Hà Nội Ba mươi sáu phố phường
Hà nội ba mươi sáu phố phường,
Lòng chàng có để một tơ vương.
Chàng qua chiều ấy qua chiều khác,
Góp lại đường đi: vạn dặm đường.
Nhà ấy hình như có mặt trời,
Có rừng có suối có hoa tươi,
Bao nhiêu chim lạ, bao nhiêu bướm,
Không, có gì đâu! Có một người.
Chân bước khoan khoan, lòng hỏi lòng:
– Có nên qua đấy nữa hay không?
Không nên qua đấy, nên qua đấy?
Không, nhớ làm sao! qua, mất công.
Chân bước khoan khoan, lòng hỏi lòng:
-Có nên qua đấy nữa hay không?
Không nên qua đấy, nên qua đấy?
Không, nhớ làm sao! qua, mất công.
Có một chiều kia anh chàng si
Đến đầu phố ấy bỗng ngừng đi,
– Hai bên hàng phố hình như họ…
Đi mãi đi hoài có nghĩa chi!
Đem bao hi vọng lúa ra đi,
Chuốc lấy buồn thương lúc trở về.
Lòng mỗi lần đi lần bão táp,
Mỗi lần là một cuộc phân li.
Chàng đau đớn lắm, môi cắn môi,
Răng cắn vào răng, lời nghẹn lời:
– Hờ hững làm sao! Mê đắm quá!
Trời ơi! Cứu vớt lấy tôi, trời!
Chao ơi! Yêu có ông trời cản!
yêu có ông trời khoá được chân!
Chàng lại đi về qua phố ấy,
Mấy mười lần nữa và vân vân.
Chàng đi đi mãi, đi đi mãi,
Đến một chiều kia, đến một chiều
Phố ấy đỏ bừng lên: xác pháo.
yêu là như thế! Thế là yêu!
Hà Nội ba mươi sáu phố phường,
Lòng chàng đã dứt một tơ vương,
Chàng qua chiều ấy qua chiều khác,
– Có một người đi giữa đám tang.
NGUYỄN BÍNH
Hà Nội là nơi đầu tiên mà Nguyễn Bính đặt chân đến khi rời bỏ làng quê để cất bước giang hồ. Tuy nhiên, ông sống ở Hà Nội không nhiều lắm. Bởi ông luôn xê dịch qua nhiều địa phương khác nhau.
Tính từ năm 1936 đến 1945 là gần mười năm, nhưng có lẽ tổng cộng thời gian ông sống ngay tại Hà Nội chỉ chừng vài năm. Nhưng đó là khoảng thời gian quan trọng nhất để ông bước chân vào sự nghiệp văn chương. Một điều chắc chắn rằng chỉ từ khi rời Hà Đông về Hà Nội, vào khoảng năm 1935 hoặc 1936, Nguyễn Bính mới bắt tay vào sáng tác một cách chuyên nghiệp.
Ở Hà Nội, thoạt đầu Nguyễn Bính chơi thân với Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, làm thành một nhóm thơ trẻ, được bạn bè mệnh danh là xóm thơ áo bào gốc liễu. Về sau, Nguyễn Bính chơi thêm với Tô Hoài, Vũ Hoàng Chương… Đó là những cây bút có tiếng tăm trong làng văn. Còn những bạn bè văn chương báo chí khác thì nhiều lắm. Hà Nội có, tỉnh lẻ có.
Qua một số tài liệu để lại, ta thấy rằng dường như những bài thơ hay về làng quê của Nguyễn Bính đều được viết ra trong khoảng thời gian ông sống ngay tại Hà Nội. Khoảng năm 1935 hoặc 1936, cùng với Trúc Đường đặt chân đến Hà Nội, Nguyễn Bính bắt đầu sáng tác thơ về làng quê. Đề tài làng quê trước hết là thế mạnh của Nguyễn Bính, sau nữa là đề tài mà độc giả các báo, vốn hầu hết là người thành thị, khi đó vẫn rất thích đọc. Mặt khác, một người sinh ra ở làng quê, lớn lên ở làng quê, cuộc sống thị thành vẫn còn quá xa lạ như Nguyễn Bính, thì lấy đề tài làng quê để sáng tác sẽ là thuận lợi hơn so với đề tài khác. Những bài thơ như Mưa xuân, Chân quê, Lòng mẹ, Thời trước… đều được ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
Nhưng rồi viết về làng quê mãi cũng có lúc cạn nguồn đề tài. Vả lại những năm 1939 trở về sau này, Nguyễn Bính đã dần quen thuộc với cuộc sống phố phường Hà Nội rồi. Vì vậy, ông đã bắt đầu lấy những đề tài thành thị để sáng tác. Ta đã thấy xuất hiện những câu thơ như thế này trong tập thơ Lỡ bước sang ngang, là tập thơ xuất bản đầu tiên của Nguyễn Bính vào năm 1940:
Hà Nội ba mươi sáu phố phường
Lòng chàng có để một tơ vương
Chàng qua chiều ấy qua chiều khác
Góp lại đường đi, vạn dặm đường
(Hà Nội ba mươi sáu phố phường)