Nhà văn Ngô Tất Tố sinh năm 1893 ở làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ông là con thứ hai, nhưng là trưởng nam trong một gia đình có bảy anh chị em, gồm ba trai, bốn gái. Lúc còn nhỏ Ngô Tất Tố được thụ hưởng một nền giáo dục Nho học.
Đầu tháng 5/2019, tôi được gặp bà Ngô Thị Thanh Lịch trong phòng làm việc của nhà thơ Trần Đăng Khoa tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, khi bà đến để bàn về việc kỷ niệm 125 năm ngày sinh, 65 năm ngày mất, 80 năm ra đời tác phẩm “Tắt đèn” của cha bà là cố nhà văn Ngô Tất Tố. Ông được coi là nhà văn hàng đầu của trào lưu văn học hiện thực phê phán ở Việt Nam trước 1945 với các tác phẩm tiêu biểu như “Tắt đèn”, “Việc làng”, “Lều chõng”.
Bà Ngô Thị Thanh Lịch năm nay đã 82 tuổi nhưng trí nhớ khá minh mẫn và nói chuyện rất có duyên. Chúng tôi ngồi nghe bà Lịch kể lại những câu chuyện khá thú vị trong quãng thời gian 17 năm bà được sống cạnh người cha là nhà báo, nhà văn hiện thực nổi tiếng có ảnh hưởng lớn trước Cách mạng Tháng 8.
Nhà văn Ngô Tất Tố sinh năm 1893 ở làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ông là con thứ hai, nhưng là trưởng nam trong một gia đình có bảy anh chị em, gồm ba trai, bốn gái. Lúc còn nhỏ Ngô Tất Tố được thụ hưởng một nền giáo dục Nho học.
Từ năm 1898, Ngô Tất Tố được ông nội dạy vỡ lòng chữ Hán ở quê, sau đó ông theo học ở nhiều làng quê trong vùng. Năm 1912, Ngô Tất Tố học tư chữ Pháp một thời gian ngắn và bắt đầu tham dự các kỳ thi truyền thống lúc bấy giờ vẫn còn được triều đình nhà Nguyễn tổ chức. Ông đỗ kỳ sát hạch, nhưng thi hương bị hỏng ở kỳ đệ nhất. Đến năm 1915, ông đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh, nên được gọi là “đầu xứ Tố”, rồi thi hương lần thứ hai là khoa thi cuối cùng ở Bắc Kì.
Năm 1926, Ngô Tất Tố ra Hà Nội làm báo. Ông viết cho tờ An Nam tạp chí. Nhưng vì thiếu tiền, tờ báo này phải tự đình bản, Ngô Tất Tố cùng với Tản Đà vào Sài Gòn. Trong thời kỳ này, ông viết với các bút danh Bắc Hà, Thiết Khẩu Nhi, Lộc Hà, Tân Thôn Dân…
Sau gần ba năm ở Sài Gòn, Ngô Tất Tố trở ra Hà Nội. Ông tiếp tục sinh sống bằng cách viết bài cho nhiều tờ báo với nhiều bút danh khác nhau. Trong thời gian từ 1936-1939, Ngô Tất Tố viết nhiều tác phẩm chỉ trích quan lại phong kiến tham nhũng. Năm 1935, Ngô Tất Tố bị Chánh Sở Mật thám Hà Nội gọi lên “để mua chuộc”, nhưng ông từ chối.
Nhiều lần Ngô Tất Tố bị cấm viết báo và bị trục xuất khỏi Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Năm 1939, chính quyền thuộc địa ra lệnh cấm tác phẩm “Tắt đèn” và nhà Ngô Tất Tố ở Bắc Ninh bị khám xét và ông bị bắt giam ở Hà Nội vài tháng. Sau này, người ta tìm thấy 1.350 tác phẩm (gần 4.500 trang) đã đăng báo của Ngô Tất Tố với 59 bút danh khác nhau. Di sản báo chí của Ngô Tất Tố trở thành những tư liệu phong phú, chi tiết, phản ánh toàn diện và trung thực xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Ngô Tất Tố tham gia vào Ủy ban Giải phóng ở xã Lộc Hà quê ông. Năm 1946, ông gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc và lên Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp, đảm nhiệm cương vị Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Việt Bắc và tham gia viết báo. Ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất (1948).
