Chàng đã nổi giận với những người trong thôn quan tâm nhắc nhở. Chàng nói, “tôi lấy Ngọc Diệp không phải vì sinh con đẻ cái, càng không cần cô ấy phải làm gì. Cô ấy trở thành vợ tôi để chúng tôi vĩnh viễn được bên nhau và tôi mãi mãi được che chở cho cô ấy”.
Mọi người đối với sự cố chấp của chàng đều không thể lay chuyển, đành chịu thua. Tôi đối với sự cố chấp đó, trong lòng vừa chua, vừa ngọt như trái mơ dai cuối mùa.
***
Chương 1: Hoàng Sa
Gió xoa đầu ngọn sóng bạc trắng, cát nhảy múa cùng hải âu trong nắng, còn có vườn cải trổ bông vàng, đó là nơi tôi chờ người.
…
Vệt nắng cuối ngày uể oải buông rơi rồi ngủ thiếp đi trên những ngọn phi lao trắng xốp. Cành tre cong cong cọng vó khẽ đẩy mặt trăng lên cao. Bóng người vác thuyền thúng hòa vào bóng mây và bóng những cành lá bạch đàn rung rinh. Mái chèo ì oạp rẽ ánh trắng bàng bạc. Tiếng chài lưới rào rào lặn xuống nước như tằm ăn rỗi. Khi ngọn đèn dầu trên những chiếc thuyền chòng chành, chòng chành hóa thành những ngôi sao li ti của biển, các bà, các chị lại ngồi trên cát đan lưới chờ người đàn ông của gia đình trở về cùng hừng đông. Tôi cũng chờ người, nhưng tôi không biết đan lưới, đành dựa cửa ngóng ra khơi xa.
Gió lay lay giàn hoa thiên lý đưa hương thơm dìu dịu. Hoàng Sa làm nó cho tôi nguôi nỗi nhớ nhà. Tôi vẫn chỉ cười không nói. Nơi tôi sinh ra có một giàn hoa như vậy. Tôi vẫn không để ý đến cây thiên lý già ấy cho đến ngày Hoàng Sa xuất hiện. Tôi thường cùng Hoàng Sa viết chữ dưới giàn hoa thiên lý trong vườn. Không biết từ khi nào, dáng vẻ ngay ngắn cẩn thận thảo những nét chữ trên giấy điệp cùng mùi hương nhàn nhạt của chùm hoa trên đầu nhẹ nhàng khắc sâu vào tâm khảm. Đến khi nhận ra, tôi thường ở trong khoảng vườn đó, dường như lại thấy Hoàng Sa ngây ngô nhìn tôi nói: “Nàng thật giống những bông hoa kia”.
Mọi người ở dải cát nắng gió này thường gọi Hoàng Sa là ông cá kình, đầy một tuổi đã rong ruổi theo thầy ra khơi. Lên năm đã bơi lặn như chú cá heo trong lòng đại dương. Hoàng Sa thường trấn an tôi trước mỗi chuyến đi xa: “Hoàng Sa được biển nuôi lớn, biết biển như hơi thở, hiểu tính tình của biển”.
Vì tôi, con cá kình đã từ bỏ hơi thở của mình để lên đất liền ở rể.
Nắng bàng hoàng gõ sau gáy, tôi giật mình tỉnh giấc. Đoàn thuyền đánh cá dần dần kéo mặt trời đỏ hồng lên khỏi mặt biển. Các bà, các chị vội vàng ùa ra đón. Tiếng cười nói rộn vang cả bãi vắng. Tôi dễ dàng nhận ra Hoàng Sa giữa đám đông. Hoàng Sa cao hơn hẳn và rám nắng. Chàng chia cho lũ trẻ con những con cá sặc sỡ sắc màu vừa bắt đêm qua. Nụ cười của chàng lấp lánh như ánh nắng trên mặt nước trong xanh. Nhớ đến tôi, chàng thôi đùa với lũ nhỏ, sải bước dài vội về nhà.
“Ta đã về, nàng đoán xem, lần này ta mang gì về nào?”.
Tôi khẽ lắc đầu, chẳng bao giờ đoán được món quà từ biển.
Là những vỏ sò nhỏ đỏ óng ánh dược xâu chuỗi thành vòng tay.
“Để cảm ơn ta, hôm nay nàng phải ăn nhiều hơn đấy”.
Bữa cơm, ngoài cá tôm Hoàng Sa vừa mang về, còn có các món ăn đặc trưng ở quê tôi.
“Hoàng Sa. Hoàng Sa, tôi mang canh cá cho anh này”. Ốc Vân, người bạn thân từ thuở nhỏ của Hoàng Sa bước vào, nhìn mâm cơm trên bàn, sững sờ.
“Ốc Vân vào ăn cùng chúng tôi”. Hoàng Sa cười hạnh phúc.
