Làm mới mình mỗi ngày
Tôi và anh biết nhau qua từng con chữ trên các tờ báo văn chương trong các sách vở… Những con chữ nhỏ li ti như đàn kiến đi từ con tim khối óc của chính mình bò ra. Vì vậy những con chữ khi ra gặp ánh sáng nó bỗng vui buồn và có số phận. Những con chữ liền cựa quậy cười khóc và mang bóng hình con người.
Tôi và anh quen nhau qua từng hơi thở và cử chỉ. Anh hay cười và tôi hay buồn. Anh hay cười khi gặp bạn bè thân thiết và mọi người quen biết. Còn tôi hay buồn là vì tôi và cho chính tôi. Cười và buồn đều đi từ chân tay, đi từ da thịt của mỗi người. Cười và buồn làm nên lưng vốn cho niềm đam mê sáng tạo thi ca. Đằm thắm cho anh và nhẹ nhạt cho tôi.
Tôi và anh gần nhau qua từng công việc. Anh hay lo và tôi hay quên. Anh hay lo cho tất cả mọi người, trong từng công việc. Còn tôi hay quên… chỉ quên riêng mình tôi thôi. Lo và quên chỉ là những thói quen như khi ta đi ra ngoài đường nhớ đội mũ và đi dép. Phàm những gì đã trở thành thói quen rất khó thay đổi.
Thế rồi, tôi xa anh kể từ lúc mùa màng thất bát (thất bát là do chính mình chứ đừng đổ tại trời). Nỗi niềm thiếu hụt khiến tôi hoang mang cáu náu lên tận trời. Và điều đó đã khiến tôi giận nhầm anh. Rằng anh không ủng hộ tôi. Rằng anh coi thường tôi… Con người hiểu nhầm không có tội, nhưng có lỗi. Có lỗi thì cần phải sửa cho ngay ngắn. Người Nga họ nói thế này: “Học tập trên sự lỗi lầm” đó sao. Người Tày chúng tôi cũng nói: “Nếu nó hỏng thì sửa”, “Nếu mày nhầm thì làm lại”. Chỉ sợ biết hỏng mà không sửa, biết nhầm mà không làm lại. Nếu không đấy là giống bò bị ong đốt mà ngơ ngơ không biết đau.
Thời gian đi nhanh như nai chạy trên rừng. Những mùa lá theo nhau rụng rơi. Những mùa hoa nhút nhoài lại về. Bất giác, tôi trông anh hình như… hao hụt. Tôi trông tôi… chút choáng mờ nhạt. Nhìn một thành hai thành ba.
Chúng ta chẳng còn nhiều ngày giờ tự ái vặt. Chẳng còn nhiều năm tháng tãi bày gan ruột. Tất cả thắng thua đều vớ vẩn, không một chút ý nghĩa. Nem công chả phượng lúc này không bằng một bát canh rau ngải nghi ngút khói.
Tôi bỗng thấy mình thấp xuống một cách thảm hại. Thấp xuống gần bằng bó củi tạp. Bó củi tạp nham chóng mủn. Màu tạp nham lem luốc đã che lấp khuôn mặt sạch của mình.
Khuôn mặt tôi buồn xạm nâu thâm niên, nay thêm lỗi lầm mông mốc. Ôi! Nỗi niềm bất đắc chí cỏn con hữu danh vô thực. Văn chương làm chốn đi về, làm nơi tụ hội đàm đạo, làm nơi chia sẻ. Văn chương đẹp nhường ấy, cuộc đời cần nhau như chính nó. Vậy thôi. Văn chương có quyền bính gì đâu mà mặt nặng mặt nhẹ. Văn chương có bổ béo gì đâu nóng lạnh tình người. Văn chương là văn chương vậy thôi. Than ôi! Thế này thôi sao? Không. Văn chương không chỉ là văn chương, nó là cái cớ để tình người thấu hiểu, là tấm lòng bạn hữu nghĩ về nhau, nhớ về nhau, thương về nhau. Tiền nhân để lại biết bao lời hay ý đẹp về tình bạn. Ngay vào chương học nhi Không Tử đã nói về tình bè bạn “…Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạ hồ”. Có bạn từ phương xa đến, chẳng vui thích sao. Nay tôi xin nhái lại. Nhờ thi ca mà chúng mình từ muôn phương tìm đến kết giao bè bạn, chẳng vui thích lắm sao?
