Chuyện tình “sắp đặt” như cổ tích – Tình đầu là tình cuối của Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân là một gương mặt độc đáo trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Càng đọc Nguyễn Tuân, chúng ta càng khâm phục khả năng sử dụng tiếng Việt của một nhà văn bậc thầy với một phong cách tài hoa uyên bác. Các tác phẩm của Nguyễn Tuân luôn thể hiện phong cách độc đáo, tài hoa, sự hiểu biết phong phú nhiều mặt và vốn ngôn ngữ, giàu có, điêu luyện. Chính vì lẽ đó mà sách giáo khoa hiện hành xếp ông vào một trong 9 tác giả tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Chắc hẳn ai cũng từng một lần “kinh qua” tác phẩm “Chữ người tử tù” và “Người lái đò sông Đà” của ông để cảm nhận được tài năng sử dụng tiếng Việt và phong cách hành văn của ông là không hề… dễ nuốt. Thế nhưng hậu thế không chỉ nhớ đến Nguyễn Tuân qua những tác phẩm của ông mà còn bởi cá tính và con người của ông. Nhắc đến Nguyễn Tuấn là nhắc đến con người ưa xê dịch, chi li trong chuyện ăn uống, là cái chất ngang tàng và cao ngạo nhưng lại sống rất tình cảm, đúng mực, lặng lẽ mà ấm áp nghĩa tình. Ngay cả trong chuyện tình yêu, mối tình của ông cũng rất đặc biệt, đặc biệt bởi chính bởi con người ông.

HẠNH PHÚC TỪ MỐI HÔN NHÂN ĐƯỢC SẮP ĐẶT TRƯỚC

Nhà văn Nguyễn Tuân cùng bà Vũ Thị Tuệ

Tạp chí Tác phẩm mới (số 8-1990) đã đăng lời phát biểu của Nguyễn Tuân: “Thực tế thì tôi không có kỷ niệm đẹp về thời thơ ấu và tuổi thanh xuân. Tôi chưa có tuổi trẻ thì đã thành ông cụ non rồi. Tôi viết Vang bóng một thời và Thiếu quê hương từ những năm 29-30 tuổi, mà Vang bóngđúng là giọng điệu một ông cụ già hoài cổ, như vậy thì làm gì có tuổi trẻ. Có lẽ lúc nhỏ tôi chịu ảnh hưởng sự bất đắc chí của cha tôi. Lớn lên đi học tôi lại bất mãn với các thầy giáo tây đầm khinh miệt mình. Hồi đi học tôi rất lười và nghịch, chuyên ngồi cuối lớp để dễ bề trốn học và bày trò nghịch. Tôi chơi bời cũng là một cách phá phách để tự lẩn trốn mình chứ có thích thú gì đâu! Sau mỗi cuộc chơi bời phá phách về, mình lại tự chán mình, tự xỉ vả mình, nhưng sau đó vẫn thấy bế tắc, lại lao vào con đường cũ. Vào kháng chiến, đi với bộ đội, tôi thấy trẻ lại, tôi đã tìm thấy mình nên tôi thật lạc quan yêu đời, có lúc người ta còn thấy tôi ngây thơ, ấu trĩ nữa đấy!”.

Dù ảnh hưởng của người cha khá nhiều, song, nhà văn Nguyễn Tuân lại có một gia đình vẹn toàn, chung thủy đến từ kết quả của mối tình đầu. Và mối tình đầu ấy của nhà văn Nguyễn Tuân, do chính ông kể lại cũng không tìm thấy được ở đó những hẹn hò, tình tứ, thơ mộng của tuổi mới lớn.

Nguyễn Tuân sinh tại phố Hàng Bạc (Hà Nội) là con trai của cụ Nguyễn An Lan (tức ông tú Hải Văn), một nhà nho bất đắc chí nhưng rất mực tài hoa. Thời niên thiếu, ông theo gia đình sống nhiều nơi ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Ông kể về thời gian học Thành chung ở Nam Định năm 1929: “Học đến năm thứ hai trung học tôi đã cưới vợ. Vợ tôi là con gái Hàng Bạc, cũng là chỗ môn đăng hộ đối, do gia đình lựa chọn cho. Tôi cưới vợ sớm vì hồi đó bố tôi ốm nặng, sợ không qua khỏi, tôi là con trưởng, hai gia đình quen biết nhau đã lâu nên bà cụ muốn cưới sớm”.Vợ của nhà văn Nguyễn Tuân là bà Vũ Thị Tuệ. Cuộc tình do sắp đặt, nhưng nhà văn Nguyễn Tuân yêu thương vợ con lắm. Cũng hiếm nhà văn nào có được người vợ như bà Nguyễn.

