google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

GIAI THOẠI VỀ BÚT DANH CỦA NHÀ THƠ VŨ QUẦN PHƯƠNG - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

GIAI THOẠI VỀ BÚT DANH CỦA NHÀ THƠ VŨ QUẦN PHƯƠNG

Từ mấy chục năm nay, Vũ Quần Phương đã trở thành một cái tên quen thuộc trong làng thơ Việt Nam . Tuy nhiên, đây không phải tên thật mà là bút danh của ông.

Nhà thơ Vũ Quần Phương.

Theo Vũ Quần Phương cho hay thì tổng Quần Phương cũ (nay là huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) vốn dĩ là quê bố ông, nơi hiện còn ngôi mộ của cụ. Sau này do chiến tranh, sơ tán lưu lạc, gia đình ông ít có điều kiện trở lại. Vì thế, để khỏi mất gốc, ông đã lấy tên địa danh này làm bút danh của mình. Chính thực Vũ Ngọc Chúc mới là tên cúng cơm của ông. Xung quanh cái bút danh nghe nửa Hán nửa nôm của Vũ Quần Phương, có nhiều chuyện vui. Nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là câu chuyện sau đây:

Lần ấy, căn nhà nhỏ hẹp của nhà thơ Vương Trọng ở khu tập thể Vân Hồ 3 (Hà Nội) liền lúc được đón tiếp hai vị khách quen. Nói “quen” là với chủ nhà chứ bản thân hai người khách này không hề biết nhau. Đó là nhà giáo Trần Tế và nhà phê bình văn học Vũ Phương. Trong đầu Vương Trọng chợt nảy ra một ý nghĩ hóm. Ông bèn giới thiệu hai vị với nhau bằng hai câu thơ mới ứng tác:

Đây là Trần Tế (không xương)
Còn kia đích thực Vũ Phương (không quần)

Chủ ý của tác giả đã rõ: Đây là Trần Tế chứ không phải Trần Tế Xương (tức nhà thơ Tú Xương). Và kia: Nhà phê bình Vũ Phương chứ không phải nhà thơ kiêm nhà phê bình Vũ Quần Phương. Thật là một cách giới thiệu vui và… độc đáo. Khi câu chuyện này đến tai nhà thơ Vũ Quần Phương, ông tủm tỉm cười chịu rằng ông bạn đồng nghiệp Vương Trọng “quả là thông minh”. Nhân thể, ông đã đọc cho tác giả bài viết này nghe một bài thơ ngắn, chỉ có 4 câu, trong đó ông nói rõ lai lịch cái bút danh của mình:

Tên Quần Phương, thân tha phương
Tôi lấy tên quê làm độ đường
Sáu tuổi tiễn cha về với đất
Nấm mộ ven đồng hóa cố hương.

Tuy ngắn nhưng bài thơ đã ký thác được rất nhiều tâm sự của tác giả.

(Vanhocviet)

Bình luận Facebook