Khó, dễ Nguyễn Tuân

Ông là người viết về phở như một “miếng ăn kì diệu” với nhận xét trứ danh: Phở ăn giờ nào trong ngày cũng trôi, một ngày ăn vài bát cũng bình thường, ăn mùa nào trong năm cũng có nghĩa thâm thúy…Thế nhưng ngoài đời, Nguyễn Tuân không phải người quá nghiền phở. Song ông cũng thấu đáo và kỹ tính y như trong văn chương.

Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân với mùa xuân Hà Nội. Ảnh: Huỳnh Kim Đáng

Đó là nhận xét của con trai nhà văn Nguyễn Tuân, GS.TS Nguyễn Xuân Đào, nguyên Viện trưởng Viện khoa học công nghệ Bộ Giao thông Vận tải. Giáo sư còn lưu giữ nhiều kỷ niệm về người cha nổi tiếng của mình trong cuộc sống đời thường.

Thích đào phai, lan vàng

Như nhiều văn nhân, Nguyễn Tuân là người yêu hoa nhưng không phải hoa nào cũng yêu. Ông yêu thích một cách có chọn lọc và theo cách riêng: “Tết nào ông cũng mang về một cành lan ở Ngọc Hà, chơi từ trước tết đến sau tết. Cụ thích lan màu vàng”, GS Nguyễn Xuân Đào cho biết. Thú chơi lan của Nguyễn Tuân được thừa hưởng từ thân sinh nhà văn, cụ Nguyễn An Lan (cụ Tú Lan), đỗ tú tài khoa thi Hán cuối cùng, một nhà nho tài tử.

Cũng như các gia đình miền Bắc, nhà văn cũng sắm đào cho ngày tết: “Thường cụ cắm những cành nhỏ. Thời gian khổ của đất nước, làm gì có những cành đào to, chơi sang như thế rất hiếm”, con trai nhà văn tiết lộ. Song ông cũng khẳng định, kể cả Nguyễn Tuân sống trong thời đại hôm nay, có đủ điều kiện ông vẫn không thích những cành đào to ồn ào, “Tính bố tôi như thế, cái gì cũng dung dị, chỉ chọn ở quãng giữa, đừng cái gì thái quá”. Vì thế nên sắc rực rỡ của bích đào không lọt vào mắt nhà văn? Ông chỉ thích đào phai mỏng manh, mơ màng.

Ngày tết, thế nào gia đình nhà văn cũng gói bánh chưng và tự luộc. Vợ nhà văn, một người phụ nữ của phố cổ Hà Nội, tự tay làm bánh, gói bánh theo đúng cách ngày xưa. Mâm cỗ ngày tết của gia đình mang đậm tính truyền thống: Thế nào cũng có món hầm, thường là chân giò hầm măng, có món giò lụa. Tuy viết về ẩm thực vào hạng siêu nhưng Nguyễn Tuân không biết vào bếp, chỉ biết thưởng thức. Và ông không bao giờ chê những món ăn của vợ nấu, cho dù có lúc mặn, nhạt.

Theo GS Nguyễn Xuân Đào: “Giò là món bố tôi thích ăn”. Nhưng cũng theo quan sát của con trai nhà văn, Nguyễn Tuân không ăn tỏi và ngại thịt chó.  Ông cũng không thích mắm tôm, chỉ nhắm rượu với thịt ba chỉ chấm mắm tép. Riêng món phở được ông viết hết sảy: “Phở ăn bất cứ vào giờ nào cũng đều thấy trôi cả. Sớm, trưa, chiều, tối, khuya, lúc nào cũng ăn được.

Trong một ngày ăn thêm một bát phở, cũng như lúc trò chuyện ăn giọng nhau mà pha thêm một ấm trà, cùng thưởng thức với bạn bè”. Ở ngoài đời, nhà văn không nghiện phở đến độ ngày nào cũng phải ăn một bát phở. “Ngày xưa có quán phở trong ngõ nhà 90B2 Trần Hưng Đạo là một trong địa chỉ ưng ý của Nguyễn Tuân”, con trai nhà văn nhớ lại. Nhưng ông cũng không khái tính đến mức chỉ ăn phở ông bà Định, nhà văn còn ăn ở những quán khác cùng bạn bè.

Thân người trẻ, ghét trò trộm cắp

Nguyễn Tuân từng là người ăn mặc diện, thường Com lê, cà vạt, đĩnh đạc. Nhưng khi cả nước khó khăn, nhà văn cũng ăn mặc giản dị như các ông già nông dân với bộ quần áo nâu. Ngày tết, nhà văn ăn mặc trang trọng hơn nhưng vẫn hết sức bình dị.

Vốn là người đông bạn, nên tết cũng là dịp để Nguyễn Tuân gặp gỡ bạn bè như Văn Cao, Bùi Xuân Phái… Họ qua nhà ông ngồi uống rượu và “nhấm nháp chút gì đó”. “Bố tôi không tổ chức nhậu nhẹt ở nhà vì ngày trước điều kiện khó khăn, thêm nữa làm vất vả vợ nhưng bạn thân đến vẫn có rượu để uống, mẹ tôi lại làm cho cái gì đó để nhắm, có khi chỉ là tí dưa hay quả trứng hoặc chả cốm”.

GS Nguyễn Xuân Đào kể tiếp: “Bố tôi là người rất mở. Cụ rất thân với lớp trẻ. Một người bạn sống đến bây giờ là nhà văn Đoàn Minh Tuấn. Anh rất tốt với ông cụ. Nguyễn  Quang Sáng, Nguyễn Duy là lớp trẻ sau này.