Sau khi cưới vợ, Nguyễn Tuân vẫn còn đi học. Sau đó, vì tham gia bãi khóa chống lại thầy cô giáo người Pháp xúc phạm đến tinh thần dân tộc của học sinh người Việt nên ông bị đuổi học, bị ghi vào hồ sơ là trong 5 năm không được nhận vào làm ở các cơ quan nhà nước. Lúc trở về Thanh Hóa, “Mẹ tôi lấy cho một bát họ, để tôi mở hiệu sách. Tôi làm đại lý cho các báo Trung Bắc tân văn, Thanh Nghệ Tĩnh, Tiểu thuyết thứ bảy… Được vài năm tôi phá gần sạch vốn, đành đưa vợ con về sống bám vào thầy mẹ tôi”, Nguyễn Tuân kể.

Lúc này, bà Tuệ mới sinh con trai đầu lòng được hai tháng, Nguyễn Tuân “nổi máu giang hồ” cùng bạn bè rủ nhau trốn đi chơi Thái Lan, vừa chân ướt chân ráo đến Bangkok thì bị bắt và giải về Hà Nội. Được thả về, ông làm chân giữ kho ở Nhà máy đèn Thanh Hóa. “Một hôm chủ sở bắt gặp tôi đang đánh máy – đây không phải là công việc của tôi – nó hỏi tôi đánh máy cái gì, bạn bè chung quanh nói anh ấy đang làm thơ, thằng chủ sở tức mình, xách cả cái máy định ném vào đầu tôi, may mà tôi tránh được, thế là tôi bỏ việc”, ông kể. Bà Tuệ nhớ lại: “Không được bao lâu, nhà tôi lại xách va li ra đi. Tôi không hề ngăn cản nhà tôi trong những chuyến đi. Rất yêu quý và phục ông ấy, tôi không muốn làm phiền ông mặc dù xa ông, tôi buồn biết bao nhiêu”.

Biết làm sao được, khi mà Nguyễn Tuân là người tôn thờ “chủ nghĩa xê dịch” và thèm đi “giữa buổi Tây Tàu nhố nhăng làm lạc mất quan niệm cũ, làm tiêu mất bao giá trị tinh thần” (Vang bóng một thời). Chính trong thời đi giang hồ, ông có gửi về cho vợ… một bài thơ! Ấy là lúc ông theo đoàn làm phim của Nguyễn Doãn Vượng sang Hồng Kông đóng phim Cánh đồng ma. Bài thơ viết vào dịp cuối năm nơi đất khách quê người mới não ruột làm sao:

Bốn bể cũng là nhà

Tết này lại ở xa

Hồn quê theo lá rụng

Đất khách đóng trò ma

Gió bụi quên ngày tháng

Biển hồ gặp xông pha

Đừng cho đàn trẻ biết

Rối ruột khách thiên nha.

Nhà văn Nguyễn Tuân kể về cái thú “mê chơi” của mình: “Tôi nghiện hút thuốc phiện và đi hát ả đào mê say, lúc đầu thì bà ấy cũng can ngăn, nhưng thấy tôi lì lợm quá không còn cách nào, bà ấy tìm cách đối phó. Hồi mẹ tôi mới làm cho cái nhà để mở hiệu sách, lấy cớ không muốn tôi la cà, bệ rạc, bà ấy sắm bàn đèn cho tôi hút ở nhà. Tôi cũng rủ bạn bè về nhà phá phách bà ấy quá lắm. Nhưng rồi cái tính phóng túng của tôi không để tôi ngồi nhà lâu, tôi lại lẳng lặng chuồn theo bạn bè đến nhà hát. Hút ở nhà hát có không khí hơn, bạn bè bù khú thoải mái hơn. Bà ấy đành bất lực. Bà nhà tôi không bao giờ càu nhàu, làm ầm ĩ nhà cửa lên. Có lẽ vì thế mà sau này tôi càng thấy quý và nể bà ấy. Vợ tôi chỉ nói những câu châm biếm mát mẻ mà làm mình ngượng đến chết. Ngày bà cụ tôi mất có rất nhiều bà chủ nhà hát ở Khâm Thiên đi đưa ma, bà ấy chỉ và nói thầm với ông chú tôi: “Ông ấy báo hiếu cho bà cụ đấy!”. Nhưng ngẫm nghĩ là tại mình chuốc lấy cái nghiệp chướng ấy, nên tôi có ngượng, có đau, cũng đành bấm bụng mà chịu, chứ biết nói sao”.

