Gặp nguyên mẫu nhân vật trong truyện ngắn Lặng lẽ SaPa

Hơn 20 năm trước, học “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long, trong tôi là sự ngưỡng mộ anh thanh niên dành cả thanh xuân gắn bó với trạm khí tượng nơi núi rừng Hoàng Liên cao vút, xúc động với lý tưởng sống và cả sự “thèm người” của anh. Tuy nhiên, luôn mặc nhiên nghĩ anh thanh niên ấy ở xa lắm, có khi chỉ có trong tâm tưởng, nên chẳng khi nào có ý định đi tìm, dù đã có cả ngàn lần ngược xuôi ở xứ mờ sương.

Thật “hữu duyên”, mới đây, tôi được biết anh thanh niên là nguyên mẫu nhân vật trong “Lặng lẽ Sa Pa” là bố của một chị bạn thời trai trẻ. Với niềm ngưỡng mộ, tôi ngược đèo lên Sa Pa trong một ngày thu đẹp trời để gặp người thanh niên ấy, để sống lại với nhân vật trong truyện ngắn nổi tiếng này.

“Lặng lẽ Sa Pa” là truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Thành Long, được ông sáng tác sau một chuyến đi thực tế lên vùng núi Sa Pa . Truyện ấn tượng ngay từ nhan đề, thoạt nghe, ta hiểu đó là một Sa Pa yên bình, đến vắng lặng, ít dấu chân người, chỉ có gió núi và mây ngàn trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Nhưng đọc truyện, hiểu truyện, người đọc càng hiểu ý nghĩa sâu xa là lời ngợi ca vẻ đẹp bình dị của con người, ý nghĩa lớn lao của những công việc thầm lặng với nhân vật chính là anh thanh niên làm công tác khí tượng.

Sau cuộc gọi hẹn gặp và 40 phút chạy xe từ thành phố, không quá khó để tôi có thể “mục sở thị” nguyên mẫu của nhân vật văn học nổi tiếng là anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” – ông Nguyễn Văn Ngọ (sinh năm 1942). Ngôi nhà được xây dựng từ những năm 1980 thật khác biệt giữa những nhà hàng, khách sạn hoa lệ trên đường Thạch Sơn giữa trung tâm thị xã.

Năm nay đã ở tuổi 82, nhưng ông Ngọ còn khỏe, minh mẫn và đặc biệt nhắc đến những ngày “ăn gió, nằm sương” để “bắt mạch cho trời” và nhắc đến “Lặng lẽ Sa Pa”, trong ông tuôn trào cảm xúc. Ông Ngọ vẫn nhớ như in những lần gặp gỡ đầy duyên nợ đối với nhà văn Nguyễn Thành Long – tác giả của “Lặng lẽ Sa Pa”.

Ông Ngọ từng công tác tại Đài 5 Vật lí địa cầu Sa Pa từ năm 1968 – 1978. Thời điểm đó, ông được gặp nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Tố Hữu, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh… Đặc biệt, thông qua nhà văn Ma Văn Kháng, thầy giáo của mình, ông được gặp nhà văn Nguyễn Thành Long khi nhà văn tìm hiểu về những người làm nghề khí tượng kiêm vật lý địa cầu, để rồi trở thành mạch nguồn cảm hứng cho nhà văn viết nên truyện ngắn để đời.

Đó là vào năm 1968, khi ông Ngọ đang làm ở Đài 5 Vật lý địa cầu Sa Pa, nhà văn Nguyễn Thành Long và nhà thơ Xuân Quỳnh cùng một số văn nghệ sĩ đã lên thăm đơn vị nơi ông công tác trong chuyến thực tế “đi và viết”. Một cuộc gặp gỡ bất ngờ và duyên nợ nữa với nhà văn khi ông Ngọ đạp xe từ Sa Pa xuống dự cuộc tọa đàm ở Báo Lào Cai. Thời gian nhà văn Nguyễn Thành Long lưu lại Sa Pa không lâu, cuộc gặp gỡ với nhân vật không nhiều, nhưng cũng đủ để cây bút xuất sắc của nền văn học Việt Nam xúc động mạnh với đất và người Sa Pa trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, để từ đó chắp bút viết nên những lời văn hào sảng về công việc và cuộc sống đầy dung dị nhưng chứa chan khát vọng sống với lý tưởng bất diệt của thanh niên thế hệ thời đại Hồ Chí Minh “Sống là cống hiến, hy sinh cho dù trong thầm lặng”.