Ngô Tất Tố qua đời ngày 20-4-1954 tại Yên Thế, Bắc Giang. Ông có bốn con trai là Ngô Mạnh Duẩn, Ngô Thúc Liêu (liệt sĩ), Ngô Hoành Trù (kĩ sư chế tạo máy), Ngô Hải Cao (liệt sĩ) và ba người con gái là Ngô Thị Khiết, Ngô Thị Miễn và Ngô Thị Thanh Lịch (sau này là kỹ sư nông nghiệp, đại biểu Quốc hội khóa IV của tỉnh Hải Hưng). Chồng bà Lịch, Tiến sĩ Cao Đắc Điểm là một nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời và văn nghiệp của Ngô Tất Tố.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lịch cho biết, hồi bé ở với bố mẹ ở làng Lộc Hà, phủ Từ Sơn, bà chứng kiến một chuyện khá thú vị. Nửa đêm hôm ấy, người làng đến nhà ông Ngô Tất Tố báo rằng: “Vừa bắt được một thằng bẻ trộm ngô của nhà ông ngoài đồng, ông ra đình mà đánh cho nó một trận rồi lấy ngô về”.
Nhà văn chống ba-toong cùng các con ra tới nơi, đã thấy mấy người làng trói gô anh này trong một cái bao tải. Ông Tố vội bảo “Cởi trói, thả người ta ra!”. Nhìn hai sọt ngô anh này vừa bẻ trộm, ông cười bảo: “Giá hôm nay mày vớ được cái bao tải này thì mày đã chạy thoát, không bị người ta bắt!”. Sau khi người làng cởi trói cho anh ta, ông Tố bảo các con ra về, hai sọt ngô cũng để lại.
Bà Lịch giãi bày: “Có nhiều người cho rằng, tác giả tiểu thuyết “Tắt đèn” chắc nhà cũng phải nghèo lắm thì mới viết được như vậy! Nhưng thật ra nhà tôi không nghèo, cụ Tố đi thi hương mấy lần, đỗ đầu tỉnh Bắc Ninh nên được gọi là “Đầu xứ Tố”, nếu nghèo thì lấy đâu tiền cho các con ăn học, từ đời ông đến đời bố rồi đời con đều đi thi hội, thi hương. Ngày ấy gia đình tôi có ao, có ruộng chăn tằm, cấy lúa, trồng ngô, các bà chị tôi đều có gánh hàng đi buôn bán”.
Bà Lịch kể tiếp: “Năm ấy, vào mùa mưa tháng bảy, mưa to lắm, nước ngập mênh mông, mấy chị em tôi muốn ăn ốc. Cụ Tố đi tìm một anh người làng chuyên mò cua, bắt ốc, đánh dậm bảo đến cái ao nhà tôi để bắt ốc. Anh này đến, cuộn chiếc quần đang mặc lên đầu, lội xuống ao một lúc bắt đầy mấy giỏ ốc mang lên. Khi cụ Tố trả tiền cho anh đánh dậm, chị gái tôi nói với cha: “Ốc của mình mà sao thầy mua đắt như ở ngoài chợ thế!”. Cụ Tố mắng át đi: “Thế tự nhiên ốc nó bò lên mồm mày à!”, rồi cụ cho tiền anh ta, bảo về”.
Khi chuyển sang chuyện những năm cuối đời của nhà báo, nhà văn Ngô Tất Tố ở “Xóm Văn nghệ sĩ” tại Ấp Cầu Đen, Nhã Nam, Bắc Giang, bà Lịch tỏ ra rất bức xúc trước chuyện “thị phi” người ta dựng lên về cái chết của cụ Tố. Đó là việc, năm 2013-2014, trên một trang mạng, người ta đưa thông tin về chuyện “Gần ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội Văn nghệ Việt Nam họp trên đồi Nhã Nam.
