google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Cõi lòng tan nát và bài hát để đời : Nửa hồn thương đau - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

Cõi lòng tan nát và bài hát để đời : Nửa hồn thương đau

Ai sống ở miền Nam trước năm 1975 hầu như đều biết và ưa thích bài hát nổi tiếng có tên “Nửa hồn thương đau” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929-1991). Sự ra đời bài này liên quan đến một chuyện rất đau buồn của tác giả: Bị người vợ mà ông rất yêu thương phản bội.

Ai sống ở miền Nam trước năm 1975 hầu như đều biết và ưa thích bài hát nổi tiếng có tên “Nửa hồn thương đau” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929-1991): “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa/ Cho tôi về đường cũ nên thơ/ Cho tôi gặp người xưa ước mơ/ Hay chỉ là giấc mơ thôi/ Nghe tình đang chết trong tôi/ Nghe lòng tiếc nuối xót thương suốt đời…”. Sự ra đời bài này liên quan đến một chuyện rất đau buồn của tác giả: Bị người vợ mà ông rất yêu thương phản bội. Đó là nữ ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh Khánh Ngọc – một ngôi sao rực rỡ cả về nhan sắc lẫn tài năng ở Sài Gòn những năm 50 – 60 thế kỷ trước.

Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ kiêm ca sĩ nổi tiếng, tiêu biểu gắn với những ca khúc trữ tình, lãng mạn sống ở Sài Gòn trước ngày thống nhất đất nước. Nghệ danh khi là ca sĩ của ông là Hoài Bắc. Ông sinh năm 1929 ở Hà Nội (quê cha) và quê mẹ ở Sơn Tây trong một gia đình có nhiều người là nghệ sĩ tài ba: Chị là ca sĩ Thái Hằng, em gái là ca sĩ Thái Thanh, anh rể là nhạc sĩ Phạm Duy, anh trai là nhạc sĩ, ca sĩ Phạm Đình Viêm (Hoài Trung), chú là họa sĩ Phạm Văn Đôn, cô là nghệ sĩ sân khấu Song Kim, dượng là Thế Lữ.


Nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

Năm 1951, Phạm Đình Chương cùng với Phạm Duy lập nên Ban nhạc Thăng Long rất nổi tiếng ở Hà Nội gồm toàn những người trong gia đình. Sau đó, ông cùng các thành viên khác của ban nhạc này vào sống ở Sài Gòn, hoạt động mạnh hơn trước, nhanh chóng trở nên đình đám ở thành phố “Hòn ngọc viễn đông”, luôn thu hút một lượng khán giả rất đông đến xem những buổi ban nhạc trình diễn.

Khánh Ngọc là một ca sĩ kiêm minh tinh màn bạc cũng rất nổi tiếng với nhan sắc lộng lẫy và một nhân dáng bốc lửa, xuất hiện ở đâu là gây xôn xao cho đám mày râu ở đó và đã nhanh chóng hút hồn Phạm Đình Chương ngay từ phút gặp đầu tiên. Người đẹp cũng dễ xiêu lòng trước chàng nhạc sĩ có giọng hát hay, lôi cuốn và những ca khúc rất lãng mạn đã khiến nàng thích thú từ trước.

Mối tình thật đẹp giữa cặp trai tài, gái sắc khi ấy lan truyền khắp bàn dân thiên hạ khiến nhiều người ngưỡng mộ và cũng lắm kẻ ghen ghét bởi nàng luôn có quá nhiều kẻ giàu sang, quyền quý nhòm ngó, lượn lờ xung quanh. Kiên trì theo đuổi và gia tăng “tốc độ”, cuối cùng Phạm Đình Chương đã thành công và cuộc hôn nhân được xúc tiến. Ban nhạc Thăng Long từ đây có thêm thành viên mới là nàng dâu Khánh Ngọc lại càng trở nên đình đám hơn trước.

