Dù số phận nhiều chìm nổi và cả ba đều ra đi quá sớm nhưng với vai trò đặt nền móng, mở đầu phong trào cách tân văn học, tên tuổi 3 anh em nhà văn họ Nguyễn Tường luôn sống mãi trên văn đàn Việt Nam.
Nhất Linh – nghệ sĩ toàn tài
Ông nội của ba nhà văn sáng lập Tự lực Văn đoàn là Nguyễn Tường Tiếp làm tri huyện. Cụ có người con trai duy nhất là Nguyễn Tường Chiếu (húy Nhu, 1881 – 1918) làm Thông phán nên được gọi là Thông Nhu hay Phán Nhu. Ông Nhu lập gia đình với bà Lê Thị Sâm, con gái cả viên quan võ Lê Quang Thuật, người gốc Huế ở Cẩm Giàng (Hải Dương).
Ông Nhu mất năm 1918 khi mới 37 tuổi, bỏ lại 7 người con thơ dại. Một mình bà Sâm tần tảo, gánh gồng, lam lũ nuôi con. Sau 5/7 người con (trừ Thạch Lam và bà Thế) đều có bằng cử nhân, cả 6 người con trai đều thành đạt gồm: Nguyễn Tường Thụy (Tổng Giám đốc bưu điện), Nguyễn Tường Cẩm (kỹ sư canh nông), Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (nhà văn Hoàng Đạo); Nguyễn Thị Thế, Nguyễn Tường Lân (Vinh, nhà văn Thạch Lam) và Nguyễn Tường Bách (bác sĩ).
Đặc biệt, cả 3 người con trai là Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo) và bác sĩ Nguyễn Tường Bách đều trở thành đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam độc lập. Rồi Hoàng Đạo làm Bộ trưởng Bộ Quốc dân kinh tế trong chính phủ liên hiệp lâm thời, sau đến Nhất Linh làm Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ liên hiệp kháng chiến.
Theo bà Nguyễn Thị Thế, không phải cụ Thông Nhu mà chính nhà văn Nhất Linh đã đặt tên mới cho các anh em của mình theo bộ chữ Hán: Thụy, Cẩm, Tam, Long, Vinh, Bách, Thế (có nghĩa là ba con rồng như gấm đẹp, làm vinh hiển muôn đời).
Có người nói rằng, cuộc đời nhà văn Nhất Linh dường như duyên nợ với con số 7. Ông sinh ngày 25/7/1906, mất ngày 7/7/1963. Nếu ngày sinh là cái duyên thì ngày mất lại là cái nợ, vì chính ông đã lựa chọn ngày đó, ngày mang tới 2 con số 7, ngày song thất.
Nhất Linh là người con thứ 3 trong một gia đình có 7 người con. Nhất Linh thành lập Tự lực Văn đoàn gồm 7 thành viên: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu.
Nghiệp văn của ông cũng gắn liền với 7 truyện dài tiêu biểu: Nắng thu, Đoạn tuyệt, Đôi bạn, Bướm trắng, Lạnh lùng, Xóm cầu mới và Dòng sông thanh thủy. Trong 7 tác phẩm của Nhất Linh, đến nay, đã có 5 tác phẩm ra mắt công chúng trong nước, còn 2 tác phẩm là Xóm cầu mới và Dòng sông thanh thủy – những sáng tác sau năm 1945 mới được biết đến ở hải ngoại. Bà Nhất Linh sinh 12 người con nhưng cũng chỉ nuôi được 7 người.
Tổng kết cuộc đời mình, Nguyễn Tường Tam tự nhận ra rằng: Nguyễn Tường Tam đã thất bại khi làm chính trị, chỉ còn một nhà văn Nhất Linh sống mãi trên văn đàn Việt Nam.
Trong số 5 cử nhân của gia đình, Nguyễn Tường Tam là cử nhân Khoa học Giáo khoa (Lý, Hóa) tốt nghiệp tại Pháp. Năm 1930, trở về nước, Nguyễn Tường Tam xin ra tờ báo trào phúng “Tiếng cười” nhưng không được duyệt.