Còn thế nào nữa. Mẹ tôi nhiều lần dạy: Con ơi! Nếu muốn sống cho ra con người tử tế thì đừng chạy ra mũi kiếm. Hãy lui vào đằng chuôi cho bình an nghe con.
Minh họa: Lê Tâm. |
Cha tôi cũng dạy: Hồi đầu thị ngạn con ạ! Quay đầu là bờ. Nếu con cứ một mực cố chấp, rồi dong thuyền ra xa, thì lại càng xa với đạo lý làm người. Làm người bình thường đã khó, làm bạn tri giao lại càng khó.
Còn người bạn thân nhắc nhở tôi: Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Núi là nơi mẹ ngồi tựa và đẻ ra tôi. Núi là nơi dìu tôi lớn lên. Và núi bỗng trở thành bãi thử cuộc đời của mình. Và tôi đã nhiều lần leo núi thất bại. Thất bại, song tôi đã cố gắng gượng đứng dậy làm lại. Tôi không ví mình như con dã tràng xe cát. Tôi không ví mình với gì cả. Tôi là tôi. Thế thôi.
Tôi và núi thân nhau từ khi lên tám chín. Tôi ở đâu thì núi đứng đó. Tôi gọi, núi trả lời. Tiếng núi ầm vang truyền đi, truyền đi, truyền đi… xa ngái. Tôi ngủ thì núi gọi mây ùn ùn kéo về làm chăn đắp lên người. Vậy là núi trở thành mẹ tôi. Khi mẹ mất, núi chính là người chị gái tôi. Ngày chị gái mất, núi trong tôi cũng… nhòa mờ vì nước mắt. Tôi chỉ còn tình bè bạn.
Nay tôi nhìn thấy lưng anh chùng xuống, gần lắm rồi. Tấm lưng ấy từng đi qua bao cuộc chiến tranh ác liệt. Có nhiều lúc tưởng mình không còn sống để nhìn thấy ngày chiến thắng. Ấy là những lúc chúng mình còn khỏe thì nghĩ thế. Khi đó chúng mình cùng mặc áo ka ki xanh lá cây, đeo ba lô có ba con cóc. Trong con cóc có nhiều tập thơ tình. Tôi và anh từng khóc cho những mối tình mãi mãi không thành đôi.
Những ngày sắp tới sẽ chín mòn chín mỏi. Chín như lúa ngoài đồng. Chín như ngô trên nương. Chín như khoai ruộng cạn. Chín như chuối cả buồng… Chúng mình cùng ra đồng thu hái kẻo muộn. Muộn là không kịp ăn. Không kịp hưởng niềm vui của những người lương thiện.
Cổ nhân dạy: Thất thập nhi tòng tâm sở dục. Người bảy mươi xưa nay muốn gì cứ việc… Khoan! Còn một vế nữa. Bất du củ. Nghĩa là không vượt quá giới hạn của lề thói khuôn phép người đời. Cổ nhân dạy toàn những lời vàng ý ngọc. Sao ta có thể dửng dưng bỏ qua mà không học cổ nhân.
Nay anh bảy mươi có đuôi. Tôi cũng đang dập dềnh đến đó. Cuộc đời mình ngắn ngang phiên chợ. Nay tất cả đều đã chiều. Con cá mớ rau nếu còn thì cũng bắt đầu héo úa. Người ta bảo đấy là quy luật. Không ai cưỡng lại cái vòng xoáy nghiệt ngã cuộc đời. Tôi đã về chợ. Còn anh thì chưa. Về hay còn đâu có gì quan trọng. Nhân sinh thất thập… là bấy nhiêu lời lãi lớn.
Thế đấy. Đêm đã sâu và đang rất xanh. Đêm vỗ cánh năm canh lin lít. Lúc này đà mấy rưỡi sáng? Người nhà tôi túc tắc gọi nhau dậy đánh răng rửa mặt. Nào! Ta cùng nhau bước ra ánh sáng đón một ngày mới. Ánh sáng sẽ chan hòa lên khắp người mình. Ánh sáng làm mới mình mỗi ngày.