Vào những năm bảy mươi của cuộc đời, nhà thơ Tố Hữu lấy bút danh Thương Hoa, đã viết về người bạn đời của mình: “Người ta vẫn nói, phía sau người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ tốt. Ở tuổi bảy mươi tư, bà bình dị như bao người phụ nữ. Có khác chăng bà làm bạn với một nhà thơ, một nhà chính trị từ buổi Mặt trời chân lý chói qua tim”… Bài báo ấy chưa kịp đăng.
I. Tháng Bảy mưa ngâu
Đã có một lần, tiếng guốc đi qua cuộc đời nhà thơ khi ông mười sáu tuổi. Nhưng tiếng guốc không dừng lại. Một cô gái xinh đẹp, mảnh mai đã yêu ông. Nhưng cô không chịu được cuộc chia ly khắc nghiệt. Hai tháng sau khi nhà thơ bị bắt giam trong nhà lao Thừa Phủ, cô gái đi lấy chồng… Ngày tháng trôi, sau khi vượt ngục, anh Tố Hữu say sưa hoạt động cách mạng. Rồi một hôm, anh bất ngờ bị chị Thái, Tỉnh ủy viên Thanh Hóa hỏi:
– Đến tuổi lấy vợ rồi, sao không lấy vợ đi?
Lúc này, anh đang làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Huế. Anh Tố Hữu ngẩn người rồi cười:
– Chị xem có cô nào, giới thiệu giùm.
– Giá anh ra được Thanh Hóa thì hay quá. Ngoài ấy có mấy cô chưa chồng. Tôi thấy cô Thanh, nữ sinh Đồng Khánh Huế hợp với anh hơn cả. Cô ấy vừa xinh, vừa ngoan, lại rất say sưa hoạt động cách mạng.
Anh Tố Hữu tò mò muốn gặp Thanh. Khu nội trú Trường Đồng Khánh, Huế, cách nhà lao Thừa Phủ một con đường nhỏ. Ngày bị địch bắt giam, anh Tố Hữu vẫn thường nhìn sang khu nội trú, một thế giới tự do ríu rít các cô áo dài dịu dàng, xinh đẹp. Khát khao tự do của người tù với tâm hồn lãng mạn của nhà thơ đã làm anh Tố Hữu nhớ mãi các cô nữ sinh Đồng Khánh. Anh nhận lời với chị Thái: “Khi nào có dịp ra Thanh Hóa, các chị giúp tôi với nhé!”.
Câu chuyện tưởng như chuyện vui bị quên đi trong nhịp độ gấp gáp, khẩn trương của những ngày đầu khởi nghĩa. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), anh Tố Hữu được cử làm chủ nhiệm lớp Việt Minh, Thanh Hóa. Anh phụ trách lớp học chính trị đào tạo cán bộ ở thị xã. Có một nữ sinh xinh xắn, dễ thương, ngày nào cũng ngồi bàn đầu say sưa nghe giảng. Khuôn mặt tròn trĩnh, nước da trắng hồng với cặp mắt nâu ướt làm thầy giáo trẻ nhiều khi lúng túng phải nhìn đi chỗ khác. Đấy chính là cô Thanh ngày nào chị Thái định giới thiệu cho anh.
Thanh được giác ngộ cách mạng một cách tình cờ. Giữa năm 1945, tốt nghiệp Thành chung Trường Đồng Khánh, chị về quê chuẩn bị thi vào Quốc học Huế, học tiếp Tú tài. Chị là học sinh giỏi của Trường Đồng Khánh, luôn nhận được học bổng toàn phần. Ham học, tuy biết thi vào Quốc học Huế khó, chị vẫn quyết tâm thi. Nhưng sau đó, Thanh quyết định ở lại Thanh Hóa tham gia phong trào Việt Minh. Chị được kết nạp Đảng và trở thành bí thư chi bộ. Chị được cử đi học lớp bồi dưỡng chính trị do anh Tố Hữu dạy.
