HỪNG ĐÔNG NHẤT ĐỊNH CÓ NẮNG
“Cứ ngủ đi em, ngày mai nhất định thể nào cũng có nắng…
Vì hừng đông là định luật muôn thuở không thể đổi dời…”
***
1.
Tôi, là một cô gái bình thường đến mức không thể bình thường hơn được nữa. Vừa tốt nghiệp đại học, chưa xin được việc làm, lông bông với mớ sở thích kì lạ. Tôi là một người kì quái, không thích gì cả, chỉ thích một mình với cô đơn.
Nhiều mối tình chạy ngang qua đời, để lại một đống lộn xộn trong tim, không buồn dọn dẹp, nhiều lúc một cơn mưa rào ngang qua thành phố, mớ hỗn độn trong tim động đậy, thành những tiếng thở dài sâu cạn…
Mối tình đầu mười tám tuổi, một cậu con trai nhỏ hơn hai, cái long lanh trong đáy mắt của cậu ấy khiến tôi chết chìm một cách tình nguyện. Tôi từng có một mối tình đầu đẹp như pha lê, ngồi sau lưng cậu ấy, cùng nhau dạo phố mỗi ngày tan trường, một nụ hồng cậu ấy giấu trong ngăn bàn của tôi, một cây kẹo mút mỗi giờ giải lao, tất cả những ngọt ngào của cậu vỡ tan thành đắng cay mà không kí ức ngọt ngào nào có thể cứu vãn nổi…
Cũng là nụ hồng ấy, cũng là cây kẹo ấy, cũng là bờ vai ấy, cậu ấy đem san sẻ cho hai người. Nét thơ ngây trong con bé đột nhiên làm tôi cảm thấy bản thân mình tội lỗi ghê gớm khi biết rằng, cậu ta đến với con bé trước khi ném cho tôi vài lời đường mật cứ ngỡ là chân thành…
– Em không thể nào một lúc thương yêu cả hai người.
– Em chọn chị!- cậu ấy quả quyết.
– Còn Lan thì sao? Có bao giờ em nghĩ cho con bé?
– Tất cả đều không cần thiết. Em chọn chị!
Chúng tôi ngồi ở một chiếc ghế đá chơ vơ giữa sân trường, vài cánh hoa phượng rứt khỏi cành, bay ngang khoảng sân chiều muộn rám vàng. Tôi đứng dậy, cột tóc thật cao, rời đi. Những bước chân đau thương giữa những cánh phượng nằm dưới đất, chông chênh, bơ vơ, mười tám đầu đời…
Mối tình thứ hai cũng dần rơi vào khoảng không lạnh lẽo khi tôi rời khỏi chung cư của anh ấy, đến khi tôi chuẩn bị bước lên taxi, anh ta mới mặc xong quần áo chỉnh tề, để lại cô gái kia ở phòng, hối hả chạy theo, níu lấy cánh tay tôi. Tôi không còn lời nào để nói cùng anh nữa, vùng nhẹ cánh tay, Người bỗng chốc rời xa người, hoàng hôn bỗng chốc buông một màu vàng ám ảnh, tôi rất muốn khóc, gào thật to cho thỏa những đau đớn trong lòng. Nhưng không hiểu sao chỉ cười nhạt nhòa vài cái, rồi hững hờ bước đi, ánh nắng bắt đầu lùi về sau những tòa nhà cao tầng, khuất dưới sự xa hoa ấy, là một cô gái bé nhỏ sắp ngã khuỵa…
Hai mươi hai, tuổi đời quá ít, nhưng nỗi đau đã chất thành đống, đến nỗi sợ phải nhìn lại những thứ sau lưng mình, vì ở đó chỉ đong đầy nước mắt và những tổn thương…
Lửng lơ giữa Facebook, một dòng status của ai treo hững hờ:
“Ngày mai, nhất định có nắng.”