Vợ chồng ông sinh được một con trai. Cuộc sống tưởng vô cùng viên mãn. Tác giả ca khúc “Hội trùng dương” được nhiều người ưa thích khi ấy không thể ngờ hạnh phúc của mình lại ngắn chẳng tày gang, có thể tiêu tan mây khói. Đang sống yên ổn, bỗng có tin đồn vợ mình tằng tịu với người khác, Phạm Đình Chương cố gắng không tin. Ông gạt đi tin đồn. Nhưng cay đắng thay, đó lại là sự thật và kẻ “thứ 3” kia không ai khác, chính là người anh rể của mình, cũng rất nổi tiếng. Đó là nhạc sĩ Phạm Duy.

Phạm Đình Chương cố gắng bình tĩnh, kìm nén nỗi đau buồn. Nhưng một người bạn thân vì rất thương bạn mà không thể để tình trạng ông bị “cắm sừng” một cách quá trớ trêu đã giúp “bắt quả tang”. Người này vẫn thường xuyên nhìn thấy Phạm Duy và vợ bạn mình tình tự ở một địa điểm nên việc này không khó thực hiện. Thế là Phạm Đình Chương biết rõ sự thật cay đắng nên bị “sốc” lớn dẫn tới suy sụp.

Sau những ngày đấu tranh tư tưởng, dằn vặt bởi đứa con trai khi ấy còn nhỏ, cuối cùng ông đành quyết định ly hôn. Tiếp theo là những ngày ngắc ngoải, sống mà như chết. Ông chỉ còn biết giải sầu trong men rượu, bỏ bê sáng tác và mọi công việc khác, suốt ngày chỉ say khướt, đóng cửa trong nhà, không tiếp bất cứ ai. Tất nhiên ông không thể có mặt để biểu diễn cùng Ban nhạc Thăng Long và Khánh Ngọc cũng không còn mặt mũi nào mà xuất hiện. Cô bị mọi người tẩy chay. Hoạt động ca hát và đóng phim cũng không thể như trước. Quá xấu hổ, cô sang Mỹ cư trú. Sau đó, kết hôn với một luật sư trẻ và sống tại đây đến cuối đời.

Một lần kia, sau khi ly hôn một thời gian không lâu, tình cờ Phạm Đình Chương gặp lại Khánh Ngọc. Hôm đó trời mưa to, kéo dài. Ông ngỏ lời muốn đưa cô về nhà nhưng bị từ chối. Ông quá buồn tủi, trở về ngôi nhà mà ngày nào còn có vợ với những ngày tháng hạnh phúc. Đêm hôm đó, ông thức trắng, không sao chợp mắt, bỗng nghĩ đến bài thơ “Lệ đá xanh” của Thanh Tâm Tuyền có nội dung phù hợp với cảnh ngộ, tâm trạng của mình.

Thế là ông trở dậy, ngồi vào đàn, phổ một mạch thành bài hát “Nửa hồn thương đau”: “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa/ Cho tôi về đường cũ nên thơ/ Cho tôi gặp người xưa ước mơ/ Hay chỉ là giấc mơ thôi/ Nghe tình đang chết trong tôi/ Nghe lòng tiếc nuối sót thương suốt đời…”. Bài hát nghe thật bi ai, day dứt, tuyệt vọng về một mối tình quá nhiều đau khổ. Tiết tấu dàn trải, nghe thấy như những tiếng khóc nấc nghẹn ngào, như tắc lại hơi thở.

Về sau, bài hát được thu thanh bởi giọng hát của Thái Thanh là em gái của tác giả lúc này đã nổi tiếng khắp nơi và được đưa vào phim “Chân trời tím” về sau rất ăn khách. Nhờ vậy mà bài hát càng được nhiều người biết đến hơn và nhanh chóng lan khắp toàn cõi miền Nam, bay ra tận hải ngoại, xuất hiện nhiều trong các đại nhạc hội của bà con Việt kiều ở nước ngoài.

