Khi đàn ông đứng giữa hai người đàn bà

Tôi thường nghe các em, các chị, các cô, thậm chí là các mẹ, các bà kể về mẹ chồng. Và câu chuyện mẹ chồng – nàng dâu là câu chuyện dài trường kỳ không bao giờ có hồi kết. Như một lẽ thường, mỗi khi nhắc đến mẹ chồng – nàng dâu thì ai cũng nghĩ ngay đến mối quan hệ không mấy tốt đẹp. Ngay cả trong phim ảnh, trong sách vở, trong truyện ngắn, truyện dài…tác giả luôn xây dựng mẹ chồng vào vai phản diện với hình ảnh cay nghiệt, đay nghiến, chua ngoa, ganh ghét, hằn học, nhỏ nhen,… rất hiếm khi mẹ chồng được vào vai chính diện.

***

Có lần tôi đi thăm người ốm tại bệnh viện, người đàn ông tạc 50 tuổi nằm trên giường bệnh, mặc dù có người vợ đang săn sóc bên cạnh, nhưng người đàn ông vẫn gọi mẹ: “đau quá mẹ ơi!”, “mẹ ơi cứu con!”. Đúng. Mẹ luôn luôn là mẹ. Chẳng ai thay thế được, chẳng ai đủ to lớn để che lấp hình ảnh của mẹ được. Bởi thế, mà các ông bà từ xưa cho đến nay hay nói rằng: vợ có thể thay đổi, có thể bỏ nhưng bố mẹ thì không. Nói như thế, chắc chắn chị em sẽ cho rằng, đàn ông nào mà nói ra câu đó thì hạng đàn ông tồi, đàn ông phụ bạc. Nhưng, với tôi câu nói ấy rất thật.

Kết quả hình ảnh cho mẹ và vợ

Nếu thử đặt mình vào vị trí so sánh, phải chọn giữa chồng và bố mẹ, lẽ thường tình các chị cũng chọn bố mẹ mình là người máu mủ ruột rà, chứ không chọn chồng. Cho nên trong bất cứ trường hợp nào thì các chị đừng bao giờ phải ép người chồng “1 là tôi, 2 là bố mẹ anh, anh chọn đi”. Bởi một khi phải chọn lựa, đàn ông vẫn chọn bố mẹ, hiếm có người nào vì vợ mà bỏ bố mẹ mình. Mà nếu có, thì đó là trường hợp cá biệt. Và như thế, cô ấy lấy phải một người con bất hiếu, mà đã là một con người bất hiếu thì chẳng ra gì. Đôi khi trong các cuộc chén chú, chén anh, mấy gã đàn ông hay nói “Nhất vợ nhì trời”. Nhưng đó chỉ là câu nói đùa vô thưởng, vô phạt, xin đừng tưởng thật. Cho nên đừng bao giờ ép chồng phải lựa chọn, đừng bao giờ so sánh tình yêu thương, bởi đó là sự so sánh không tương xứng.

MẸ CHỒNG: Biết rằng xu hướng chung của tất cả các bà mẹ trên thế giới này là thương con vô điều kiện và muốn chăm sóc con về mọi mặt, dù khi con đã trưởng thành hay đã cao tuổi. Nhiều khi trong vai trò làm mẹ, thương con một cách ích kỷ, quá nuông chiều con hoặc quá độc đoán với con, vì thế đã để lại những ảnh hưởng tiêu cực trên đời sống con sau này.

Con dâu chắc chắn không có kinh nghiệm sống bằng mẹ chồng, và cũng như bao người khác “nhân vô thập toàn”, hơn nữa vì con dâu không phải là con ruột nên cho nên dễ cố chấp nhau, dễ tìm những điểm xấu để chỉ trích. Vì thế, là một người mẹ hãy giữ thái độ thản nhiên, tỏ ra thông cảm, tránh những lời nói xúc phạm hoặc kiểu nói tiêu cực, vì “lời đau nhớ lâu” lắm. Có khi mẹ chồng cũng nên đặt mình vào vị trí của con dâu, nếu thực sự cần chấn chỉnh thì hãy nhẹ nhàng chỉ bảo, đừng gay gắt, chì chiết.

