Con phải sống sao đây?

“Mày về ngay đi, về đi đêm qua em Thảo nó tự tử rồi, nó chết rồi mà mày vẫn còn hú hí ở nơi sung sướng ấy à, nó sinh ra là để gánh hán gánh hạn cho mày. Mày được như thế này là vì nó chịu thiệt đơn thiệt kép. Về ngay đi em con nó chết rồi con ơi”.

Dòng tin nhắn nhấp nháy trên iPad Thu cứ nghĩ rằng đó là tin spam. Điện thoại đổ chuông réo rắt. Tiếng mẹ gào nức nở trong điện thoại.

– Con ơi em Thảo nó chết rồi, nó bỏ chúng ta đi thật rồi con ơi. Đêm qua, đêm qua, mẹ biết sống thế nào đây con ơi.

Thu để rơi chiếc điện thoại xuống đất rồi từ từ gục xuống. Không một giọt nước mắt. Người cô rỗng toang từ đầu xuống đến gót chân. Cô cứ nằm như thế cho đến khi người lạnh toát. Chồng đợi mãi không thấy vợ quay vào phòng ngủ bèn ra tìm. Anh xốc vợ lên giường rồi lấy chăn ủ ấm. Những ngón tay của Thu đã co quắp. Hốt hoảng chồng định gọi xe cấp cứu. Thu cố cất tiếng nói để ngăn chồng.

– Đừng gọi, em không sao đâu. Em Thảo chết rồi.

– Nó chết rồi sao?

– Em Thảo chết rồi, nó tự tử đêm hôm qua. Em xin lỗi anh đã làm dở dang chuyến đi của chúng mình. Em phải quay về nhà ngay anh ạ. Anh cứ ở lại đây với các con. Con còn bé chưa biết gì nên cũng không cần phải để các con về nhà. Anh chăm sóc con giúp em. Xong chuyện của Thảo em sẽ nói lại chuyện của chúng ta. Em cảm ơn anh đã cho em một cơ hội. Em phải về nhà.

Đám tang một cô gái già bị cảm chết đột ngột không có nhiều người đến viếng. Có vài vòng hoa trắng. Lá vàng không khóc lá xanh. Chỉ có nỗi buồn đeo nặng trên từng gương mặt. Thu cũng không khóc. Dường như cô đã cạn khô nước mắt.

Cha đến bên cạnh:

– Về đi còn ngồi ì ra đấy làm gì, tối rồi, có ngồi đây cả đời nó cũng có sống lại nữa đâu.

– Cha mẹ cứ về trước đi. Con muốn ở lại thêm một lúc nữa.

Thu đã chi ngay một món tiền không nhỏ để mua miếng đất vài mét vuông này dưới một tán cây già ở công viên vĩnh hằng. Thu muốn em Thảo được che chở. Thôi thì chị đã không thể che chở được cho em đành nhờ tán cây này vậy. Chỉ còn lại Thu với tia nắng cuối chiều. Ở đây không cần thời gian cỏ mới xanh. Khi hũ tro cốt đựng trong chiếc quách bằng gốm mầu xanh ngọc hạ xuống lòng đất những thảm cỏ dày xanh mướt được ghép lên bề mặt của đất. Thu nằm xuống bãi cỏ dang rộng hai tay. Cô cảm thấy lòng mình yên tĩnh trở lại. Thậm chí cô còn chìm vào giấc ngủ sâu cho đến khi ánh đèn pin quét qua và có người đánh thức cô dậy.

– Phải về thôi chị ơi. Để cho người chết còn siêu thoát. Chị cứ đau đớn thế này người ta cũng lấn cấn không đi đâu.

Người quản trang đỡ Thu đứng dậy.

– Vâng, tôi cũng nghĩ thế. Cảm ơn anh.

