Tôi nhìn thấy nhiều cuộc chia ly, hầu như cuộc chia ly nào cũng đẫm đầy nước mắt và sự luyến thương.
Tôi tự hỏi bản thân, liệu đến một lúc nào đó phải chia xa, tôi có khóc, có níu tay, có chạy đến giữ chân?
***
“Thôi, anh đi.”
Chúng tôi đứng đó, nắm tay hồi lâu, đến lúc anh nói câu nói ấy rồi buông tay, tôi vẫn cố giữ một nét thản nhiên trên khuôn mặt, nở một nụ cười mỉm nhẹ. Anh quay đầu nhìn tôi nhiều lần, khuôn mặt thoáng chút bỡ ngỡ. thoáng chút ngạc nhiên pha lẫn thất vọng. Có lẽ anh nghĩ tôi sẽ chạy đến ôm anh, khóc nấc và nói những lời hứa hẹn như chia ly người ta thường làm. Nhưng, sự mạnh mẽ giả vờ trong tôi không cho phép tôi làm thế.
Nhìn bóng lưng anh đi về phía ngược nắng, lòng như có biển động dữ dội đánh nát bờ bến.
Thực sự ra, không có chia ly nào là bình yên, sóng động trong lòng hay trên mi mắt, là do người.
Chúng tôi yêu nhau sáu tháng, cái khoảng thời gian đẹp nhất của cuộc hẹn hò là lúc tình yêu không phải vừa chớm cũng không phải yên phận mà cùng nhau xây gia đình. Khoảng thời gian đẹp nhất chính là lúc lửng lửng lơ lơ, không mới không cũ, không lạ cũng không quá quen thuộc, ấy vậy mà anh đi.
Tôi vẫn nhớ rõ chiều chủ nhật hôm ấy, như chủ nhật bao ngày, chiều tắt nắng trên chung cư cũ kỹ, tôi ngồi bó gối lắng nghe một bản nhạc từ chiếc radio cũ rích. Tôi vẫn giữ chiếc radio của bố, chiếc radio theo bố tôi đi qua những năm tháng gian khổ vẫn hoạt động tốt, đôi khi có chút trục trặc về bắt sóng, nhưng âm thanh nó phát ra là thứ âm thanh diệu kì. Tôi gọi đó là âm thanh của sự hoài niệm.
Chiếc radio nhắc tôi những ngày còn bố bên cạnh mình, những ngày còn bé ngồi bên cạnh chân bố, chờ ông rà được đài phát nhạc thiếu nhi rồi cả hai bố con reo lên mừng rỡ. Chiếc radio mà ngày ấy bố lặng lẽ bỏ vào ba lô, hôn lên trán từ biệt tôi, ôm lấy mẹ cái ôm nhẹ nhàng rồi xuôi dòng nước đi làm ăn xa. Tôi chạy theo bố dọc con đường dài, đến lúc bố không kìm được lòng, dừng lại mở ba lô trao cho tôi chiếc radio yêu quý của ông. Và, ông đi, lần đi ấy mãi không về nữa.
Chiếc radio trên giường đang hát lên bài tình ca từ Làn Sóng Xanh những năm 2000. Nắng chiếu qua rèm thưa rọi vào pha lẫn với bình hoa cúc trắng trên bàn những gam màu sáng ấm, tôi chơi vơi đưa mắt nhìn ra cửa sổ, khoảng thành phố bình yên đến kì lạ chiều chủ nhật đầy rẫy tâm tư.
“Em bận gì không?” Tin nhắn anh hiện lên màn hình khóa.
“Nửa tiếng nữa anh qua đón em nhé?” cách nhau khoảng hai phút.
“Hay bây giờ anh qua?” cách tin nhắn thứ hai khoảng vài giây.
“Nửa tiếng nữa nhé anh! Em đi thay đồ, nhanh thôi.” Tôi trả lời, lười nhác tắt radio và chọn lấy một chiếc váy màu trắng đơn giản, vuốt gọn lại mái tóc, điểm chút son môi rồi rời khỏi phòng.