Cuộc đấu tố của văn nghệ sĩ diễn ra gay gắt căng thẳng. Người ta đã vu cáo những chuyện tày trời, quyết liệt dồn Ngô Tất Tố vào tận chân tường. Tác giả Lều chõng và Việc làng đã phạm tội phục cổ nhằm mục đích gì? Và, Ngô Tất Tố đã qua đời vào đêm 20 tháng 4 năm 1954 bằng thắt cổ tại nhà riêng ở Yên Thế, Bắc Giang. Cái sự chết của nhà văn khắc nghiệt đến mức nghĩa trang liệt sĩ xã ở địa phương từ chối không cho chôn”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Ngô Thị Thanh Lịch bức xúc cho biết, không hề có chuyện bi thảm nói trên. Sự thực là trước khi qua đời vào tháng 4-1954 ở Nhã Nam, Bắc Giang, cụ Ngô Tất Tố đã ốm đau suốt mấy năm liền, có hai lần bị đột quỵ méo cả miệng. Chuyện này, gia đình các nhà văn Nguyên Hồng, Kim Lân và các họa sĩ Tạ Thúc Bình, Trần Văn Cẩn ở “Xóm Văn nghệ sĩ” tại Ấp Cầu Đen đều biết.
Sự thật gần ngày chiến thắng Điện Biên Phủ không thể có chuyện “văn nghệ sĩ” của Hội Văn nghệ Việt Nam họp trên đồi Nhã Nam để đấu tố gay gắt căng thẳng nhà văn Ngô Tất Tố như thông tin được dựng lên trên trang blog nói trên.
Theo tài liệu của Hội Văn nghệ Việt Nam, trước chiến thắng Điện Biên Phủ, tuyệt nhiên không có bất kỳ cuộc họp nào của văn nghệ sĩ tại vùng Yên Thế, Bắc Giang, còn Hội Văn nghệ Việt Nam thì làm việc tận trên Tuyên Quang. Hồi Nhà văn Ngô Tất Tố mất năm 1954, các địa phương đều chưa có được nghĩa trang liệt sĩ xã, vậy thông tin “Cái sự chết của nhà văn khắc nghiệt đến mức nghĩa trang liệt sĩ xã ở địa phương từ chối không cho chôn” hoàn toàn là thông tin bịa đặt.
Bà Ngô Thị Thanh Lịch trăn trở: “Cụ Ngô Tất Tố ốm từ năm 1951, anh ruột tôi lúc bấy giờ đang làm ở Ban bao vây kinh tế địch cũng phải xin nghỉ để ở nhà chăm sóc bố. Sau đó lại có kẻ độc mồm tung tin vì sự đối xử không hay của con trai nên cụ Tố mới mất. Trước khi qua đời, bố tôi còn dặn dò anh trai tôi nhớ lo gả chồng cho tôi. Bố tôi mất gần một tháng thì giải phóng Điện Biên Phủ.
Vậy là cụ không được thấy ngày vui ấy”. Bà Lịch cho biết thêm, trước đó, khi được tin quân ta chiến thắng ở chiến dịch Cao-Bắc-Lạng, cụ Tố còn viết thư cho nhà báo Phùng Bảo Thạch, trong đó có nói: “Bác Thạch ạ, cuộc đời tôi và bác đều có lãi vì chúng ta đều được thấy quân ta đã đánh thắng giặc Pháp, điều mà chúng ta trước đây không ngờ được. Chắc ngày chúng quỵ gục cũng không xa nữa. Đấy là cái lãi lớn của cuộc đời chúng ta. Vì thế tôi với bác cố gắng đem hết sức lực ra cống hiến cho sự nghiệp chung”.
Khi cụ Tố mất, bà Lịch ở bên cạnh cha. Tác phẩm cuối cùng của ông là truyện ngắn “Buổi chợ trung du” nói về những phiên chợ đêm trong vùng kháng chiến. Mấy tháng cuối đời, ông không lo việc văn chương nữa mà chỉ lo cho các con nhỏ, ông bảo vợ phải may quần bông cho bọn trẻ chống rét. Trước khi qua đời, nhà văn Ngô Tất Tố còn viết một lá thư gửi nhà thơ Tố Hữu và Trung ương với lời “Xin lỗi là đã phải đi trước, còn lại mấy đứa con nhỏ nhờ các bác giúp đỡ”.
Vậy là câu chuyện bịa đặt về cái chết của nhà văn Ngô Tất Tố năm 1954 trên một trang blog đã được đích thân con gái nhà văn là bà Ngô Thị Thanh Lịch bác bỏ. Năm 2019 này, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ kỷ niệm 125 năm ngày sinh, 65 năm ngày mất của nhà văn Ngô Tất Tố và đây là tin vui đối với gia đình ông và giới văn chương.
Theo CAND