Bà Tuệ kể thêm một chi tiết khá thú vị: “Lúc sắp sửa đẻ đứa thứ sáu, nhà tôi viết thơ về hẹn đưa tôi đi sinh. Tôi sung sướng chờ đợi. Nhưng đợi mãi, nhà tôi vẫn không về. Ngay một bức điện, một bức thư đưa tin cũng không có. Đã đến ngày sinh, tôi buồn rầu thui thủi một mình vào nhà hộ sinh. Không tránh khỏi có phần tủi thân và thầm oán trách sự vô tâm của nhà tôi”. Không những vô tâm, ông còn đểnh đoảng nữa. Đạo diễn Đình Quang cho biết: “Có lần Nguyễn Tuân dẫn con vào rạp xi nê xem chiếu bóng, tan phim, ông mải theo bạn bè đi chơi tiếp, bỏ quên con đang nằm ngủ chèo queo trong rạp! Đến khi nhớ lại, ông vội chạy đến rạp, thấy vắng hoe, lo cuống lên, không ngờ bà Tuệ đã đến dẫn con về tự lúc nào rồi!”.

Nói về người tình đầu tiên và cũng là vợ mình, Nguyễn Tuân tâm sự: “Chúng tôi sống với nhau hòa hợp cho đến bây giờ cũng là lúc đầu bạc răng long rồi chứ còn gì nữa. Chung quy phải nói là do ở nơi bà ấy cả. Tôi là thằng phá đình phá chùa, vì vậy cái người chịu đựng được tôi lại còn chung thủy và tận tụy săn sóc mình thì cũng như người tô tượng đúc chuông chứ còn gì nữa. Không hiểu bà ấy quý tôi về cái nỗi gì, chứ tôi phá bà ấy nhiều bận đến là điêu đứng”. Dù vậy, bà Tuệ vẫn thành thật bộc bạch: “Tính cách hai chúng tôi rất khác nhau, nhưng sao vẫn hợp nhau. Nhà tôi khó tính, rất khó tính. Càng lớn tuổi, càng khó tính. Nhưng tôi vẫn cố chiều được”.

Bà rất nhạy cảm với công việc của chồng nên thường xuyên ngấm ngầm giúp chồng theo cách của mình, nên khiến Nguyễn Tuân không thể chê vợ được một lời nào. Không bao giờ bà để tâm đến những gì xảy ra bên ngoài, chỉ một mực thu vén gia đình để chồng toàn tâm với sáng tạo nghệ thuật.

Có những thời gian, Nguyễn Tuân đi biền biệt, bà cũng ít khi nhận được đồng tiền nào của chồng. Nhưng bà vẫn xoay xở nuôi được các con khôn lớn. Thời kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động trên chiến khu Việt Bắc, bà đưa các con vào Thanh Hóa tản cư. Cuộc sống tản cư rất vất vả. Bà cùng các con đã phải làm việc khá cực nhọc để duy trì cuộc sống từ việc đồng áng, mất mùa liên miên, đến việc đi chợ buôn bán. Sau đó, bà Tuệ cùng con cái mở một quán ăn nhỏ có tên là Giang Quyên tại cầu Thiều – Thanh Hóa, phục vụ từ cháo giò, bánh cuốn… cho đến giải khát, nhờ có quán mà việc duy trì cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.

Đó là sự hi sinh cho chồng. Còn về sự chiều chồng, có lẽ cũng hiếm ai bằng bà. Giai đoạn khó khăn khó khăn, bà vẫn chăm lo tốt cái ăn cái uống cho chồng, vì Nguyễn Tuân là người rất khảnh ăn. Bữa ăn nào cũng phải có tí thịt, tí rau. Vậy nên, mua được tí thịt nào, bà lọc ra cho chồng, cho con, còn mình thì chẳng cần gì hết. Nguyễn Tuân hay đi. Có đến 7 – 8 cái Tết, Nguyễn Tuân không có ở nhà, chỉ có mấy mẹ con cùng ông nội – cụ Tú Ký lục đón Tết. Nguyễn Tuân là người rất coi trọng những gì đặc trưng của dân tộc bởi thế mà trên ban thờ ngày Tết không thể thiếu đi chiếc bánh chưng xanh, khúc giò lụa, con gà và mâm ngũ quả. Ông là người cầu kỳ nên con gà nhất thiết phải là gà ri, bưởi cũng phải là loại bưởi Đoan Hùng. Những cái đó dù chồng có đi vắng hay ở nhà dịp Tết, vợ nhà văn Nguyễn Tuân vẫn lo đủ.

