Tháng 3/1948, Báo Văn nghệ xuất bản số đầu tiên. Tháng 7, Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập, nhà văn Nguyễn Tuân được bầu làm Tổng thư ký đầu tiên của Hội. Văn Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Nam Cao, Tố Hữu, Trần Văn Cẩn, Ngô Tất Tố… về công tác tại báo. Số báo đầu tiên do Văn Cao trình bày có in bản nhạc “Sông Lô” của ông.
Trong một lần gặp Văn Cao, đồng chí Lê Đức Thọ (lúc đó là Trưởng ban Tổ chức Trung ương) hỏi: “Văn Cao đã vào Đảng chưa? Ai giới thiệu?”. “Tôi vào Đảng do anh Trần Danh Tuyên kết nạp tháng 3/1946”. Văn Cao kể: Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Báo Độc lập ra công khai và được in tại nhà in Rạng Đông cùng với Báo Lao động. Văn Cao chịu trách nhiệm trình bày và sửa maket. Không lâu sau ông được điều về Tổng liên đoàn Lao động do ông Trần Danh Tuyên phụ trách và được cử sang hoạt động tại công đoàn ngành hỏa xa, ông vừa làm báo vừa huấn luyện tự vệ cho công nhân.
Đầu năm 1946, Văn Cao phụ trách một chuyến tàu chở tiền bạc và vũ khí cho mặt trận miền Nam. Tàu vào tới Quảng Ngãi, Văn Cao bàn giao cho người đại diện của Mặt trận miền là bà Nguyễn Thị Định tiếp nhận. Nửa tháng sau Văn Cao mới trở ra Hà Nội. Văn Cao đến tòa soạn Báo Lao động tại phố Hàng Bồ báo cáo công việc cho ông Trần Danh Tuyên. Sau đó ông Trần Danh Tuyên tiễn Văn Cao ra đường. Chiếc xe đạp của Văn Cao dựng bên cột điện trước cửa tòa soạn.
Văn Cao từ biệt định đi, bất chợt Trần Danh Tuyên hỏi: “Văn Cao đã vào Đảng chưa?”. Văn Cao trả lời: “Tôi chưa được kết nạp”. Trần Danh Tuyên thoáng một chút ngạc nhiên rồi nghiêm giọng nói: “Vậy thì kể từ hôm nay, thay mặt tổ chức, tôi tuyên bố kết nạp anh vào Đảng…”.
Các văn nghệ sĩ dự Hội nghị Chấp hành mở rộng Hội Văn nghệ Việt Nam tại Việt Bắc tháng 3/1951. Từ phải sang, hàng trước: Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi. Hàng sau: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Học Phi, Nguyễn Đỗ Cung. Ảnh: Trần Văn Lưu
Văn Cao kể xong, đồng chí Lê Đức Thọ cau mày bảo: “Anh Tuyên kết nạp cậu thế là sai nguyên tắc, không đúng với quy định trong điều lệ của Đảng, phải làm lễ kết nạp lại”.
Ngày 1/5/1948, Văn Cao, Kim Lân, Ngô Tất Tố cùng được kết nạp Đảng tại chiến khu Việt Bắc. Kỷ niệm này thật khó quên với Văn Cao và Kim Lân. Sống và làm việc cùng nhau ở Báo Văn nghệ trong nhiều năm của cuộc kháng chiến, tình bạn thân thiết giữa hai người ngày một sâu đậm.
Cuối năm 1951, Nguyễn Tuân và Kim Lân được cử đi thực tế về vùng địch hậu lấy tư liệu viết bài về thuế nông nghiệp. Nguyễn Tuân ốm, Nam Cao xin đi thay vì ông cũng muốn tranh thủ tạt về quê thăm gia đình ở Nam Định. Kim Lân cùng Nam Cao bịn rịn chia tay mọi người trong cơ quan Báo Văn nghệ đóng tại cây số 7 Tuyên Quang. Hai người đi bộ đến bến Bình Ca bên dòng sông Lô rồi chia tay nhau. Nam Cao đi về hướng Nam Định. Kim Lân đâu có ngờ đây là lần chia tay cuối cùng với Nam Cao. Kim Lân qua sông Lô về an toàn khu Yên Dũng, Bắc Giang. Sau khi liên hệ với cơ sở ở địa phương, Kim Lân được một người liên lạc dẫn đường đưa đi. Đêm cuối tháng, trời không trăng sao, hai người đến sông Cầu.
