Chuyện về các nhà văn
1. Có lần, tôi tò mò muốn biết trước Cách mạng Tháng Tám, nhuận bút được người biên soạn hoặc báo chí gửi cho tác giả bao nhiêu. Tôi viết thư hỏi nhà thơ Đoàn Văn Cừ (1913-2004). Trong bức thư đề “Một ngày giữa xuân Mậu Dần, 1998”, nhà thơ trả lời:
“1. Thời Cừ gửi thơ (“Chợ tết”, “Đám hội”, “Trăng hè”….) đăng báo “Ngày nay”, bài đầu tiên “Chợ tết” nhuận bút là 8 đồng. Từ bài sau trở đi là 5 hoặc 4 đồng, không nhớ chi tiết.
2. Giá gạo ngày ấy, 2 hào (tiền Đông Dương) một thùng thóc (10 cân). Tôi làm hương sư (thầy giáo làng) lương tháng 5 đồng, ăn cơm hết 2 đồng rưỡi (nhà chủ thương thầy, lấy thế thôi).
… Về các bài được chọn in trong “Thi nhân Việt Nam”, nhà phê bình Hoài Thanh kính mến gửi biếu tác giả một ngân phiếu 15 đồng”.
(Thi nhân Việt Nam in của Đoàn Văn Cừ bốn bài: “Chợ tết”, “Đám cưới mùa xuân”, “Đêm hội”, “Trăng hè”).
Có thể thấy, hồi ấy, người ta trả nhuận bút rất cao – so với bây giờ.
2. Năm 1992, trên đường đi thành phố Hồ Chí Minh công tác, có dịp ghé qua thành phố Nha Trang, tôi quyết định tìm thăm nhà thơ Quách Tấn (1910-1992). Ông là một nhà thơ kỳ cựu, sáng tác từ lâu lắm, và nổi tiếng ở thơ Đường luật.
Len lỏi giữa một rừng người và một rừng hàng hóa của chợ Đầm đang bắt đầu vào phiên, tôi đến một ngôi nhà cũ nằm sâu trong chợ.
Suốt một buổi sáng ngồi với nhà thơ, sợ ông mệt, tôi không dám hỏi nhiều. Nhà thơ lại vừa hỏng một con mắt thứ hai và không nhìn thấy gì. Quách Tấn bảo đừng ngại, và rồi với một giọng nhè nhẹ, đều đều như giọng nói của một người từ thế kỷ nào xa xôi lắm, nhà thơ thủ thỉ với tôi đủ chuyện liên quan đến văn chương. Ông đọc thơ ông mới viết cách đó không lâu (chưa in ở đâu). Trữ tình có:
Người già hạt lệ như sương
Ta già, hạt lệ lại thường như mưa…
Trào phúng có:
Không ghen sao gọi đàn bà
Có còn sợ vợ mới là đàn ông!
Rồi tâm tư ông trong những ngày già yếu:
Trời bắt mình đui
Không đường tới lui
Cò cũng như quạ
Đen thủi đen thui
Rách không buồn vá
Côi cút cút cui
Âu đành nghiệp quả
Chưa trả xong xuôi
Còn sống cứ sống
Lấy sống làm vui
Một mai ba tấc đất vùi
Mặc tình con cháu sụt sùi
nhớ thương…
Rồi những bài thơ về người bạn đời mới mất, những bài thơ về nhân tình thế thái… Tôi hỏi: “Điều gì ông quan tâm nhất trong cuộc đời làm thơ của mình”. Quách Tấn bảo: “Thi pháp”. Thi pháp là cả một thế giới của người làm thơ, sáu chục năm học thi pháp mà ông vẫn thấy mình còn dốt. Ông tâm sự: Ông học tập người xưa, và đặc biệt lưu tâm đến (tam năng, tứ thi và lục tố). Nhà thơ giải thích: “tam năng” là đạt ý, truyền cảm, truyền hứng; “tứ thi” là “thi cốt” (có tâm hồn thơ) “thi học” (có hiểu biết về thơ) “thi tài” (có năng khiếu về thơ) và “thi tâm” (có một tấm lòng đối với thơ); “lục tố” là thanh (nhạc điệu) sắc (hình ảnh) vị (thích thú) tinh (cô đọng) khí (linh động) thần (sáng suốt).