“Anh…”.
Xoảng.
Ốc Vân bàng hoàng buông rơi bát canh trên tay. Khi cô xoay người chạy ra ngoài, gọt nước mắt to đùng rơi trên mảnh sứ vỡ.
“Nàng đừng giận, dần dần Ốc Vân cũng sẽ quen thôi”. Hoàng Sa nhìn tôi cẩn thận nói.
Tôi không trách cô ấy, người yêu quý Hoàng Sa chắc chắn là người tốt.
Hoàng Sa dạo này ít ra biển, quanh quẩn bên tôi, mượn cớ lợp lại mái, trồng thêm vài cái cây. Tôi biết, chàng sợ tôi ở nhà một mình nghe những chuyện không vui lại chạnh lòng. Lấy nhau mười lăm năm, tôi vẫn chưa thể cho chàng một người nối dõi, cũng không thể đỡ đần gì.
Chàng đã nổi giận với những người trong thôn quan tâm nhắc nhở. Chàng nói, “tôi lấy Ngọc Diệp không phải vì sinh con đẻ cái, càng không cần cô ấy phải làm gì. Cô ấy trở thành vợ tôi để chúng tôi vĩnh viễn được bên nhau và tôi mãi mãi được che chở cho cô ấy”.
Mọi người đối với sự cố chấp của chàng đều không thể lay chuyển, đành chịu thua. Tôi đối với sự cố chấp đó, trong lòng vừa chua, vừa ngọt như trái mơ dai cuối mùa.
Chương 2: Xa cách
Cũng có ngày Hoàng Sa để tôi ở nhà một mình mà không phải đi về phía biển.
…
Đêm trăng khuyết, một người đàn ông lạ ghé thăm nhà chúng tôi. Hoàng Sa và hắn bí mật bàn bạc đến tảng sáng. Người kia vừa rời đi, Hoàng Sa đã vội đến bên tôi.
“Lần đó do ta đến muộn. Nàng chắc giận ta lắm nên mới không nói gì từ đó đến giờ”.
Tôi lắc đầu. Tôi không bao giờ giận chàng, ngay từ lần đầu tiên đã vậy.
Chàng gõ đầu tôi cười khổ. “Ta biết nàng sẽ không giận nhưng ta vẫn luôn trách mình. Ta sẽ đi tìm lại âm thanh cho nàng”.
Tôi lắc đầu. Tôi chỉ cần chàng ở bên thôi. Cảm giác bất an như giọt mực loang dần trên giấy, thấm dần, thấm dần.
Giữa vườn cải xanh non, chàng nắm tay tôi nói, “nàng chờ ta nhé. Nếu có phải chết ta cũng sẽ quay về”.
Tôi không biết đã bao mùa trăng tròn rồi khuyết thay phiên nhau đến rồi đi trên bầu trời kia, vẫn không có tin tức gì của chàng. Những ngày tháng đó, tôi chỉ nhớ xảy ra một vài chuyện.
Thỉnh thoảng có vài cô gái tương tư chàng chạy đến oán thán tôi. Ờ, tôi cũng cố nhịn nhưng thương thầm là một chuyện, chạy đến nhà gây sự lại là chuyện khác. Ờ, thì cũng có xô xát đôi chút. Kết cục đối thủ đều bị tôi đánh đuổi òa khóc, bỏ chạy hết.
Nhìn cốc chén, đồ đạc lăn lóc trên nền đất. Nỗi buồn như thủy triều nhấn chìm tôi. Giá như Hoàng Sa ở đây, đã chẳng ai bắt nạt tôi. Sao chàng đi lâu như vậy chưa về?
Tôi chán nản dựa cửa. Bông hoa cuối cùng của mùa thiên lý đã tàn nhưng tôi ngửi được mùi hương quen thuộc khác. Hương thơm ngan ngát của hoa dành dành. Bụi dành dành nhỏ chàng ươm cạnh cửa sổ cuối cùng cũng ra hoa.
Tôi bỗng nhớ rất lâu rồi, trước khi chúng tôi trở thành vợ chồng, chàng nói, “nhà sẽ làm theo ý của vợ nhưng bên cửa sổ nhất định phải có bụi dành dành”.
Khóm này được ươm từ hạt của cây dành dành gần chùa Dục Khánh nơi chúng tôi gặp nhau lần đàu tiên.
Gió từ biển lùa vào mang hơi thở mặn mòi khẽ thì thầm, “Hoàng Sa đã nói, nhất định sẽ làm được”.
Mùa mưa bão nhiều, tôi tự nhủ Hoàng Sa không ra khơi cũng tốt. Đêm mưa gầm, gió gào như muốn giật phăng mái tranh chàng mới lợp. Tôi thường ngủ không yên, ác mộng liên tục quấy rầy. Mưa đỏ như máu lênh láng đầy lặt đất tanh nồng. Tiếng khóc thê lương, oán thán ngút trời.