Năm 1932, ông mua lại tờ tuần báo Phong Hóa của Phạm Hữu Ninh và Nguyễn Xuân Mai, trở thành Giám đốc kể từ số 14, ra ngày 22/9/1932. Nguyễn Tường Tam chủ trương dùng tiếng cười trào phúng để đả kích các hủ tục phong kiến, hô hào “Âu hóa”, đề cao chủ nghĩa cá nhân… Trong năm ấy, ông và các cộng sự quyết định thành lập Tự lực Văn đoàn trên nguyên tắc “dựa vào sức mình, theo tinh thần anh em một nhà”.
Tự lực Văn đoàn tuyên bố thành lập ngày 2/3/1934 (trên báo Phong Hóa số 87). Tháng 12/1936, trên báo Ngày Nay, Nhất Linh cùng nhóm Tự lực Văn đoàn phát động phong trào Ánh Sáng, một tổ chức từ thiện với mục đích cải tạo nếp sống ở thôn quê, trong đó có việc làm nhà hợp vệ sinh cho dân nghèo…
Song hành với làm báo, viết văn, Nguyễn Tường Tam còn hoạt động chính trị.
Nguyễn Tường Tam từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến. Ông cũng tham gia Quốc hội Khóa I đặc cách không qua bầu cử. Sau ông rời bỏ Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, lưu vong sang Trung Quốc vào tháng 5/1946 và ở lại Hong Kong cho tới 1951. Năm 1958, Nguyễn Tường Tam rời Đà Lạt về Sài Gòn, mở giai phẩm Văn hóa Ngày Nay ở Sài Gòn, phát hành được 11 số thì bị đình bản.
Năm 1960, Nguyễn Tường Tam thành lập Mặt trận Quốc dân Đoàn kết, ủng hộ cuộc đảo chính của Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông. Đảo chính thất bại, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm giam lỏng tại nhà riêng.
Ngày 5/7/1963, Tòa án Quân sự đặc biệt Sài Gòn có trát đòi Nguyễn Tường Tam có mặt lúc 7h30 ngày 8/7/1963, tại Tòa thượng thẩm, số nhà 131 đường Công Lý Sài Gòn, để nghe xét xử tội “xâm phạm an ninh Quốc gia”. Ngày 7/7/1963, tại nhà riêng, Nguyễn Tường Tam đã cho độc dược vào rượu uống để quyên sinh. Nhà văn Nhất Linh đã ra đi ở tuổi 58 để lại di chúc: “Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả…”.
Đám tang Nhất Linh, nhà thơ Vũ Hoàng Chương viếng ông đôi câu đối: “Người quay tơ, đôi bạn, tối tăm, anh phải sống chứ sao đoạn tuyệt/ Đời mưa gió, lạnh lùng, bướm trắng, buổi chiều vàng đâu chỉ nắng thu”. Trong đó, trừ bốn chữ ‘chứ sao’ và ‘đâu chỉ’ ra, còn là tên các tác phẩm của Nhất Linh.
Không chỉ là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng, Nhất Linh còn là một nhà thơ, một họa sĩ tài năng. Với báo Phong Hóa và Ngày Nay trước kia ông ký tên Ðông Sơn và sau này với Văn Hóa Ngày Nay ông ký tên Nhất Linh trên những bức vẽ. Có một số bức họa rất nổi tiếng của ông như Cảnh phố chợ Đông Phương, hay Cúc xưa…
Tháng 10/2010, một họa phẩm hiếm quí của Nhất Linh, bức Cảnh phố chợ Đông Dương (Scène de Marché de rue Indochinois) vẽ trên lụa, thực hiện khoảng 1926-1929 đã được bán đấu giá tại Hong Kong với giá 596.000 đô-la Hong Kong (tương đương với 75.000 USD).
Sinh thời, nhiều người vẫn nói, kỹ thuật viết văn của Nhất Linh bị chi phối và chịu ảnh hưởng nhiều bởi lối viết của Lev Tolstoi nhưng với Nhất Linh cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại là cuốn Đồi gió hú của Emily Brontë. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết duy nhất ông dịch trong đời. Ngay cả lúc quyên sinh, ông cũng nằm cạnh cuốn sách này.