Anh luôn có thói quen đứng chờ tôi ở cổng ra vào của chung cư, dù tôi nói với anh bao nhiêu lần là phía trên có bóng cây mát, tôi đi bộ một chút cũng không sao. Ấy vậy mà hôm nay, lòng tôi rộn ràng lên những âm thanh vui khi người đàn ông ấy vẫn áo sơ mi, vẫn quần tây, giày nâu bóng lộn, cười thật tươi như thách thức ánh nắng ngoài kia.
Ngày hôm ấy, tôi nhận được tin từ anh, anh phải đi sang Trung Quốc công tác một năm. Anh hỏi tôi có muốn giữ anh lại không, tôi cười rồi lắc đầu, cái lắc đầu vời vợi đau thương.
-Vì sao? Anh có chút bất mãn trong giọng nói – Vì sao em không muốn?
-Vì…anh.
-Vì anh?
-Em biết đó chính là cơ hội của anh. Anh đi thôi, đừng vì em mà lỡ con đường dài.
“Đừng vì em mà lỡ con đường dài” nhiều năm sau, anh vẫn nhắc về nó, giọng nói lúc nào cũng đầy sự chơi vơi.
Tối, muộn, thành phố vẫn đông, anh và tôi gửi xe ở một công viên, thong dong đi bộ ngược phố. Tay anh nhiều lần muốn nắm lấy tôi, tay tôi nhiều lần muốn níu cánh tay anh, thế nhưng “con đường dài” đã chia cắt ước muốn ấy. Thế là chúng tôi cứ đi những bước chân không đều, ngắn, dài, hờn, dỗi.
Anh đưa tôi về đến cổng chung cư, đèn đã tắt ngúm, ông bảo vệ già ngủ gật trong phòng canh. Tiếng cải lương phát lên từ chiếc điện thoại cũ của ông như cắt vào lòng tôi một cảm giác cô đơn đến lạnh người. Tôi còn biết rõ đó là trích đoạn cải lương “nửa đời hương phấn”, tiếng thảm sầu của cô The đang bộc bạch với mình trước khi lìa xa người yêu vì danh giá gia đình của anh. Ấy vậy mà đúng lúc ấy, đoạn ấy cất lên, như giết từng tế bào trong người tôi.
“Em không cần đến đưa anh đi.”
Tin nhắn anh lửng lơ trên điện thoại.
Thế nhưng tôi đã đến, lúc anh đi. Dặn dò anh vài lời, đưa cho anh vài món đồ lặt vặt tôi chuẩn bị vội. Chiếc khăn choàng tôi chọn mua ở cửa hiệu nằm khuất trên đường Trần Hưng Đạo, chiếc áo len lần đi Đà Lạt mua nhưng chưa có cơ hội tặng anh. Sau đó mới biết rằng, tặng khăn, tặng áo là tặng cho người rời xa ta.
Rồi bình yên trên khuôn mặt tôi đã làm cho anh đặt một dấu hỏi giữa chuyện tình:
” Em có thật sự yêu anh không, Lam?”
Tôi về nhà chiều thứ Tư, tối mịt, một mình mò mẫm trong bóng tối.
Đặt được cái thân xuống giường, trời đất quay cuồng, đảo điên đến mệt mỏi.
“Hay là nuôi một con mèo đi Lam. Có cũng đỡ buồn.” Tin nhắn từ Nhã. Tôi xoay người nằm nghiêng, trong đầu hiện lên một con mèo mướp mập ú, nó chạy từng bước thật ngắn trong đêm mưa bão…
Bố tôi gọi nó là Lúa. Vì ông tìm thấy nó nhỏ xíu, ướt mem cất tiếng meo meo yếu ớt giữa đồng, đúng lúc mùa lúa trổ bông nặng trĩu.
Và cũng chính cái lúc người ta đưa thi hài bố về nhà, Lúa bỏ đi, tôi đứng trong nhà nhìn ra sân, nó ngoảnh đầu lại nhìn tôi, một cái cuối cùng rồi chạy mất vào đêm đen dông gió.