Ông Ngọ quê gốc Ninh Bình nhưng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Sa Pa xinh đẹp. Khi còn là một cậu thiếu niên, ông thường theo anh, chị lên Đài 5 Vật lý địa cầu Sa Pa (thành lập năm 1957, gắn với Chương trình “Năm Vật lý địa cầu quốc tế 1957 – 1958” trong chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học của Việt Nam với 12 nước khối xã hội chủ nghĩa, có sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia Ba Lan) chơi. Đây là đài quốc tế, hoạt động trong hệ thống đài khí tượng thế giới và nghiên cứu rộng về nhiều lĩnh vực phục vụ cuộc sống và các nhiệm vụ quân sự. Với một cậu bé nhỏ tuổi, đó là một công việc vĩ đại của con người trước thiên nhiên, cậu tò mò theo từng công việc đo thời tiết, khí hậu của các anh chị mình để rồi tình yêu với thiên văn, khí tượng cứ lớn dần. Học hết phổ thông, ông học Trung cấp Khí tượng tại Hà Bắc, sau đó về công tác tại Đài 5 Vật lý địa cầu Sa Pa. Nhiệm vụ là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, tham dự vào những công việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất và chiến đấu.

Quãng thời gian công tác, ngoài làm việc ở trụ sở chính, ông Ngọ cùng đồng nghiệp thay nhau lên làm nhiệm vụ tại Trạm Khí tượng trên đỉnh Yên Sơn cao 2.600 m so với mực nước biển (khu vực đèo Ô Quý Hồ tiếp giáp với Lai Châu). Đây cũng là trạm khí tượng trong “Lặng lẽ Sa Pa”, là nơi anh thanh niên gắn bó. Ông Ngọ bảo, khoảng 20 năm nay, Ô Quý Hồ mới thuận lợi hơn nhờ kinh tế – xã hội địa phương phát triển, chứ trước đây, đó là nơi rừng thiêng, nước độc, gian khó trăm bề. Nhưng vượt lên trên tất cả, tôi và đồng nghiệp đã bám trụ, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong câu chuyện, không dưới 2 lần ông Ngọ bày tỏ, hồn cốt của nhân vật anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” là ông với công việc làm khí tượng kiêm vật lý địa cầu theo như chia sẻ của nhà văn Nguyễn Thành Long. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một trong những thủ pháp văn chương khi tác giả lấy một người làm đại diện cho số đông. Một số chi tiết là của những nhân vật khác, nhưng nhà văn khéo léo đưa vào để cùng xây dựng nên một nhân vật đại diện.

“Lặng lẽ Sa Pa” viết xong, nhà văn Nguyễn Thành Long được Bác Hồ cho đọc nhân dịp Đoàn dũng sĩ miền Nam ra thăm Bác. Đoàn nghe câu chuyện rất xúc động, bày tỏ sự khâm phục vì không nghĩ miền Bắc xã hội chủ nghĩa lại có những con người làm việc ở nơi gian khó với lý tưởng cao cả đến vậy. Đoàn hứa với Bác sẽ làm tốt nhiệm vụ đánh thắng giặc Mỹ ở miền Nam…

Men theo ký ức của người cán bộ khí tượng kiêm vật lý địa cầu năm xưa, tôi ngược dốc Ô Quý Hồ đến điểm cao 2.600 m. Trạm khí tượng trên đỉnh Yên Sơn năm nào không còn nữa, nhưng điểm cao ở đỉnh đèo Ô Quý Hồ theo lời mô tả của ông Ngọ thì vẫn còn đó. Nơi đây nằm ngay bên Quốc lộ 4D, nối liền hai tỉnh Lào Cai – Lai Châu với ầm ầm xe chạy và nhộn nhịp khách du lịch, nhưng vẫn cho ta cảm giác chênh vênh của điểm cao, hun hút với gió núi, mưa rừng. Buổi chiều cuối hạ mà nơi đây đã mịt mùng sương giăng. Mặc chiếc áo khoác mỏng, tôi vẫn nghe hơi lạnh lùa qua từng đợt gió thổi. Chợt nhớ đến những cái lạnh buốt cắt da, cắt thịt lúc 1 giờ sáng trời mùa đông phủ trắng băng tuyết của những người “cô độc nhất thế gian” khi trở dậy thực hiện nhiệm vụ năm nào. Dọc con đường đèo Ô Quý Hồ, chúng tôi cũng gặp những hình ảnh đẹp xinh của “Lặng lẽ Sa Pa”, đó là những màu hoa thược dược đỏ, vàng, tím, hồng phấn tươi mới trong nắng, là những vạt hoa dơn bung nở giữa đại ngàn. Nhìn màu hoa chợt nhớ đến đôi má đỏ ửng, e lệ của cô kỹ sư vừa ra trường lên nhận công tác ở Ty Nông nghiệp Lai Châu khi được anh thanh niên tặng hoa…

Nghe lời kể của nguyên mẫu và nhớ về nhân vật văn học từng là thần tượng của biết bao thế hệ học sinh, tôi như đang đi giữa đôi bờ hiện tại và ký ức, bàng bạc không gian và thời gian như thực, như mơ nối dài những xúc cảm lặng lẽ mà thiết tha. Những câu chuyện khiến chúng ta hiểu hơn, tự hào hơn về một vùng đất, về một lớp người thời xa xôi ấy đã từng sống và “cháy” hết mình với lý tưởng sống cao đẹp nhất – xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Sưu tầm

Bình luận Facebook