Ngày Tết là thế, bữa cơm ngày thường Nguyễn Tuân rất thích món thịt rim hoặc rán, món rau muống luộc với bát tương Bần. Ngoài ra, Nguyễn Tuân còn đặc biệt thích món cá diếc om khế. Cái món cá diếc om khế, nó ngon đến đặc biệt, ngay cả một người ghét ăn cá khi ngửi thấy mùi thơm ấy cũng không thể cưỡng lại được. Nhưng nấu để hợp khẩu vị với Nguyễn Tuân, có lẽ chỉ có riêng vợ nhà văn là làm được. Nhà văn Ngọc Trai(*) chính là người được chứng kiến điều này. Bà kể:

“Tôi nhớ một hôm, tôi đến nhà hầu chuyện Nguyễn Tuân. Nói chuyện với cụ được một lúc lâu thì cụ bà về. Cụ Nguyễn bảo vợ: “Bà ngồi quạt một tí cho mát rồi đi mua cho tôi quả trứng gà”. Tôi mới cắt lời cụ Nguyễn: “Bác buồn cười thật đấy, bác gái vừa đi về còn đang mệt. Có quả trứng gà thôi, cháu đến từ lâu, lại có xe đạp, sao bác không bảo cháu chạy ù đi mua cho bác. Hoặc là bác không sai cháu thì bác sai cô Giang con gái bác đi mua, đỡ vất vả bác gái”. Nhưng cụ Nguyễn thủng thẳng đáp: “Nếu là rượu hay giò thì tôi có thể sai cô, vì cô cứ đến những nhà mà tôi vẫn mua là có rượu ngon, giò ngon. Còn trứng gà thì chỉ có bà nhà tôi mới biết cách chọn trứng gà tươi thôi. Tôi chỉ ăn trứng gà bà ấy mua về”. Tôi rất phục cụ bà Nguyễn Tuân, đúng là chỉ có bà mới hiểu và chiều được ông chồng nhà văn cá tính độc đáo ấy mà thôi”.

Hiểu được sự hi sinh của vợ, nên nhà văn Nguyễn Tuân rất trân trọng vợ. Năm 1986, Nguyễn Tuân ốm nặng, sợ không qua nổi, bèn nói vui với vợ: “Bà với tôi thì ai nên đi trước?”. Không ngờ bà Tuệ trả lời một câu mà Nguyễn Tuân nhận xét là rất… “tình tứ”: “Ông đi trước thì tôi sẽ buồn lắm, nhưng tôi mà đi trước thì ông sẽ rất khổ vì không ai săn sóc ông được như tôi. Và như vậy, tôi chết cũng không đành” và rằng, “Chỉ có tôi mới chăm sóc được ông trên đời. Ông ăn không nhiều nhưng ăn tinh. Giò mua của ai thì ông mới ăn, rượu mua của ai thì ông mới uống. Món ăn thế nào thì mới hợp khẩu vị ông, chỉ có tôi biết. Nên nếu tôi đi trước thì tôi thương ông lắm”. Nghe vợ nói vậy, Nguyễn Tuân xúc động lắm, nói: “Nhưng nếu tôi đi trước thì tôi biết bà rất buồn! Hay là tôi với bà cùng đi một lần vậy…”. Nhưng ước ao được chết cùng vợ của nhà văn Nguyễn Tuân không thực hiện được, bởi Nguyễn Tuân đã mất trước vợ (năm 1987).

