chia sẻ. Trong những bài phỏng vấn, Khoa tâm sự rằng có những ngày kiệt sức, ngủ lăn lóc ở trường quay, hay gục trên bàn phím… nhưng vẫn phải cố gắng hoàn thành đủ khối lượng công việc. Còn giờ đây, anh như được cởi bỏ gánh nặng và sống một cuộc sống bình thường như bao người khác.

Với những người đã từng trải qua giai đoạn bán sức, bán mạng để đổi lấy vật chất, các bạn chính là những người hiểu rõ hơn ai hết về kết quả được mất của sự trao đổi này. Nếu bạn là các tiền bối, là những người đi trước, là quản lý của những người trẻ… bạn cũng đang gánh vác một trách nhiệm đối với cuộc đời và tương lai sau này của họ. Đã bao giờ bạn để ý xem nhân viên của mình đã làm việc căng thẳng thế nào trong bao nhiêu tiếng vừa qua chưa? Liệu họ có được đảm bảo về việc ăn uống, sinh hoạt, ngủ đủ 7 tiếng mỗi đêm không? Bạn có dám đuổi nhân viên đang làm việc quá sức ở văn phòng đi về nghỉ ngơi không, hay bạn chỉ quan tâm tới kết quả công việc bạn sẽ nhận được?

Người quản lý giỏi là người hiểu được nhân viên của mình cần sự cân bằng trong cuộc sống và công việc, có như vậy thì nhân viên của bạn mới cảm thấy hạnh phúc, mới cảm thấy đáng sống và công ty, quản lý như này mới là người tôi sẽ cống hiến sức lực của mình. Hay đơn giản hơn, nếu bạn có một nhân viên giỏi trong tay, bạn đâu muốn anh/cô ta ngã gục trên đường chạy phải không? Chưa kể sau đó, công việc của họ sẽ chả ai thay thế được hoặc chính bạn sẽ phải là người ôm tất cả những việc đó, và có thể bạn sẽ tự đẩy mình đến cái miệng vực sâu lúc nào không hay? Như cái cách mà bạn đã đẩy người nhân viên của mình vậy.

Khi màn hình tắt

Đóng ngắt hết tâm can

Lạnh vắng nơi nhân gian

Lại nghẹn đắng trong lầm than

Khi màn hình tắt

Ánh sáng cũng theo chân

Chìm đắm bao nhiêu năm

Để giờ ngắm thân ta điêu tàn.

Câu chuyện về sự ra đi của người bạn dựng phim ở tuổi 31 một lần nữa như hồi chuông cảnh tỉnh tới tất cả chúng ta, nhắc nhở chúng ta rằng: “Thật ra con người ai cũng có giới hạn của mình, bạn cũng không còn trẻ và khỏe như bạn nghĩ đâu”. Sức khỏe của chúng ta mong manh lắm các bạn ạ. Chúng ta đâu muốn rơi vào cái vòng luẩn quẩn của việc kiếm tiền – rồi lại mang tiền đi chữa bệnh phải không? Bạn hãy sớm tỉnh ngộ và có một kế hoạch chăm sóc đường dài hơn cho chính bản thân mình nhé!

Theo X

Bình luận Facebook