Sau thắng Mỹ, thống nhất đất nước, tôi đi thử cường độ đường bộ từ Bắc tới Nam, bố tôi bảo cầm chai rượu đã được đóng bao cẩn thận để đến Huế đưa cho Trịnh Công Sơn. Đó là chai rượu Sấu Giá, rượu lậu nổi tiếng của Sơn Tây khi đó. Nhưng khi đến Huế, Trịnh Công Sơn đi Sài Gòn nên tôi gửi lại người nhà, Sơn hơn tôi một tuổi”.

Thời chống Pháp, bà Nguyễn Tuân có mở một quán nhỏ, bán vài thứ linh tinh như thuốc lá, bánh cuốn… Dạo đó, Nguyễn Xuân Đào mới độ 8, 9 tuổi, chưa đi học, có thó của mẹ ít bao thuốc lá để đổi với bạn bè lấy đồ trẻ con. Từ Việt Bắc trở về nghe được câu chuyện này, Nguyễn Tuân dùng thanh củi nấu bánh chưng dạy con trai, ông đặc biệt ghét những trò trộm cắp.

Đầu năm 1954, Nguyễn Tuân đưa cả gia đình lên Việt Bắc, một mình ông một xe đạp, toàn bộ tài sản của gia đình cho vào bao tải vắt lên xe đạp, ông lái, các con đẩy, đi trong vòng một tuần. Hai bên đường có nhiều cây trái, cậu bé  Xuân Đào định trèo lên hái quả cho chị em, cha nhìn thấy từ đằng xa liền hét: Không được. “May không bị ăn đòn”, GS Đào cười, nói.

Là một nhà văn lớn nhưng Nguyễn Tuân không dạy văn cho các con. Các con cũng không phải là những độc giả đầu tiên thưởng thức tác phẩm của ông. Nhà văn thường sáng tác về đêm và viết khá nhanh, không như người ta đọc văn ông mà đoán định về sự cầu kỳ lẫn chậm chạp khi sinh nở tác phẩm.  Nhưng Nguyễn Tuân là người cha sẵn sàng lắng nghe các con, khi các con mong muốn cha góp ý về câu chữ.

Nguyễn Xuân Đào là người yêu âm nhạc từ nhỏ (ông có một số lượng ca khúc không nhỏ -PV). Hồi đang học lớp 10, nghe tin về cuộc thảm sát Phú Lợi, ở Nam bộ, Nguyễn Xuân Đào viết một ca khúc trong sự xúc động. Nguyễn Tuân  không rành nhạc mới như làn điệu cô đầu nên không nhận xét gì về giai điệu chỉ phê phần lời. Nhà văn bảo con dùng từ “ngút trời” không được. Con trai thấy đúng quá liền sửa. “Căm thù ngút trời thì còn ai sống được nữa”, GS Nguyễn Xuân Đào nói nửa đùa, nửa thật.

Tuy không biết vẽ, nhưng Nguyễn Tuân cảm nhận hội họa cũng tinh như cảm nhận về âm nhạc. Nhận xét của nhà văn thường chuẩn, cho nên được danh họa Bùi Xuân Phái tin tưởng. Mỗi lần vẽ xong tác phẩm, Bùi Xuân Phái thường mang khoe với Nguyễn Tuân. Sau nhiều lần xem tranh Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tuân đưa ra tổng kết sau này người ta vẫn quen dùng nhưng không biết nguồn gốc từ đâu: Phố Phái. Song không phải với ai, nhà văn cũng chơi tận tình và thoải mái như với Bùi Xuân Phái, Văn Cao… Có những người có chức vị cao hẳn hoi, đến thăm ông bằng xe Volga sang trọng khi đó, ngó từ cửa sổ trên tầng ba nhìn xuống, biết là khách không ưa tới thăm, ông lấy tấm bìa cứng, đề “Nguyễn Tuân đi vắng” treo ngay ở cửa phòng đã đóng lại. “Đông bạn nhưng cụ kỹ tính và thấu đáo lắm”, GS Nguyễn Xuân Đào tổng kết.

Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn Việt Nam đầu tiên có tác phẩm được dịch sang tiếng Nga. Hiện nay GS Nguyễn Xuân Đào vẫn giữ cuốn sách “Vang bóng một thời” được in ở Liên Xô: “Nhuận bút của tác phẩm được dịch không nhỏ, hơn 7 ngàn rúp, thời đó đồng rúp có giá ngang đồng đô. Thế mà cụ tiêu sạch cho bạn bè Xô viết, chỉ mang về cái quạt tai voi, mấy thước vải lĩnh, để may quần cho vợ, ít thuốc lá và vài chai rượu. Vợ có trách, ông buông câu: “Của thiên trả địa” thôi mà”.

Tác giả “Người lái đò sông Đà” cũng là một trong những nhà văn được giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu năm 1996. Toàn bộ số tiền thưởng (25 triệu) đã được gia đình nhà văn lập thành quĩ học bổng Nguyễn Tuân, để ươm mầm những tài năng văn học của khoa văn học, Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội, những thầy, cô giáo dạy văn tương lai. Đến nay, quĩ vẫn hoạt động tốt.

Nguyễn Tuân thích ghế mây, bây giờ bộ ghế mây ông dùng ngày trước vẫn còn. Trong đời sống gia đình, Nguyễn Tuân ít nói, các con chủ yếu thấy ông ngồi đọc. Hai vợ chồng Nguyễn Tuân lấy nhau do sắp đặt nhưng lại cực kỳ hòa hợp: “Bà suốt đời phục vụ ông và con cái. Tuy ít học nhưng am hiểu xã hội tuyệt vời”, GS Nguyễn Xuân Đào nhớ về người mẹ đảm đang, tảo tần.

Theo Tiền Phong

Bình luận Facebook