Trước khi học lớp chính trị, Thanh đã nghe nói nhiều về thầy giáo trẻ Tố Hữu. Anh Tố Hữu nổi tiếng ở Trường Quốc học Huế. Anh tham gia phong trào cách mạng của học sinh và bị chính quyền Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế), Lao Bảo (Quảng Trị) và ở ngục Kon Tum. Anh đã vượt ngục. Cô nữ sinh Đồng Khánh thầm mơ ước được gặp người lãnh đạo Việt Minh dũng cảm và là nhà thơ tài giỏi.
Thầy giáo trẻ tuổi, đẹp trai, lại có tài hùng biện làm Thanh rất thích nghe giảng. Dáng người nhỏ nhắn, giọng Huế dịu dàng, anh Tố Hữu đã làm xiêu lòng cô gái. Thanh chỉ bực mình vì nhiều lần giơ tay xin phát biểu mà thầy không gọi. Hình như thầy không để ý đến cô học sinh còn quá trẻ. Tự ái, Thanh hay rủ Hạnh (con gái Giáo sư Đặng Thai Mai) học cùng, xuống bàn cuối lớp đánh cờ carô.
Kết thúc lớp học, Thanh công tác ở Ban Phụ vận tỉnh Thanh Hóa. Chị hay gặp lại “thầy giáo” trẻ trong các cuộc họp. Thỉnh thoảng, chị bắt gặp anh Tố Hữu nhìn trộm mình. Bị “phát hiện”, nhà thơ lúng túng nhìn đi chỗ khác. Sau đó, Thanh làm Huyện ủy viên huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, quê chị. Mỗi khi về huyện Hoằng Hóa kiểm tra, anh Tố Hữu thường mời chị huyện ủy viên sang nói chuyện. Anh say sưa nói, chị say sưa nghe. Chuyện công tác, chuyện văn học… Hai người nói chuyện rất hợp, quên cả thời gian. Lâu lâu anh không về, chị thấy nhớ giọng nói ấm áp, ánh mắt dịu dàng…
Một hôm, chị Hào, cán bộ phụ nữ, gọi Thanh lên hỏi nhỏ:
– Em đã có ai chưa?
Thanh đỏ mặt, chưa biết trả lời thế nào, chị Hòa nói:
– Anh Tố Hữu ưng Thanh đấy. Ý em thế nào?
Tuy không quá bất ngờ, Thanh vẫn thấy khó trả lời. Thực ra, chị đã thầm yêu anh từ những bài thơ cách mạng. Chị nhớ mãi bài thơ “Ly rượu thọ” anh Tố Hữu ngâm trong buổi văn nghệ cứu đói cách đây một năm. Giọng ngâm thơ đằm thắm, tha thiết làm chị xúc động. Thanh rất muốn nói “đồng ý” với chị Hào nhưng lại e ngại “nhà thơ được nhiều cô gái để ý quá”. Thanh nghe các chị trong Ban Phụ vận kể, có chị cán bộ đang yêu tha thiết nhà thơ. Chị không muốn làm người thứ ba. Thanh lúng túng trả lời:
– Chị cho em suy nghĩ mấy hôm.
Mấy hôm sau, chị Hào lại gọi Thanh lên:
– Em đã suy nghĩ xong chưa?
Thanh bẽn lẽn gật đầu. Sau khi hỏi lại, Thanh biết mối tình của chị cán bộ kia chỉ đơn phương. Anh Tố Hữu vẫn chưa yêu ai.
Sáng hôm sau, anh Tố Hữu gặp Thanh trong một ngôi nhà đã bị phá theo lệnh tiêu thổ kháng chiến. Anh đỏ mặt, ngập ngừng:
– Tôi đã nghe nói nhiều về Thanh trước khi gặp. Về đây, được gặp và làm việc với Thanh nhiều… Tôi ưng Thanh. Ý Thanh thế nào?