Bởi vì cuộc đời tôi là những cuộc chia ly không thể nào tái ngộ,
Cho nên lúc anh đi, tôi cảm tưởng mình như con Lúa, ướt mèm lạnh lẽo đi từng bước trong gió mưa…
Sáng hôm sau, Nhã đến từ rất sớm mang theo một cái hộp nhỏ. Tôi vừa thức dậy, mắt vẫn chưa mở lên hết, ti hí nhìn Nhã. Cô mở nắp hộp, con mèo con nhảy ra khỏi, thót ngay lên ghế đưa cặp mắt to tròn nhìn xung quanh.
Tôi quyết định gọi nó là Lúa, mặc cho Nhã hết sức bất bình vì nó chẳng liên quan gì đến lúa cả.
-Tao chưa thấy con mèo mướp nào được đặt tên là Lúa. À, chưa thấy ai đặt tên mèo là Lúa. Mi mi, Mi sa, Miu miu…người ta gọi ba cái tên dễ thương gần chết, mày gọi nó là Lúa.
Hớp ngụm cà phê nóng bỏng môi, tôi chợt mỉm cười.
Và rồi chiều chung cư nào cũng trở nên bớt nhàm chán hơn vì có Lúa.
Anh vẫn điều đặn gọi cho tôi hai lần mỗi ngày, nhưng thời gian nói chuyện với nhau ngày ít đi. Giữa chúng tôi tồn tại một ngọn núi cao, trèo mãi, trèo mãi chỉ thấy kiệt sức buông xuôi…
Có lần anh hỏi tôi về con mèo lười đang nằm bên cửa sổ, mắt lim dim hưởng thụ chút nắng còn lại của chiều, tôi nói nó là Lúa. Anh cười, không hỏi gì thêm. Lúa cũng cất tiếng kêu meo meo, đánh hơi được mùi cá từ giỏ đi chợ.
Rồi Sài Gòn chiều nay bắt đầu lất phất những hạt mưa bụi, cơn mưa đầu mùa bắt đầu rơi xuống, hối hả, phấn khích làm ướt cô gái áo dài trắng đạp xe ngược gió. Tôi ngồi lười trong quán cà phê đưa mắt lơ đễnh, không cố định vào bất cứ một vật gì.
Hôm nay anh đã nói chia tay, không phải là tạm thời xa nhau, cũng không phải là dành ra thời gian suy nghĩ về chúng ta. Mà là hẳn hòi chia tay, không quyến luyến hay vương vấn gì cả:
“Lam à, chúng ta chia tay thôi.”
Trong đầu tôi, lúc nào dòng tin nhắn ấy cũng hiện lên một cách đột ngột như cách nó xuất hiện. Không phải gọi hay gặp mặt, chỉ là một tin nhắn, ngay cả cơ hội nhìn thấy anh lần cuối, nghe giọng anh một lần cũng xa vời vợi. Chỉ một dòng tin nhắn né tránh, chỉ thế thôi. Tôi ném điện thoại đã tắt nguồn vào góc nhà, xách túi vải màu nâu thô, ném vài quyển sách, ví tiền và con Lúa vào trong giỏ, thong dong ra phố.
Con Lúa lần đầu được dạo công viên với chủ, nó vui lắm! Nó kêu meo meo suốt, đầu nhướn ra ngoài khỏi giỏ để nhìn thấy khoảng trời không gian xung quanh, cánh mũi nó phập phồng thật mạnh như hít hết khí trời vào phổi. Tôi đưa tay vào giỏ, cố rờ vào bộ lông mướp mềm mượt, cố tìm lấy một chút hơi ấm nào đó chảy vào lòng bàn tay. Rồi dưới mưa, cánh dù trong suốt bật lên, tôi có thể nhìn thấy những giọt mưa đập mạnh vào cánh dù rồi chảy dài ra, rơi xuống đất.
Cũng có một giọt ấm nóng rơi từ mi mắt, chảy dài xuống cằm rồi hóa thân thành giọt mưa rơi xuống.
Khác với anh em cùng chất loại với mình, hạt mưa rơi xuống làm mầm non lên xanh, giọt nước mắt rơi xuống chẳng-để-làm-gì.
