Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh
nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc
mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác
bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh.
Đất nước mình hai mươi năm chiến tranh
tiếng cuốc năm canh nặng tình đất nước
hầm mẹ giăng như luỹ như thành
che chở mỗi bước chân con bước.
Đất quê ta mênh mông
quân thù không xăm hết được
lòng mẹ rộng vô cùng
mẹ giấu cả sư đoàn dưới đất
nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất
nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam.
Trên nắp hầm
bầy giặc Mỹ xúm vào đánh mẹ
nửa lời không hé
mẹ lặng thinh trước những trận đòn thù.
Trên mình mẹ mang nhiều thương tật
tóc mẹ bạc rồi lại bạc thêm
nhưng đêm đêm
từng nhát cuốc vẫn xoáy vào ruột đất.
Có những đoàn quân từ lòng đất xông lên
quân thù bạt vía
xung quanh chúng đều là trận địa.
Đất quê ta mênh mông
lòng mẹ rộng vô cùng.
9-1967
Bùi Minh Quốc
Bùi Minh Quốc còn có bút danh khác là Dương Hương Ly, sinh năm 1940 quê ở Mỹ Đức (nay thuộc Hà Nội). Cuộc đời của ông gắn liền với huyền thoại về sự hy sinh của văn nghệ sĩ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhiều cây bút khác viết về mẹ thường là người mẹ sinh thành dưỡng dục, “Đất quê ta mênh mông” của ông lại viết về người mẹ đào hầm nuôi giấu bộ đội. Bài thơ là sự cảm nhận riêng của tác giả về sức mạnh Việt Nam qua hình tượng người mẹ hết lòng yêu thương, bảo vệ những người con chiến sĩ.
Cảm hứng thi ca trong bài gắn với tình cảm công dân cho ta thấy vẻ đẹp của tình yêu thương, đức hy sinh, lòng bao dung của người mẹ Việt Nam. Bài thơ viết theo thể tự do, rất tự nhiên trong thể hiện cảm xúc.
Sau khi ra đời ít lâu, bài thơ đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ thành bài hát cùng tên được khán thính giả mọi lứa tuổi trong cả nước yêu thích.