Không thể nào lỡ lấm thì cho lem luôn
Ai sống ở đời mà không bị lấm bùn nhơ. Khác nhau là người nhiều người ít mà thôi. Vậy mà người đời lại có quan niệm khác nhau khi lấm bùn. Người còn duyên phước thì lấm bùn liền tìm nước trong mà rửa. Người thiếu phước duyên thì mặc, lỡ lấm rồi cho lem luôn.
Có một người đi chơi với bộ trang phục rất đẹp, chẳng may giữa đường gặp trời mưa to. Sau cơn mưa đường sá lầy lội, người kia sợ bị lấm, hết sức cẩn thận đi tránh xa những nơi bùn dơ nước đọng. Không ngờ trong một lúc vô ý, người kia sẩy chân bước vào vũng bùn. Thấy chân đã bị lấm, người kia không còn ngần ngại nữa, tự nhủ thầm:
– Dẫu sao chân ta cũng đã lấm bùn, vậy còn phải tránh bùn làm chi nữa.Thế là người đó cứ giẫm bừa vào bùn mà đi mặc cho quần áo, chân tay vấy đầy bùn dơ nước bẩn. Những người đi đường thấy thế hỏi:
– Sao anh không tìm chỗ sạch sẽ mà đi, lại đi bừa vào chỗ dơ như thế?
Người kia đáp:
– Chân tôi đã lấm bùn rồi, có lấm thêm nữa cũng không sao.
Nghe anh ta nói vậy, ai cũng lắc đầu cười chê. Có người bảo:
– Chân bẩn ít không muốn, lại muốn bẩn nhiều. Sao không tìm nước mà rửa chân cho sạch?
Người kia nghe nói chợt tỉnh ra.
(Theo Truyện Ngụ ngôn)
Bài học đạo lý:
Ai sống ở đời mà không bị lấm bùn nhơ. Khác nhau là người nhiều người ít mà thôi. Vậy mà người đời lại có quan niệm khác nhau khi lấm bùn. Người còn duyên phước thì lấm bùn liền tìm nước trong mà rửa. Người thiếu phước duyên thì mặc, lỡ lấm rồi cho lem luôn.
Người học Phật thì thấy rõ ràng bản chất của con người và cuộc đời. Bản chất thì sinh trong cõi Dục nên nhiễm ô, phiền não là tất yếu. Vấn đề là biết lấm dơ thì tìm cách gội rửa. Như hoa sen sinh ra trong bùn mà cố vươn lên, đi về phía mặt trời. Nhờ vậy mà hóa thân thành liên hoa rực rỡ.
Còn người lỡ lấm rồi cho lem luôn thì phải gấp gấp nhận ra “quay đầu là bờ”. Không hề có sự bế tắc, không bao giờ cùng đường tuyệt lộ. Cho dẫu địa ngục đi chăng nữa thì cũng có ngày trồi lên. Nên lỡ lấm bùn thì dừng lại, quay ngược dòng làm sạch thân tâm, hướng thiện trong khả năng có thể. “Có còn hơn không”, “ngã ở đâu thì chống ở đó mà đứng dậy”, không tự buông xuôi, không đi vào vết xe đổ nữa chính là tuệ giác lớn, đại nguyện đại hùng đại lực.
sưu tầm