Trước khi bơi qua sông, Kim Lân cẩn thận nhét tờ giấy giới thiệu vào giữa bánh thuốc lào rồi cởi quần áo gói lại cẩn thận vào tấm vải mưa làm phao bơi. Phía bên kia sông là địa phận làng Nội Doi thuộc Quế Võ, Bắc Ninh, nằm trong vùng địch tạm chiếm, vì thế bọn Pháp thường xuyên phục kích để bắt cán bộ của ta. Kim Lân lặng lẽ bơi qua sông tránh không gây ra tiếng động. Đêm vẫn tối đen, bơi mãi rồi cũng sang tới bờ. Kim Lân nằm vật dưới chân để thở và đợi người liên lạc. Một lúc lâu vẫn không thấy bóng dáng người liên lạc đâu, Kim Lân lo lắng và có một cảm giác bất an. Liệu có phải anh ta bị chuột rút rồi chết đuối không?
Bất chợt Kim Lân ngửi thấy mùi thuốc lá, ông giật mình ngước lên quan sát. Cách chỗ ông nằm không xa là một điếm canh đê, từ nơi đó có ánh lửa lập lòe của đầu thuốc. Có địch phục kích trên đê rồi! Kim Lân nhẹ nhàng trườn vội xuống sông, kéo một đống bèo tây phủ lên người. Ông cứ nằm như vậy qua mấy canh giờ ngâm mình trong nước, toàn thân lạnh buốt. Quá nửa đêm, toán lính Pháp mới rời đi. Lát sau Kim Lân mới bò lên đê, mặc vội quần áo.
Nếu theo kế hoạch, người liên lạc sẽ đưa ông về công tác tại làng Yên Giả là một làng chiến đấu nằm trong lòng địch thuộc huyện Quế Võ, Bắc Ninh gần quê ông. Không có người dẫn đường, biết đi đâu đây? Sau một hồi suy nghĩ, Kim Lân quyết định lần về Phù Lưu, Từ Sơn quê ông. Lần mò cả đêm, vừa đi vừa nghe ngóng, mãi gần sáng ông mới về đến cánh đồng Phù Lưu. Linh cảm có địch phục kích, Kim Lân nằm lại trong một ruộng ngô ngoài đồng đợi đến sáng, mọi người đi làm đồng ông mới lẩn vào làng.
Ba tháng sau, Kim Lân trở về cơ quan. Mọi người ùa ra vui sướng ôm chầm lấy ông, tíu tít hỏi thăm. Kim Lân cười: “Tớ mà không lẩn nhanh thì đã bị địch tóm sống rồi…”. Kim Lân kể lại cho mọi người nghe chuyện rơi vào ổ phục kích của giặc và ông đã thoát được ra sao… Kim Lân nhìn quanh rồi hỏi “Nam Cao đâu?”. Mọi người lặng đi. Nguyễn Huy Tưởng buồn bã: “Nam Cao hy sinh rồi!” Kim Lân loạng choạng buông người xuống ghế, thân hình nhỏ bé của ông co rúm lại, hai hàng nước mắt chảy rơi trên khuôn mặt gầy gò ốm yếu.
Nam Cao hy sinh ngày 30/11/1951 tại Gia Viễn, Ninh Bình. Mãi sau này khi đi tìm mộ của Nam Cao, gặp lại một người dân chứng kiến việc Nam Cao bị sát hại kể lại, Nam Cao cùng một số người đi đò vượt qua một cánh đồng chiêm trũng vào vùng địch tạm chiếm rạng sáng ngày hôm đó. Khi đò cập bến, mọi người lên đê rồi nhanh chóng tản đi trong bóng đêm nhập nhoạng lúc trời gần sáng, riêng Nam Cao vẫn ngơ ngác đứng trên đê đợi người dẫn đường. Bất chợt rộ lên một tràng súng nổ, rồi một toán lính xì xồ la hét ùa ra. Nam Cao bị bắt giải vào làng, ông bị tra tấn dã man rồi bị địch đem ra đầu làng bắn chết ngay buổi sáng hôm đó trước sự chứng kiến của những người dân trong làng. Điều kỳ lạ, ngôi làng nơi Nam Cao hy sinh cũng có tên là Đại Hoàng, cùng tên với làng quê ông.