Không biết mê man bao lâu, lúc tỉnh dậy, bão đã tan. Trời quang mây tạnh như chưa từng nổi giận. Kỳ lạ tiếng khóc thảm thiết vẫn vang bên tai tôi. Không phải trong tâm trí, từ ngoài biển vọng về. Tôi mệt mỏi ra xem. Vài mảnh thuyền bị đánh vỡ dạt vào. Vài người đàn bà ngã gục trên cát khi nhận ra đó là thuyền của chồng mình. Những đứa trẻ con hôm nào còn nhõng nhẽo, cười khanh khách với Hoàng Sa bần thần nhìn u, ánh mắt trống rỗng vô hồn. Tim tôi nhói đau, vô cùng khó chịu, cảnh tượng tương tự đã từng diễn ra trong giấc mơ của tôi. Chúng thất thểu dìu u về. Ngày mai thôi, chúng không còn là trẻ con nữa.
Hoàng Sa từng nói: “Dân chài lưới được biển nuôi lớn, chết đi cũng hòa vào sóng biển”. Nhưng còn những người ở lại? Tôi biết có những người vẫn đăm đắm nhìn về phía xa, hy vọng bóng người thân quen lầm lũi xuất hiện dẫu bao năm trôi qua nhuộm bạc mái đầu. Phải chăng định mệnh của những người con gái trên dải đất này là chờ đợi? Còn bé chờ thầy, chờ anh. Lớn lên chờ chồng. Cuối đời vẫn phải mòn mỏi chờ những đứa con của mình. Họ sống ngày này qua ngày khác với nỗi lo lắng, thấp thỏm đan xen với niềm vui đón đoàn thuyền đầy ắp cá tôm.
Phải chăng đó cũng là định mệnh của tôi?
Cũng có hôm mưa, vài người chạy ngang qua nhà tôi cũng không vào trú. Họ sẽ không vào nếu Hoàng Sa đi vắng. Họ sợ tôi sẽ ăn thịt họ. Ừ, đàn bà đánh ghen, còn dữ hơn cọp. Hơn nữa mọi người ở đây không thích tôi.
Mọi người thường bảo chúng tôi không hợp nhau. Tôi không biết đan lưới. Hoàng Sa chẳng biết gì ngoài biển cả. Thầy tôi không muốn con gái chịu khổ, nhất quyết không gả xa, càng không gả cho dân chài. Hoàng Sa đành bỏ biển ở rể. Thầy tôi vẫn không ưng vì chàng không biết chữ. Hoàng Sa liền học chữ.
Rồi một ngày, họ nhà tôi gặp đại họa. Thân thể tôi từ nhỏ đã yếu ớt, lại bị chấn động mạnh nên bạo bệnh. Từ đó, tôi câm lặng. Không muốn chàng chịu khổ, tôi nhờ vị sư trụ trì chùa Dục Khánh gửi lời vĩnh biệt của tôi đến chàng. Hoàng Sa vẫn nhất quyết cưới tôi. Chàng đày đọa mình dưới mưa suốt ba ngày cho đến khi tôi mềm lòng ra gặp. Chàng nhợt nhạt mà kiên định nói: “Hoàng Sa ta từng thề độc cả đời chỉ lấy một vợ là nàng. Không lẽ nàng nhẫn tâm để một người đẹp trai, tài giỏi như ta phải cô độc suốt đời. Hay nàng muốn ta cưới người khác rồi chưa kịp động phòng đã bị sét đánh chết? Như vậy còn thảm hơn. Thôi cứ để ta nằm chết ở đây luôn cho rồi”.
Hoàng Sa đưa tôi về nơi chàng sinh ra, tránh xa chốn thị phi ồn ào. Những người quen biết chàng đều kịch liệt phản đối. Người đi biển kiêng kị nhiều lắm.
Hôn lễ đơn giản, có chàng, có tôi. Khách đến mừng ngoài những người trong họ tôi, không còn ai khác. Thầy tôi vốn nổi tiếng nghiêm khắc cũng bị chàng làm cho cảm động. Lần đầu tiên, tôi thấy thầy khóc. Thầy vỗ vai chàng nghẹn giọng: “Ta yên tâm giao con gái cho con rồi”.
U ôm tôi cười mãn nguyện. U vẫn thường nói mỗi khi chải tóc cho tôi: “Hạn phúc lớn nhất của u là được thấy con gái mình vui vẻ trọn đời với người nó yêu thương”.
Đêm ngày nối tiếp trên biển, tôi dựa vào những ký ức tươi đẹp mà khắc khoải chờ đợi. Vườn cải chẳng ai buồn hái, tốt um lên rồi tàn lụi. Đến mùa lại tự tí tách vươn mầm chồi lên. Cư dân cải luôn sinh sôi sau mỗi lần xuất hiện. Ban đầu chỉ có ba mươi tám cây, rồi bảy mươi hai cây, qua vài mùa cải đã thành một rừng hoa vàng rực rỡ.
