Hoàng hôn lặng lẽ

Anh phải về thôi, xa em thôi!
Ngoài kia phiên chợ vãn lâu rồi
Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc
Mà lời từ biệt chẳng lên môi

Anh phải về thôi, xa em thôi!
Xa vườn xưa, đôi chiền chiện tha mồi
Hoa khế rụng tím ngầm hầm bí mật
Để mãi lòng ta xao xuyến bồi hồi….

Anh như cơn gió bay khắp chốn
Để lại mình em với ruộng, với vườn
Mồ hôi đổ giữa ngày mùa bận rộn
Nước mắt trào lạnh buốt những đêm sương!

Xa em, anh như tia nắng đi trên cát
Thèm một dòng sông, những cánh đồng…
Xa em, anh như người hát sau đêm hát
Chỉ thấy gió vật vờ qua những tấm phông

Anh đi em nhé! Lòng nhủ khẽ
Hoàng hôn cũng về, dịu êm và lặng lẽ
Một tiếng còi tầu vọng lại phía sông xa
Như muốn nhắc thầm anh: Cơn bão sắp đi qua…

Hoài Vũ
9-1989

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc thành bài hát Chia tay hoàng hôn.

Nhà thơ Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Đình Vọng, dù sinh trưởng ở miền Trung (Mộ Đức, Quảng Ngãi) nhưng sự nghiệp cách mạng và văn chương của Hoài Vũ hoàn toàn gắn với Nam Bộ. Ông là một trong những văn nghệ sĩ hiếm hoi có mặt xuyên suốt chiến trường chống Mỹ, trải qua những thời điểm gian khổ và ác liệt nhất. Là tác giả nhiều bài thơ tình nổi tiếng từ thời chiến tranh, đặc biệt là Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, về sau là Đi trong hương tràm, Hoàng hôn lặng lẽ… Thực tế đau thương và hào hùng của chiến trường đã giúp Hoài Vũ trưởng thành và viết nên những tác phẩm trung thành, sâu sắc. Văn chương Hoài Vũ luôn tự nhiên, trẻ trung, da diết và nhân hậu như chính con người ông. Mặc dù thơ Hoài Vũ chưa bao giờ sáng lên như một hiện tượng trong văn chương ở bất kì giai đoạn nào. Nhưng người đọc vẫn luôn nhớ những câu thơ giàu nhạc tính vang vọng trong từng khoảnh khắc nhớ nhung.

Về bài thơ Hoàng hôn lặng lẽ, Hoài Vũ từng kể về hoàn cảnh sáng tác bài thơ như sau: trong cuộc nổi dậy Mậu Thân, ông đã cầm súng chiến đấu như một người lính đích thực ở ven sông Sài Gòn, ông tham gia cả hai đợt công kích. Đợt thứ nhất, Hoài Vũ viết bút ký “Thư Tân Sơn Nhất” vào tháng 2- 1968, in ở Văn nghệ Giải Phóng, đã tạo cảm hứng cho nhà thơ Lê Anh Xuân có bài thơ lừng lẫy “Dáng đứng Việt Nam”. Đợt thứ hai, Hoài Vũ nhận được sự che chở và đùm bọc của người dân vùng địch hậu để rút lui an toàn vào tháng 6- 1968, đã viết bài thơ Hoàng hôn lặng lẽ để đền đáp ân tình quân- dân. Điều thú vị là cái tình quân dân ấy được thể hiện bằng hình thức cuộc chia tay lứa đôi nên rất tình: “Anh phải về thôi xa em thôi/ Ngoài kia phiên chợ vãn lâu rồi/ Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc/ Mà lời từ biệt chẳng lên môi/ Anh phải về thôi xa em thôi/ Xa vườn xưa, đôi chiền chiện tha mồi/ Hoa khế rụng tím hầm ngầm bí mật/ Để mãi lòng ta xao xuyến bồi hồi”. Trong những năm tháng ấy, tình quân dân được ví như cá với nước, không có sự che chở của lòng dân thì có lẽ ngày chiến thắng vẫn còn xa lắm. Tình cảm ấy cũng thắm thiết, nghĩa tình như tình yêu đôi lứa và khi chia xa cũng nhớ nhung, khắc khoải bồi hồi. Chất trữ tình chính trị trong thơ là như thế. Nói chuyện tình cảm lớn, chuyện chính trị nhưng không hề khô khan mà ngược lại rất giàu chất trữ tình dễ đi vào lòng người đọc. “Xa em, anh như tia nắng đi trên cát/ Thèm một dòng sông, những cánh đồng/ Xa em, anh như người hát sau đêm hát/ Chỉ thấy gió vật vờ qua những tấm phông”.

Nhạc sĩ Thuận Yến bắt gặp bài thơ này của Hoài Vũ, ấn tượng chia tay trong tâm hồn nhạc sĩ cứ đầy lên mãi. Ông đã mượn một số câu trong Hoàng hôn lặng lẽ để phổ thành ca khúc Chia tay hoàng hôn mang thanh âm đôi lứa. Nếu thơ Hoài Vũ chỉ dừng lại ở một cuộc chia tay “êm đềm” thì trong nhạc Thuận Yến là chia tay khốc liệt của chiến tranh và biết đâu có thể chỉ còn lại “một nửa vầng trăng”. Phải trải qua những năm tháng khốc liệt mưa bom bão đạn thì mới có thể hiểu, một cuộc chia tay đối với đôi lứa yêu nhau nhiều ám ảnh và dằn vặt đến thế nào. “Anh phải về thôi xa em thôi/ Xa hàng cây đêm hò hẹn ta ngồi/ Hoa khế rụng tím giăng lối nhỏ/ Để mãi lòng ta xao xuyến bồi hồi”. Lời thơ giản dị như một lời thủ thỉ, giãi bày dường như trở nên tinh tế và hoàn hảo hơn trong giai điệu tiết tấu chậm với cung trầm.

Câu chuyện về chiến tranh rồi sẽ đi qua, chỉ có tình yêu tuổi trẻ mới chính là dòng chảy bất tận ở lại. Từ bài thơ Hoàng hôn lặng lẽ của Hoài Vũ đến nhạc phẩm Chia tay hoàng hôn của nhạc sĩ Thuận Yến theo thời gian vẫn làm say lòng người đọc, người yêu nhạc Việt cho đến hôm nay.

Dương Hạnh

Bình luận Facebook