google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Hận hay thương rồi cũng hết một đời - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

Hận hay thương rồi cũng hết một đời

Chúng ta vẫn luôn coi nỗi đau của mình là lớn nhất, luôn xem việc hành hạ người làm cho mình đau khổ là dĩ nhiên, là tất yếu. Cho đến một ngày ta nhận ra, đó không phải là điều ta muốn làm, không phải là niềm mong muốn nhất của bản thân.

Sáng sớm, tin người đàn ông sống ở rìa làng đã qua đời làm xôn xao xóm nhỏ. Xôn xao là bởi người ta bảo rằng chiều qua họ vẫn còn thấy ông ngồi hút thuốc trước căn chòi, hỏi han mọi người, ra điều còn khỏe mạnh lắm, không lẽ gì lại chết nhanh như vậy. Là ông đã tự kết thúc cuộc đời mình.

Tôi không biết tên ông, bởi vốn cũng chẳng quan tâm đến người đàn ông ấy lắm. Thi thoảng, vào những buổi chiều, con tôi đòi mẹ dắt ra bờ đê chơi, ở đó có cánh đồng lúa rộng. Tôi nhìn thấy người đàn ông đó, khi thì là lúc ông vừa đi làm về. Hình như ông làm cửu vạn, người lấm lê những bụi bẩn, mồ hôi. Đôi lúc ông cố tình gọi con gái tôi đến gần muốn cho nó cái bánh hay thứ quà gì đó, nhưng lúc nào tôi cũng có lý do để chối từ.

Người ta kể với tôi, vợ con ông cũng sống trong xóm này. Ngày xưa, hồi còn trẻ, ông đi làm bốc vác thuê ở các bến xe rồi dan díu với một người đàn bà nào đó. Vợ ông đã mấy lần réo tên ông mà chửi cho cả làng cùng nghe thấy. Rồi một ngày ông về nhà, gói ghém đồ đạc, nói rằng ông không ở đây nữa. Vợ ông nói không biết ông đi đâu, nhưng người ta đồn đoán rằng ông bỏ vợ con đi theo người đàn bà đó.

Bẵng đi hơn chục năm sau, khi chẳng còn ai còn nhớ đến ông nữa thì ông đột ngột trở về. Ông quỳ trước thềm nhà xin vợ con tha thứ. Vợ ông bao nhiêu năm nay sống như thể không chồng, bao vất vả khó khăn một mình bà gánh chịu, chẳng có lý do gì để bà tha thứ. Ba đứa con ông, đặc biệt là cô con gái lớn nhìn cha như nhìn kẻ thù. Chúng cũng quen rồi, một cuộc sống không có cha.

Chẳng còn cách nào, ông ra ở khu đất trống cuối làng dựng một cái chòi nhỏ cho có chỗ chui ra chui vô. Ngày ngày ông vẫn đi làm để kiếm cơm, đêm về nằm nghe ếch kêu rộn cánh đồng. Đôi bận ông vẫn đáo qua nhà nhưng vợ con ông nhìn ông như người xa lạ. Ngày con gái lớn của ông lấy chồng, ông không được mời. Người ta nói thấy ông đứng xa xa nhìn tới. Ông có lẽ cũng không muốn xuất hiện khiến ngày hạnh phúc của con mình kém vui.

Sáng qua, khi ông lão chăn vịt ghé căn chòi của ông xin ngụm nước đã hốt hoảng khi thấy ông nằm sõng soài dưới sàn nhà. Được tin ông mất, vợ con ông cũng có mặt. Họ cũng có khóc, khóc những vẫn không quên trách móc. Họ làm tang lễ cho ông, đưa ông về thờ trong nhà. Ngày ông được vợ con đón về nhà, thật tiếc lại là ngày ông đã chết.

Gia tài ông để lại là một cuốn sổ tiết kiệm khá nhiều tiền. Có lẽ đó là số tiền ông chắt chiu trong suốt những năm qua, và một bức thư ngỏ gửi vợ con. Đặt trên bức thư là một chiếc hộp nhỏ đựng ở trong một chiếc nhẫn vàng mà ông gửi gắm rằng đó là quà cưới ông đã mua cho cô con gái hôm con lấy chồng nhưng không dám trao. Đọc thư, cô con gái lớn của ông khóc như chưa từng căm ghét bố.

Người ta bảo rằng giá như khi ông trở về sám hối, vợ con ông tha thứ cho ông thì đã không có kết cục như thế này. Tôi vẫn nghĩ không ai trách họ được. Không ai có quyền đòi hỏi một người bị phản bội, bị tổn thương phải mở lòng bao dung với người đã làm mình đau khổ. Bởi tha thứ lúc nào cũng khó hơn việc mang theo lòng thù hận, dù nỗi thù hận không buông bỏ giống như một khối đá cứ lủng lẳng trong tim, nặng nề và khó chịu lắm.

Sau khi chồng mất, bà vợ có kể với mọi người rằng, những lúc ông đi vắng, thỉnh thoảng bà có ghé qua căn chòi đó quét dọn giúp ông. Đôi khi còn để vài thức quà ở đó. Vào những ngày lễ tết, nhà nhà sum vầy, bà cũng nghĩ đến ông, cũng xót xa, nhưng nghĩ đến sự phụ bạc của ông thì lại không đành lòng nguôi giận. Bà tỏ ra ghét chồng mà lòng bà cũng có yên đâu. Ngày con bà lấy chồng, vị trí dành cho ông đứng bỏ ngỏ, tim bà cũng xót lắm. Đó là đứa con gái ông đã từng chăm chút nhiều nhất. Và bà lại khóc bảo rằng “nếu mà tôi biết ông ấy nghĩ quẩn như thế…”. Nếu mà… nghe thật xót xa.

Tôi từng xem một bộ phim của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có chi tiết cô gái đã kiên quyết không chịu nhìn mặt bố mình khi ông quay trở về sau bao nhiêu năm rời bỏ mẹ con cô. Cô hỏi bạn trai mình: “Tại sao em phải tha thứ cho ông ấy chứ?”. Bạn trai cô trả lời: “Em sẽ biết lý do vì sao em nên tha thứ cho bố mình khi em đứng trước bia mộ của ông ấy. Và dĩ nhiên khi đó thì đã quá muộn”.

Cuối cùng người cha này đã ra đi vào đúng hôm sinh nhật của cô con gái, sau khi tặng cho cô món quà cô ước ao từ thuở nhỏ mà ông chưa có dịp thực hiện. Ông đã ở giai đoạn cuối một căn bệnh nan y, và trước khi nhắm mắt, ông mỉm cười trong vòng tay của cô con gái.

Chúng ta luôn có lý do để cho phép mình thù hận một ai đó, ngay cả với những người thân thương ruột thịt. Chúng ta vẫn luôn coi nỗi đau của mình là lớn nhất, luôn xem việc hành hạ người làm cho mình đau khổ là dĩ nhiên, là tất yếu. Cho đến một ngày ta nhận ra, đó không phải là điều ta muốn làm, không phải là niềm mong muốn nhất của bản thân. Rằng so với nỗi đau mất đi một người thì những nỗi đau khác không là gì nữa cả. Thật ra thì ta đã có thể làm khác đi, nhưng ta đã không lựa chọn.

Đêm qua, nơi tôi ở có một người vừa nằm xuống. Và đó là một người đàn ông cô đơn.

Theo Dân Trí

Bình luận Facebook