Mấy chục cây số nữa mới về đến nhà, Thu chợt nhận ra rằng, cô đang rất sợ bước chân vào ngôi nhà đó. Nhưng cô biết đi đâu bây giờ? Liệu cô có thể một mình qua đêm tại khách sạn? Nỗi đau có càng dày vò hơn khi cô chỉ có một thân một mình? Trong não cô cứ túa ra các câu hỏi, các tình huống kèm theo cả những cung bậc cảm xúc một cách sống động như sờ mó vào được. Rồi cuối cùng cô nắm lấy cảm giác muốn ở một mình đêm nay. Cô vào khách sạn và thuê một phòng đơn. Tắm rửa xong, Thu gọi điện thoại cho mẹ.

– Mẹ ạ, mẹ nói với bố giúp con. Con mệt lắm con muốn ngủ một giấc thật sâu cho lại sức, nếu không thì con ốm mất mẹ ạ.

– Thì con cứ về nhà mà ngủ.

– Con rất buồn ngủ và con đã thuê phòng ngủ trong khách sạn rồi. Con ngủ đây. Bố mẹ đừng lo cho con.

Thu cúp máy và tắt nguồn. Không hề có cảm giác đói bởi một câu hỏi rất lớn đang choáng hết trí não của cô, tại sao tất cả mọi việc ta làm đều sai thế này chứ? Tại sao ta lại ra đời trước nó ba phút chứ? Tại sao ta không ra sau nó ba phút chứ? Tại sao ta lại không bị ngạt nước ối chứ? Tại sao ta lại thông minh hơn nó chứ? Tại sao ta lại lấy được chồng giàu có chứ? Tại sao ta không bị mắc bệnh trầm cảm như nó chứ? Và tại sao ta lại không chết trước nó? Để bây giờ tất cả lỗi là tại ta?

Hai cô bé giống nhau như hai giọt nước có đôi mắt đen láy và nước da trắng hồng. Cha mẹ dắt hai cô bé đi đến đâu cũng được những ánh mắt tò mò ngưỡng mộ nhìn theo. Người cha rất tự hào và yêu thích những cặp mắt nhìn ngưỡng mộ kia. Ông đầu tư cho hai cô bé thiên thần những bộ váy áo đẹp và giống hệt nhau. Sự giống nhau đến mức đôi khi ông không còn phân biệt được đâu là chị đâu là em, đâu là Thu đâu là Thảo. Tuổi thơ thiên thần của hai cô bé sinh đôi cùng trứng êm đềm cho đến khi cùng vào lớp một. Thu sáng dạ hơn Thảo. Thời gian để Thu nhận mặt chữ nhanh hơn Thảo gấp hai lần. Người cha cần mẫn luôn ngồi cùng để dạy các con học bài. Có thể sự cần mẫn của người cha là điểm cộng với gia đình khác. Ông đã không đủ nhẫn nại với Thảo. Ông rít lên:

– Sao ngu thế.

– Ngu thì ngu vừa thôi chứ.

– Đầu óc mày là bã đậu à.

– Sao trí khôn của mày không bằng được một phần của chị mày.

Lý ra cái ngày ấy Thu không cần phải chăm chỉ học hành giỏi giang đến như thế. Để cho cha vừa lòng cô bé ra sức học hành. Sự tấn tới của Thu lại trở thành tội lỗi của Thảo. Ông gầm lên.

– Cơm toi, càng học càng ngu thế à? Sao mày không giống chị mày cơ chứ.

– Ngày mai mày sẽ bị phạt, mày không được đi ra phố ăn kem. Mày phải ở nhà học bài.

Thu theo cha ra phố, cứ bước thẳng mà không hề ngoái lại để nhìn những giọt nước mắt chảy tới tấp trên gương mặt buồn rầu của em.

Hai chị em vẫn ngủ chung một giường. Thảo hỏi chị.

– Chị ơi kem có ngon không?

– Thường ấy mà, y như cái hôm mẹ cho hai chị em ta đi ăn ấy.

– Em tưởng nó ngon hơn nên em rất thèm.

– Em có giận chị không?

– Sao lại giận chị được ạ?

– Vì chị giỏi hơn em để cha mắng em ấy.

– Không đâu, chị cứ học giỏi, thật giỏi vào chị nhé, rồi chị làm ra nhiều tiền. Rồi chị nuôi em nhé. Em sẽ ở với chị như thế này mãi.

