Không ít nhà văn Việt Nam khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông từng học dốt môn Văn, thậm chí có người còn trượt tốt nghiệp vì điểm Văn không đạt. Thế nhưng sau này, trên bước đường văn chương, họ lại gặt hái rất nhiều thành công.
Không ít trong số nhà văn này có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa và tác giả sở hữu nhiều giải thưởng văn học danh giá, từ Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng ASEAN đến Giải thưởng Hồ Chí Minh…
Nhà văn Đỗ Chu và nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Giành giải Nhất văn chương ngay sau khi thi trượt môn Văn
Thời trẻ, nhà văn Đỗ Chu (tên thật là Chu Bá Bình) vốn đã rất lãng mạn, chính vì thế ông không thể chịu nổi cách dạy môn Văn bó buộc trong trường học. Năm cuối trường cấp 3 Hàn Thuyên (tỉnh Bắc Ninh), thi tốt nghiệp đến gần mà Đỗ Chu vẫn không thể tập trung ôn thi được, kết quả là kỳ thi năm đó (năm 1962) ông bị đánh trượt, mà lại trượt vì điểm môn Văn dưới mức trung bình. Trong khi bạn bè cùng trang lứa đỗ vào các trường đại học thì Đỗ Chu ngậm ngùi ngồi học lại.
Trong lúc “chán đời”, Đỗ Chu ngồi viết những trang văn đầu tay của đời mình trong một căn gác xép ọp ẹp, một ngọn đèn dầu leo lét và đàn muỗi đói bay loạn xạ. Viết xong tùy bút “Ao làng”, ông đưa bản thảo chép tay cho người đang phụ trách tờ báo tường của trường nhưng bị từ chối với lý do: “Ủy mị, không dùng được!”. Đỗ Chu bèn đánh liều gửi đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội và đã được đăng ngay.
Sau đó chương trình “Đọc truyện đêm khuya” của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã sử dụng lại “Ao làng” của Đỗ Chu để đọc trên sóng phát thanh. Được đăng tải và phát thanh trên báo, đài lớn như vậy nên Đỗ Chu được cả nước biết tiếng. Sau đó, Đỗ Chu viết liền một mạch 3 truyện ngắn rồi gửi đến dự cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức.
Mùa hè năm 1963, thi lại tốt nghiệp phổ thông xong, Đỗ Chu lên đường nhập ngũ và được phân về Cục Chính trị, Quân chủng Phòng không không quân. Cuối năm đó, truyện ngắn “Hương cỏ mật” giành giải Nhất cuộc thi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, anh lính 6 tháng tuổi quân Đỗ Chu từ đơn vị về Hà Nội nhận giải.
Ít lâu sau, Đỗ Chu được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, khi mới 23 tuổi và trở thành “hiện tượng” trên văn đàn Việt Nam lúc bấy giờ. Trong buổi tọa đàm “Truyện ngắn Việt Nam từ Nguyễn Khải đến Đỗ Chu” do trường Đại học Tổng hợp Hà Nội phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, Đỗ Chu xuất hiện với tư cách nhà văn ngồi nói chuyện với các bạn bè cũ của mình (đang là sinh viên năm ba) ngày nào thi đỗ đại học, trong khi ông thì bị rớt phổ thông.
Mười năm trong quân ngũ, từ năm 1963 đến năm 1974, Đỗ Chu được thỏa sức đi, sống và viết. Những trang văn thời kỳ này được ông viết trên hòm đạn, bệ pháo, góc đường băng quân sự, trong những căn hầm, những hang đá dọc Trường Sơn… Suốt đời văn của mình, Đỗ Chu luôn tâm niệm một điều: “Viết nhiều là quý nhưng phải hay. Viết nhiều mà không hay thì thà viết ít, thậm chí đừng viết. Dấu hiệu của tài năng còn là ở chỗ tự biết mình đến lúc nào không hay thì đừng viết nữa”.
So với các nhà văn cùng thời, Đỗ Chu có khối lượng tác phẩm không đồ sộ, nhưng ông được trao nhiều giải thưởng lớn như: Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2002), Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2004 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật năm 2012.
Không phải cứ “văn hay chữ tốt” mới thành nhà văn
Học sinh cấp 2, cấp 3 chúng ta đã được biết đến tên tuổi nhà văn Nguyễn Quang Sáng qua những tác phẩm “Chiếc lược ngà”, “Quán rượu người câm” cùng những truyện ngắn trong phần đọc thêm như: “Con gà trống”, “Tiếng chày giã gạo”… Vì thế trong tưởng tượng của nhiều người, nhà văn hẳn phải là người văn hay chữ tốt ngay từ nhỏ.
Thế nhưng, Nguyễn Quang Sáng lập tức phủ nhận: “Đâu có, đâu có. Nói cho trung thực, hồi nhỏ tui học dốt môn Văn lắm. Tui còn nhớ một bài làm văn của mình chỉ được 0,5/20 điểm. Tui dốt văn không phải do thầy dạy dở mà do mình không chú tâm học”. Sau này, nhiều bạn bè học cũ biết ông Nguyễn Quang Sáng thành nhà văn, có người đã ngạc nhiên thốt lên: “Thằng Sáng mà cũng viết được văn, kỳ vậy ta!”.
Nguyên do Nguyễn Quang Sáng trở thành nhà văn được ông trả lời thật đơn giản: “Chính cuộc sống thôi thúc mình cầm bút viết cái gì đó cho đỡ buồn phiền”. Nhưng ông cũng nói thêm: “Nhà văn khác với người thường là nhờ bản năng trong người, ví dụ cũng chứng kiến một sự việc như bao người khác nhưng anh nhà văn lại bị thôi thúc bởi bản năng trong người mà cầm bút”.
Và ông tự chiêm nghiệm rằng học giỏi văn không liên hệ gì đến danh phận nhà văn sau này, điều quyết định thành nhà văn hay không quan trọng nhất là trí tưởng tượng và cuối cùng là hành động viết, vì không viết sao thành tác phẩm được dù nhiều người mơ mộng, tưởng tượng còn hơn cả nhà văn.
Khi còn sống, nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng kể về những “hệ lụy” mà con trai ông (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) gặp phải khi còn học phổ thông. Các thầy cô dạy văn biết phụ huynh Nguyễn Quang Sáng là nhà văn có tác phẩm trong sách giáo khoa nên thường mời ông lên than phiền: “Ông là nhà văn mà con ông học văn dở ẹc!”. Bị than nhiều quá, nhà văn bực mình hỏi vặn lại: “Cháu nó viết bài theo ý nó hay theo ý cô? Theo ý cô thì giỏi, còn theo ý nó là dở à?”.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho rằng dạy văn theo lối đóng khung, chia một bài văn thành nhiều thang điểm… là trói buộc trí tưởng tượng của học trò. Vì rằng học các môn khoa học tự nhiên, nhất là môn Toán người ta cũng cần trí tưởng tượng vậy thì một bài văn, thơ hay cũng phải để người học hiểu các nghĩa khác nhau của nó.
Gia tài văn học của Nguyễn Quang Sáng gồm hơn 30 đầu sách, ông đã nhận nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh.
sưu tầm