Em vẫn đợi anh về

Năm tháng đội mưa rừng
Ngày đêm vùi sương núi
Em vẫn chờ vẫn đợi
Anh sẽ về với em…

Đợi phút giây bình yên
Chờ đạn bom ráo tạnh
Để được ngồi bên anh
Để được yêu được giận
Để được hờn được ghen
Để vui và ưu phiền
Để làm chồng làm vợ

Như buồm căng đợi gió
Như trời xanh đợi chim
Như đời khát hoà bình
Như lòng em khát anh

Bình yên và chiến tranh
Mùa xuân và bão tố
Ngày mai và quá khứ
Mãi mãi là bên anh!

Lê Giang

Em vẫn đợi anh về – nàng vọng phu hiện đại

Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Gành Hào nơi vùng quê cuối miền đất nước- đất mũi Cà Mau- nhà thơ Lê Giang (1930) sớm hình thành một phong cách riêng trong sáng tác của bà. Dòng thơ mang đậm chất Nam Bộ, dân dã chân chất, sâu lắng, tinh tế, phóng khoáng, hồn nhiên và đẫm chất thơ. Cũng hiếm có nhà thơ nào có sức sáng tạo bền bỉ như bà, nhà văn Nguyễn Quang Sáng nhận xét: “Nếu phải chọn một nhà văn lớn tuổi để làm gương cho thế hệ trẻ thì chị là một trong những người tôi chọn”. Đến nay, dẫu đã qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhà thơ Lê Giang vẫn cùng chồng là nhạc sĩ Lư Nhất Vũ miệt mài sưu tầm dân ca Nam Bộ, làm thơ, viết nhạc… Người đọc biết đến thơ bà qua những vần thơ lãng mạn, trữ tình và sâu lắng. Đặc biệt là bài thơ Em vẫn đợi anh về, đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc, trở thành bài ca đi cùng năm tháng.

Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử của hơn 4.000 năm đấu tranh giữ nước và dựng nước, đất nước Việt Nam là đất nước anh hùng bất khuất kiên trung. Có dân tộc nào phải chịu nhiều đau thương mất mát như dân tộc Việt Nam? Và những người lính nơi chiến trường có thể vượt qua cái chết trở về cũng chính bởi một phần có tình yêu, niềm tin và sự chờ đợi sắt son của biết bao nhiêu người vợ, người mẹ trong chiến tranh. Bài thơ Em vẫn đợi anh về đã thể hiện một tình yêu, một niềm tin như thế. Bài thơ mở đầu bằng những vần thơ dung dị: “Năm tháng đội mưa rừng/ Ngày đêm vùi sương núi/ Em vẫn chờ vẫn đợi/ Anh sẽ về với em…”. Dẫu cho thời gian có trôi qua, dẫu cho bao gió sương vất vả thì niềm tin rằng “anh sẽ về với em” vẫn không thể nào thay đổi. Tình yêu đâu cần những lời hoa mĩ hẹn non thề biển, câu thơ ngũ ngôn ngắn gọn súc tích như một lời nói thường nhưng có sức lay động sâu xa bởi vẻ đẹp của tình yêu chân thành, sâu sắc toát lên tự ý thơ.

Có những câu thơ chỉ cần đọc qua một lần là neo lại mãi trong tâm trí người đọc bởi sức ám ảnh của ngôn từ. Em vẫn đợi anh về cũng có những vần thơ ám ảnh như thế: “Đợi phút giây bình yên/ Chờ đạn bom ráo tạnh/ Để được ngồi bên anh/ Để được yêu được giận/ Để được hờn được ghen/ Để vui và ưu phiền/ Để làm chồng làm vợ…”. Nỗi khát khao bình yên chất chứa trong từng câu chữ, bình yên để được gần nhau, để được giận hờn, được vui buồn san sẻ, để được làm chồng làm vợ… Có những điều rất đỗi bình thường trong một hoàn cảnh bình thường, ai cũng có quyền được yêu thương, được ghen hờn, nũng nịu với người mình yêu. Nhưng trong chiến tranh, điều bình thường ấy lại trở thành một nỗi niềm đau đáu khôn nguôi, thành nỗi khát khao cháy bỏng: “Như buồm căng đợi gió/ Như trời xanh đợi chim/ Như đời khát hòa bình/ Như lòng em khát anh…”. Đọc những câu thơ mà thấy thương người phụ nữ của thời chiến xiết bao và càng thấm thía hơn hạnh phúc của thời bình.

Khổ thơ cuối là sự giằng xé giữa khát vọng tự do và hoàn cảnh chiến tranh, giữa khát vọng tình yêu và sự chia cắt: “Bình yên và chiến tranh/ Mùa xuân và bão tố/ Ngày mai và quá khứ/ Mãi mãi là bên anh”. Những mất mát trong chiến tranh là có thật, và điều mất mát lớn nhất chính là hạnh phúc, là tình yêu và tự do. Bài thơ mặc dù không hề nói về mất mát, hi sinh nhưng tự nó đã nói lên tất cả tội ác của chiến tranh qua nỗi khát khao bình yên và sự đợi chờ của “nàng Vọng Phu hiện đại”.

Ra đời khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra vào năm 1979, sau đó bài thơ được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc. Và cho đến tận bây giờ bài thơ và bản nhạc vẫn sẽ còn làm cho người đọc, người nghe xao xuyến, bồi hồi bởi tính nhân văn và giai điệu trữ tình mượt mà của thi phẩm.

Lưu Khoa

Bình luận Facebook