Nếu không có sự nhẫn nại, chịu đựng của bà Vũ Thị Tuệ, liệu thế hệ về sau có được những trang tuyệt bút về Vang bóng một thời (1940), Tàn đèn dầu lạc (1941), Tùy bút I, II (1941, 1943), Chùa đàn (1946), Tình chiến dịch (1950), Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972)… Về cuối đời, bà Tuệ cho biết thêm: “Nghĩ lại, từ khi lấy nhau cho đến lúc có bảy mụn con, chúng tôi xa nhau luôn. Biết bao khó khăn vất vả. Nhưng cứ mỗi lần nhà tôi đi xa về thấy các con khôn lớn, ông rất vui, tôi cũng thấy mát lòng, quên đi những phiền muộn vất vả. Đối với tôi, nhà tôi lúc nào cũng chu đáo. Nhà tôi chưa hề nặng lời với tôi lần nào. Mặc dầu xa nhau luôn, nhưng tôi vẫn tin ở nhà tôi. Hồi trước cách mạng, nhà tôi cũng theo bạn đi hát ả đào. Tôi còn nhớ, có lần có người đến gõ cửa báo tin cho mẹ con tôi biết là nhà tôi đang ở nhà này, nhà nọ. Tôi cứ để mặc. Dưới mắt tôi, nhà tôi bao giờ và lúc nào cũng là một người có suy nghĩ”.

BÓNG TÙNG RỘNG TÁN CHE CHỞ CHO CON

Nguyễn Tuân là một người sống phóng khoáng, nghệ sĩ, nhưng trong gia đình, ông rất nghiêm khắc, khắt khe trong việc giữ gìn nền nếp gia phong nên rất chú ý đến việc giáo dục con cái. Ông đã nói gì, đã yêu cầu gì, thì các con ông nhất nhất phải nghe theo.

Nhà văn Ngọc Trai kể, con trai Nguyễn Tuân khi đã lớn tuổi vẫn thường phải đảm nhiệm vai trò “người đưa thư” mỗi khi nhà văn Nguyễn Tuân cần gửi thư cho nhà văn Ngọc Trai, mà thư thường chỉ có vài dòng, có khi là một lời hẹn gặp, có khi là mượn cái xe, có khi là trao đổi vài ba ý văn chương. Người con gái út của Nguyễn Tuân là họa sĩ Thu Giang từ nhỏ đã được cha giáo dục cách đối nhân xử thế, cách ăn mặc đi đứng. Hồi trẻ, họa sĩ Thu Giang thường thích những đồ quần áo màu mè, nhưng nhà văn Nguyễn Tuân nói với con: “Con gái phải ăn mặc phù hợp với không gian, thời gian, trang điểm thì phải nhẹ nhàng, tươi tắn, vào chùa phải thật trang nhã”. Nhà văn cũng dạy con, con gái đi guốc thì phải kiễng chân sau lên, để mũi chân chạm đất trước rồi mới hạ gót xuống. Như thế mới không phát ra những âm thanh lọc cọc.

Nguyễn Tuân là người rất yêu cái đẹp. Câu chữ trong văn chương phải đẹp, đến cái ghế nhà văn ngồi cũng phải đẹp. Vì thế ông cũng rất chú ý cách dạy con làm đẹp. Ông bảo với con gái, trang điểm phải đẹp nhưng làm sao giữ được nét tự nhiên để người ta không biết là mình trang điểm. Một lần con gái ông bôi trát mặt trắng phớ, má đỏ choét. Ông gọi con vào mắng rồi dặn: “Da con không trắng nên không được dùng phấn trắng, phải dùng phấn hợp với màu da”.

Nguyễn Tuân nghiêm khắc với cả nghề nghiệp của con. Là nhà văn nổi tiếng nghiêm khắc với con chữ, Nguyễn Tuân từng nói với con: “Đừng bao giờ chọn nghề văn”, bởi phàm đã vướng vào cái nghiệp này, một là ở trên đỉnh cao, hai là chẳng có gì. Như với họa sĩ Thu Giang, con gái ông, ông khuyến khích trở thành họa sĩ, không khuyến khích trở thành nhà văn.

Tuy nghiêm khắc, nhưng Nguyễn Tuân cũng rất thương con. Với các con, ông là một người cha nhân ái, độ lượng. Trong gia đình, con gái út Thu Giang được sống cạnh cha nhiều hơn cả và cũng là cô con gái được yêu thương hơn cả. Họa sĩ Thu Giang giống cha ở cá tính mạnh, yêu ghét rõ ràng và rất quyết liệt. Hiểu tính cách đó của con gái, Nguyễn Tuân luôn dự cảm con gái mình sẽ lận đận chuyện tình duyên. Khi con gái về nhà chồng, ông nói với con: “Nếu có chuyện gì thì con cứ về nhà, ngôi nhà này luôn mở cửa đón con”. Sau này khi cuộc sống của con gái vấp nhiều sóng gió, ông tâm sự với con: “Nếu không ổn thì thôi, đừng cố!”. Nhà văn Nguyễn Tuân trong mắt họa sĩ Thu Giang như một bóng tùng luôn rộng tán che chở cho con, kể cả khi họa sĩ Thu Giang đã 40 tuổi. Nên sự ra đi của nhà văn Nguyễn Tuân là một cú sốc rất lớn mà mãi một thời gian dài sau, họa sĩ Thu Giang mới thích nghi được.

