“Đồ con hoang”, từ nhỏ nó đã sớm nghe người ta nói như thế mỗi khi nó xuất hiện. Trong cái đầu óc còn non nớt của một đứa trẻ, nó không hiểu “con hoang” nghĩa là gì. Nhưng nhìn những biểu cảm trên gương mặt của người lớn và cả đám trẻ con nhiều tuổi hơn nó, nó hiểu người ta chẳng dành chút thiện ý nào cho nó cả.
Đã nhiều lần nó chạy về hỏi mẹ. Nhưng mẹ chỉ thường ôm nó vào lòng và ngập ngừng “kệ người ta đi con ạ, con là con trai ngoan của mẹ, là cháu cưng của ông bà ngoại là được rồi”. Mỗi lần như thế nó đều thấy khoé mắt của mẹ ươn ướt và bà mau chóng dùng tay lau nhanh trước khi giọt nước mắt lăn dài trên má. Vài lần như thế, nó đã thôi không hỏi thêm nữa.
Lớn lên một chút, nó bắt đầu tò mò về cha. Nhiều buổi họp phụ huynh, đám bạn của nó đều có cha lẫn mẹ cùng đến trường. Riêng nó lúc nào cũng chỉ lủi thủi đi theo mẹ. Tuyệt nhiên mẹ chưa một lần nhắc về cha nó.
Làng nó nghèo lắm, lại rất nhỏ. Cứ xóm trên có chuyện gì là dăm ba phút sau cả xóm dưới đã biết chuyện. Cứ mỗi buổi sáng khi trời còn tờ mờ, màn sương sớm còn chưa tan hết nhưng tiếng chân của những người nông dân ra đồng đã vọng khắp xóm. Mẹ nó thường dậy rất sớm để bắc một nồi cơm độn với khoai cùng một ấm nước nhỏ cho ông bà ngoại rồi mới vác cuốc ra đồng. Mẹ không quên để cho nó một bát nước cơm úp trong cái lồng bàn mỗi sáng. Nó luôn thích cái cảm giác khi thức dậy được hít hà cái bát nước chắt lại từ gạo mà mẹ dành riêng cho nó, bà thường pha thêm một chút đường nâu cho ngọt. Cái vị ngọt thanh từ gạo và đường ấy dẫu bao năm tháng qua đi, nó đã được nếm thử thêm nhiều món mới, nhưng chẳng thứ nào có thể thay thế được.
Vào mỗi buổi trưa khi mặt trời đã lên tới đỉnh đầu; ngoại thường bọc một nắm xôi, hoặc một phần cơm nhỏ với muối mè cùng bát nước chè để nó mang ra đồng cho mẹ. Nó thích ngồi dưới rặng tre già, ngửa mặt lên đón những làn gió mát trong lành, nghe tiếng chim lảnh lót trong bụi cây và nhìn mẹ ăn hết phần cơm sau một buổi sáng mệt nhọc. Nó và mẹ thường ngồi ở một góc, cô lập hẳn với những người khác. Thỉnh thoảng nó lại bắt gặp ánh mắt đầy mỉa mai của họ khi nhìn về phía mẹ con nó.
Lớn lên một chút, trong một lần đi học về, thằng Cơ ở xóm dưới vừa thấy nó đã trề môi giễu cợt “đồ con hoang, đồ đứa cháu mà nhà ông Tư Lành không nhận”. Chiều hôm đó nó quyết về hỏi ngoại. Có lẽ ngoại nghĩ rằng nó đã đủ lớn để nhận thức được hoàn cảnh của mình nên bà không giấu nó nữa. Ngoại chậm rãi kể với nó rằng thời con gái, mẹ nó đem lòng yêu chú Hai con ông Tư Lành ở xóm dưới. Hai người qua lại được một thời gian thì mẹ nó trót mang bầu. Ở cái làng nhỏ mà ai cũng biết mặt nhau và việc “ăn cơm trước kẻng” là một điều cấm kỵ ở thời đó, nên ông Tư Lành quyết không cho chú Hai nhận cái thai. Nhưng cái lý do lớn nhất có lẽ là vì ông bà ngoại nó nghèo, trong khi cái tư tưởng “môn đăng hộ đối” vẫn còn được coi trọng trong những nhà giàu có trong làng.