Tôi từng nói với mẹ, nước mắt là thứ phí phạm nhất của con người.
Tôi từng nói với Nhã, con người trong thật ngốc khi khóc lóc.
Và bây giờ, tôi vừa phí phạm, vừa ngốc nghếch, vừa lẩn thẩn dưới mưa với con mèo vô tâm, trong thảm bại đến lạ lùng.
“Dậy đi con, dậy đi Lam.”
Miên man trong cơn sốt nóng ran người, tôi mường tượng thấy được bố. Ông đang vắt khăn đặt lên trán tôi, sau đó chạm bàn tay thô ráp vào da tôi. Trên khuôn mặt ông hiện rõ vết sẹo mờ dưới cằm, tôi đưa tay như cố chạm vào người ông, cái cảm giác gần gũi bố, cái cảm giác được chăm sóc yêu thương như ngày còn nhỏ ám vào tôi một cơn mê sảng kì dị. Bên cạnh nhà là hai vợ chồng trẻ mới cưới được vài tuần,cãi nhau to tiếng, tôi choàng dậy, mở mắt. Màn cửa bị gió thổi tung bay, vài hạt mưa còn ráng nhảy vào phòng, ướt một góc bàn. Chẳng có cái khăn nào trên trán, chẳng có ai cạnh bên, tôi bó gối ngồi chơi vơi giữa chiếc giường đơn nhỏ xíu, mà nay rộng và trống trải đến sợ hãi.
Tôi lật đi lật lại quyển nhật kí hành trình dài. Tôi từng làm con người du hành khắp miền tây Nam Bộ với chiếc ba lô trên lưng, câu nói trên môi và quyển nhật kí trong túi quần. Hai năm qua, tôi bỏ xó nó nằm trên kệ, không thèm chạm tới. Hôm nay, tôi muốn tìm lại câu nói của một người lính trở về sau chiến tranh. Tôi nhớ rõ hôm ấy ở Trà Vinh, lỡ chuyến phà lớn qua bên kia sông để về khách sạn, tôi hớt hải hỏi người đàn ông đang ngồi câu ở rặng dừa nước. Tôi không rõ ông đang câu gì, chỉ ngồi im tĩnh lặng, lâu lâu, chiếc nón lá rung lên vì gió luồn qua.
– Chú, con lỡ phà. Chú cho con quá giang qua sông, nghen?
Ông đưa mắt nhìn tôi, cái nhìn khó hiểu rồi cười xòa, cái nết hiền hòa mến khách người Nam Bộ. Ông thu dây câu, gật đầu, tôi không suy nghĩ nhiều, nhảy ngay lên ghe, chòng chành muốn té. Ông đưa mái chèo nhè nhẹ xuôi dòng nước. Chiều, miền Tây đẹp cái đẹp đơn sơ nhưng không kém phần mặn mà, đằm thắm như cái má hồng của con gái nơi đây, cái giọng ngọt lịm rao hàng khiến bao người chết mê chết mệt. Tôi vô tình nhìn thấy bàn tay của ông, tay trái mất đi hai ngón, ông đưa giọng trầm trầm phân bua:
– Chiến tranh. Hồi đó ác liệt lắm.
– Chú trở về từ thời chiến?
– Ừ. Coi vậy cũng ngót nghét mấy chục năm. Hồi đó mới thanh niên trai tráng, nay lụm khụm coi sắp xuống gặp anh em đồng chí.
– Chú sợ gì nhất sau khi trở về?
Tôi đong đưa tay chạm vào dòng nước mát, vài con cá ưỡn mình như khoe những chiếc vảy lấp lánh dưới hoàng hôn, lặn biến. Ông trầm ngâm một lúc lâu, tay đưa mái chèo chậm lại, mắt nhìn ra xa tận nếp gấp chân trời.
– Sợ nhiều cái lắm. Nhưng, sợ nhất là sống cô đơn. Trở về, nhà cửa không còn, vợ con đi lưu lạc mất. Coi vậy mà cái số tui chung tình – ông cười hề hề – nhà ở miệt xứ Tịnh Biên, cứ đi đến đâu hỏi có ai thấy vợ tui không, người chỉ đông chỉ tây, đi tìm cũng ngót gần mười mấy năm, đến đây thấy mến đất, làm thấy mến tay, chân, thôi, coi như duyên phận đứt đường gãy gánh, tui ở lại đây giăng câu kiếm sống qua ngày.