Lẽ thường ở đời, con người ai cũng thấy bản thân mình tốt, và có khuynh hướng phê phán người khác. Nguyên nhân xảy ra xung đột giữa mẹ chồng – nàng dâu đó là, mẹ chồng hay nói xấu con dâu – và ngược lại. Vì thế, mẹ chồng không muốn con dâu nói xấu mình, thì con dâu cũng không muốn bị mẹ chồng nói xấu. Hãy tâm niệm: “Điều gì mình không muốn người khác làm cho mình thì đừng làm cho người khác”. Con dâu sẽ nhìn vào mẹ chồng để đối xử.

Là mẹ chồng nên biết cảm thông, đừng quá khắt khe, thậm chí có khi phải hy sinh một chút riêng tư của bản thân để con trai mình hạnh phúc, hãy thông cảm cho con dâu, bởi trong cuộc sống, mọi mối quan hệ đều cần sự cảm thông và tha thứ cho nhau.

CHỒNG: Rất nhiều người chồng cảm thấy bế tắc, khó xử khi đứng giữa hai người đàn bà, một người bạn yêu và một người bạn luôn kính trọng, ai cũng quan trọng. Bạn luôn đau đầu trong việc phải cân bằng mối quan hệ cách xử sự với vợ và mẹ, nếu đứng về phía vợ thì mẹ không hài lòng, mà ngược lại vợ cũng khó chịu. Trong trường hợp này bạn phải là cầu nối để mẹ và vợ hiểu nhau hơn, bạn cũng như là trọng tài để cân bằng giữa hai người.

Một người chồng lấy vợ về, chỉ biết đến vợ, chăm sóc vợ, yêu chiều vợ mà quên mất mẹ, bơ mẹ đi thì việc mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu ắt sẽ xảy ra. Ngược lại, một người chồng chỉ biết nghe theo lời mẹ mà không quan tâm những cảm xúc của vợ thì chắc chắn gia đình không bao giờ hạnh phúc.

Có người thốt lên rằng: “Trong cuộc đời thằng đàn ông dù khó khăn nào trong công việc, tôi đều có thể giải quyết được một cách tốt đẹp, nhưng dường như mối quan hệ giữa mẹ chồng và vợ thì tôi không biết phải giải quyết như thế nào cho thoả đáng. Nhiều hôm đi làm về mệt, mới về đến cổng đã nghe thấy tiếng cãi nhau trong nhà khiến tôi chán nản, lại quay xe đi. Tôi vô cùng mệt mỏi khi cả hai đều không chịu nhường nhịn nhau để sống.

Vợ tôi gây áp lực cho tôi khi một mực đòi ra sống riêng, còn mẹ thì luôn bảo tôi suy nghĩ lại cuộc hôn nhân này, cả hai người đều ích kỷ nghĩ đến bản thân mình mà không hiểu cho tôi, tôi là người ở giữa vô cùng khó xử. Chưa bao giờ tôi cảm thấy thất vọng về bản thân mình đến vậy, tôi là một thằng đàn ông nhưng lại chẳng quyết nổi chuyện giữa hai người đàn bà. Tôi muốn được ở bên cạnh để chăm sóc và bù đắp cho mẹ lúc tuổi già, nhưng tôi cũng vô cùng yêu vợ con mình và không muốn phải xa họ. Tôi phải làm sao đây?, bên tình bên hiếu tôi biết làm sao để cân bằng mọi thứ?.

Tôi nghĩ nếu mẹ chồng và nàng dâu nào, khi nghe được những lời nói rất thật, tận đáy lòng ấy, chắc chắn phải ngậm ngùi nhìn lại bản thân mình.