Khi tôi đang chật vật đếm những cây rau cải già cả trong lần ngoài vườn thì có hai người đến thăm. Tôi lúng túng không biết giải thích với thầy u thế nào về sự vắng mặt của Hoàng Sa. Không ngờ u đã nói:
“Một mình ở đây chắc con buồn chán lắm. Hay theo ông bà già này ra ngoài dạo chơi một chuyến”.
Tôi từ chối.
“Đừng lo, Hoàng Sa có việc. Phải lâu lâu nữa mới trở về”.
Tôi ngạc nhiên. Thầy u biết anh đang ở đâu, làm gì ư?
“Con rể đang ở kinh thành”, thầy nhìn vẻ mặt hoang mang của tôi, không đành lòng nói tiếp: “Con gái ngốc, Hoàng Sa làm tất cả vì con đấy”.
Kinh thành là nơi tôi lớn lên, tình người ấm lạnh. Họ nhà tôi từng có người làm quan to trong triều. Khi phú quý giàu sang, khách đến nhà không ngớt. Biến cố xảy ra bỗng chốc xung quanh chẳng còn ai. Trong một ngày, danh vọng quyền quý tan biến không còn dấu vết. Họ hàng tôi lưu lạc tha phương. Tôi muốn tìm Hoàng Sa dẫu mãi mãi không thể lấy lại tiếng nói.
Chương 3: Chuyện xưa
Ngay từ khoảnh khắc hai người nhìn thấy nhau, một câu chuyện đẹp bắt đầu được kể từ đời này sang đời khác.
…
Tôi bí mật lặn lội lên kinh. Trên đường đi gặp vài người thân cũ. Họ có nói đôi chút về Hoàng Sa. Đúng như tôi lo sợ, chàng có qua lại với quan chức trong triều.
Dạo này trăng mờ, sao tỏ, gà gáy xao xác nửa đem, chỉ e có chuyện chẳng lành.
Tôi đi về phía chùa Dục Khánh nhưng không vào bên trong. Dừng lại rất lâu trước bụi dành dành to, hoa như đàn bướm trắng khe khẽ cười với lá. Nghe tiếng bước chân quen thuộc, tôi luống cuống vội núp phía sau cành lá rườm rà.
“Sao lần nào ta cũng gặp nhóc ở đây vậy?”.
Tôi giật mình đưa mắt nhìn quanh. Ngoài Hoàng Sa còn có một cậu bé khác ngồi bó gối dưới gốc dành dành. À, thì ra, nhóc ngồi đó lâu rồi. Tôi chỉ chuyên tâm nghĩ đến chàng, chẳng để ý ai khác, không ngờ cậu bé này cũng đang nghĩ về người khác mà lơ đãng không biết sự có mặt của tôi. Cậu bé trông thật quen mắt.
“Con chờ người”. Khuôn mặt cậu bé khá đẹp, giọng nói cất lên lại càng làm người ta dễ nhầm là một cô gái.
“Chẳng phải người đó đã nói mười lăm mới trở về sao? Vẫn còn hai ngày nữa”.
“Nhưng con vẫn muốn chờ ở đây. Lỡ người ấy về sớm một chút, con sẽ không kịp đón. Ngốc nhỉ?”. Cậu bé hồn nhiên nói.
Hoàng Sa xoa đầu bé. “Biết đâu vì con chờ ở đây, người ấy sẽ trở về sớm hơn một chút”.
“Không thể nào”. Cậu bé nghi ngờ.
“Con có biết câu chuyện về chàng trai nghèo cả gan đòi cưới tiểu thư trước cửa chùa không?”. Hoàng Sa hỏi.
“Con có nghe kể, nhưng vẫn không hiểu chuyện đó có liên quan gì ạ?”. Cậu bé thắc mắc.
“Đây là nơi lần đầu tiên chàng trai ấy gặp tiểu thư. Ngay từ lần đầu tiên hai người nhìn thấy nhau, một câu chuyện đẹp bắt đầu được kể từ đời này sang đời khác…”.
Nhiều năm về trước, con cá kình cùng đám bạn lên đất liền dạo chơi. Gặp đúng dịp ông quan có cặp râu như ria cá trê mang cây mẫu đơn quý chơi hội hoa. Chàng ngứa mắt trước thói hách dịch của quan ông bèn nghĩ kế vặt trụi mấy bông hoa quý. Lão quan giận tím mặt, lệnh cho lính lệ tra xét kỹ từng người, quyết lóc xương, lọc da kẻ chơi đểu. Mọi người đều đã bị hỏi xong, đến lượt chàng.