– Không đâu, em chỉ không giỏi bằng chị thôi. Em vẫn học trung bình mà. Rồi lớn lên em sẽ đi làm, làm công nhân cũng được nhiều tiền đấy. Em sẽ lấy chồng và sinh con. Em sẽ có một gia đình nhỏ. Chị cũng có một gia đình nhỏ của riêng chị. Chúng ta sẽ qua thăm hỏi nhau. Lũ trẻ nhà chúng ta sẽ cùng chơi với nhau thật là hạnh phúc.

– Thật thế hả chị.

– Thật mà. Em đâu có kém hơn ai chứ. Lớp chúng ta còn đến 10 đứa xếp sau em đấy. Em lại nấu ăn ngon hơn chị. Em lại biết khâu vá quần áo nữa. Chỉ là chị học giỏi hơn em.

Thảo ôm lấy chị cười rinh rích.

– Nhỡ đâu hai chị em sinh đôi lại lấy hai anh em sinh đôi chị nhỉ.

Người cha vẫn cần mẫn ngồi cùng bàn học với Thảo để mong em bằng chị. Ông dạy con học không phải bằng sự nhẫn nại mà bằng sự đay nghiến.

– Cái ngữ mày chỉ có mà đi làm ô sin thôi, hai tay dày lỗ miệng. Sao không nhìn tấm gương chị mày mà học tập chứ. Thế mày có thích cái bằng khen kia của nó không? Đấy nó đoạt giải nhất đấy. Tao có mong mày cũng phải được giải nhất như nó đâu nhưng ít nhất mày cũng nên đạt học sinh tiên tiến chứ.

Trên gương mặt hai chị em sinh đôi đã có sự khác biệt rõ nét, cô chị mặt sáng ngời mắt long lanh luôn nhìn lên phía trước. Cô em mặt buồn rười rượi và ánh mắt chỉ nhìn xuống dưới chân. Người cha đã ngăn đôi căn phòng chung của hai cô bé.

– Để cho chị mày yên tĩnh học hành, mày đừng có quấy rầy nó đấy nghe chưa.

Cô em càng ngày càng thu mình lại. Khi đến tuổi dậy thì cô không bước chân ra khỏi phòng, cô không đến trường.

Thu được học bổng du học. Khi cả họ hàng đang tíu tít bên nhau để ăn mừng chiến thắng thì trong phòng Thảo lấy dao để cắt tay. Thu nhớ đến em chạy vào phòng thấy em đang quằn quại trên vũng máu. Cô hét lên. Cuộc vui dang dở.

Vừa chân ướt chân ráo sang xứ người cô tìm gặp giáo sư về tâm thần học. Cô mô tả căn bệnh của Thảo. Giáo sư nói cần phải gặp bác sĩ trị liệu càng sớm càng tốt. Thu gọi điện thoại về cho cha, cha nói:

– Bệnh nó nhẹ thôi. Bây giờ cha mẹ coi nó kỹ lắm rồi. Cha không mắng nó nữa nên nó vui vẻ. Nó giúp mẹ làm việc nhà. Thi thoảng nó cũng theo mẹ đi chợ.

– Cha ơi, cha đưa em đi gặp bác sĩ trị liệu ngay đi. Con đã gặp giáo sư giỏi nhất ở đây. Ông ấy nói cần đưa em đi bác sĩ, phải chữa tận gốc cha ơi.

– Con lo học hành đi. Kiếm tấm bằng giỏi về để báo hiếu cha mẹ. Việc nó để cha lo.

Thu học một lèo sáu năm nơi trời tây. Cô không về thăm nhà lần nào. Cô linh cảm rằng, không có cô ở căn nhà đó hình như mọi việc sẽ tốt hơn. Cô cũng cần tiền để gửi về nhà. Bố mẹ cô không phải là những người giàu có. Vào năm học cuối một tình yêu đẹp như mơ đã đến với cô.