Vợ Nhất Linh là bà Phạm Thị Nguyên (1909-1981), quê làng Phượng Dực, Thường Tín, tỉnh Hà Đông, trước năm 1945 là chủ hiệu buôn cau khô có tiếng ở Hà Nội mang tên Cẩm Lợi được ví như bà Tú Xương. Bà bán cau khô, mở rộng quan hệ buôn bán suốt trong Nam ngoài Bắc, toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp của chồng.
Những năm tháng Nguyễn Tường Tam mải mê làm báo, viết văn, làm chính trị, thì bà Nguyên vật lộn với nghề buôn bán cauở 15 phố Hàng Bè (Hà Nội), sau chuyển vào Sài Gòn, một mình lặng lẽ nuôi con, làm hậu thuẫn cho chồng thi thố giữa cuộc đời. Hiếm ai biết rằng bà từng tham gia phong trào Ánh Sáng, xóa nhà ổ chuột, làm nhà tranh tre sáng sủa cho dân nghèo thợ thuyền…
Hoàng Đạo – nổi danh về phóng sự báo chí
Nhà văn Hoàng Đạo tên thật là Nguyễn Tường Long (1907-1948). Năm 1930, ông thi vào trường Luật Đông Dương tại Hà Nội. Tốt nghiệp với tấm bằng Cử nhân luật, Nguyễn Tường Long được bổ làm Tham tá lục sự Tòa án Đà Nẵng rồi Hà Nội.
Nguyễn Tường Long chỉ làm công chức ít lâu rồi chuyển sang lĩnh vực báo chí vào năm 1932 rồi cùng Nhất Linh, Thạch Lam sáng lập Tự lực Văn đoàn. Trên báo Phong Hóa, ông lấy bút hiệu là Tứ Ly, chuyên viết những bài đả kích và châm biếm giới quan lại và bài trừ hủ tục trong xã hội Việt Nam. Năm 1936, tờ Phong Hóa bị đóng cửa vì ông viết bài động chạm đến Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu.
Từ 1937 trở đi, Hoàng Đạo lần lượt cho ra đời những bài viết về xã hội, kinh tế, chính trị rất có giá trị, mang tư tưởng chống phong kiến và đế quốc rất cao như: Trước vành móng ngựa, Mười điều tâm niệm, Bùn lầy Nước đọng, Vấn đề Thuộc địa, Vấn đề Cần lao…
Văn phẩm của Hoàng Đạo được kể tên gồm có tập phóng sự Trước vành móng ngựa (1938), truyện dài Con đường sáng (1940), truyện ngắn Tiếng đàn (1941). Trong nhóm Tự lực Văn đoàn, Hoàng Đạo là người trông nom Nhà xuất bản Đời nay của nhóm. Riêng về văn nghiệp của Hoàng Đạo, Vũ Ngọc Phan trong tác phẩm phê bình văn học Nhà văn hiện đạiđã xếp Hoàng Đạo vào nhóm “tiểu thuyết gia luận đề” cùng với Nhất Linh, nhưng có nét khác là “tuy cũng thuộc loại tiểu thuyết luận đề nhưng khác với tiểu thuyết của Nhất Linh ở chỗ có khuynh hướng xã hội”.
Vũ Ngọc Phan nhận định: “Người ta nhận thấy Hoàng Đạo rất thiết tha với những sự công bình trong xã hội, nên tiểu thuyết của ông ngả hẳn về mặt bình dân. Nhưng cái khuynh hướng thương xót người nghèo của Hoàng Đạo vẫn còn là cái khuynh hướng của người phú hào nghiêng mình xuống hạng thấp kém hơn mình. Cái khuynh hướng ấy của ông phô diễn rất rõ trong tiểu thuyết của ông”.
Thực tế thì Hoàng Đạo đã trải qua những ngày thơ ấu khốn khó và những trang viết của ông thấm đẫm tình người chứ không phải xót thương người nghèo bằng “cái khuynh hướng của người phú hào nghiêng mình xuống hạng thấp kém hơn mình”.
Trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Phạm Thế Ngũ nhận xét, những năm 1937-1939 “thường là nơi diễn đàn thời sự cho cây bút sắc sảo của Hoàng Đạo đưa ra những vấn đề chính trị và xã hội đòi chính quyền thực dân giải quyết như vấn đề tự do của nghiệp đoàn, của báo chí, vấn đề đời sống dân quê trong mục Bùn lầy nước đọng; vấn đề công bằng và luật pháp trong Trước vành móng ngựa”.
Trên tờ Ngày Nay, trong mục Trước vành móng ngựa, Hoàng Đạo đã ghi lại những tình cảnh bi hài của dân nghèo trước tòa tiểu hình Hà Nội. Là một người tốt nghiệp ngành luật, Hoàng Đạo không tin hệ thống tòa án của thực dân. Ông đả phá lề thói quan liêu,ức hiếp người nghèo của bọn quan lại qua những bài viết sắc sảo đã gây tiếng vang rất lớn trong dư luận thời bấy giờ.
Hoàng Đạo tự thấy trách nhiệm của mình không chỉ là nêu ra thảm cảnh của dân tộc, đặc biệt là dân nghèo ở nông thôn, mà còn phải tìm hiểu nguyên do của thảm trạng và tìm cho ra biện pháp giải quyết. Tức là văn chương phải đi đôi với hành động. Do đó, khi Nguyễn Tường Tam thành lập đảng Hưng Việt, ông đã tham gia rồi bị Pháp bắt và bị đầy lên Sơn La. Mãi đến năm 1943, Hoàng Đạo mới được thả nhưng vẫn bị quản thúc tại Hà Nội.
Sau này khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong Chính phủ liên hiệp lâm thời, Nguyễn Tường Long làm Bộ trưởng Bộ Quốc dân kinh tế. Sau này theo Sắc lệnh số 94 ngày 4/6/1946, Nguyễn Tường Long được cử làm cố vấn Bộ Quốc dân kinh tế.
Tháng 9/1938, Hoàng Đạo cho xuất bản cuốn Bùn lầy Nước đọng, vừa bày bán thì bị chính quyền thuộc địa Pháp ra lệnh tịch thu và cấm lưu hành. Đây là một tiểu luận chính trị nhằm mổ xẻ phân tích thảm trạng của nông thôn Việt Nam, sau đó đưa ra các phương thức giải quyết.
Năm 1933, Nguyễn Tường Long được một người bạn của mẹ làm mối, ông lập gia đình với Marie Nguyễn Bình (1913-1975), con gái một quả phụ khá giả. Ông và vợ sống hạnh phúc và có cả thảy bốn người con (ba gái và một trai).Tháng 8/1948, Hoàng Đạo bị đứt mạch máu chết trên chuyến xe lửa từ Hong Kong đi Quảng Châu, khi xe ngang qua trấn Thạch Long, hưởng dương 42 tuổi.
Thạch Lam với những trang viết thấm đượm tình người
Nhà văn Thạch Lam (1910-1942)tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi thành Nguyễn Tường Lân. Tuổi thơ của Thạch Lam trải qua ở hai phố huyện. Đầu tiên là phố huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) mà gia đình cư ngụ, kế tiếp là những ngày tạm trú bên bến phà Tân Đệ (Thái Bình) là nơi người anh cả dạy học.
Từ nhỏ được tiếp xúc với cảnh bùn lầy nước đọng, nghèo cùng của nông dân, ảnh hưởng đến suy nghĩ và viết văn sau này, với tính chất bình dân, vị tha, không ưa những thứ quyền qúy, trưởng giả và ghét danh lợi…những mảnh đời lẫm lũi, nhỏ bé, không rõ buồn vui cứ tự nhiên bước vào sáng tác của Thạch Lam, mà tiêu biểu nhất là truyện ngắn Hai đứa trẻ.Thạch Lam từng quan niệm: “Cái thực tài của nhà văn nguồn gốc chính là ở tâm hồn nhà văn, một nghệ sĩ phải có một tâm hồn phong phú, những tình cảm dồi dào. Nếu không, nghệ sĩ đó chỉ là thợ văn khéo thôi”.