Đọc lại những dòng đó, tôi chợt thắt lòng lại. Đúng, chẳng có gì đáng sợ là phải sống cô đơn, là phải bắt đầu mọi thứ một mình, là khi chơi vơi không có một ai để nhỏ to chia sẻ…
“Lam, tại sao em lại đối xử với anh như vậy?”
Tối muộn, tôi đọc tin nhắn xong có chút bất mãn. Là anh nói chia tay tôi, là anh để tôi lại một mình, giờ anh trách cứ như những ngày qua tôi đã làm lỗi lầm tệ hại với anh. Tôi mở tủ lạnh, kiếm lon bia còn sót lại sau mùa tết, khui ra nhâm nhi với con khô nướng khét lẹt bằng bếp gas. Rồi chếnh choáng, rồi ngà ngà, chợt thấy ra tôi không phải kẻ lăng nhăng cũng không phải tay đào mỏ chuyên nghiệp, chỉ là…tôi giấu cảm xúc mình quá giỏi thôi.
– Lam?
– Em yêu anh.
– Gì cơ?
– Em nói em yêu anh! Chẳng phải đó là điều anh muốn nghe sao?
– Lam? Em say hả? Lam? Có bao giờ em uống ba cái đó đâu. Lam?
– Đừng có một câu là Lam, hai câu là Lam nữa! Anh muốn em níu kéo anh đúng không? Em đang làm nó đây! Nhưng tại sao anh lại muốn em làm nó khi anh là người bỏ ra đi khỏi chuyện tình mình?!
– …
– Anh nghĩ em không yêu anh hả? Anh nghĩ là em là cái loại đầu toàn đất, tim toàn xi măng thép sắt hay sao? Tại sao anh lại đi? Tại sao? Anh có biết là khi ba em nói ba em đi, ông ấy đã không về nữa! Anh có biết là khi má em nói má em đi, má em cũng không về nữa! Vậy sao anh nói là đi, anh có biết em sợ thế nào không? Anh có suy nghĩ cho em không? Cứ khư khư cái suy nghĩ của anh rồi cho rằng anh là người tổn thương nhất ở đây hả? Đúng! Chúng ta ai cũng tổn thương! Nhưng cái em giấu cho anh, không chỉ là tổn thương đâu! Em còn gửi vào anh sự hi vọng, mong ngóng, rồi cái anh mang cho em chỉ là chia ly!
– …
– Tiến nè, đời em trải qua quá nhiều cuộc chia ly mất mát rồi. Thêm nữa, cũng không sao. Thôi, chào anh, chúc anh có được một cuộc sống trọn vẹn.
