Khi chưa có mùa thu
Khi chưa có mùa thu
Hoa phượng còn dang dở
Bạn nằm xuống lưng đồi
Mùa thu dừng lại đó
Đâu chỉ vì cô gái
Tên trùng với tên mùa
Đâu phải loài hoa ấy
Nở ven rừng bâng quơ
Chưa ai yêu mùa thu
Như bạn mình mơ mộng
Ai xui tiếng chim gù
Kéo trời lên xanh thẳm
Bây giờ đang ve kêu
Rừng xưa mình lại đến
Ước trời xanh thật nhiều
Để thay mình trò chuyện
Cánh rừng hố bom dày
Suối tắc dòng nghẹn chảy
Không có bạn nằm đây
Dễ gì mùa thu tới?
Bạn mãi mười chín tuổi
Như buổi ấy công đồn
Vắt cơm nhòa nước suối
Nhường nhau không ai ăn
Thôi dành sau trận đánh
Tiểu đội cùng liên hoan
Tiếc mùa thu đi vắng
Chim rừng chưa bay sang
Chia tay cười rất đậm
Đến giờ còn nghe vang
Có ai ngờ đêm ấy
Bạn không về liên hoan
Vắt cơm nhòa nước suối
Viếng bạn mình không ăn
Cánh rừng xanh xao gió
Có tiếng chim từ quy
Hình như ai gọi đó
Bạn yên nghỉ mình đi
Chiến trường nhiều khói lửa
Vẫn ngoảnh lại cánh rừng
Chao ôi mùa thu đó
Bốn bề xanh rưng rưng
Chao ôi là hương cốm
Rồi lòng đến thế ư?
Thương bạn khi nằm xuống
Sao trời chưa sang thu?
Rừng Phước Long, 1972
Trần Mạnh Hảo
Mùa thu có lẽ là thời điểm gợi nhiều cảm hứng cho các nhà thơ nhất bởi vẻ đẹp dịu dàng, mong manh của nó. Trong thơ ca, có những mùa thu trong sáng, rạng rỡ với vẻ đẹp của trăng rằm, lại có những mùa thu buồn thương man mác trước lá vàng rụng rơi. Trong bài thơ “Khi chưa có mùa thu” của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, ta bắt gặp một mùa thu của lòng người vừa đẹp đẽ lại vừa xa xót bởi mùa thu ấy gắn với hình ảnh người chiến sĩ trẻ đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường giữa tuổi thanh xuân.
Bài thơ là nỗi nhớ của tác giả khi tới thăm nơi bạn nằm xuống, là chiến trường xưa hai người cùng chiến đấu. Thời điểm người bạn hy sinh là “Khi chưa có mùa thu/ Hoa phượng còn dang dở”, nhưng tại sao khi bạn nằm xuống lưng đồi, mùa thu dừng lại ở đó? Khổ thơ đầu gợi cho người đọc chút băn khoăn và ngay lập tức được lý giải trong hai khổ thơ tiếp theo: “Đâu chỉ vì cô gái/ Tên trùng với tên mùa/ Đâu phải loài hoa ấy/ Nở ven rừng bâng quơ/ Chưa ai yêu mùa thu/ Như bạn mình mơ mộng/ Ai xui tiếng chim gù/ Kéo trời lên xanh thẳm”. Thì ra là bởi người chiến sĩ ấy tha thiết yêu mùa thu với một tình yêu nồng nàn và mơ mộng. Anh yêu mùa thu không phải chỉ bởi bóng hình một người con gái tên trùng với tên mùa mà còn bởi bầu trời mùa thu lồng lộng thẳm xanh gieo cho lòng người những bâng khuâng đẹp đẽ. Hẳn là chàng trai mười chín tuổi ấy cũng có một tâm hồn thi sĩ luôn hướng về cái đẹp. Hình dung về điều đó khiến sự hy sinh của anh càng làm người đọc cảm thấy nhói lòng.
Khi tới thăm bạn, nhà thơ nhớ về kỷ niệm cuối cùng trước khi bạn hy sinh. Trước buổi công đồn hôm ấy, hai người nhường nhau không ai ăn bữa ăn giản dị, chỉ là “Vắt cơm nhòa nước suối”. Giải pháp cho việc không ai chịu nhận phần hơn ấy là “Thôi dành sau trận đánh/ Tiểu đội cùng liên hoan”. Một chi tiết nhỏ thôi nhưng cũng đủ để khắc họa phẩm chất tốt đẹp của những người lính luôn đoàn kết, yêu thương và chia sẻ cùng nhau. Họ đồng cam cộng khổ, ai cũng muốn gánh phần thiệt về mình, nhường đồng đội phần hơn. Họ làm điều đó một cách tự nhiên và vui vẻ như tiếng cười đọng lại phút chia tay: “Chia tay cười rất đậm/ Đến giờ còn nghe vang”. Những khổ thơ rất nhẹ nhàng, không có màu sắc của bi thương mà vẫn khiến người đọc cay cay nơi khóe mắt.
Xuyên suốt cả bài thơ, lặp đi lặp lại hình ảnh mùa thu cùng những câu hỏi đầy xót xa: “Không có bạn nằm đây/ Dễ gì mùa thu tới?”, “Thương bạn khi nằm xuống/ Sao trời chưa sang thu?”. Nỗi tiếc nuối cuối cùng của tác giả là khi bạn hy sinh trời chưa vào thu, không được tận hưởng nốt bầu trời xanh thẳm mà anh vẫn hằng yêu. Nhưng mùa thu ở đây không chỉ còn là mùa thu thực của thời gian mà đã hóa mùa thu trong tâm tưởng. Vì bạn yêu mùa thu nên mùa thu ở lại cánh rừng này cùng bạn, một mùa thu vĩnh hằng.
Đây có lẽ là một trong những bài thơ được đông đảo người đọc yêu thích nhất của nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Bài thơ đã dựng lên bức chân dung về người chiến sĩ vừa cụ thể, sinh động vừa mang tính hình tượng cao. Nó phác họa được nét đẹp tâm hồn của những người lính trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Chúng ta đã chiến thắng vẻ vang, một chiến thắng vĩ đại được làm nên bởi công sức, sự hy sinh của lớp lớp những người chiến sĩ như chàng trai mãi mãi mười chín tuổi trong bài thơ này.
SONG KHUÊ