CON DÂU: Nếu bạn là một nàng dâu, xin hãy thông cảm cho những cảm xúc hỗn độn của mẹ chồng. Họ chỉ muốn chắc chắn rằng họ vẫn là người hiểu con nhất và vẫn rất quan trọng với con mình. Nếu bạn có con trai thì chắc chắn rằng đôi lúc bạn cũng có suy nghĩ như thế. Nói cho cùng thì mẹ chồng là người đã ảnh hưởng không nhỏ đến con người của chồng bạn, cho nên bạn hãy lắng nghe, cảm thông, thấu hiểu và tôn trọng. Sự tôn trọng của bạn không nhất thiết phải mang tính hình thức là đi thưa, về gửi hay nghe răm rắp từng lời, mà trong thâm tâm bạn bằng mặt không bằng lòng. Bạn hãy thả lỏng mình, hãy thể hiện sự tôn trọng ở dạng nguyên bản nhất của nó, đó là việc lắng nghe bằng tất cả sự chân thành.

Một nàng dâu lúc nào cũng cho rằng mình đúng, mình giỏi, mình hiểu biết mà không tôn trọng ý kiến của bố mẹ chồng thì cuộc sống gia đình sẽ không bao giờ yên ấm. Vì thế, sau khi kết hôn, cách tốt nhất là nên sống riêng để giảm bớt những mâu thuẫn có thể gặp phải trong quá trình chung sống. Còn nếu không thể sống riêng và hoàn cảnh bắt buộc phải chung sống với bố mẹ, anh chị chồng thì mỗi người đều phải bớt đi tính ích kỷ của mình, bớt cái tôi cái nhân, phải biết tôn trọng nhau và quan tâm lẫn nhau. Không có cặp vợ chồng nào, mẹ chồng nàng dâu nào có thể chung sống với nhau nếu như không có sự tôn trọng, nhường nhịn và quan tâm lẫn nhau. Cũng như không thể có sự hòa hợp nào nếu như ai cũng cứ giữ khư khư cái tôi cá nhân của mình.

Tình cha mẹ, tình vợ chồng nó riêng biệt nhau, không thể đánh đồng, không thể so sánh, không thể đem ra cân đong đo đếm, xem bên nào nặng, bên nào nhẹ. Rõ ràng, một đằng là bậc sinh thành, mang nặng đẻ đau, gồng gánh, chịu bao cực nhọc vất vả nuôi ta khôn lớn. Một đằng, là người xa lạ, bỗng dưng khiến trái tim ta rung động, yêu thương khi nào cũng đong đầy, nguyện đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi song hành trên bước đường đời. Và rõ ràng là vị thế, trọng trách, yêu thương khác hẳn nhau, hà cớ gì lại mang ra so sánh, cân đo, đong đếm, cho thêm phần khập khiễng.

Có chuyện ngụ ngôn kể rằng: Mẹ và vợ ngã xuống sông cùng một lúc, nếu cứu mẹ thì vợ sẽ chết hoặc cứu vợ thì mẹ sẽ chết. Vậy nên cứu mẹ hay cứu vợ hoặc là không cứu cả hai?.

Người con trai chợt nghĩ: Lòng bàn tay và mu bàn tay đều là thịt. Vợ là người ta yêu nhất, mẹ cũng là người thân thiết nhất, yêu thương ta nhất. Vậy phải làm thế nào đây? Thôi cứ nhảy xuống sông, thấy ai ở gần thì cứu. Người đàn ông vội nhảy ùm xuống sông. “Chết rồi! Ta quên mất là ta cũng không biết bơi!”. Vẫy vùng một cách tuyệt vọng rồi người đàn ông từ từ chìm xuống sông.

Thế rồi, người ta tìm thấy, một người đàn ông hai tay ôm chặt hai người đàn bà nằm dưới đáy sông.

Lê Quý Hoàng/S.T

Bình luận Facebook