Tôi đóng laptop, trời đã tối hẳn, hớp ngụm trà lạnh ngắt, ngắm nhìn con mèo đang vờn những cánh hoa bên cửa sổ, thỉnh thoảng, nó nhảy xuống chiếc ghế đơn gần đó, cuộn tròn người lười biếng ngáp dài…
Bình yên giữa dòng người hối hả hôm nay, là lúc lòng của tôi không có chút vướng bận, tựa người vào ghế êm ái, qua cánh cửa sổ bằng kính nhập nhòe, ánh đèn thành phố choáng ngợp, dòng người qua lại hối hả vô cùng. Ranh giới giữa tôi và thành phố là cánh cửa kính, bên ngoài là sự nhộn nhịp vốn có của Sài Gòn, còn ở đây, chỉ có tôi ngồi co ro để mặc cô đơn ra sức bao trùm…
…Ấy vậy mà thật yên bình…
– Này em, cho anh hỏi, anh có thể xem bức tranh em vẽ?
Tôi ngơ ngác ngẩng lên, từ cái nhìn đầu tiên ấy, mà bản thân tôi đã tự đánh mất sự bình yên lặng lẽ, thú vui đắm chìm trong ảo giác cô đơn của bản thân.
Anh- từng ôm giấc mơ trở thành một họa sĩ. Nhưng vì là con trai duy nhất, gia đình phản đối quyết liệt và ép anh phải kinh doanh theo gia đình. Vậy là, hôm nay, thấy tôi mải mê vẽ con mèo lười trên ghế ấm áp buổi chiều tràn nắng, anh ngồi đó, phía cuối quán, đóng laptop cùng những doanh số điên đầu, bình thản ngắm nhìn tôi loay hoay với mớ bút chì đủ màu, bàn tay lem luốc những màu mực vương vãi, mỉm cười nhè nhẹ.
Mà anh nào đâu biết, trái tim tôi cũng lem luốc đủ vết thương lớn nhỏ, cũng vì vậy, mà khi anh đưa bàn tay của mình để đỡ tôi dậy, tôi đã quay mặt đi, khập khễnh rời khỏi…
Đã có một người đàn ông đậu xe dưới cổng nhà tôi đến tận gần sáng, chỉ vì một câu nói: ” Đừng theo em nữa.” Tôi thấy nhói lòng khi thấy khuôn mặt anh thẫn thờ, bàn tay đưa ra muốn nắm lấy tay tôi, nhưng lại sợ cái vùng vẫy, ương bướng của tôi làm cả hai thêm mệt nhoài…
Đáng lẽ ra, tôi không nên để quên bức tranh con mèo lười ấy lại quán, để anh phải đuổi theo tôi để đưa lại, đáng lẽ, tôi không nên cười với anh mỗi khi anh “vô tình” ghé quán quen của tôi. Khoảng cách bàn anh chọn mỗi lúc một gần nơi tôi thường ngồi, những câu chuyện lửng lơ về chuyện vẽ vời, rồi xa hơn, là cuộc sống của cả hai, rồi quá giới hạn là khi tôi chất ngất giữa những cơn mưa phùn mà Sài Gòn khiến tôi nói với anh về hai mối tình, nó đã để lại đủ vết thương lớn nhỏ trong tim mình.
Và cũng đáng lẽ ra, anh đừng thương một người con gái như tôi…
…Điều đó làm tôi cảm thấy, anh giống như đang thương hại tôi hơn.
– Con nhím xù lông.
Con bạn thân vứt xuống bên cạnh tôi ngồi một đống lộn xộn từ trà sữa cho đến những món ăn vặt khoái khẩu. Tôi im lặng cầm li trà sữa lắc đều, mùi vị ngọt đắng của chocolate làm não tôi như kéo giãn ra.
– Đồ con nhím xù lông, xù lông.
– Thôi im đi.
– Mày sợ điều gì? Tìm được một người đàn ông tốt, không phải chuyện dễ dàng.
– Sợ phải bắt đầu.
Nó cũng đột nhiên im bặt, ngồi xuống bên cạnh tôi, ngả người dựa vào vai, chúng tôi nhìn vào khoảng không ngoài sân thượng, mây đen kéo kín bầu trời không thể nhìn thấy rõ ánh dương, một màu đen mù mịt đến tối lòng.
Vì có những chuyện, ngay từ lúc bắt đầu, đã biết được sẽ kết thúc. Cánh cửa ấy, đã đóng lại, những dấu chân đã đi qua chưa nguôi ngoai, dù có gõ cửa cũng không thể hồi đáp.
