google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

“Cười ra nước mắt” chuyện các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng: Làm thơ tặng bạn gái cũ quá hay bị vợ giận - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

“Cười ra nước mắt” chuyện các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng: Làm thơ tặng bạn gái cũ quá hay bị vợ giận

Rất nhiều bài thơ, truyện ngắn được đưa vào sách vở giảng dạy cho nhiều thế hệ học sinh, nhưng không phải ai cũng biết câu chuyện thú vị về các nhà thơ, nhà văn là tác giả của những tác phẩm đó.

Nhà thơ Tú Xương – tác giả bài thơ “Thương vợ” có thật sự thương vợ?

Tú Xương là nhà thơ trào phúng đặc sắc trong nền văn học của nước nhà. Một trong những bài thơ nổi tiếng và được yêu thích nhất của ông là “Thương vợ”, được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 11.

“Thương vợ” được làm vào khoảng năm 1896 – 1897, khi gia đình Tú Xương trở nên túng quẫn phải trông nhờ vào sự tần tảo của bà Tú. Vợ của Tú Xương là bà Phạm Thị Mẫn, sinh ra trong gia đình khá giả nhưng khi lấy chồng phải bôn ba buôn bán để nuôi chồng, nuôi con.

Trong bài thơ, Tú Xương tự trách mình, vô ích, không thể chăm lo cho vợ con: “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/Có chồng hờ hững cũng như không”. Thời xưa viết thơ về vợ đã ít, viết khi vợ còn sống lại càng hiếm.

Tú Xương cũng từng lều chõng đi thi, lăm le bia đá bảng vàng cho sang mặt vợ nhưng gặp “buổi thời mạt vận”. Cả đời đi thi không nghề không nghiệp, dở dang trở thành người vô tích. Trong một số ghi chép, Tú Xương được cho là điển hình của nhà nho chỉ viết thơ, học hành, mọi chi tiêu trong nhà đều do bà Tú bươn chải lo liệu. Sở dĩ vì thời xưa, tầng lớp buôn bán không được coi trọng, Tú Xương là nhà nho nên không ra chợ cùng vợ.

Có thông tin rằng dù nhà nghèo nhưng Tú Xương rất phóng khoáng với bạn bè. Bạn đến chơi nhà đều bảo vợ mua thịt làm cơm thiết đãi. Hay chuyện rượu chè, lục đục trong gia đình khiến bà Tú nhiều phen lao đao. Nhiều người thậm chí đặt câu hỏi “Liệu rằng nhà thơ Tú Xương có thực sự thương vợ?”.

Tuy nhiên đây là những thông tin mang tính truyền miệng lại khi thời đại của nhà thơ Tú Xương đã cách đây hơn trăm năm. Mỗi thời mỗi khác, nhưng không thể phủ nhận được những giá trị văn học Tú Xương đã để lại thông qua hàng loạt tác phẩm viết về vợ của ông.

Nhà thơ Thanh Thảo và lời giải thích về câu “Li la li la li la” cuối bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca”

Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” của nhà thơ Thanh Thảo chính thức được đưa vào sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 12 từ năm học 2008 – 2009. Đây được đánh giá là tác phẩm khó học và khó dạy với những câu thơ đậm chất suy tưởng, siêu thực, ngập tràn phức điệu của hình ảnh và âm nhạc.

Đặc biệt câu kết bài “Li la li la li a” khiến bao nhiêu học sinh “mướt mồ hôi” phân tích về dụng ý đằng sau của tác giả.

Tuy nhiên trong một lần trả lời phỏng vấn, khi được hỏi về những từ tượng thanh ”Li la li la lia” cuối bài “Đàn ghi ta của Lor-ca”, nhà thơ Thanh Thảo cho biết: “Thú thật, khi viết, tôi cũng không có ý đồ nghệ thuật gì, bởi những từ tượng thanh này chợt đến, có lẽ là từ vô thức của tôi và tôi viết ra như thế thôi. Tất cả những gì chúng ta phân tích về bài thơ, đều đến sau khi bài thơ đã hoàn chỉnh. Còn trong khi sáng tác, thì tôi nghĩ, không nhà thơ nào “nhằm mục đích” gì cả. Sướng thì viết, thế thôi!”.

Dù tác giả có cách cảm nhận đơn giản khi đưa câu thơ vào bài nhưng không thể phủ nhận “Đàn ghi ta của Lor-ca” nói chung và câu “Li la li la li la” nói riêng được phân tích rất hay, đầy cảm nhận và thấu hiểu. Văn chương muôn hình vạn ý, quá trình tiếp nhận và cảm nhận cái hay của mỗi tác phẩm cũng là quá trình đồng sáng tác.

Nhà thơ Chế Lan Viên bị bố người yêu chê nghèo không gả con gái, ông dắt người yêu bỏ nhà đi

Thời trẻ, Chế Lan Viên rất đẹp trai, giảng văn hay nên nhiều học sinh dành cảm tình đặc biệt, trong đó có 2 cô gái tên Tuyết và Giáo. Qua suy nghĩ lẫn sự hỗ trợ của bạn bè, Chế Lan Viên đã quyết định thề ước với Giáo.

