Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn
Trong căn phòng nhỏ bé
Đêm cuối thu trăng nhạt
Sương mù
Chỉ còn nỗi im lặng phố khuya
Không gian dạ hương sâu thẳm
Vài tiếng chim khắc khoải vọng về
Chỉ còn mênh mông gương hồ
Hiu hắt soi
Những cây bàng lá đỏ
Từng cột đèn góc phố
Chơ vơ nhìn nhau
Chỉ còn hơi ấm mối tình đau
Anh đi có đôi lần nhìn lại
Chỉ còn em
Im lặng đến tê người
Phạm Thị Ngọc Liên
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát cùng tên.
Phạm Thị Ngọc Liên sinh năm 1952 tại Hà Nội. Tên của bà cũng chính là bút danh. Bà hiện đang sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh. Là một nhà thơ nữ có tên tuổi của Việt Nam, bà đã xuất bản được nhiều tập thơ được bạn đọc yêu mến như: “Những vầng trăng chỉ mọc một mình”, “Biển đã mất”, “Em muốn dang tay giữa trời mà hét”, “Thức đến sáng và mơ”…
“Im lặng đêm Hà Nội” là một tác phẩm thơ nổi tiếng của Phạm Thị Ngọc Liên, cũng là một bài hát rất nổi tiếng về Hà Nội của NS.Phú Quang. Nó được in trong tập thơ “Thức đến sáng và mơ” xuất bản bởi NXB Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh vào năm 2004. Tập thơ này cũng đã được nhận tặng thưởng của hội nhà văn TP.Hồ Chí Minh.
…Đúng là chỉ có sự đồng cảm giữa nhạc sĩ và nhà thơ thì tác phẩm đó mới biến thành con chim biết hót được. “Nhạc sĩ Phú Quang khi đọc bài thơ Im lặng đêm Hà Nội: Anh đi có đôi lần nhìn lại/ Chỉ còn em, im lặng đến tê người, đến câu cuối cùng của bài thơ anh có cảm giác tê người, tê thực sự”, nghĩa là anh cảm thấy như thế, như anh đã trải qua điều đó rồi, đó là sự đồng điệu” – nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên nói. Từ bài gốc cho đến khi trở thành ca khúc, chỉ có hai chữ nhạc sĩ Phú Quang trao đổi với nhà thơ xin sửa lại là chơ vơ thành ngây ngô. Còn lại toàn bài giữ nguyên lời thơ. Với riêng bạn văn, bài hát ấy trở thành một biểu tượng riêng của chị, không lẫn vào đâu được. Và mỗi lần chị ra Hà Nội, mọi người hay chào đón bằng câu: “Kìa, Im lặng tê người đến rồi kìa!”.