2.
Thứ bảy, một ngày thứ bảy không có anh sau khi tôi nói câu nói hững hờ ấy.
Cũng không có tiếng nhạc rộn rã vang lên trong quán, chỉ còn lại đó là tôi và nhánh hoa cúc trắng đến nát lòng, bản nhạc ũ rũ được bật lên, hòa vào ánh vàng vọt từ một đèn chùm giữa quán. Tôi trút tiếng thở dài, ôm lấy cô đơn, nép người vào chiếc ghế sofa đơn điệu xám nhạt giữa quán, đôi mắt nhắm nghiền để mặc cho cô đơn quấn lấy tôi, đống lộn xộn trong tim lên tiếng, thổn thức dịu dàng tràn qua tim.
– Mưa nữa rồi, hễ mỗi lần làm mẻ bánh mới lại mưa, vắng khách thì bán cho ai.
Tiếng than thở của một cô nhân viên cau có bưng một khay bánh nóng hổi từ lò, càu nhàu với một anh pha chế đang loay hoay vẽ trên một ly capuchino. Tôi liếc mắt ra cửa, một màu trắng xóa ôm lấy thành phố. Tôi chuyển chỗ đến một bàn gần sát cửa sổ, đưa mắt ngắm nhìn cả Sài Gòn chìm dần vào màn mưa lạnh lẽo, một ngụm trà nóng đến bỏng môi cũng không thể làm tôi cảm thấy ấm áp được…
“Con có đồng hồ ở đó không?” –Một câu hỏi lạ lùng của mẹ hiện lên điện thoại.
“Có mẹ. Có chuyện gì ạ?”
“Xem giùm mẹ mấy giờ rồi để mẹ cất đồ ăn.”
“Con về liền.” –Tôi giật mình nhìn đồng hồ, đã tám giờ tối tự bao giờ.
Mưa vẫn không ngớt, tôi ném điện thoại vào một chiếc túi ni lông và lao ra trời mưa, mùi hơi đất và cái lạnh nhập qua bờ vai của tôi một cách nhanh chóng, thoáng rùng mình.
– Để tôi làm điều này, cho em.
Một cánh dù bật lên, những giọt mưa chán nản vì không thể đùa nghịch với tôi nữa, chảy thành hàng dài qua những cạnh của chiếc dù màu đen, ánh mắt anh nhìn tôi, vừa ão não, vừa ấm áp, tôi không thể dùng bất kì từ ngữ nào trong bộ não để diễn tả nó, chỉ biết là, đau lòng đến suýt phát khóc.
– Không phải vì em xua đuổi tôi, mà ngay cả việc này, tôi cũng không thể làm cho em?
Chỉ có tiếng mưa rào rào qua dù lấp đi khoảng lặng giữa chúng tôi. Chân chúng tôi bước cùng nhau, tôi cúi đầu, nhìn vào đôi giày bóng loáng của anh đang bị mưa làm cho ướt sũng. Ngẩng vội đầu lên, cánh dù nghiêng hết về phần tôi, còn anh, nửa chiếc suit anh mặc đã ướt nhẹp, lúc ấy tôi mới hốt hoảng:
– Anh ướt rồi!
– Mặc kệ, áo này có thể thay ra hoặc ném đi, nhưng tình cảm với em, tôi phải làm sao đây?
– Xin anh…đừng thương em nữa.
– Nếu tôi có thể làm như thế, thì không phải phiền muộn như vậy.
– Dậy!
Tiếng con bạn hét qua điện thoại làm tôi choàng mình thức dậy qua một cơn mơ sâu, đầu nóng sốt thều thào không nói thành tiếng. Tôi nhắm mắt, câu nói của anh hôm qua tiếp tục bám lấy tâm trí tôi, rã rời cả người, tôi tắt ngúm điện thoại và xoay người lại với ánh nắng đang cố gắng vén rèm để bừng rọi.