“Từ nãy đến giờ, ngươi làm gì?”.
“Tôi ngắm hoa”. Cá kình đáp.
“Ai làm chứng cho ngươi?”.
“Làm sao tôi biết được. Tôi chuyên tâm ngắm hoa, đâu biết được ai ngắm tôi”. Cá kình chế giễu.
Vài tiếng bàn tán xôn xao. Quan “cá trê” điên tiết:
“A, láo, chính mày rồi?”.
Anh chàng bình tĩnh trả lời:
“Thưa quan, tôi sai ở đâu? Tôi từ nơi xa đến, thấy lễ hội hoa nên đến ngắm, không lẽ đây là lễ hội người? Không nhìn người là có tội?”.
Xung quanh rộ lên tiếng cười. Quan “cá trê” quát:
“Láo, chính mày rồi. Quân bay đâu đánh nó cho ông!”.
Chuẩn bị ăn đòn, lại nghe giọng nói nhỏ nhẹ:
“Ồ, anh này là người tìm bông tai cho tôi đây mà”.
Mọi người đều nhìn về hướng phát ra tiếng nói nên chàng cá kình cũng nhìn theo. Những đóa hoa dành dành trắng muốt cạnh đó như khoác lên nàng thứ ánh sáng dìu dịu. Dường như chàng mơ hồ cảm nhận được hương hoa nhàn nhạt. Ông “cá trê” lập tức dịu giọng:
“Tiểu thư Ngọc Diệp cũng đến đây ạ?”.
“Vâng, tôi đi chùa ngang qua đây, không may rơi bông tai, may có anh đây tìm giúp, chưa kịp có lễ cảm ơn đã thấy lính lệ mang người đi rồi”.
Ông quan “cá trê” lập tức gõ cán quạt lên đầu tên lính lệ thân cận, không quên trách mắng hắn vì bắt nhầm người.
Khi chỉ còn hai người, tiểu thư thở dài:
“Thật đáng tiếc!”.
Con cá kình nhìn thấy những cánh hoa mẫu đơn tan tác rải trên mặt đất, cảm thấy hơi áy áy.
“Sao anh không vặt luôn rễ của nó. Có như vậy mới không còn người khổ vì nó”.
Sau này, chàng mới biết, mẫu đơn trong nhà quan cá trê quý vì luôn mang sắc đỏ đậm hơn bất kỳ loài hoa nào khác. Tất cả đều có nguyên do. Mỗi lần đến mùa hoa, lão quan lại bắt con nợ nhỏ máu tưới cho nụ mới cho khất tiếp đến mùa sau.
Cá kình theo chân tiểu thư vào chùa Dục Khánh. Thấy nàng thành tâm khấn vái, cá kình cũng làm theo. Dập đầu ba lần, trước bàn Phật, chàng nói to:
“Con lạy trời, lạy phật phù hộ cho vợ chồng con, Ngọc Diệp, Hoàng Sa trọn đời bình an”.
Mọi người, cả tiểu thư đều bị lời khấn của chàng dọa cho giật mình. Nàng cau mày nói: “Trước Phật không được hỗn láo”.
Cá kình lập tức tiếp thu, phủ phục trước bàn Phật, thành tâm tuyên thệ: “Trời Phật chứng giám, Hoàng Sa con cả đời nguyện chỉ lấy mình Ngọc Diệp tiểu thư làm vợ. Nếu sai lời, sét đánh chết”.
Mọi người đều cười chàng đũa mốc đòi chòi mâm son. Ngọc Diệp là tiểu thư duy nhất của thầy đồ Giáo nổi tiếng nghiêm khắc. Học trò của ông đã có nhiều người ra làm quan, gia đình ông cũng có người làm quan to trong triều. Cá kình bướng bỉnh đến hỏi cưới. Thầy đồ nói:
“Ta không gả con gái xa”.
“Bẩm thầy, con xin ở rể”.
“Ta không gả con gái cho người không biết chữ”.
“Bẩm thầy, con đang học chữ”.
“Con gái ta không thể ở già chờ cậu được”.
“Bẩm thầy, con cũng không muốn vậy”.
“Được, sang năm Ngọc Diệp tròn mười sáu, cậu vẫn chưa viết được câu đối nào thì ta gả con gái ta cho người khác đấy”.
Từ đó, cá kình bỏ biển lên đất liền học chữ. Ngày tiểu thư tròn mười sáu tuổi, chàng cũng đã biết viết câu đối. Chàng thức cả đêm để họa những nét chữ cứng cáp trên vuông giấy đỏ. Chàng vừa cười, vừa khóc mà hỏi:
“Mời thầy xem, câu đối này con đã nghĩ từ rất lâu rồi”.
Thầy đồ Giáo vỗ vai anh, rưng rưng nước mắt: “Câu đối hay lắm, hay lắm”.