Thanh bối rối cúi đầu im lặng! Anh Tố Hữu nắm tay chị… Chị để yên, không rút tay lại.
– Ai cũng bảo tôi với Thanh đẹp đôi đấy. Em có đồng ý không?
Thanh thấy má mình nóng bừng. Chị lí nhí:
– Anh liều thật, lỡ Thanh không đồng ý thì sao?
Rồi Thanh lấy hết can đảm nói một mạch:
– Đứng trên lập trường Mácxít, anh phải nói thật anh đã có ai chưa?
Anh Tố Hữu thật thà thanh minh:
– Anh có ai đâu. Sao em lại không tin?
Thanh không giấu tình cảm của mình với nhà thơ nữa. Những ngày tiếp sau thật hạnh phúc. Cuối tuần, chị hồi hộp chờ tiếng chuông xe đạp của anh. Có lần, vừa gặp chị, anh vội khoe:
– Anh qua cầu Hàm Rồng, vừa đi vừa huýt sáo, suýt rơi xuống hào giao thông chữ chi.
Nhận tin phải lên Việt Bắc công tác, anh Tố Hữu bàn với Thanh:
– Ta tính ngày cưới đi em.
Thanh lo lắng:
– Sao cưới sớm thế anh? Em phải bỏ công tác ngay à?
– Anh sắp phải lên Việt Bắc xa lắm. Anh sợ phải xa em. “Kháng chiến trường kỳ” biết lúc nào gặp lại nhau. Anh muốn em cùng lên Việt Bắc với anh. Anh sẽ về gặp các anh huyện ủy để bàn chuyển cho em lên đấy công tác. Anh sẽ nhờ người đến xin cưới với bố mẹ em.
Nghe Thanh rụt rè xin phép lấy chồng, mẹ chị sửng sốt. Lâu nay chị vẫn giấu mẹ. Bà hỏi tỉ mỉ về anh Tố Hữu. Bà bảo chị:
– Mẹ lo cho con lấy chồng xa, anh ấy lại bận việc đi suốt, mẹ sợ con vất vả.
Mẹ chị đã để ý cho chị một anh cán bộ huyện cùng quê. Bà quan niệm: “Có con mà gả chồng gần. Có bát canh cần nó cũng đem cho. Có con mà gả chồng xa. Trước là mất giỗ sau là mất con”. Bà thấy Việt Minh cũng có vẻ hay hay nhưng cách mạng thế nào thì bà không biết. Bao nhiêu người giàu có đến hỏi, Thanh lại không ưng, trong khi cái anh Lành ở đâu đâu, biết thế nào mà gả con. Cưới xong hai đứa lại đem nhau đi luôn. Bà không đồng ý và đắp chiếu tuyệt thực. Thanh phải nhờ chị Nghiên là người có uy tín trong họ, cùng hoạt động cách mạng, đến thuyết phục mãi bà mới đồng ý.
Lễ cưới được tổ chức vào đầu tháng 8/1947. Đúng tháng mưa ngâu, trời mưa tầm tã. Anh Tố Hữu đạp xe từ thị xã Thanh Hóa về Hoằng Hóa. Từ sáng sớm, lễ cưới đã được chuẩn bị trang trọng. Chủ tịch Ủy ban xã, các chị ở Hội phụ nữ đều đến dự. Nhưng sắp đến giờ cưới, vẫn chưa thấy chú rể đến. Từ thị xã về Hoằng Hóa có xa lắm đâu. Thanh lo lắng. Anh Tố Hữu bao giờ cũng đúng hẹn. Mãi đến trưa, mọi người ngạc nhiên thấy chú rể và người đàn ông nữa lấm bùn bê bết từ đầu đến chân đang gột rửa quần áo ở ngoài bờ ao. Thì ra, anh Tố Hữu đã lặng lẽ đạp xe gần 60 cây số, đến nhà ông Đinh Quang Trường, một cơ sở cách mạng cũ của anh, nhờ ông làm đại diện họ nhà trai. Kỷ niệm ngày cưới Thanh còn nhớ mãi chiếc áo dài màu xanh lá cây chị Nghiên tặng.