Cả nhà tôi từ lớn đến bé hôm nay cũng bỏ tôi mà du hí với một chuyến du lịch dài ngày. Chiều ảm đạm len qua cửa kính, rọi vào phòng khách một màu cam nhạt, tôi đứng sững giữa nhà, không gian xung quanh yên ắng quá, gần như chỉ có tiếng thở của bản thân và cái bóng là còn ở lại với tôi. Nó như đang nhìn tôi, làm theo tôi mọi cử động, tôi nhún nhảy trước bức tường, đùa giỡn với cái bóng của mình rồi bật cười lớn. Tiếng cười kéo dài rồi trở thành tiếng nấc khóc lúc nào không hay…
…Phải, tôi cô đơn quá! Cô đơn và đáng thương đến mức tự bản thân tìm vui nơi bản thân mình!
– Uyên ơi, mở cửa đi! Tao mang đồ ăn qua nè! Uyên ơi! Có ở nhà không mà tối thui vậy?
Tôi nhỏm người dậy, không buồn bật đèn, mở cửa cho “cục nợ của đời tôi” chạy ùa vào nhà, nó chạy loanh quanh, bật sáng từ trên lầu cho đến ngoài sân. Bừng lên rực rỡ ánh đèn điện khiến đôi mắt tôi bị lóa:
– Bật đèn làm gì thế?
– Mày tính sống lầm lũi “như con rùa nuôi ở xó cửa” à?
– Tao có phải là Mị đâu!
– Ừ, mày không phải, vì mày có tao, đưa tao xem. Lạy! Sốt cao thế! Thuốc men gì chưa?
– Chưa.
– Ăn cháo đi. Hôm nay mẹ tao nấu một nồi cháo nấm ngon tuyệt, biết mày thích nấm nên mẹ chừa mày một phần. Còn nóng đấy, tao đi mua thuốc cho mày, con điên, bao nhiêu tuổi rồi mà lo cho bản thân còn không được nữa!
– Nhã ơi…
– Gì mày?
Tôi nhào người chạy đến ôm lấy “cục nợ” đã đi qua mười mấy năm với nhau, nói trong sự kìm nén nước mắt chuẩn bị chực chảy khỏi mắt:
– Cảm ơn mày.
Chúng tôi cứ đứng đó, giữa nhà tôi, tôi để mặc sự cứng rắn bản thân mà òa khóc lên trước mặt nó, bàn tay nó cứ vỗ nhẹ vào lưng tôi, rồi hình như, nó cũng khóc.
Chiếc cub của Nhã rời nhà, nó chạy ù đi, như vũ bão để mua thuốc cho tôi. Tôi nằm trên ghế sofa, người bắt đầu lạnh cóng, trán đầm đìa mồ hôi hột, tôi bắt đầu cảm thấy buồn ngủ và chìm ngay vào giấc ngủ, hay đúng hơn là bắt đầu mê sảng. Trong cơn mê sảng, tôi đã thấy Thành- mối tình đầu của tôi lặng lẽ đưa một nụ hồng vào cánh tay tôi, rồi đột ngột cậu ta giật lại, những chiếc gai ghim vào tay tôi, máu bắt đầu tuôn xuống thành dòng. Nam lại đến, đặt vào tay tôi chiếc khăn tay, thấm lấy từng nỗi đau tôi rồi một ngày, anh ta nằm dài trên giường, âu yếm một cô gái khác trước mắt tôi, đôi mắt khinh khỉnh của cô gái ấy ném vào người tôi, để tôi phải thét lên thật to: ” Cút hết đi!”
– Bình tĩnh! Bình tĩnh! Uyên! Uyên!
Nhã dùng hết sức bình sinh của nó tát vào má phải tôi một cái điếng người. Tôi choàng mở mắt nhưng không còn chút sức lực vào để ngồi dậy, má phải tê tê vì cái tát của nó khiến tôi nổi điên:
– Sao mày đánh tao?
– Mày bị mê sảng, tao phải làm vậy để thức mày dậy!
– Nhưng mà, sao tao nằm đây?
Tôi bàng hoàng nhìn xung quanh, không phải là nhà của tôi mà là bệnh viện, lúc này tôi mới cảm nhận được mùi thuốc tẩy trùng tràn vào mũi khiến suýt nữa, tôi bị ngợp thở bởi nó.
