Đi tìm cô gái trong bài thơ “gửi em cô thanh niên xung phong” của Phạm Tiến Duật

Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái không nhìn rõ mặt
Đại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất.

Người tinh nghịch là anh dễ thân
Bởi vì thế có em đứng gần
Em ở Thạch Kim, sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn
Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón

Em đóng cọc dài quanh hố bom
Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn:
Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để
Anh lặng người như trôi trong tiếng ru.

Tranh thủ có ánh sáng đèn dù
Anh vội nhìn em và bạn em khắp lượt
Mọi người cũng tò mò nhìn anh
Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối.
Em ơi em, hãy nghe anh hỏi
Xong đoạn đường này các em làm đâu?

Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim, Thạch Nhọn
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều.

 

Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều
Những con đường như tình yêu mới mẻ
Đất rất hồng và người rất trẻ
Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn, Thạch Kim

Những đội làm đường hành quân trong đêm
Nào cuốc, nào choòng, xoong nồi xủng xoảng
Rực rỡ mặt đất bình minh
Hấp hối chân trời pháo sáng
Đường trong tim anh in những dấu chân.

Chiếc võng bạt trên đường hành quân
Anh đã buộc nhiều cây xoan, cây ổi
Lại đường mới – và hàng nghìn cô gái
Ở đâu em tinh nghịch của anh?

Bụi mù trời, mùa hanh
Nước trắng khe, mùa lũ
Đêm rộng đêm dài là đêm không ngủ
Em vẫn đi, đường vẫn liền đường.

“Cạnh giếng nước có bom từ trường
En không rửa, ngủ ngày chân lấm
Ngày em phá nhiểu bom nổ chậm
Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà…”
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em, thương em, thương e,m biết mấy!

Dừng tay cuốc khi em ngoảnh lại
Sẽ giật mình: đường ta mới xây
Đã có độ dài hơn cả độ dài
Của đường sá đời xưa để lại!

Sẽ ra về bao nhiêu cô gái
Một ngày mai, đường sẽ đứng trơ vơ
Để cho đời sau còn thấy ngẩn ngơ
Trước những công trình ngoằn ngoèo trên mặt đất.

Ơi em gái chưa một lần rõ mặt
Có lẽ nào anh lại mê em
Từ cái đêm Thạch Nhọn, Thạch Kim
Tên em đã thành tên chung anh gọi:
Em là cô thanh niên xung phong.

Phạm Tiến Duật
Bài thơ viết tại Đức Thọ năm 1969.

Năm 1968, o gia nhập đội phá bom cảm tử đoạn đường xã Nhân Lộc, cách Đồng Lộc chừng 3km. Tuyến đường 15A ngày đó bị giặc đánh phá ác liệt, khu vực ngã ba Đồng Lộc được ví như túi bom của cả nước. Để cho các đoàn xe kịp ra chiến trường, o đã cùng đồng đội ngày đêm bám đường, phá bom. Và chính trong một lần làm nhiệm vụ, nữ TNXP Lê Thị Nhị đã bước vào thơ của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật một cách nhẹ nhàng mà sâu lắng.

O có tên đầy đủ là Lê Thị Nhị (SN 1946, ở làng chài Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), trong một gia đình có 5 chị em. Năm 1967, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, o viết đơn tình nguyện vào thanh niên xung phong (TNXP) ở Khe Giao. Nhà vốn đã neo người, mẹ o thương con phận gái, nên không cho đi, nhưng o giấu mẹ, chờ cho đến tối khuya khăn gói trốn nhà đi làm cách mạng.

O Nhị nhân vật nguyên mẫu trong bài Thơ “Gửi em, cô TNXP” của Nhà thơ Phạm Tiến Duật

O Nhị nhớ lại thời mình trở thành nguyên mẫu bài thơ nổi tiếng của Phạm Tiến Duật: Đó là một tối năm 1968, đơn vị o làm nhiệm vụ như bao ngày khác: Phá bom, san lấp hố, thông đường cho xe qua. Đúng lúc ấy, một đơn vị lính của đoàn 559 từ trong Nam ra. Trong giây phút ngắn ngủi lưu lại chờ thông đường, có một anh bộ đội nhảy từ trên xe xuống làm quen, dưới ánh pháo sáng trông còn rất trẻ, anh có dáng người cao ráo, gương mặt đẹp, cái mũi cao thẳng, miệng cười rất duyên, nói giọng Bắc ngọt lịm nhỏ nhẹ như con gái: “Quê em ở đâu?”, o trả lời: “Quê em qua Thạch Bằng rồi đến Thạch nớ (ấy) là Thạch Nhọn eng nờ (anh à)!”. Anh bộ đội ấy ngơ ngác rồi thắc mắc: “Thạch Nhọn là đâu?”. Cả tiểu đội con gái cười giòn như pháo. O nghĩ trong bụng “Thạch Kim là Thạch Nhọn đó, có vậy cũng không hiểu, nhưng không dám nói”. Rồi anh ấy lại nhảy vội lên xe.

Cuộc trò chuyện ngắn ngủi đầy tiếng cười ấy không ai nghĩ rằng là “cơ duyên” đưa o Nhị vào những vần thơ sống mãi với thời gian:

“Em ở Thạch Kim, sao lại lừa anh, nói là Thạch Nhọn

Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón

Em đóng cọc rào quanh hố bom

Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn

Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để

Anh lặng người như trôi trong tiếng ru…”.

Khi bài thơ “Gửi em cô thanh niên xung phong” của Phạm Tiến Duật được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam, o Nhị đang làm nhiệm vụ ngoài đường thì có lệnh của Đại đội trưởng kêu về gấp. Đại đội trưởng nghiêm nghị nói: “Nói chi mà để người ta đọc trên đài, nói lừa Thạch Nhọn với Thạch Kim rứa? May họ là nhà thơ chứ cán bộ thì o tội to lắm vì làm ảnh hưởng đến chính trị địa phương”.

Tui hết hồn, ngồi im thin thít, lúc sau mới nói: “Thôi, em trót dại, eng cho em ở lại chăn trâu, chăn bò chi cũng được, chứ đừng bắt em về mà em mang tội với mẹ, với làng xóm”. Đại đội trưởng bảo tui nói rứa là làm mất hình ảnh của TNXP trong mắt bộ đội nên phải viết bản kiểm thảo, cam kết rồi mới được tha. Tui sợ đến nỗi, mãi một khoảng thời gian ra đường, ai hỏi chi, tui cũng không dám nói nữa, sợ bị trách tội. Cái thời ấy hay rứa (như thế) đó”.

sưu tầm

Bình luận Facebook