Thu mua một mảnh đất rộng. Căn nhà cô xây cũng rất lớn, có đến bảy phòng ngủ. Chồng cô là một doanh nhân. Anh rất nhiều tiền và anh cũng thường xuyên xa nhà. Thu đón cha mẹ và em Thảo về ở cùng. Thảo rất yêu em bé. Thảo biết cách chăm sóc đứa con đầu lòng của Thu.

Chồng Thu không thích cái cách cả nhà vợ sống trong căn nhà của anh ta. Mỗi lần đi xa về anh chỉ đảo qua nhà để chào cha mẹ vợ và ăn một chút những món ăn Thu đã rất dày công nấu cho chồng. Rồi anh cùng vợ ra khách sạn ngủ. Cha đã ngửi ra mùi bất ổn. Cha nói với Thu.

– Cha mẹ không cần con phải báo hiếu nhưng con cần phải biết ơn em Thảo. Em ấy sinh ra cũng hoàn hảo như con. Đây không phải là số phận mà là thế này, trong một gia đình phải có một người thiệt thòi hơn, người đấy sẽ gánh hán gánh hạn cho người kia thành đạt. Chúng ta cần phải ở trong căn nhà này. Em Thảo cần phải ở trong căn nhà này. Em ấy không có gia đình thì em ấy sẽ coi gia đình của con là gia đình của em ấy, coi những đứa con của con là con của em ấy. Chỉ ở đây em ấy mới không phát bệnh nặng hơn. Cha mẹ cũng phải ở gần để coi sóc em ấy. Con đã hiểu hết ý của cha chưa con gái.

– Vâng con đã hiểu.

Thu nói với chồng.

– Anh luôn xa nhà em cũng cần gần gia đình để nhờ vả.

– Em đã có hai người giúp việc mà.

– Em không tin tưởng họ. Nếu có cha mẹ em ở bên cạnh trông nom vẫn hơn.

– Tùy em thôi. Nhưng anh không thích sống cùng họ.

Thu quyết định mua thêm một căn nhà nữa để cô sống cùng chồng những ngày anh trở về bên cô. Ngày cô sinh đứa con thứ hai chồng cô vô cùng hạnh phúc đã tặng cho cô một chiếc ô-tô nhãn BMW. Cha mẹ cô vui mừng đi xuống dưới sân để chiêm ngưỡng chiếc ô-tô được cài kín hoa hồng. Thu không thấy em Thảo xuống cùng cha mẹ. Cô chạy lên phòng Thảo. Em đang quằn quại trong vũng máu. Cô không hét lên mà chỉ lặng im băng bó vết thương cho em. Cô ôm em rất chặt. Thảo cũng ôm chặt lấy chị.

– Chị xin lỗi, chị xin lỗi em.

Nước mắt rơi ướt đầm mặt em gái.

Hôm sau Thu quyết định đưa em đến bệnh viện. Cha đi cùng. Sau một loạt các xét nghiệm bác sĩ kết luận: Tâm thần phân liệt. Và phải điều trị bằng thuốc. Thu hỏi bác sĩ:

– Có thể không dùng thuốc mà trị liệu tâm lý được không?

– Quá muộn rồi.

Thảo triền miên vào các giấc ngủ nhân tạo. Khi tỉnh giấc cô ăn rất nhiều và béo phì ra. Thảo vẫn thích chăm sóc cho những đứa trẻ. Được gần chúng cô rất vui. Cô hát và chơi với chúng như là bạn của chúng. Chồng Thu đòi phải cách ly Thảo với các con.

Cha lại là người ra phán quyết.

– Con không biết thương em sao? Nó chỉ thực sự là nó khi nó được chăm sóc và chơi với lũ trẻ. Có lũ trẻ nó cũng đang dần khỏi bệnh. Con không thấy em đạp xe đi mua đồ ăn cho mẹ đó thôi. Con hãy nhìn xem khi nó chơi với lũ trẻ mặt nó mới bừng sáng làm sao. Tâm hồn nó thật thánh thiện.