Ở Sài Gòn lúc đó, một cô gái có tên là Mỹ rất thích bài này, lại biết rõ hoàn cảnh cô đơn và đau khổ của Phạm Đình Chương đã sẵn sàng đến với nhạc sĩ và trở thành người vợ thứ 2 của ông. Cô cũng có nhan sắc và tính cách đôn hậu, dịu sàng, đã sẵn sàng băng rịt vết thương lòng vẫn còn rỉ máu của chồng. Tấm lòng vị tha, bao dung với đức hi sinh cao cả của cô khiến người chồng lấy lại được thăng bằng và tiếp tục sáng tác được nhiều bài hát hay hơn cả trước.

Sự nghiệp sáng tác của Phạm Đình Chương chia làm hai thời kỳ rõ rệt: Trước và sau khi cuộc hôn nhân đổ vỡ. Thời kỳ bắt đầu sáng tác cho đến khi kết thúc cuộc hôn nhân là những bài hát có giai điệu trong sáng, vui tươi, hồn nhiên và mộng mơ mà tiêu biểu là những bài “Thuở ban đầu”, “Đến trường”, “Được mùa”, “Đón xuân”, “Trăng rừng”, “Trăng Mường Luông”, “Đêm màu hồng”, “Đất lành”, “Tiếng dân chài”… Từ sau khi ly hôn cho tới lúc già yếu, những bài hát của Phạm Đình Chương có âm hưởng trầm lắng, buồn rõ rệt. Ngoài bài “Nửa hồn thương đau” đã nói, ông còn nhiều bài khiến cho nhiều ca sĩ đồng cảm, tìm đến như: “Xóm đêm”, “Xuân tha hương”, “Đôi mắt người Sơn Tây” (thơ Quang Dũng), “Khi cuộc tình đã chết” (thơ Du Tử Lê), “Người đi qua đời tôi” (thơ Dạ Từ), “Mắt buồn”, “Mộng dưới hoa”…

Từ lâu, tôi đã rất thích bài “Tiếng dân chài” của Phạm Đình Chương. Theo tôi, đây là một trong những bài rất hay có âm hưởng dân ca miền Trung. Bằng một giai điệu rất ngọt ngào với tiết tấu sôi nổi, ông vẽ nên không khí lao động và cuộc sống của những người làm nghề chài lưới vùng biển miền Trung rất sinh động. Chính vì rất thích bài này mà sau năm 1975, vào công tác ở TP Hồ Chí Minh, tôi có ý tìm gặp tác giả. Tuy nhiên, đã không gặp được.

Nhưng tôi được nghe một số nhạc sĩ quen biết và giao du với Phạm Đình Chương nói về ông: Một người có khả năng phối hòa âm rất hay, chuyên làm việc này ở Ban nhạc Thăng Long. Tính tình cởi mở, hòa đồng, phong cách giản dị. Đặc biệt là rất có trách nhiệm với gia đình, là một người chồng, người cha và mọi tư cách khác mẫu mực. Đã bắt tay vào việc gì là rất có trách nhiệm. Mặc dù bị vợ gây cho mình nỗi đau tưởng không gì có thể khỏa lấp nhưng vẫn luôn nói tốt về vợ, chỉ nói: “Cái số tôi lận đận, không ở được với cô ấy đến trọn đời”. Tính cách như vậy khiến Phạm Đình Chương được nhiều người quý mến mặc dù có tài năng và tiếng tăm vượt trội hơn nhiều nhạc sĩ khác.

Năm 1991, sau nhiều năm định cư ở Mỹ, ông qua đời tại đây, hưởng thọ 63 tuổi. Hiện nay, nhiều ca khúc của ông vẫn hiện diện trong đời sống tinh thần của công chúng, đặc biệt là bà con Việt kiều ở nước ngoài.

sưu tầm

Bình luận Facebook