CHUYỆN VỀ CÁCH ĐẶT TÊN CON CỦA CÁC NHÀ VĂN, NHÀ THƠ

Một trong những chuyện rất thú vị về nhà văn Nam Cao mà chúng tôi được em ruột nhà văn kể cho nghe là chuyện nhà văn Nam Cao đặt tên con.

Câu chuyện được ông Trần Hữu Đạt, em ruột nhà văn Nam Cao ở làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam kể.

Nhà văn và vợ là bà Trần Thị Sen sinh hạ được 5 người con: Trần Thị Hồng, Trần Mai Thiên, Trần Hữu Thành, Trần Hữu Thực và Bình Yên ( Bình Yên đã mất năm đói kém 1945).

Trong 5 người con đó, trừ Mai Thiên do chính nhà văn Nam Cao đặt tên cho, còn những người khác đều do ông cụ thân sinh ra nhà văn (cụ Trần Hữu Huệ) đặt. Cụ Huệ là người thông hiểu nho học.

Nam Cao có người bạn thân cùng học hành từ nhỏ, nguyên mẫu nhân vật Đích trong tiểu thuyết “Sống mòn”. Ông có vợ là Phượng – nguyên mẫu nhân vật Oanh trong “Sống mòn”.

Hai vợ chồng sinh được người con rất quý, đặt tên Trần Đức Hoàng. Biết thế, Nam Cao hóm hỉnh vừa đùa vừa thật nói với vợ chồng bạn:

– Hoàng nghĩa là vua, vậy thì tôi sẽ đặt tên con là Thiên (nghĩa là trời) cho cao hơn…

Quả nhiên, sau này, người con ấy của anh – Trần Mai Thiên – đã rất thành đạt. Anh trở thành Tiến sỹ – Giáo sư – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thủy sản I, được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 năm 2000. (Nhà văn Nam Cao được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996).

Các con khác của Nam Cao cũng đều trưởng thành. Chị Hồng là giáo viên trường Công nhân kỹ thuật Dệt Nam Định; anh Thành – cán bộ tổ chức xí nghiệp Sơn Nam (Nam Định); anh Thực là Bí thư đoàn thanh niên nhà máy Dệt Nam Định.

Nhà thơ Nguyễn Bính

Câu chuyện hài hước nhất chắc phải kể đến Nguyễn Bính. Ông từng tính lấy tên người yêu cũ đặt cho con gái đầu lòng nhưng bị vợ là bà Hồng Châu phản đối “Con em mang nặng đẻ đau sao lại lấy tên người khác đặt cho nó”. Vợ của thi sĩ không cho ông chọn nữa mà quyết định “con em phải do em đặt”, bà tự đặt tên cho con là Nguyễn Hồng Cầu.

Sau này đi làm giấy khai sinh, Nguyễn Bính mới thêm chữ Bính vào, thành Nguyễn Bính Hồng Cầu. Ông lý giải, trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, đặt cái tên này cho dễ tìm nhau cũng như gửi gắm một ước mơ thống nhất đất nước.

 Nhà văn Kim Lân

Kim Lân đang viết cuốn “Xóm ngụ cư” thì vợ mang bầu. Viết hết chương bốn ông phải tạm ngưng vì kháng chiến lan rộng. Một thời gian ngắn sau, ông viết tiếp chương 5 thì vợ đẻ, nhà văn lại phải ngưng viết. Cụ Kim đặt luôn tên cho con trai là “Thành Chương” chắc là xin vía để viết lách cho suôn sẻ. Nếu không ngừng ở Chương 5 thì Thành Chương sẽ là Thành gì, chẳng ai biết luôn á.

Ngoài ra Kim Lân còn rất mê đọc Tam Quốc, Thủy Hử. Nhà văn đặt tên cho hai con trai thứ theo tên nhân vật trong truyện luôn. Mạnh Đức bắt nguồn từ nhân vật Tào Tháo – Tào Mạnh Đức trong Tam Quốc. Từ Ninh vừa là tên một vị anh hùng hảo hán trong Thủy Hử, vừa được ghép bởi Từ Sơn và Bắc Ninh là quê của Kim Lân.

Nhà văn Tô Hoài

Nhà văn Tô Hoài lại thích đặt tên các con theo địa danh. Các con ông tên là Đan Hà, Đan Thanh, Sông Thao, Phương Vũ – là những địa danh thuộc tỉnh Phú Thọ, nơi tản cư kháng chiến mà vợ con ông sống suốt những năm nhà văn xa nhà.

Nhà thơ Chế Lan Viên

Chế Lan Viên thì xuất khẩu hẳn một bài thơ lý giải vì sao đặt tên con là Vàng Anh. Vàng Anh ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cuộc sống còn nhiều gánh nặng nhưng tên cô lại nhẹ tênh, khoan khoái. Chế Lan Viên gửi gắm hy vọng con gái sẽ lớn lên hạnh phúc qua hai câu thơ: “Con là chim, con nhỉ/ Trời của con màu xanh”

sưu tầm

Bình luận Facebook