Giai thoại về nhà văn Nguyễn Tuân

Trong thời gian công tác tại Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, rồi Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam, tôi có nhiều dịp gặp nhà văn Nguyễn Tuân và cũng được nghe khá nhiều giai thoại về ông. Ông thường đến mượn sách tại Thư viện của Hội Liên hiệp và cũng nhiều khi đến chỉ để gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè nghệ sỹ. Lúc còn khỏe, ông đi chiếc xe đạp mà mọi người vẫn nói đùa là xe đạp “cởi truồng” bởi nó không chuông, không phanh, không gác-đờ-bu… Sau này sức yếu, ông đi bộ, tay chống can, mái tóc dài bạc trắng xõa ra phía sau, dáng đẹp lão và cương nghị lắm.

Cho bác “chen” với

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân có thói quen đến uống bia ở quầy bia Cổ Tân. Bấy giờ bia còn là loại hiếm nên đôi khi nhà văn cũng phải xếp hàng như mọi người và bởi vậy mà ông được chứng kiến không ít cảnh “chen ngang”. Lần ấy, nhà văn già rất ngạc nhiên khi thấy một chú bé – tay xách một cái can to – ở đâu bỗng chạy đến, lách vào đứng ngay trước mặt ông. Nhà văn nắm lấy vai chú bé, hỏi ngay:

– Này, cháu làm gì thế?

Đứa bé ngước mắt nhìn ông già rồi trả lời hết sức thản nhiên:

– Thưa bác, cháu xếp hàng mua bia cho bố cháu.

– Thế thì… – nhà văn già cúi xuống đứa bé – cháu hãy nhìn kỹ bác đây này: Bác già rồi. Đầu bác hói, tóc bác bạc, cằm bác có râu. Nhớ chưa?

– Dạ thưa bác, cháu nhớ rồi. – Lần này đứa bé trả lời có vẻ ngần ngại. Song nó vẫn băn khoăn – Nhưng thưa bác, nhớ thế để làm gì ạ?

Nhà văn già điềm nhiên trả lời:

– À, để rồi ngày mai nhỡ bác có đến sau thì nhớ cho bác “chen ngang” với nhé.

Đứa bé im lặng, đỏ bừng mặt… Hình như nó đã hiểu.

Tình bạn Nguyễn Tuân – Ngô Tất Tố

Nhà văn Nguyễn Tuân sinh năm 1910, so với nhà văn Ngô Tất Tố (sinh năm 1894) thì thuộc thế hệ “đàn em”, nhưng sinh thời, hai ông đã từng có những kỷ niệm rất mật thiết với nhau, như bạn bè đồng trang lứa.

Tác giả Vang bóng một thời có lần nhớ lại: Hồi ấy (quãng những năm ba mươi), nhiều đêm Ngô Tất Tố thường ngồi ở toà soạn một báo nọ trong góc phố Hàng Da để viết bài. Nguyễn Tuân trẻ trai thường hay đi chơi về khuya nên thỉnh thoảng lại tạt qua đây ngủ nhờ. Bao giờ cũng vậy, trông thấy bộ dạng Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố lại vui vẻ hỏi: “Thế nào, có vui và đông lắm không? Thôi bác thức, tôi đi ngủ đây”. Và Nguyễn Tuân tâm sự: “Nhiều đêm về oi ả quá, tôi chỉ muốn ngủ, còn viết gì thì viết, mai hãy hay. Nhìn những trang viết dở của bác Tố trên bàn, tự nhiên trong người thấy đứng đắn trở lại. Và ngồi vào trước tờ giấy trắng, vừa ngáp vừa nhìn ông bạn vong niên ngon giấc sau khi đã viết một số trang kia”.

Đấy là một kỷ niệm với Ngô Tất Tố lúc ông còn sống, trong đó Nguyễn Tuân không hề phủ nhận vai trò “động viên” tinh thần của bậc đàn anh trong quá trình sáng tác.

Sau khi Ngô Tất Tố mất (1954), năm 1962, Nguyễn Tuân có viết lời giới thiệu cho cuốn Tắt đèn tái bản, ông được trả nhuận bút tới… 500 đồng. Giới xuất bản cho đấy là mức “tuyệt trần cao của loại văn đề tựa” (vì theo Nguyễn Tuân cho biết, phở lúc bấy giờ chỉ ba hào một bát). Chưa hết, khi vào vai Chánh tổng trong phim Chị Dậu (chuyển thể từ tiểu thuyết Tắt đèn), ngoài thù lao vai diễn, Nguyễn Tuân càng có thêm nhiều quần chúng biết đến. Ông kể lại: “Đi trên hè phố, nhiều người tôi không quen nhưng nhìn tôi với nụ cười cảm tình với một nhân vật màn ảnh họ vừa nhận ra”.

Đối với Nguyễn Tuân, ông có niềm vui thật trọn vẹn khi nhớ về tình bạn giữa ông và Ngô Tất Tố: Một tình bạn buổi ban đầu đến với văn chương, một tình bạn trong những năm kháng chiến gian khổ, một tình bạn trên trang sách mà ông viết lời giới thiệu và một tình bạn trên những thước phim mà ông tham gia một cách tâm huyết.