Mẹ nó lầm lũi ôm cái bụng ngày càng lớn lên trong sự mỉa mai của làng trên xóm dưới, trong ánh mắt rầu rĩ của bà ngoại và tiếng thở dài mỗi đêm của ông ngoại. Rồi mẹ cũng sinh ra nó. Ngày mẹ trở dạ sinh nó cũng là ngày ông Tư cưới vợ cho “người cha” không nhận nó. Nghĩ đến đó, nó thấy thương và xót xa cho mẹ đến tận cùng.
Từ ngày biết chuyện, nó không còn lầm lũi bỏ đi mỗi khi nghe người ta gọi nó là “đồ con hoang”. Nó thường quay lại nhìn thẳng vào mặt họ bằng ánh mắt đanh thép như một cách đáp trả rồi hiên ngang bước thẳng về phía trước. Con hoang thì đã sao? Mẹ nó chỉ sai khi trót mang bầu trước khi cưới. Nhưng có lẽ cái sai nhất là mẹ nó đã chọn lầm người. Mẹ con nó không mang lỗi lầm gì với xóm giềng để mà phải sống trong sự miệt thị và chế giễu của họ, nó đã cứng rắn nói với mẹ như thế mỗi lần nhìn bà lầm lũi ngồi một góc ăn vội bát cơm vào những lúc nghỉ trưa ở giữa đồng.
Nó học giỏi nhất lớp. Cuối năm lúc nào nó cũng mang về cả chồng sách vở được bọc thật đẹp đẽ trong miếng giấy kiếng màu đỏ, bên trên đính kèm cái giấy khen học sinh xuất sắc. Nó thấy thật vui khi nhìn ánh mắt hạnh phúc của mẹ những lần bà giúp nó dán bằng khen khắp tường nhà. Nó đã nghĩ, đây là điều duy nhất mà nó có thể làm cho mẹ lúc này. Nó muốn thấy bà hạnh phúc!
Cứ thế rồi nó cũng lớn lên bằng những bát cơm độn khoai và chén nước cơm mẹ dành cho nó mỗi ngày. Nhà nó nghèo thật đấy, nó cũng vẫn là “đứa con hoang” như người ta vẫn gọi, nhưng bữa cơm chiều ở nhà nó lúc nào cũng vang lên tiếng nói rộn ràng của nó cùng tiếng cười của ngoại và mẹ.
Vào một buổi trưa hè tháng bảy, năm nó sắp tròn 18 tuổi, nó chạy như bay, băng qua những cánh đồng lúa mơn mởn. Những giọt mồ hôi chảy dài trên vai áo không ngăn được gương mặt đầy rạng rỡ của nó. Nó hét vang giữa những cánh đồng bạt ngàn “mẹ ơi, con đỗ thủ khoa rồi”.
Mẹ nó buông cái cuốc giữa đồng, bà chạy ào về phía nó. Đó là lần đầu tiên trong đời nó thấy mẹ hạnh phúc đến trào nước mắt, nhưng bà không dùng tay để gạt đi nữa. Và đó cũng là lần đầu tiên những người xóm giềng không nhìn nó bằng ánh mắt tội nghiệp và giễu cợt mà bao năm qua mẹ con nó vẫn phải nhận từ họ.
Nó lên thành phố học. Giữa phố thị ồn ào, phồn hoa với tiếng còi xe và những toà nhà chọc trời; nó nhớ ghê gớm cái tĩnh lặng thanh bình nơi làng quê nghèo. Nhớ những buổi trưa nó mang cơm cho mẹ, nhớ ánh mắt thân thương bà luôn dành cho nó. Nó nhớ cả lời ca dao mẹ ru nó những đêm dài từ khi nó còn rất nhỏ.
Ầu ơ… Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Ầu ơ… Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời.
…..
Ầu ơ… Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ…
Nó tự nhủ sẽ cố gắng học thật giỏi để đền đáp công ơn của mẹ. Bà có quyền lựa chọn bỏ nó, nhưng bà chấp nhận sự miệt thị của xóm giềng để sinh ra nó và bù đắp cho nó bằng tất cả những gì bà có thể. Nó hiểu tất!
