google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

GIAI THOẠI VỀ HÀN MẶC TỬ - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

GIAI THOẠI VỀ HÀN MẶC TỬ

Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912 ở làng Lệ Mĩ, huyện Đồng Lộc, tỉnh Đồng Hới (nay thuộc tỉnh Quảng Bình). Ông sinh ra trong một gia đình công giáo nghèo. Sống ở Quy Nhơn từ nhỏ, học ở Huế một thời gian sau lại vào học tiếp ở Quy Nhơn. Năm 1936, ông mắc bệnh phong phải đưa vào nhà thương Quy Hoà và mất ở đó cuối năm 1940.

Hàn Mặc Tử làm thơ từ năm 16 tuổi, lấy bút danh là Phong Trần, Lệ Thanh… đến năm 1936 mới đổi là Hàn Mặc Tử. Ngoài sáng tác thơ, ông còn viết văn và kịch thơ. Gái quê là tập thơ duy nhất xuất bản khi tác giả còn sống (1936). Sau khi ông mất các tập thơ Thơ điên, Xuân như ý, tập kịch thơ Quần tiên hội… đều được xuất bản.

Hàn Mặc Tử là người đứng đầu “trường thơ loạn”, phản ánh sự khủng hoảng bế tắc của phong trào Thơ mới. Song ông cũng có một số bài thơ thật trong trẻo và lành mạnh về con người và quê hương Việt Nam.

Vào Nam viết báo

Năm 1935, Hàn Mặc Tử vào làm báo ở miền Nam. Chàng phụ trách trang văn chương của báo Sài Gòn. Chàng ra đi với một va li quần áo, mũ, giầy và chiếc mền len. Chiếc mền này của bà chị Hàn Mặc Tử. Đưa cho chàng, bà chị nói:

– Tôi biết tính cậu rồi, cậu phải hứa trước đến Tết này, cậu nhớ mang chiếc mền này về trả cho tôi.

Hàn Mặc Tử gật đầu cười, và trịnh trọng hứa sẽ làm vui lòng chị khi mùa xuân tới.

Qua một thời gian khá lâu ở Sài Gòn, một đêm xuân, vào khoảng thời gian tối, Hàn Mặc Tử hiện ra trong căn nhà lá thân yêu ở Quy Nhơn. Cũng mẹ hiền ấy, cũng các chị và em ngày xưa ấy, nhưng Hàn Mặc Tử đã khác xưa rất nhiều. Chàng về hai bàn tay không, đầu không mũ và chỉ mang trên người một bộ y phục nhàu nát. Cả nhà ngạc nhiên nhìn và hỏi chàng cái va ly quần áo, mũ và chiếc mền len đâu? Hàn Mặc Tử vẫn cười rồi nói:

-Dạ có, có cả, đồ ba-ga sẽ đến sau.

Nhưng qua mấy hôm mà chiếc xe chở đồ ba-ga của nhà thơ vẫn không thấy đến. Cho tới khi nản quá, mẹ chàng bảo:

– Hay là đồ ba-ga của con bị kẻ cắp trên tàu lấy hết?

Hàn Mặc Tử vẫn ngồi cười lạc quan.

Ngao ngán về chiếc va ly quần áo, các chị của Hàn mặc Tử mới hỏi số tiền mà chàng làm ra được, vì hồi đó báo Sài Gòn trả cho chàng mỗi tháng 35 đồng cộng với số tiền 15 đồng của các báo khác mà chàng đã viết giúp. Với 50 đồng lúc bấy giờ, kể ra cũng là một số tiền lớn. Hỏi mãi, chàng mới cho biết rằng chàng đã chia sẻ cùng các bạn thân, các bạn văn nghệ. Đến đây, vụ tra hỏi kết thúc với kết quả: lúc ra đi đầy đủ, khi trở về mình không.

(ST)

Bình luận Facebook