Có một điều ít ai biết, họa sĩ Thu Giang chính là người vợ đầu tiên và cũng là cuối cùng của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, người nằm trong bộ tứ hội họa “Nghiêm – Liên – Sáng – Phái”, tác giả của họa phẩm Gióng (một Bảo vật Quốc gia của Việt Nam) và Nguyệt ước, 2 bức tranh được dùng làm ảnh bìa cho sách Ngữ văn lớp 10 tập 1-2. Sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân là người quảng giao nên có rất nhiều bạn bè là văn nghệ sĩ. Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm thời đó cũng là một người bạn mà nhà văn Nguyễn Tuân rất quý. Cứ mỗi lần có sự kiện gì trọng đại trong gia đình, nhà văn Nguyễn Tuân đều mời danh họa họ Nguyễn đến vui cùng. Thời đó, vì bà Thu Giang còn nhỏ nên gọi danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là “chú”, xưng “cháu”. Bà Thu Giang là con út trong gia đình (nhà văn Nguyễn Tuân có 7 người con, 3 trai, 4 gái) nhưng lại rất được vợ chồng nhà văn Nguyễn Tuân yêu quý. Những năm tháng bao cấp, thương “chú Nghiêm” không vợ con, ở một mình… nên thỉnh thoảng vợ chồng nhà văn Nguyễn Tuân lại bảo con gái qua giúp chú dọn dẹp nhà cửa, chợ búa, nấu ăn, giặt giũ…

Bẵng đi một thời gian, bà Thu Giang lấy chồng. Cuộc hôn nhân đó đã không trọn vẹn. Duyên số đã “tác thành” cho bà Thu Giang gặp lại ông chú năm xưa sau một lần đến nhờ chú vẽ chân dung. Và tình cảm của họ cứ dần nảy nở. Trước khi trở thành người đàn ông có vợ, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã có hơn nửa thế kỷ sống độc thân thân tại gác 3 khu nhà nghệ thuật 65 Nguyễn Thái Học (Hà Nội). Năm 1990, họ đã quyết định đến với nhau khi ông đã 78 tuổi còn bà cũng đã ngoại lục tuần. Khi quyết định gắn kết cuộc đời với nhau mà không tổ chức đám cưới, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm nói với bà Thu Giang: “Sinh lực tôi đã cạn kiệt, chỉ có tình cảm dành cho em”. Ngày 15/6/2016, tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, người được xem là “cây đại thụ” cuối cùng của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, người cuối cùng trong bộ tứ “Nghiêm – Liên – Sáng – Phái” đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 94 tuổi. Phần mộ của ông được an táng tại Nghĩa trang Văn Điển, cạnh phần mộ của người bố vợ tài hoa một thuở, cố nhà văn Nguyễn Tuân.

Chú thích:

(*) Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai sinh ra và lớn lên tại Huế, hồi còn học ở Huế, bà đã thích tác phẩm Vang bóng một thời của nhà văn Nguyễn Tuân. Đến khi ra Hà Nội lập nghiệp, lấy chồng, sinh con, bà mới lại tiếp tục học Đại học Tổng hợp Văn và quyết tâm đến gặp Nguyễn Tuân để xin được làm khóa luận tác phẩm của ông. Sinh thời, bà đã có những cuộc trò chuyện thú vị với ông về cuộc đời, văn chương và gia đình, là một người bạn vong niên của nhà văn Nguyễn Tuân. Cuộc gặp gỡ bất ngờ trong những ngả đi của cuộc đời đã mang lại cho bà điều may mắn, là được sở hữu cả một “gia tài” những câu chuyện về cuộc đời, văn chương và cả những chuyện “hậu trường” về nhà văn Nguyễn Tuân, một người đầy lãng tử, ưa xê dịch và phong trần với những trang văn đầy sức sống cho hậu thế.

Nguồn:

Lê Minh Quốc (2017), Chuyện tình các danh nhân Việt Nam (tập 2), NXB Tổng hợp TP. HCM.

Bình luận Facebook