Sau ngày giải phóng Thủ đô, Văn Cao, Nguyễn Tuân, Kim Lân, Nguyễn Huy Tưởng cùng những người đã làm Báo Văn nghệ kháng chiến trở về Hà Nội. Tuy mỗi người một việc, trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống nhưng họ vẫn thân nhau và thường đến thăm nhau.
Kim Lân nhà ở xóm Hạ Hồi, một xóm nhỏ yên tĩnh giữa lòng thành phố gần hồ Thiền Quang. Ông sống lặng lẽ, giản dị và thu mình lại trong căn nhà nhỏ cùng vợ và 7 người con. Cuộc sống vất vả thiếu thốn đủ bề, ngoài đồng lương ít ỏi của thời bao cấp, hầu như ông không có thu nhập nào thêm. Tất cả đều trông vào vợ, một người phụ nữ đảm đang tần tảo lo toan cuộc sống cho cả gia đình. Kim Lân kính trọng và biết ơn vợ. Ông không viết báo và cũng không viết văn để kiếm đồng nhuận bút còm khiến nhiều người không hiểu cho ông là người gàn dở, “đói bỏ mẹ còn sĩ diện”.
Nghe vậy, ông chỉ cười, một nụ cười tội nghiệp trên khuôn mặt khắc khổ và cam chịu. Tuy nhiên, căn nhà nhỏ của ông vẫn là điểm tụ hội của những người bạn tâm đắc mà ông luôn yêu quý và tôn trọng như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái… Họ chơi với nhau, kính trọng nhau bằng tài năng và nhân cách. Mỗi lần gặp nhau bên chén rượu, chén trà là những cuộc trao đổi về nghệ thuật. Họ đọc cho nhau nghe, cho nhau xem những sáng tác mới, đôi khi họ cũng cãi nhau tranh luận với nhau để bảo vệ quan điểm cá nhân.
Kim Lân không cho con mình theo nghiệp viết văn của ông. Ông yêu hội họa hiểu biết sâu sắc về hội họa. Ông chơi thân với nhiều hoạ sĩ nổi tiếng, vì thế nên ông khuyến khích động viên các con theo nghiệp vẽ. 7 người con thì 6 người là họa sĩ, trong đó nổi danh là Nguyễn Thị Hiền và Thành Chương. Hai người đều cùng học khóa sơ trung cấp đầu tiên của Trường Mỹ thuật Yết Kiêu. Không chỉ học các thầy ở trường, Hiền và Chương còn thường xuyên theo bố mang tranh đến nhà Văn Cao để ông nhận xét, góp ý và chỉ dẫn. Sau này Nguyễn Thị Hiền và Thành Chương trở thành những họa sĩ có tên tuổi, tạo lập được phong cách riêng, có nhiều đóng góp trong nền mỹ thuật đương đại của Việt Nam.
Ngoài văn chương, Kim Lân còn để lại là những vai diễn. Đó là những vai diễn như: Pụ Pạng trong phim “Vợ chồng A Phủ”; Lão Pẩu trong phim “Con Vá”; Lý Cựu trong phim “Chị Dậu”; Cụ lang Tâm trong phim “Hà Nội mười hai ngày đêm”; Lão Hạc trong “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến từng thốt lên: “Không quá một chút nào, bằng vai Lão Hạc trong “Làng Vũ Đại ngày ấy”, cụ Kim Lân xứng đáng là nhà văn đóng phim hay nhất mọi thời đại ở ta từ xưa đến nay. Cụ đóng cứ như không. Tài ơi là tài!”. Lão Hạc đã trở thành tên phụ của Kim Lân. Đi đến đâu, gặp ông mọi người đều thốt lên: “Lão Hạc! Đúng Lão Hạc đây rồi”.
Lão Hạc như một nén nhang thành kính của Kim Lân thay mọi người để tưởng nhớ người bạn của mình: nhà văn Nam Cao. Trong một cuộc rượu tại nhà, không có Kim Lân, chỉ có Nguyễn Tuân và đạo diễn Phạm Văn Khoa, Văn Cao nói: “Có một Lão Hạc của Nam Cao và cũng có một Lão Hạc của Kim Lân”.
Nguồn Văn Thao (CAND)