Chỉ tiếc là…
“Cúc Tần? Cúc Tần?”. Tiếng ai gọi làm đứt quãng câu chuyện xưa.
“A, cậu ấy về thật rồi”. Cậu bé ngồi cạnh Hoàng Sa reo lên.
Hoàng Sa cười như điều đó là hiển nhiên, như thể bụi dành dành này luôn chúc phúc cho mọi lời hẹn ước.
Cậu bé nói với Hoàng Sa trong khi chạy vội theo hướng chùa Dục Khánh:
“Chuyện hay lắm, hôm sau thầy lại kể tiếp cho con nhé?”.
Hoàng Sa mỉm cười: “Có lẽ là không kịp rồi”. Lời anh nói cùng cơn gió chiều mải miết đuổi qua tai tôi thành nỗi bất an mãnh liệt.
Hoàng Sa lại nói tiếp: “Cậu bé đó là con gái. Lần đầu tiên gặp, ta đã biết con bé đóng giả trai. Trông nó thật giống nàng”.
Ừ, thảo nào trông quen mắt đến vậy. Tôi giật mình, không lẽ Hoàng Sa đã phát hiện ra, đã thấy chàng vội vàng rời đi. Dường như chàng không bỏ được thói quen chia sẻ mọi điều thú vị phát hiện được cho tôi, dù chúng tôi có bên cạnh nhau hay không. Tôi ẩn mình trong màn đêm, cố bước nhè nhẹ theo chân anh đến một nơi bí mật. Có khoảng hơn hai mươi người bên trong, tôi chỉ dám đứng bên ngoài nghe ngóng. Ngọn đuốc cháy rần rật, hắt lên hòn núi giả những hình thù dữ tợn.
“Tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng. Ta lên ngôi, các ngươi đều trở thành quan lớn”. Giọng nói trầm thấp nhưng đầy uy quyền vang lên, bỗng chốc thổi bùng nhiệt huyết của những người còn lại.
Tôi lạnh người, cả đời này, tôi chẳng mong bất kỳ người thân nào của mình dính vào quan trường nữa. Tôi nghe âm thanh của Hoàng Sa giữa tiếng hò reo:
“Tôi không cầu địa vị, chỉ xin vương để chính tay tôi giết chết ả”.
Tôi chết lặng, Hoàng Sa của tôi sao có thể giết người? Nợ máu phải trả bằng máu. Tôi không tin vào điều đó. Tội ác dù được che đậy bởi bất kỳ lời lẽ hoa mỹ nào thì cũng đều gây ra bi kịch.
Chương 4: Chân tướng.
Hoa cải lại trổ bông vàng rực rỡ trên cát mịn màng. Những cánh hoa rung rinh như lời chúc phúc dành cho đôi lứa yêu nhau.
…
Sử sách có ghi lại: “Năm 1459, người anh cả cùng cha khác mẹ của vua Nhân Tông là Lê Nghi Dân tiến hành đảo chính sát hại Lê Nhân Tông. Nghi Dân lên ngôi”.
Kinh thành lại được phen nổi cơn gió lớn. Có người ngầm phỉ nhổ việc cướp ngôi của Nghi Dân, có người nghĩ thầm: “luật đời có nhân quả”…
Hoàng Sa là một trong những người đầu quân dưới trướng của Nghi Dân. Ngày vua mới đăng cơ, Hoàng Sa một thân thương thế đầy mình lẳng lặng đến chùa Dục Khánh. Chàng quỳ trước hàng trăm bài vị đặt ngay ngắn trong căn phòng bí mật:
“Mọi người có thể yên giấc rồi… thù đã trả xong”.
Bàn tay đang rỉ máu của chàng cuối cùng cũng buông thõng trên một tấm bài vị khắc hoa dành dành, nhuộm đỏ hai chữ: “Ngọc Diệp”.
Phải, đó chính là bài vị của tôi. Tôi là một người đã chết. Một người chết làm sao còn có thể nói được nữa.
Ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442), một đạo thánh chỉ giáng xuống, cả ba họ, từ ông già đầu bạc đến đứa bé mới khóc chào đời đều bị chém một loạt. Mưa không ngừng rơi, máu chảy thành sông, tanh nồng, lan khắp mặt đất. Cơn ác mộng cắn nuốt tôi hàng đêm thật sự đã diễn ra.
Nghe tin dữ, u ôm lấy tôi khóc, u thương tôi một đứa trẻ vẫn chưa biết têm trầu cánh phượng. Thầy bình tĩnh uống hết bầu rượu, nói: “Đừng sợ, nơi này nhiều thị phi quá, gia đình ta chỉ là chuyển nhà sang một nơi khác bình yên hơn thôi”.
