KHÔNG PHẢI AI CŨNG ĐỦ MAY MẮN

Hoá ra cuộc sống của con người cũng không giản đơn như người ta thường nói, cũng không phải ai cũng đủ may mắn…

***

Kết quả hình ảnh cho may mắn

Anh 28 tuổi, vừa lấy vợ chưa được một năm, hai người còn đang kế hoạch năm tới sẽ có em bé. Là người có khả năng kiếm tiền nhất trong nhà, anh gánh vác kinh tế cho cả gia đình, họ hàng. Ngày nọ chị thấy anh mang về một chiếc xe phân khối lớn, ước mơ bao lâu của anh cuối cùng cũng thành hiện thực, chị cũng hạnh phúc cho anh dù lòng có chút ghen tị với chiếc xe chồng mình chăm hơn cả chăm vợ. Anh chạy xe chưa được một tuần thì xe hỏng, hỏng vì gặp tai nạn trên đường. Ngày chị qua nhận lại xe mà khóc ngất, từng vệt buồn lăn đều trên khuôn mặt người phụ nữ đã xác xơ mấy tháng trời. Xe đã đưa về đến nhà nhưng giờ còn ai chạy và chăm sóc nó nữa đâu?

Cậu là con một, vừa đỗ đại học, á khoa một trường danh tiếng, cùng lúc ấy 2 trường đại học ở Mỹ cũng đồng ý trao học bổng toàn phần cho cậu. Bố mẹ cậu hạnh phúc và tự hào khôn siết, chạy đi khoe khắp nơi. Mẹ bảo cậu thích gì mẹ cũng cho, cậu rúc vào lòng mẹ thủ thỉ: “Con muốn tự chạy xe đi xuyên Việt một tháng.” Mẹ cậu không an tâm nhưng vẫn gật đầu. Mỗi nơi cậu đi qua, cậu đều chụp hình và gửi về cho bố mẹ, hai ông bà già đến khổ sở vì lo lắng đếm ngược từng ngày qua những bức hình cậu con trai gửi, thế rồi cũng đến ngày cậu đặt chân đến Mũi Cà Mau. Cậu xin phép bố mẹ ở lại Sài Gòn chơi 2 hôm rồi sẽ bay về, xe máy cậu gửi theo tàu ra trước. Đêm Sài Gòn vui lắm, cậu uống rượu say rồi mắc cảm, mẹ bảo vào viện nhưng cậu cười xoà không sao. Ngày xe gửi ra đến ga Hà Nội mà chẳng ai ra nhận, cả nhà cậu bay vào Sài Gòn hết cả. Đến giờ đã gần 20 năm rồi, người ta vẫn thấy mẹ cậu thỉnh thoảng ngồi một mình trước hiên nhà, tự hào kể chuyện với ai chẳng biết, rằng con trai bà vừa đỗ á khoa một trường đại học danh tiếng và dành được hai suất học bổng của Mỹ ra sao.

Con ngõ nhỏ dẫn về nhà quanh co và hẹp, chưa mắc đèn nên tối om, bé vốn sợ bóng tối mà vì hôm nay ba đi công tác về nên bé vẫn mon men ra tận đầu ngõ đón. Ba làm công nhân theo công trình đi khắp nơi, nhưng ba thường xuyên viết thư gửi về cho bé. Bé thích đọc thư tay ba viết, rồi bé cũng viết thư tay lại gửi cho ba. Bé kể ba nghe về má, về con mèo lười trên bếp, về đàn gà mới nở, về cây trái trong vườn. Ba viết cho bé không nhiều, nhưng kết thư lúc nào cũng có 3 từ: “Ba thương con!”. Mỗi lần ba về bé đều ra đón ba vậy cả, ba sẽ ôm bé vào lòng, hôn lên trán rồi đặt bé ngồi lên đôi vai lực lưỡng của ba. Hôm nay bé vừa đi vừa tưởng tượng ra hơi ấm của ba, vừa nghĩ về nụ hôn của ba, vừa tự thủ thỉ trong đầu câu “Con cũng thương ba lắm!”, thế là bóng tối không còn đáng sợ, nhưng bé chờ mãi, chờ mãi mà ba không về. Má từ đâu chạy đến cầm tay bé, mắt má đỏ hoe:

– Về ngủ thôi con! Mai còn đến trường. Hôm nay ba về muộn. Ba hứa sẽ hôn con khi ba về.
Bé dạ nhẹ một tiếng rồi theo má về, ngang qua nhà chú Tư nghe cái đài lè rè đưa tin có chuyến xe khách từ công trường về huyện gặp nạn không còn ai sống sót.

Hoá ra cuộc sống của con người cũng không giản đơn như người ta thường nói, cũng không phải ai cũng đủ may mắn để trải qua câu chuyện “sinh, lão, bệnh, tử” như ai đó vẫn thường kể nhỏ vào tai nhau. Mọi chuyện đều có thể xảy ra và có nhiều khi ta chỉ biết lặng nhìn những thương yêu ra đi mà bất lực không thể làm được gì.

Mẹ bảo con yêu ai thì con cứ nói, con quan tâm ai thì hãy cứ thể hiện cho họ thấy, dù họ có đáp lại hay không, dù họ cảm động hay chỉ nhìn con như một sự phiền nhiễu, thì đừng ngại bày tỏ yêu thương khi còn có thể, phiền nhiễu đến mấy cũng vẫn là yêu thương. Thế là con nói ngay rằng con yêu mẹ.

Cuộc đời chẳng có gì là mãi mãi, nhưng ta luôn có thể tạo ra những khoảnh khắc mãi mãi trong cuộc đời khi còn bên nhau.

S.T

Bình luận Facebook