Nguyễn Tuân khó tính

Con gái nhà văn Nguyễn Tuân hẹn người yêu đến nhà để bố gặp mặt. Lần đầu tiên ra mắt bố vợ tương lai, Anh chàng chỉ sợ muộn giờ nên nhảy 3 bước một làm chiếc cầu thang gỗ cũ kỹ rung lên bần bật. Đến cửa, anh vừa thở, vừa gõ cửa. Người ra mở cửa chính là nhà văn Nguyễn Tuân, ông liếc nhìn anh chàng từ đầu đến chân, rồi lẳng lặng đi vào, vừa đi vừa thủng thẳng: “Đi với đứng, cứ rầm rầm như thằng ăn cướp!”.

Lần sau đến nhà, anh rút kinh nghiệm đi thật sớm, bước lên cầu thang nhẹ nhàng, hầu như không gây ra tiếng động. Anh sẽ sàng gõ cửa. Người mở cửa lại là nhà văn Nguyễn Tuân. Ông lại liếc xéo anh từ đầu đến chân rồi lẳng lặng đi vào, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Đi với đứng, cứ rón ra rón rén như thằng ăn trộm!”. Nghe nói sau lần ấy, anh chàng sợ không dám đến nữa.

Nhà văn Nguyễn Tuân mừng hụt.

Láng giềng của nhà văn Nguyễn Tuân một bên là ông thợ gò, bên kia là ông thợ rèn. Hai ông suốt ngày gõ đập chí chát đến đinh tai nhức óc, khiến nhà văn Nguyễn Tuân không viết lách gì được, nhiều hôm phải đợi đến đêm khuya ông mới có thể ngồi vào bàn làm việc. Một hôm sáng sớm đã thấy ông thợ rèn sang nhà Nguyễn Tuân:”Hôm nay em xin phép bác cho em được chuyển nhà!”. Nhà văn Nguyễn Tuân mừng lắm, bởi bớt được tiếng động ầm ĩ một bên nhà, nhưng mặt vẫn tỏ ra rầu rầu tiếc nuối người bạn láng giềng lâu năm.

Vừa lúc ấy, ông thợ gò cũng sang xin phép được chuyển nhà. Đồ đạc của hai nhà hàng xóm đã được khuân ra để đầy sân. Nguyễn Tuân không giấu được nỗi vui mừng: Thế là từ nay tha hồ yên tĩnh, tha hồ mà làm việc. Và ông đã lánh đi cả ngày hôm ấy vì sợ để lộ ra nỗi vui mừng mà đáng ra phải bịn khi chia tay.

Buổi chiều về đến nhà, Nguyễn Tuân thấy đồ đạc ngoài sân đã được thu dọn hết. Nhưng ông bỗng choáng váng vì mình đã mừng hụt: Thì ra ông thợ gò đã chuyển sang nhà ông thợ rèn, còn ông thợ rèn lại tiếp quản nhà ông thợ gò.

Cháu xin phần cho ông cháu

Năm ấy nhà văn Nguyễn Tuân tròn 60 tuổi, Hội Nhà văn Việt Nam dự định tổ chức lễ mừng thọ ông thật trọng thể. Giấy mời bạn bè, quan khách đã được gửi đi, bia hơi, bánh kẹo đã được lo liệu đầy đủ.

Đúng ngày kỷ niệm, phòng họp của Hội Nhà văn được trang hoàng lịch sự, các dãy bàn được phủ khăn trắng muốt, quan khách đã có mặt đông đủ, chỉ còn thiếu có nhà văn… Nguyễn Tuân. 5 phút, rồi 10 phút trôi qua. Mọi người đều lo lắng không biết có sự cố gì, nhưng vẫn ráng đợi. Đúng 30 phút sau, thấy cháu gái nhà văn Nguyễn Tuân lễ mễ xách làn đến:

– Thưa các ông, các bà! Ông cháu xin lỗi vì bị cảm đột ngột không đến dự được, ông cháu bảo phần của ông cháu, các ông, các bà bỏ vào cái làn này để cháu mang về cho ông cháu.

Mọi người vừa bực vừa buồn cười. Ông Nguyễn lại chơi khăm chúng mình đây. “Đất không chịu trời thì trời chịu đất”, Ban tổ chức đành gói ghém bánh kẹo lại rồi mời mọi người đến nhà Nguyễn Tuân và tổ chức kỷ niệm ngay tại đấy.

Khi mọi người đến nhà, Nguyễn Tuân ra mở cửa và tỏ vẻ ngạc nhiên: “Quý hóa quá, các anh các chị đến chơi lại còn cho nhiều bánh kẹo thế này!”.

Di chúc của nhà văn Nguyễn Tuân

Về di chúc của nhà văn Nguyễn Tuân, người ta có nhiều lời đồn đại. Người thì bảo, ông yêu cầu đốt cho ông hình nộm một nhà phê bình, để xuống dưới đó ông sẽ hỏi: Xuống đây rồi, ông đã nói thật chưa? Người lại bảo ông để lại một danh sách: Những người nhất thiết không được đến dự lễ tang, những người đến cũng được mà không đến cũng được và cuối cùng là danh sách những người nhất thiết phải có mặt trong tang lễ thì ông mới nhắm mắt được.

Chuyện đến tai Nguyễn Tuân, ông bảo: Mọi lời đồn đều không đúng. Mình di chúc lại thế này: Số tiền các cơ quan, đoàn thể dự định mua vòng hoa và để vào phong bì viếng mình, xin dùng để mua một téc bia, mời anh em bè bạn uống bia, mừng cho Nguyễn Tuân về cõi vĩnh hằng.

sưu tầm

Bình luận Facebook