Hoàng Sa đã lên kế hoạch cướp pháp trường, cứu tôi. Nhưng cứu tôi mà để liên lụy trăm họ dân chài mất mạng làm sao tôi có thể sống tốt. Tôi nhờ vị trụ trì chùa Dục Khánh giữ chân chàng. Hoàng Sa ngủ mê suốt hai ngày. Khi tỉnh dậy, tất cả đã không thể vãn hồi. Tôi chẳng nhớ cảm giác khi lưỡi đao kề cổ mình ra sao, chỉ biết trong đầu luôn tràn ngập những suy nghĩ về chàng. Sau này, những đêm tất niên, ai sẽ cùng chàng vớt bánh chưng xanh? Ai sẽ thay tôi nấu món canh sen cho chàng mỗi khi hè về? Gió heo may làm sờn áo chàng, ai sẽ vá giúp? Và đêm đông giá, ai sẽ đắp mềm cho chàng? Ngay cả khi chết đi rồi, tâm trí tôi vẫn gọi tên chàng.
Cửa Diêm Phủ rộng mở, Phán quan nói rằng chúng tôi bị chết oan, được quyền chọn lựa đi đầu thai hoặc ở lại trần thế ngao du cho đến khi cảm thấy yên tâm, dứt bỏ vướng bận sang kiếp khác.
Hơn mấy trăm mạng người chúng tôi, được gói gọn vài dòng ngắn ngủi trong sử sách:
“Ngày 16 tháng 8 năm nhâm tuất, những người thuộc họ Nguyễn của Nguyễn Trãi, họ Trần của bà Trần Thị Thái, mẹ Nguyễn Trãi, họ Nhữ của vợ thứ Nguyễn Phi Khanh (cha Nguyễn Trãi) và họ tộc của tất cả năm người vợ Nguyễn Trãi, từ ông già đầu bạc đến đứa bé mới khóc chào đời bị chém đầu một loạt.(1)”
Hoàng Sa gần như phát điên khi tỉnh dậy. Tôi đã nhờ sư trụ trì đưa cho Hoàng Sa tấm áo cuối cùng tôi có thể may cho chàng. Hoàng Sa bần thần nhìn manh áo, ánh mắt trống rỗng vô hồn. Hoàng Sa đày đọa mình dưới mưa suốt ba ngày, còn nửa cái mạng, tôi chặn chàng ở Qủy môn quan, doạ dẫm:
“Phán quan nói rằng người tự ý chết sẽ bị giam ở dưới tầng địa ngục thứ mười tám, vĩnh viễn không siêu sinh. Nếu chàng tìm chết, chúng ta sẽ chẳng bao giờ gặp lại. Tranh thủ tôi đi vắng, chàng nên lấy vợ, sinh con, sống một đời hạnh phúc, đến khi gặp nhau, tôi chắc chắn không để chàng nghía mắt nhìn người con gái khác đâu”.
Sau đó, chàng nói một câu khiến tôi dở khóc, dở cười:
“Hoàng Sa ta từng thề độc cả đời chỉ lấy một vợ là nàng. Không lẽ nàng nhẫn tâm để một người đẹp trai, tài giỏi như ta phải cô độc suốt đời. Hay nàng muốn ta cưới người khác rồi chưa kịp động phòng đã bị sét đánh chết? Như vậy còn thảm hơn. Thôi cứ để ta nằm chết ở đây luôn cho rồi”.
Trong đêm tối tịch mịch, tôi dường như nhớ lại rất nhiều chuyện. Linh hồn nhẹ bẫng bị gió cuốn về căn nhà nhỏ bên biển. Sóng biển vỗ bờ rào rạt làm nên tiếng buồn thương của ký ức. Những cảnh tượng đã từng diễn ra như lớp sóng gối lên nhau tràn về. Trong lòng tôi chẳng rõ hạnh phúc hay đau xót.
…
Bảy ngày sau khi tôi bị hành hình, cũng là ngày tôi tròn mười sáu tuổi, Hoàng Sa thức cả đêm viết câu đối lên vuông giấy đỏ. Anh vừa cười, vừa khóc mà hỏi:
“Mời thầy xem, câu đối này con đã nghĩ từ rất lâu rồi”.
Ngọn đèn dầu leo lét soi bóng chàng cô độc trên dòng chữ: Ngọc Diệp – Hoàng Sa.
…
Ngày hôm sau, mình chàng mặc áo tân lang nâng chén rượu giao bôi với chiếc áo cưới u chuẩn bị cho tôi từ lâu.
…
Mỗi lần từ biển về, Hoàng Sa lại vội vàng đến bên chiếc áo cuối cùng tôi may cho chảng:
“Ta đã về, nàng đoán xem, lần này ta mang gì về nào?”.
Chàng lại tự nói với mình:
“Để cảm ơn ta, hôm nay nàng phải ăn nhiều hơn đấy”.