Sau lễ cưới, mọi người về hết, cô dâu, chú rể đang ngượng ngùng nhìn nhau thì cô em gái Thanh hớt hải chạy vào nhà:
– Mẹ bảo chị vào buồng trong ngủ với mẹ.
Đêm tân hôn, đôi vợ chồng trẻ bị mẹ Thanh bắt ngủ riêng. Cô dâu ngủ với mẹ, chú rể ngủ một mình trên chiếc trường kỷ.
Sáng hôm sau ngày cưới, anh Tố Hữu đèo Thanh về cơ quan tỉnh Thanh Hóa. Chiếc ba lô nặng trĩu trên vai Thanh. Ngoài quần áo, trong đó còn có một cái hộp bằng gỗ đựng mấy thứ đồ chơi của Thanh, những kỷ niệm tuổi thơ; mấy con búp bê nhựa, mấy cuộn chỉ màu… Thị xã Thanh Hóa đang chuẩn bị kháng chiến chống Pháp. Nhà cửa bị phá gần hết. Chị cấp dưỡng của cơ quan tìm mãi mới bố trí được cho hai vợ chồng trẻ một “phòng hạnh phúc” trong cái nhà kho.
Mấy hôm sau, anh chị đi thuyền ngược sông Lô lên Việt Bắc. Tuần trăng mật trôi qua lãng mạn trên chiếc thuyền nan. Đêm, trên trời có trăng và sao. Ngày, dưới thuyền nước chảy êm đềm. Dọc bờ sông, rừng cọ đồi chè xanh nối tiếp nhau. Họ quên đi những nỗi căng thẳng, công việc của những ngày đầu kháng chiến. Thuyền ghé bến Bình Ca. Hai người đứng trước một khu rừng um tùm lau tre và những cây cổ thụ. Anh chị nhìn nhau, một cuộc sống mới bắt đầu với rất nhiều khó khăn nhưng họ đã có nhau. Chị Thanh thấy yên tâm. Anh Tố Hữu không chỉ lãng mạn như một nhà thơ mà còn là một người làm công tác chính trị già dặn, từng trải, một người chồng chu đáo và rất yêu chị. Thật hạnh phúc khi được sống bên cạnh một người đàn ông như vậy suốt cả cuộc đời.
II. Bạn đời, bạn thơ
Trong An toàn khu, Trung ương Đảng và Trung ương Hội Phụ nữ ở cách nhau mấy chục cây số. Hai vợ chồng công tác hai nơi. Anh làm công tác văn hóa ở Trung ương Đảng, chị làm công tác phụ nữ. Thỉnh thoảng họ mới được gặp nhau. Có hôm trời mưa rét, đường trơn, Thanh vẫn đến thăm anh như đã hẹn. Tuổi trẻ, chưa có kinh nghiệm, lại trèo đèo lội suối nhiều, Thanh bị sẩy mất đứa con đầu. Một lần, tiễn chị đi công tác, anh viết thơ tặng chị
Mưa rơi dầm lá cọ
Mái tóc em ướt rồi
Đôi má em bừng đỏ
Muốn hôn quá… mà thôi.
Sợ mình em xấu hổ
Cầm hai bàn tay nhỏ
Xa nhau chẳng muốn rời.
…Ước gì anh hóa thành chim
Bay theo em, hót cho tim đỡ buồn.
Sau khi vào bộ đội một thời gian, mùa đông 1949, anh Tố Hữu bị ốm nặng. Thanh về ở hẳn Ban Tuyên huấn Trung ương chăm sóc anh. Dân trong vùng kiêng không cho vợ chồng ở chung trong nhà mình. Anh em văn nghệ sĩ giúp hai người che phên liếp xung quanh một cái chuồng bò dựng tạm, người ta chưa kịp mua bò. Cái chuồng bò trở thành tổ ấm của anh chị. Trời lạnh giá, gió lùa qua phên liếp.