– Mày sốt rất cao tối qua, nên phải nhập viện. Khi tao về thì mày đã tràn trề mồ hôi, gọi kiểu nào cũng không dậy được, mày biết tao hoảng lắm không? May mà còn có…
Tôi chưa kịp hỏi nó còn có điều gì mà nó ngập ngừng, thì tiếng giày tây đanh gót nện xuống sàn nhà những bước chân thật dài và hối hả. Anh đứng ở cửa, đôi mắt đỏ hoe, anh là con người lúc nào cũng gọn gàng và bóng loáng theo kiểu dân kinh doanh, mà hôm nay, tóc anh không một cọng nào vào nếp, chiếc vest màu xám đã nhàu nát, khuôn mặt hốc sâu, trên tay cầm một túi cháo còn bốc khói nghi ngút.
– Cảm ơn em, vì đã bình yên…
Nắng bắt đầu len qua những hàng cây dày chiếu thẳng vào phòng, cánh hoa cúc đỏ ai để trên bậu cửa sổ đang rung rinh vươn mình đón nắng. Trong cái nắng đầu tiên đó, tôi thấy ánh lên trong mắt anh, một cái ánh huyền diệu như giọt sương tinh khôi trên cành lá, một tia sáng cũng đủ làm nó biến thành giọt pha lê lung linh…
“Cảm ơn anh, vì đã thương em đến nhường này.”
3.
Nhã lao vào nhà với túi thuốc tây trên tay, đang định đóng cổng thì cứ thấy một người đàn ông bên kia đường, khói tỏa ra trên môi anh ta khiến cô cảm thấy lo sợ. Anh ta cứ nhìm chằm chằm vào trong nhà, không kiêng nể theo kiểu đang theo dõi, anh ta công khai nhìn đăm đăm, thậm chí khi chạm mắt với Nhã, anh ta còn không buồn quay đi chỗ khác. Cô gọi với vào nhà để kêu Uyên mang chìa khóa để khóa cổng:
– Uyên, mang cái chìa khóa ra đây để tao bấm cổng lại!
Nhã gọi đến cả xóm đều phải nghe, chỉ riêng Uyên là không một lời hồi đáp. Cô chạy ào vào nhà rồi đột ngột hét toáng lên khi thấy cô bạn thân nằm trên ghế, mồ hôi đầm đìa nhưng mắt nhắm nghiền, luôn miệng lảm nhảm điều gì đó mơ hồ, nhưng gọi mãi chẳng thể mở mắt.
Bản thân không đủ sức xốc Uyên lên và đưa đi bệnh viện, lúc đó hoảng loạn quá cũng quên việc gọi taxi, chỉ biết lao ra cổng hét lên cầu cứu:
– Có ai không? Giúp con với! Bạn con bị sốt cao nên bất tỉnh rồi!
Tiếng đấm vào cổng khiến Nhã giật mình, chùi mắt lem nhem vì đang khóc mới nhìn rõ ra người đàn ông cao ráo mặt vest xám đang ra sức đấm vào cổng và gọi lớn:
– Mở cửa ra! Uyên làm sao? Mở ra giùm tôi đi!
Cô răm rắp làm theo. Anh ấy chạy thẳng vào nhà, đặt tay lên trán Uyên rồi ngay lập tức, bế cô ấy lên, khuôn mặt trắng bệch của Uyên áp vào ngực của anh. Ba người họ như bay tức tốc lao tới bệnh viện.
Anh ta ngồi suốt bên giường của Uyên, cả đêm, mắt không ngừng nhìn nước truyền dịch và máy nhịp tim, lâu lâu đưa tay chạm nhẹ vào trán của Uyên như kiểm tra, như âu yếm, cũng như xót xa hiện lên khuôn mặt…
…Thì ra, đây là Kiên, người đàn ông mà suốt thời gian qua, Uyên phải trốn mình không lời hồi đáp…
Nhã mỉm cười, nhìn vết thương trên tay anh ấy khi đấm vào cổng bị chảy máu mà mừng thầm cho bạn mình. Anh ấy thậm chí còn không biết bản thân bị đau, quên đi tất cả và chỉ thầm cầu nguyện: ” Xin Người hãy chở che cho cô ấy, con xin Người.” Nhã nhún vai và đi ra ngoài mua chai nước ở máy bán hàng tự động, cô nghĩ thầm:
“Hừng đông nhất định có nắng.”
Duy Nguyễn