Sau khi đỗ Tú tài, Thạch Lam tham gia vào Tự Lực Văn đoàn, viết cho tờ Phong Hóa. Đến năm 1935, ông được giao làm chủ bút tờ Ngày Nay. Tác phẩm của ông gồm 3 tập truyện ngắn: Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1941); truyện dài Ngày mới (1939); tiểu luận Theo dòng (1941); tập tuỳ bút Hà Nội băm sáu phố phường (1943) và một vài truyện viết cho thiếu nhi in trong Quyển sách Hạt ngọc (1940). Nhưng những gì ông để lại không phải là số lượng đồ sộ của những tác phẩm lớn mà là một phong cách nghệ thuật độc đáo.
Giới thiệu tập truyện ngắn Gió đầu mùa xuất bản trước Cách mạng Tháng Tám, Thạch Lam viết: “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”.
Ông đã viết những câu chuyện thật cảm động về những con người vẫn đang nép mình ở đâu đó trong xã hội này. Những con người dù bị chà đạp vẫn cố gắng vươn tới vẻ đẹp thanh cao, những con người dù khốn khó vẫn tự đấu tranh để vươn tới cái đẹp trong cuộc sống. Mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc sống riêng nhưng họ đều có chung tâm trạng dày vò, buồn rầu và lòng khát khao vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, cao quý hơn.
Nhận xét về văn chương của Thạch Lam, nhà văn Vũ Ngọc Phan từng nói rằng: “Ngay trong tác phẩm đầu tay (Gió đầu mùa), người ta đã thấy Thạch Lam đứng vào một phái riêng… Ông có một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỷ mỷ những cái rất nhỏ và rất đẹp… Phải là người giàu tình cảm lắm mới viết được như vậy”.
Đi tiên phong trong việc xóa bỏ cái cũ, Thạch Lam đã chọn người phụ nữ dang dở một đời chồng làm vợ. Không chấp nê, không câu nệ, Thạch Lam quyết định bí mật tổ chức đám cưới với Nguyễn Thị Sáu (quê Ninh Bình), rồi mới báo tin cho gia đình.
Cưới vợ xong, Thạch Lam vẫn không có tiền lo cho tổ ấm, nên chị gái là bà Nguyễn Thị Thế đã nhường cho em trai một căn nhà đơn sơ tại Yên Phụ (ven Hồ Tây, Hà Nội). Ở nơi ấy, vợ chồng Thạch Lam đã có được 7 năm hạnh phúc. Nhuận bút của Thạch Lam không đủ nuôi mấy miệng ăn, bà Sáu phải tay năm, tay mười, bươn chải phụ giúp kinh tế cho chồng. Một người bạn cùng thời của tác giảGió đầu mùa tiết lộ: “Thạch Lam nghèo bởi tác phẩm ông viết rất ít người mua nhưng không vì thế mà bà Nguyễn Thị Sáu kém mặn mà với khách của chồng”.
Không chỉ trong các trang viết mà ngoài đời ông cũng rất thương người. Một nhà thơ, vì cảnh nhà túng quẫn, cứ đến gặp ông (quản trị báo Ngày Nay) xin tạm ứng tiền nhuận bút. Nhưng bạn vay 10 mà trả bài có 3. Có người nhắc ông sao không chặn lại, ông bảo: “Chẳng ai muốn làm một việc như thế, người ta không còn con đường nào khác mới phải làm như vậy. Nếu không giúp đỡ, họ sống ra sao?”.
Ngày 27/6/1942, nhà văn Thạch Lam ra đi khi mới ở độ tuổi 32 vì mắc phải căn bệnh lao phổi. Ông ra đi, để lại người vợ trẻ và 3 người con trong gia cảnh nghèo khó. Hiện nhà văn Thạch Lam được đặt tên đường tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Hải Dương.
sưu tầm