…
Trên bàn ăn, luôn đủ hai cái bát và hai đôi đũa, mặc dù chỉ có một người ăn. Ốc Vân nhìn thấy chàng không ngừng gắp thức ăn vào cái bát đối diện. Cô chua sót, sững sờ.
“Ốc Vân vào ăn cùng chúng tôi”. Hoàng Sa cười hạnh phúc. Bữa ăn vẫn chỉ luôn có mình chàng.
“Anh…”.
Xoảng.
Hoàng Sa nhìn vào khoảng không nói, “Nàng đừng giận, dần dần Ốc Vân cũng sẽ quen thôi”.
…
Hoàng Sa vuốt nhẹ lên chiếc áo tôi may cho chàng nói:
“Lần đó do ta đến muộn. Nàng chắc giận ta lắm nên mới không nói gì từ đó đến giờ”.
Chàng lại gõ nhẹ lên chiếc áo, cười khổ. “Ta biết nàng sẽ không giận nhưng ta vẫn luôn trách mình. Ta sẽ đi tìm lại âm thanh cho nàng”.
Hoàng Sa đã lần ra chân tướng thảm án.
Ngày 27 tháng 7 năm nhâm tuất (1442), vua Lê Thái Tông tuần du, duyệt binh ở Chí Linh. Đầu tháng 8 vua ghé thăm chùa Tư Quốc, Côn Sơn, Chí Linh nơi Nguyễn Trãi về ẩn dật sau khi bị thất sủng. Sau khi viếng thăm, vua yêu cầu Nguyễn Thị Lộ là thứ thiếp của Nguyễn Trãi cùng theo về kinh. Trên đường về, ngày mồng 4 tháng 8 âm lịch Lê Thái Tông chết đột ngột tại vườn vải (lệ chi viên) vốn là một ly cung được xây cất từ triều Lý trong một trại trồng vải thuộc làng Đại Lại, huyện Gia Định (nay là Gia Bình), tỉnh Bắc Ninh. Trước khi Thái Tông mất chỉ một mình Nguyễn Thị Lộ hầu bên cạnh, “bọn thái giám Tạ Thanh, Lương Dật chạy biến đi mất, nói là đi tìm thầy thuốc địa phương, sáng mới về, vua đã tắt thở” (2). Viện cớ này, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh cho bắt Thị Lộ tra tấn dã man nhằm bức cung khép tội cùng Nguyễn Trãi đồng mưu giết vua. Chịu không nổi cực hình, Nguyễn Thị Lộ phải khai nhận. Án được thi hành ngay: Nguyễn Thị Lộ bị bỏ vào cũi sắt dìm xuống sông cho chết, Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc.
Chàng quyết bắt kẻ chủ mưu khiến cả họ nhà tôi chết oan phải nhận quả báo.
…
Giữa vườn cải xanh non, chàng đưa hai tay nắm khoảng không tĩnh lặng, “nàng chờ ta nhé. Nếu có phải chết ta cũng sẽ quay về”.
…
Thỉnh thoảng có vài cô gái tương tư chàng chạy đến oán thán. Tôi thường hóa thành cơn gió lớn hù dọa. Mọi người ở làng chài đều tin rằng ngôi nhà có ma ám, chẳng dám đến gần.
…
Tôi chính là con ma ấy.
…
Một vòng tay siết chặt từ phía sau, tôi nghe thấy âm thanh từ trên đỉnh đầu. “Xin lỗi đã để nàng chờ đợi. Ta đã về”.
Bầu trời xanh vẫn thổi những khúc ca bất tận về câu chuyện cổ xưa. Biển rì rào tỏ tình với hải âu trong nắng. Hoa cải lại trổ bông vàng rực rỡ trên cát mịn màng. Những cánh hoa rung rinh như lời chúc phúc dành cho đôi lứa yêu nhau.
***
Chú thích:
(1)Theo gia phả họ Nguyễn, Nguyễn Trãi có năm người vợ sinh được nhiều con. Sau vụ án Lệ chi viên, gia tộc bị thảm sát gần hết, có môt số ít thoát nạn là: Nguyễn Phi Hùng (em thứ ba của Nguyễn Trãi, chạy về Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh); Nguyễn Phù (con Nguyễn Trãi, chạy lên Cao Bằng, đổi họ sang họ Bế Nguyễn); Phạm Thị Mẫn (vợ thứ tư, có mang ba tháng, được người học trò cũ của Nguyễn Trãi là Lê Đạt đưa chạy trốn vào xứ Bồn Man, phía Tây Thanh Hóa) và vợ thứ năm họ Lê cũng đang mang thai, chạy về Phương Quất, huyện Kim Môn, Hải Dương về sau sinh được khá nhiều con cháu.
(2) Vụ án Lệ chi viên; Gs. Võ Thu Tịnh.
sưu tầm