Rồi nhà thơ dò dẫm đến chiếc hòm đặt ở gầm giường, lấy tập thơ “Đọng bóng chiều” tặng tôi, dùng tay đánh dấu để ghi lời đề tặng và ký tên. Chữ ký của Quách Tấn đúng như chữ ký ở tấm ảnh in trong quyển “Nhà văn hiện đại” của Vũ Ngọc Phan mà tôi thấy đã lâu; chỉ có điều nét bút run nhiều. Quyển sách in ba chục năm rồi mà nhà thơ còn giữ được như mới. Tôi coi nó như một kỷ vật hiếm có… Và thật buồn, đầu năm tôi thăm ông thì cuối năm, từ Hà Nội, nghe tin ông qua đời!
3. Có lần, nhà văn Kim Lân (1921- 2007) đọc cho tôi nghe một câu rất vui:
“Một ngày chủ nhật, ông lão hàng xóm thao thức, tưởng Kim Lân giỏi!”.
Nhà văn Kim Lân.
Tôi vốn đã biết “sự tích” liên quan đến những chữ, những từ trong câu trên, nên cười với cụ Kim Lân, và rất phục người nào đã nghĩ ra cái câu kỳ thú kia.
Nguyên do là thế này: Những năm 1957-1958, đời sống văn chương, báo chí của chúng ta rất phức tạp. Ngoài những tác phẩm có sai lầm rất đáng phê phán, cũng có những tác phẩm có lệch lạc ở một mức độ nhất định, nhưng bị nhận xét… quá đà, quy kết nặng; trong số đó có truyện ngắn và bút ký của ba nhà văn: truyện ngắn “Ông lão hàng xóm” của Kim Lân, tùy bút “Một ngày chủ nhật” của Nguyễn Huy Tưởng và tùy bút “Thao thức” của Đoàn Giỏi.
Nếu sắp xếp ba tác phẩm trên liền nhau, tiếp đó là thứ tự tên ba nhà văn liền nhau, như dưới đây, ta sẽ thấy cái tài của người nghĩ ra cái câu trên (đọc tên tác phẩm trước, tên tác giả sau, từ trên xuống dưới):
Một ngày chủ nhật Nguyễn Huy Tưởng
Ông lão hàng xóm Kim Lân
Thao thức Đoàn Giỏi
4. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ quen biết với bạn đọc từ những năm kháng chiến chống Mỹ. Thơ chị tinh tế, giàu nữ tính, đầy sáng tạo. Và mượn cách nói về Lâm Thị Mỹ Dạ từ tên một truyện ngắn, thì “Ngày xưa, chị đẹp nhất làng”. (“Làng” ở đây có thể là “làng văn”, có thể là “làng quê”… hiểu sao cũng được). Sắc đẹp Lâm Thị Mỹ Dạ đã mê hoặc không biết bao nhiêu chàng trai, trong đó có không ít bạn văn chương của chị. Thế mà… bây giờ, sau nhiều năm chăm lo cho chồng (là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường) bị trọng bệnh, nghe nói, chị tiều tụy, đầu óc thì nhớ nhớ quên quên, và sức khỏe còn kém cả sức khỏe của chồng! Thật tội!
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Nghĩ đến thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, tôi bất giác nhớ đến một bài thơ có “số phận” hơi lạ. Bài này chị viết năm 20 tuổi, tôi đọc lần đầu trong sổ tay một người lính thời kháng chiến chống Mỹ, không hiểu sao Lâm Thị Mỹ Dạ không hề đưa nó vào một tập thơ nào của chị, cũng không một tuyển tập thơ nào chọn in nó; chắc còn rất ít người biết:
Ý NGHĨ
Những cơn mưa
Quen mà rất lạ
Mưa chải dài cây lá
Đọng ngấn tròn bâng khuâng
Mưa đi đâu về đâu
Chẳng ai biết nữa
Chỉ biết sau cơn mưa
Trời không còn vôi vữa
Chỉ biết sau cơn mưa
Mặt đất thành mới mẻ
Con gà đi nhặt thóc
Nắng lại vàng trên đồng
Cây đâm chồi nẩy lộc
Cái nhìn thêm mênh mông…
Thưa các bạn làm thơ trẻ,
Các bạn tha hồ cách tân, tha hồ đổi mới; nhưng thỉnh thoảng các bạn cũng nên cho người đọc chúng tôi được nghe những bài thơ trẻ trung, hồn nhiên, trong sáng… như bài thơ “Ý nghĩ” của Lâm Thị Mỹ Dạ, viết vào cái tuổi như tuổi của các bạn chứ?
sưu tầm