google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Hành trình của bầy ong - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

Hành trình của bầy ong

Với đôi cánh đẫm nắng trời
Bầy ong bay đến trọn đời tìm hoa
Không gian là nẻo đường xa
Thời gian vô tận mở ra sắc màu.

Tìm nơi thăm thẳm rừng sâu
Bập bùng hoa chuối, trắng màu hoa ban.
Tìm nơi bờ biển sóng tràn
Hàng cây chắn bão dịu dàng mùa hoa.
Tìm nơi quần đảo khơi xa
Có loài hoa nở như là không tên…

Bầy ong rong ruổi trăm miền
Rù rì đôi cánh nối liền mùa hoa
Nối rừng hoang với biển xa
Đất nơi đâu cũng tìm ra ngọt ngào.
(Nếu hoa có ở trời cao
Thì bầy ong cũng mang vào mật thơm)

Chắt trong vị ngọt mùi hương
Lặng thầm thay những con đường ong bay.
Trải qua mưa nắng vơi đầy
Men trời đất đủ làm say đất trời.
Bầy ong giữ hộ cho người
Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày.

Vầng trăng dâng đĩa mật đầy
Trời sao mở cánh ong bay ngang trời.
Đêm nay như thức cùng tôi,
Bầy ong – con chữ nối lời bài ca.

Nguyễn Đức Mậu

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu sinh năm 1948 và là người con của đất Nam Định. Thuộc lớp nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông cũng lên đường nhập ngũ khi vừa tròn mười tám như bao trai tráng thời ấy. Ông từng bộc bạch “Tôi là người lính nên có nhiều thơ viết về chiến tranh, viết về những điều mình quen thuộc nhất”. Thế nên, ngay tại nơi bom rơi đạn lạc, người chiến sĩ trẻ bắt đầu những trang thơ đầu tiên về đồng đội, về quê nhà.

Từ người lính làm thơ trở thành nhà thơ khoác áo lính, Nguyễn Đức Mậu có lẽ là một trong những tác giả viết nhiều nhất về chiến tranh. Vần thơ ông ngày ấy an ủi nhiều tâm hồn đau thương mất mát, đồng thời làm thức dậy hàng nghìn trái tim yêu nước. Dẫu gây ấn tượng mạnh mẽ bằng những trang thơ kể về chiến trường, ông vẫn giữ được trái tim trong sáng và viết nên con chữ vui tươi đầy sức sống. Tiêu biểu phải nhắc đến bài thơ quen thuộc của bao thế hệ, Hành trình của bầy ong.

Hành trình của bầy ong quen mặt nhiều thế hệ người dân Việt Nam vì được in trong sách giáo khoa. Bài thơ này kể lại công việc lấy mật hàng ngày của bầy ong, đồng thời đưa ra những triết lý và quan điểm đáng suy ngẫm. Tác phẩm được viết theo thể lục bát và nhịp ngắt chẵn nên dễ đọc, dễ nhớ. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã thể hiện một bản thân rất mới mẻ trong thơ ca bằng việc tạo ra những từ ngữ trong sáng cùng cách miêu tả đầy sống động về bầy ong. Ở nhan đề bài thơ cũng ẩn chứa nhiều thông điệp ý nghĩa. Thay vì dùng “chuyến đi”, tác giả chọn từ “hành trình” để chỉ chặng đường dài hơn cùng nhiều bài học vô giá ở phía trước.

Bình luận Facebook