‘Có phải em mùa thu Hà Nội’ – tình khúc tháng 8
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sáng tác giai điệu ”Có phải em mùa thu Hà Nội” chỉ sau một đêm vì say mê thơ Tô Như Châu.
Những ngày chớm thu, đâu đó có người nhắc đến câu hát ”Tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ?” của nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Ở một số phiên bản, nhiều người thường nhầm lẫn từ ”khởi vàng” thành ”rơi vàng”. Bài hát mở đầu bằng một câu hỏi độc thoại, xuyên suốt là những thắc mắc còn bỏ ngỏ của tác giả về một miền đất trong mộng tưởng.
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc tác phẩm năm 1972, dựa vào lời thơ Tô Như Châu. Đầu thập niên 1970, một lần giao lưu nhóm thơ Hàn Giang tại Đà Nẵng, nhà thơ khoe với nhạc sĩ sáng tác mới về Hà Nội.
Đọc bản đánh máy, tác giả bị chinh phục bởi những vần thơ đậm chất trữ tình: “Ngày sang thu anh lót lá em nằm. Bên trời xa sương tóc bay”. Hình ảnh thủ đô dịu dàng, lãng mạn cứ thế hiện trước mắt nhạc sĩ. Ông chọn những tứ thơ hay nhất của người bạn, kết hợp cảm xúc, hình dung của bản thân về thủ đô, hoàn thành việc phổ nhạc trong một đêm.
Bản thu đầu tiên của danh ca Thái Thanh ít được lưu hành. Sau đó vì mưu sinh, nhạc sĩ Trần Quang Lộc “cất tủ” đứa con tinh thần của mình suốt hơn hai thập niên. Năm 1994, nhạc sĩ Đức Trí tìm thấy bài hát trong số 60 nhạc phẩm được nhạc sĩ đưa để chọn vào album Chợt nghe em hát cho Hồng Nhung. Ca khúc được ”hồi sinh”, đồng thời giúp đĩa nhạc của chị đạt 30.000 bản phát hành trong tuần đầu.
Sau Hồng Nhung, nhiều ca sĩ cũng thể hiện bài hát, nổi bật là Thu Phương. Năm 1997, ca sĩ chọn ca khúc để biểu diễn trong chương trình Việt Nam nhớ thương tại Nhà hát Hòa Bình, chinh phục khán giả bằng chất giọng trầm ấm, chứa đựng tình cảm da diết. Tên tuổi nghệ sĩ cũng được biết đến rộng rãi từ đó.
Như bao người xa quê đến Hà Nội học tập, làm việc, Thu Phương từng tự đặt ra nhiều câu hỏi về mảnh đất nơi chứng kiến những non nớt, khó khăn thuở mới bắt đầu sự nghiệp. Ca sĩ cho biết có sự gắn kết với bài hát, nhất là câu: ”Có phải em là mùa thu Hà Nội?”. Thu Phương nhớ mãi lần được gặp nhạc sĩ và hát trong đêm nhạc của ông ở Mỹ. Khi giai điệu bài hát vang lên, cảm xúc của ca sĩ và tác giả như được đồng điệu.
Giống nhà thơ Tô Như Châu, sinh thời, nhạc sĩ Trần Quang Lộc chưa từng đến Hà Nội, cùng chung ước mơ tới thăm thủ đô vào ngày hòa bình. Khi còn sức khỏe, ông thường vướng bận công việc, lúc có điều kiện đi, căn bệnh ung thư lại cản trở mong ước của nhạc sĩ. Ông từng kể: ”Ngày đó trái tim tôi có một cô gái Hà Nội. ‘Yêu người yêu cả quê hương’, bởi vậy Hà Nội càng đẹp, lãng mạn hơn”.
Trong mắt nhạc sĩ Trần Quang Lộc, mùa thu Hà Nội tựa người con gái đẹp, có làn tóc bay trong sương, đôi môi mềm như khói, khiến tác giả “Tuổi phong sương ta vẫn gắng đi tìm”, khẳng định ”Thôi thì có em, đời ta hy vọng”. Cái đẹp của những chiếc lá vàng rơi gợi cho ông nhiều thổn thức, là ”mùa thu của ước mơ” mà ông ấp ủ cả cuộc đời, thậm chí tưởng tượng viễn cảnh đoàn tụ xúc động, khi ”Lệ mừng gặp nhau, xôn xao phím dương cầm”.
Tình yêu với Hà Nội trong Trần Quang Lộc được hình thành qua các bài thơ, lời nhạc, câu chuyện của người thân, bạn bè. ”Tôi được nghe kể về Hồ Gươm, về bãi sông Hồng, về những con phố nhỏ se lạnh chiều đầu thu. Tôi đã mơ về Hà Nội rất nhiều”, ông nói.
Cao trào của ca khúc nằm ở câu: ”Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát”. Nhiều người cho rằng lời ca chưa khớp với mạch tâm tình về mùa thu Hà Nội. Theo các tài liệu, thời điểm sáng tác bài thơ, ông Tô Như Châu đã gặp một cô gái Hà Nội – người có thể khiến ông cảm nhận được hào khí từ ngàn xưa. Vì vậy với nhạc sĩ và nhà thơ, nơi đây còn là niềm hy vọng, sự tự hào, có bề dày lịch sử để ”Nghìn năm sau anh níu bóng quay về”. ”Anh” ở đây có thể là Trần Quang Lộc, Tô Như Châu hay bất kỳ ai chung tình cảm dành cho thành phố được xem là ”trái tim cả nước”.
Nhà thơ Tô Như Châu tên thật là Đặng Hữu Có, sinh năm 1943 tại Đà Nẵng. Sau năm 1975, ông làm nhân viên điện lực, công việc phát hành cho một tờ báo tại Đà Nẵng. Năm 2002, nhà thơ qua đời sau một cơn bạo bệnh. Suốt sự nghiệp viết lách, ông chỉ in một tập thơ Có phải em mùa thu Hà Nội (1998).
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sinh năm 1949 tại Quảng Trị. Năm 20 tuổi, ông học tại Trường Quốc gia Âm nhạc Huế, bắt đầu sáng tác cuối thập niên 1960. Tuyển tập đầu tiên của ông – Hát trong dòng sông xưa – được xuất bản năm 1970. Nhạc sĩ dần nổi tiếng qua các ca khúc Về đây nghe em, Em còn nhớ Huế không, Chợt nghe em hát.
Đầu tháng 6/2020, ông qua đời tại nhà ở Bà Rịa – Vũng Tàu sau nhiều năm chống chọi ung thư, mang theo tâm tư, ước nguyện dành cho Hà Nội đi xa. Mỗi dịp thu sang, nhạc phẩm Có phải em mùa thu Hà Nội được công chúng nhắc nhớ, như một tình khúc bất hủ của nền âm nhạc Việt Nam.
Nguồn: Phương Linh/VNE