Buổi sáng ngày nó chuẩn bị bảo vệ luận văn tốt nghiệp thì nó nhận tin báo từ quê mẹ nó nhập viện vào đêm khuya. Nó gắng hoàn thành tốt bài luận đã chuẩn bị mấy tháng trời rồi bắt xe về với mẹ. Mẹ nó nằm im trên giường với gương mặt lộ vẻ đau đớn. Bác sĩ báo cho nó biết mẹ nó bị ung thư dạ dày, phẫu thuật là phương pháp duy nhất có thể mang lại hy vọng sống.
Nó cầm tay mẹ động viên “nhất định mẹ sẽ khỏe trở lại, mẹ hãy cố gắng nhé”. Nó nhờ ngoại lên viện chăm sóc mẹ những ngày chờ phẫu thuật. Nó trở lại thành phố xin làm thêm phục vụ ở quán phở, đêm về lại viết những bài báo ngắn cho các toà soạn mà nó được nhận cộng tác. Nó luôn là sinh viên xuất sắc của Khoa Báo Chí nên rất nhiều bài báo của nó được lựa chọn và đăng tải. Nó làm ngày làm đêm mong tích góp được phần nào chữa bệnh cho mẹ. Nhưng mẹ nó chẳng đợi được đến ngày phẫu thuật. Bà trút hơi thở cuối cùng vào một buổi chiều Hà Nội mưa tầm tã, bát phở nó bưng cho khách vỡ tan trên nền nhà. Nó mất mẹ thật rồi!
Chỉ còn hơn tháng nữa thôi, nó sẽ được mặc chiếc áo Tân Cử Nhân, cầm chiếc bằng đỏ trên tay, nó mong biết bao đến ngày đó để mẹ có thể nhìn nó tự hào. Thế nhưng giờ đây đầu nó đội khăn trắng, tay ôm chặt di ảnh mẹ. Nó nào đã làm được gì cho Mẹ.
Nó cố gạt nỗi đau trở lại Hà Nội bắt đầu những ngày tháng thực tập trước khi được nhận việc chính thức. Nó biết nó còn phải là chỗ dựa vững chắc cho ông bà ngoại.
Trong một lần trên đường đến toà soạn, nó bị ô tô tông trúng, chiếc mũ bảo hiểm rẻ tiền văng ra xa, chân nó bị bánh xe cán qua. Nó chỉ kịp nhìn thấy lờ mờ trước mắt rất đông người xúm lại rồi chìm vào cơn mê dài.
Nó tỉnh dậy trong một căn phòng kín, xung quanh dây nhợ gắn đầy người. Bác sĩ bảo nó đã hôn mê hơn ba tuần, phần chân bị tổn thương nặng nên tạm thời không thể đi lại được.
Nó ngước mặt lên trần nhà, chỉ là một màu trắng toát lạnh lẽo đầy đáng sợ đáp lại nó. Nó tự hỏi tại sao cuộc đời lại giáng cho nó thật nhiều thử thách. Nó từ một đứa “con hoang” như người ta vẫn gọi, trở thành một đứa con ngoan của mẹ, niềm tự hào của gia đình và là tấm gương cho lũ trẻ trong làng, những năm tháng ấy nào có dễ dàng gì.
Mẹ đã “gánh” nó đi qua những năm tháng tuổi thơ, “gánh” luôn phần trách nhiệm của người cha đã bỏ rơi nó. Giờ nó còn mẹ đâu để mà lại “gánh” nó trong quãng đường này? Nó phải tự tiếp tục bước đi trên đôi chân của chính mình thôi.
Nó quyết tâm tập vật lý trị liệu cho đôi chân. Có những lần bước đi đau đớn khiến nó muốn bật khóc nhưng điều gì đó vẫn khiến nó ngăn lại và tiếp tục cố gắng. Có hôm chiếc nạng gỗ tuột ra khỏi tay khiến nó ngã sóng xoài ra đất, nhưng chưa một lần nó bỏ cuộc. Nó phải trở lại là nó, phải cố gắng bước tiếp phần đời mà mẹ đã dành tặng cho nó; một cách hiên ngang, mạnh mẽ và có ích nhất. Bởi dẫu mẹ có ở nơi nào, nó vẫn muốn mẹ thật tự hào về nó.
************
“Cuộc sống có quyền đẩy bạn ngã, nhưng ngồi đó than khóc hay đứng dậy và tiếp tục cố gắng là quyền của bạn”
************
Thiên Hương