Chồng Thu đã ba năm không về nhà. Anh vẫn gửi tiền đều đặn và khá nhiều để cả gia đình sống ung dung. Thu rất nhớ chồng. Cô nhớ nụ hôn của anh và cả vòng tay ôm. Cô rất khát khao được gặp chồng. Anh không cho cô biết anh đang ở đâu. Những đứa trẻ đã lớn, chúng không còn ở nhà. Chúng phải đến trường. Thảo càng ngày càng béo. Không có bọn trẻ cô ở lỳ trong phòng và ăn rất nhiều. Từ lâu cha đã vứt những viên thuốc của Thảo đi.

Những ý nghĩ luôn xáo trộn trong đầu khiến Thu rất khó sống. Có những lúc Thu muốn cha mẹ hãy đi ra khỏi nhà của cô. Rồi cô lại ăn năn. Cô cảm thấy mình thật tội lỗi.

Rồi đột ngột chồng cô quay về. Anh nói với cô.

– Anh chỉ qua thăm lũ trẻ xem chúng đã lớn đến thế nào rồi.

– Còn khoảng ba tiếng nữa chúng mới từ trường về. Anh có muốn đến căn nhà kia của chúng mình không.

– Không anh không muốn.

– Vâng. Anh có muốn lấy lại căn nhà này không? Em sẽ nói cha mẹ và em Thảo đi nơi khác.

– Cứ để cho họ ở đây, em muốn thế mà.

– Em sẽ đi nấu cho anh ăn.

– Không cần đâu, anh chỉ gặp con rồi đi luôn.

Ba năm hai đứa trẻ đã trở nên xa lạ với bố. Chúng bẽn lẽn chào bố khi nghe mẹ chỉ bảo. Anh nhìn trân trối vào hai đứa trẻ. Anh ôm chúng vào lòng và Thu nhìn thấy hai vai chồng rung lên bần bật. Hai đứa trẻ cũng đứng im trong lòng cha. Đứa lớn được ở với cha nhiều hơn nên khi trong lòng cha nó đã nhận ra đúng mùi vị yêu thương của cha, nó liền vòng tay ôm lấy cổ cha. Nó gục mặt vào cổ cha và nước mắt nó rịn ra. Đứa bé vẫn cố nhoài ra khỏi lòng cha. Ba người, cha mẹ và em Thảo đứng từ trên tầng hai nhìn xuống.

Anh bảo:

– Chúng ta cho con đi ăn.

– Vâng em sẽ tắm rửa và thay quần áo cho con đã.

Ba mẹ con mặc ba bộ đồ trắng. Thu nom mỏng manh hơn trong chiếc đầm trắng dài đến gót chân. Anh nhìn Thu rất lâu.

Bọn trẻ con vui, chúng ríu ran đủ chuyện. Anh hỏi thằng bé lớn:

– Con học thế nào?

– Không được xếp thứ nhất chỉ được thứ nhì thôi bố ạ.

– Thế là rất giỏi rồi mà. Ngày trước bố chỉ được xếp thứ 20. Thế con đá bóng có giỏi không?

– Có bố ạ. Con đá hàng tiền đạo.

– Còn cô công chúa xinh đẹp của bố, con đã biết đọc chưa?

– Con đọc được truyện tranh rồi ạ.

– Rất giỏi. Con chưa đi học lớp một phải không?

– Vâng ạ. Mùa hè con sẽ học lớp một bố ạ.

Quay sang phía Thu chồng hỏi nhỏ.

– Em có muốn một cơ hội cho chúng mình không?

– Em chưa khi nào hết yêu anh.

– Vậy thì đi thôi. Ngay ngày mai nhé. Bọn trẻ con sẽ nghỉ học vài ngày. Chúng thông minh như thế cơ mà.

Khi những ký ức trong đầu sắp thành một câu chuyện có đầu có cuối như thế thì cơn buồn ngủ ập đến. Trước khi trườn vào giấc ngủ một câu hỏi lại nhô ra. Không biết mình còn có cơ hội với anh nữa không? Mình vẫn còn yêu anh. Em Thảo chết rồi có lẽ mọi việc sẽ dễ dàng hơn.

Truyện ngắn của Y BAN

Bình luận Facebook