GIAI THOẠI VỀ CỤ TAM NGUYÊN YÊN ĐỔ
Năm 1902, vua Thành Thái tuần du Bắc Hà kết hợp làm lễ trấn yểm cầu sông Cái Long Biên Hà Nội mà người Pháp đặt tên là Pôn- Đuyme, lấy tên viên Toàn quyền Đông Dương thời kỳ này, dự lễ trấn yểm có Vua nên tất cả các quan lại đại thần, các vị đại khoa ở Bắc Hà phải có mặt.
Cụ Nguyễn Khuyến (Tam Nguyên Yên Đổ) mặc dù đã rời quan trường từ mùa thi 1892; song, là quan đại thần, lại đỗ Đại Khoa (3 lần đỗ đầu) với hàm Tổng đốc Tam Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) dù cụ đã cáo quan trên đường đi nhậm chức vì lý do “đau mắt”, cũng được triệu về Hà Nội bái yết nhà vua và dự lễ.
Tất cả các quan khi bái yết nhà vua đều phải tuân theo nghi lễ của triều đình, nghĩa là phải quỳ lạy (phủ phục) và hô “vạn tuế”, đến lượt cụ Tam Nguyên thật trớ trêu cho cụ bởi bà Chánh phi vợ của vua Thành Thái là con gái tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp (người làng Kim Lũ, Thanh Trì, Hà Đông, làm tới chức Văn minh điện Đại học sĩ, hàm chánh nhất phẩm, dân địa phương thường gọi là Nghè Lử hoặc Văn Minh Lử), trước đây đã đính ước với con trai cả của cụ là Nguyễn Hoan đỗ Phó bảng, sau vì lý do nào đó nên không thành. Nay nếu buộc phải thực hiện nghi lễ (điều đó là bình thường theo lễ vua-tôi), nhưng nếu lễ vua mà ko lễ vợ vua là không ổn, mà lễ vợ vua hóa ra cụ phải lễ con dâu trượt của mình, sẽ là trò cười và hơn thế không thể không có những bình nghị chẳng hay ho gì, ảnh hưởng đến uy tín nhà nho Đại khoa như cụ.
Đem theo sĩ khí của nho sĩ Bắc Hà, cụ bái yết nhà vua và chỉ vái 2 cái, không quỳ lạy như các vị khác, việc làm như vậy là phạm tội “khi quân” tức là khinh vua, có thể bị chém đầu! Có lẽ nhà vua biết uẩn khúc này nên thông cảm chỉ quở trách nhẹ, còn cụ Tam Nguyên thưa:
– Muôn tâu Hoàng Thượng, thần giờ chỉ như một con trâu già, xin đức Khâm thượng khai ân!
Nhà vua mỉm cười. Song, để giữ phép vua, phép nước và cũng là để giữ uy tín của triều đình. Hơn thế nhà vua còn biết tài ứng khẩu thành thi của cụ nên truyền thánh chỉ:
– Vậy khanh hãy làm bài thơ “Vịnh trâu già”, nếu hay trẫm miễn tội.
Cụ ung dung đọc bài thơ theo Đường luật thất ngôn bát cú “Vịnh trâu già” như sau:
Một nắm xương khô một nắm da,
Bao nhiêu các ách đã từng qua.
Đuôi khom biếng vẫy Điền Đan hỏa,
Tai nặng buồn nghe Ninh Tử Ca.
Sớm thả Vườn Đào chơi đủng đỉnh,
Tối về thôn Hạnh thở nghi nga.
Có người toan giết tô chuồng mới,
Ơn đức vua Tề lại được tha.
Bài thơ “xuất khẩu” trên quả là tài tình hiếm có, rất đúng niêm luật, sát đầu đề dù đó là đề tài khó. Hay hơn ở chỗ cụ đã ví mình, một vị quan lại không còn mẫn cán với triều đình như xưa, nay chỉ như một con trâu già, trâu phế canh không còn tác dụng gì với nhà nông nữa. Bởi nay chỉ còn có da bọc xương do cả đời kéo cày mắc ách, làm lụng vất vả, ăn giả làm thật như trong “Lục súc tranh công” đã tả đó là 2 câu mở đầu.
Đến câu 3-4, cụ dùng điển tích Trung Quốc để mở rộng ý rằng con trâu còn có công với nước. Đó là chuyện Điền Đan thời Chiến quốc, một tướng nước Tề khi bị nước Yên sang đánh chỉ còn có một thành. Điền Đan dụng mưu dùng mồi rơm có tẩm dầu buộc vào đuôi trâu, mài sừng sắc nhọn hoặc gắn kiếm sắc vào sừng, đốt lửa cho trâu sợ xông vào quân Yên. Quân Yên sợ bỏ chạy, nước Tề được phục quốc. Nếu không có trận hỏa công đó chắc chắn nước Tề bị tiêu diệt.
Hoặc Ninh Tử chính là Ninh Thích khi chưa làm quan, có tài nhưng không ai biết đến. Ông làm nghề chăn trâu, thường gõ sừng trâu để hát, nói lên chí lớn của mình, để sau đó Quản Trọng dùng làm tướng nước Tề.
Hai câu 5-6 của bài thơ có từ Vườn Đào, thôn Hạnh xuất xứ từ chuyện Vũ Vương đánh Trụ đã dùng trâu để vận chuyển rất đắc lực. Sau khi diệt Trụ, ông đã ra lệnh 3 năm cấm giết trâu, buổi sớm cho chăn ở Vườn Đào, tối về cho nghỉ ở thôn Hạnh Hoa, một làng đẹp của Trung Quốc xưa, lại có nghề nấu rượu nổi tiếng ngon như “Tam Quốc chí” đã tả.
Câu kết “Ơn đức vua Tề” nhắc lại sự tích Tề Tuyên Vương thấy lính dắt trâu đi qua trước thềm, con trâu run rẩy sợ hãi, vua hỏi thì được biết người ta dắt trâu đi giết lấy máu làm sơn tô chuồng mới, bèn ra lệnh tha trâu không giết. Nguyễn Khuyến ví mình như là một con trâu già mà người ta chỉ nhăm nhăm muốn giết để ăn thịt, liệu ông ( chỉ vua Thành Thái) có tha mình như vua Tề đã tha trâu ko giết thịt?
Thành Thái là ông vua tiến bộ, biết được ưu tư của cụ, lại cảm cái khí khái nhà Nho. Nhà vua đánh giá cao bài thơ rất hay và khen câu “Ơn đức vua Tề”, vì vậy ko những tha tội mà còn thưởng hậu.
(Sưu tầm)