– Lam…
Thức dậy sau một giấc ngủ dài, ghế của xe không được êm làm cổ tôi mỏi nhừ, muốn rã nát. Con Lúa trong túi đựng ngủ say sưa quên trời đất. Chị lơ xe bằng giọng miền tây lơ lớ giọng hoa kiều mời gọi khách, tôi chợt nhớ là đêm qua đã mua vé đi về Cà Mau. Hai bên cửa sổ, gió lùa vào khe tạo thành tiếng rít khe khẽ mang theo mùi nước mặn và mùi của bông lúa non đang độ trổ sữa thơm ngào ngạt. Tôi mở điện thoại, tám mươi hai cuộc gọi từ Nhã, gần trăm cuộc gọi từ anh. Không buồn kiểm tra, tôi ném nó vào ba lô, nhắm nghiền mắt hít lấy dung hoa đất trời. Tôi đi loanh quanh cả mấy tiếng rồi mới tiếc nuối bắt chuyến phà cuối cùng xuôi về miệt Năm Căn, ghé thăm bố tôi. Bố tôi nằm lại mảnh đất quê hương, cạnh ông bà, cạnh những người thân quanh năm được chú Út nhang khói, nên lòng tôi cũng an ủi đôi phần. Đôi giày mới bỡ ngỡ đạp trên đất ruộng, cái đất màu loang lổ lam xám trơn trượt, vài bông cỏ may quấn lấy chân, vướng lại đôi hoa cỏ lìa cành tiếc nuối. Mặt trời lười, vươn người rồi đi ngủ sớm, chỉ sót lại chút ánh nắng cam nhún nhảy trên đầu những ngọn lúa mới vươn. Tôi ngắt một bông, đưa lên miệng cắn. Cái chất ngọt ngọt thanh thanh chảy vào cổ họng như đang nếm trọn cái hương vị ngọt ngào của quê mẹ. Vài con vịt trời hốt hoảng tung bay lên bầu trời, chỉ còn lại tiếng kêu quạc…quạc buồn bã. Cóc, nhái cũng bắt đầu râm ran họp chợ, tiếng chúng nó trầm buồn, pha lẫn vài con dế cố rét rét vài tiếng thật đơn độc. Tôi đứng lại, nhìn vào đường trước mặt dài thăm thẳm, trải mắt một màu xanh non ngút ngàn, một màu cam nắng sắp tắt hẳn, một cái tâm tư đầy rẫy cô đơn giữa đất trời sắp tối, nom chênh vênh đến đáng sợ.
– Tía! Hai Lam về!
Tiếng thằng em reo lên như được quà khi thấy tôi xách ba lô nặng trĩu, thất thiểu bước thấp bước cao. Chú Út trong chòi chạy ra, tay vẫn cầm cây sào đuổi vịt.
– Lam!
Nhã chạy ra từ nhà chính, mắt mũi nó sưng vù như vừa khóc một trận thập tử nhất sinh.
– Mày có đi cũng nói tao biết chứ! Tao gọi mày bao nhiêu cuộc rồi! Còn tắt nguồn! hu hu
– Lam ơi!
Lao ra sau Nhã, cái bóng cao ráo không kịp mang cả dép, chân trần đạp lên mớ dứa dại mà chú Út phơi ngoài sân đâm đau nhói chụp lấy đôi bờ vai tôi.
Anh nhìn vào mắt tôi, rất lâu, còn chút ánh sáng sót lại của trời chiều, tôi nhìn thấy mắt anh xa xôi, thăm thẳm sâu như một cái hồ không đáy, còn tôi thì không biết bơi, mặc tình chìm sâu không vùng vẫy…
Anh kéo tôi vào lòng mình, siết chặt. Đám con nít ồ lên thích thú, chú Út cầm cái sào đuổi vịt dọa đánh từng đứa, chúng nó chạy xô vào nhà, ra sau hè, nhưng vẫn cười khúc khích thích chí. Tôi chạm nhẹ đầu ngón tay vào lưng anh, ướt đẫm mồ hôi, thấy bình yên như cái chiều hè năm nào nằm yên trên đùi bố, chờ ông rà đài, mắt xa xôi ngắm đàn cò đang quải cánh bay về tổ. Thấy ấm áp như cái mùa mưa năm nào hết dầu, nhà tối thui, tôi trùm chăm ngồi giữa bố mẹ, nghe những câu chuyện liêu trai rồi thét ầm lên khi bố cố dọa. Thấy nhẹ nhàng như buổi sáng tinh mơ bố đánh thức tôi dậy, tôi ngồi ngáp ngắn dài trên giường tre sau hè, chờ ông xào nhanh mớ nui ngâm từ đêm qua cho tôi ăn đặng đi học. Tôi nhắm nghiền mắt, ừ, đúng, không có gì đáng sợ bằng cô đơn!
Tôi hiểu ra rằng, chia ly không có nghĩa là kết thúc, chỉ là để bắt đầu lại cái khác, mới mẻ và tốt đẹp hơn.
Lúa nhìn ra xa xăm, đưa miệng kêu meo meo, sau đó, nó quảy đuôi đi vào nhà, nằm dài chờ ăn cá trên bếp mặc kệ trời giông gió ngoài kia…
T/g: Duy Nguyễn