Tuy vậy cặp đôi không dễ dàng đến với nhau vì cha mẹ của Giáo nhất định không gả con gái cho người không có sự nghiệp. Vì bị cấm cản, Chế Lan Viên đã dắt tay Giáo vào Nha Trang trú ngụ ở nhà của người bạn tên Quách Tấn. Ông Ba Hội (cha của Giáo) sau đó đâm đơn kiện Chế Lan Viên vì dụ dỗ con gái đang tuổi vị thành niên.

Sau một thời gian, khi nhờ nhiều mối quan hệ xung quanh thuyết phục được ông Ba Hội, năm 1943, nhà thơ Chế Lan Viên cưới được Giáo. Sau đám cưới, Giáo về Bình Định với bố mẹ chồng còn Chế Lan Viên ra Huế dạy học. Cuộc hôn nhân của họ êm đềm, có 3 người con (2 trai 1 gái).

Tuy nhiên đến năm 1959, sau 16 năm chung sống, Chế Lan Viên và Giáo ly hôn. Theo một số thông tin khi đó nhà thơ bị lao phổi phải đi chữa trị ở Trung Quốc, Giáo ở nhà không còn chung tình và xin ly hôn, giao 3 người con cho chồng nuôi. Chế Lan Viên có níu kéo nhưng không được, cuối cùng đành phải ra toà.

Nhà thơ Chế Lan Viên bên người vợ thứ 2 và 2 con gái

Sau khi ly hôn vài năm, Chế Lan Viên tái hôn lại với một người phụ nữ tên Thường, có thêm 2 cô con gái. Cuộc sống cứ thế trôi bên vợ con cho đến khi mất vào năm 1989.

Nhà thơ Tố Hữu từng bị vợ dỗi vì viết thơ cho tình đầu hay hơn cho vợ, phải “cầu cứu” con gái về giảng hoà

Nhà thơ Tố Hữu có cuộc hôn nhân son sắt thuỷ chung với vợ là bà Vũ Thị Thanh, cả hai lấy nhau vào năm 1947 và có 3 người con (2 gái 1 trai).

Theo lời kể của bà Nguyễn Minh Hồng, con gái của nhà thơ Tố Hữu, vào năm 19 tuổi ông từng sáng tác bài “Có một buổi mai nào” dành cho mối tình đầu. Nhưng rồi sau đó đột ngột đi tù, khi ra tù thì mối tình đầu đã đi lấy chồng. Vợ của nhà thơ Tố Hữu biết rõ mối tình đầu này và từng có lúc bảo rằng bài thơ “Có một buổi mai nào” hay hơn bài “Sợ” mà ông viết cho bà. Thế là giận luôn. Mỗi lần vợ giận, nhà thơ Tố Hữu lại gọi cho con gái đến giảng hoà.

“Tôi nhớ là cứ mỗi lần nhận được điện thoại ba tôi gọi vào: “Hồng ơi, ra với ba” thì tôi hiểu ngay là mình phải ra để làm sứ giả dàn hòa cho hai ông bà.

Để dàn hòa cho những cuộc như vậy, tôi thường bắt đầu bằng những câu chuyện trên trời dưới biển rồi sau đó tạo một chủ đề có điểm chung để cả bà và ông cùng tham gia được. Chỉ cần thế là những giận dỗi lại được quên ngay” – Con gái nhà thơ Tố Hữu chia sẻ.

Giúp con trai phân tích tác phẩm “Mùa lạc” của mình, cố nhà văn Nguyễn Khải nhận 2 điểm từ cô giáo và lời phê “không hiểu ý tác giả”

Chuyện là khi con trai của nhà văn Nguyễn Khải đang học cấp 2, cô giáo ra đề Văn phân tích tác phẩm “Mùa lạc”. Cậu bé khi đó hớn hở mang bài tập về nhờ bố và cũng chính là tác giả của tác phẩm này.

Nhà văn Nguyễn Khải đã dành thời gian để phân tích lại chính tác phẩm mình sáng tác rồi đưa con trai nộp cho cô giáo. Nhưng bất ngờ là bài này chỉ được 2 điểm với lời phê: “Dùng từ sai, em không hiểu ý tác giả”.

Đây là điều vừa hài hước vừa “dở khóc dở cười” khi tác giả phân tích tác phẩm của chính mình lại bị nhận xét không hiểu ý.

Ngoài ra, một câu chuyện thú vị không kém khi đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, con trai của cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể từng đem bài văn mẫu phân tích tác phẩm “Chiếc lược ngà” của cô giáo về cho bố xem. Khi đó nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã cười và nói rằng bài văn mẫu hơi “ca lên quá” vì có những thứ ông không có ý đồ hay nghĩ như vậy.

Đáng chú ý dù có bố là nhà văn nổi tiếng nhưng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thừa nhận không giỏi văn, chỉ đạt từ 4 – 6 điểm, chỉ có 1 lần duy nhất được 8 điểm là bài kiểm tra nói về tiểu sử của tác giả “Chiếc lược ngà”, tức nhà văn Nguyễn Quang Sáng, bố ruột của anh.

sưu tầm

Bình luận Facebook