Tối đến, Thanh hà hơi vào chỗ nằm trước khi anh ngả lưng. Chị rúc vào người anh, dùng hơi ấm của mình sưởi ấm cho anh. Bốn tháng sau, anh Tố Hữu bình phục. Anh chị lại bịn rịn chia tay. Anh lại về cơ quan Tuyên huấn. Thanh về Phú Thọ công tác. Chị cảm thấy trống trải. Đêm, chị chong đèn, ghi nhật ký: “Năm tháng hạnh phúc êm đềm. Năm tháng săn sóc anh chu đáo. Hôm nay bắt đầu đi nhận công tác. Tôi vẫn không sao xua đuổi được những ý nghĩ buồn thương. Bây giờ anh đang làm gì? Anh đang yếu. Anh ăn cơm cùng cơ quan có được không. Không khí gia đình đang ấm áp, bây giờ anh một mình một bóng. Mong ngóng, khắc khoải. Hôm nay tôi ra về, trời lại mưa to. Trời khóc hộ em. Về cơ quan, mắt để vào trang viết nhưng lòng để tận đâu”.
Mỗi tháng một lần, anh Tố Hữu từ Thái Nguyên về Phú Thọ thăm vợ. Đi bộ một ngày đường, chỉ để gặp nhau một đêm, hôm sau chia tay sớm. Không có chỗ ở, anh chị làm một cái chòi trên đồi bằng cây sim và lá cọ. Cái phòng hạnh phúc có một không hai. Trong thời gian này, anh Tố Hữu làm bài thơ “Sợ”:
Đêm lạnh lều rơm không liếp cửa
Hai đứa mình ôm nhau trên sàn nứa
Nằm bên em nghe má ấm trong tay
Sợ tiếng gà gáy sáng hết đêm nay.
Một hôm, anh Bình cùng công tác với Thanh, hớt hải chạy đến gọi
– Chị ơi, anh Tố Hữu bị trúng đạn máy bay rồi.
Thanh tất tưởi vừa khóc vừa chạy dọc bìa rừng. Gặp anh Nguyễn Đình Thi, Thanh mới biết anh Bình nhầm. Người chẳng may bị máy bay bắn là nhà thơ Thôi Hữu.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, anh Tố Hữu về tiếp quản Thủ đô trước chị Thanh một năm. Anh viết bài thơ “Việt Bắc” trong thời gian xa cách. Anh gửi gắm nỗi nhớ vợ của mình trong sự lưu luyến chung của mọi người khi chia tay với căn cứ địa “Việt Bắc”. Nỗi niềm riêng chung ấy đã làm nên tác phẩm “Việt Bắc” với những câu thơ tình tuyệt đẹp:
Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.
Anh viết thư cho chị:
“Ngày 27 tháng 10 năm 1954
Bé yêu!
Hôm qua anh được thư bé, tự nhiên anh vui cả ngày, vui hơn cả mọi ngày. Trên đường về Hà Nội, anh nhớ đến công việc và chập chờn từng lúc nhớ đến bé của anh, như anh nhớ đến Việt Bắc của chúng ta vậy. Anh làm bài thơ “Việt Bắc” hình như nói với cả em của anh đang ở lại. Tự nhiên trong lòng, tình chung và tình riêng lẫn lộn, hòa làm một. Và tình cảm ấy thấy nó tha thiết hơn nhiều. Chưa bao giờ anh yêu em, yêu cuộc đời của chúng ta thiết tha như vậy trong thơ của anh”.
Những lúc xa nhau, anh rất chăm viết thư. Anh gọi chị là “bé” như hồi mới yêu nhau: “Anh lo cho bé lắm, nằm queo một mình, nghĩ lung tung thì hư lắm. Mà bé không đủ ấm, chỉ có cái chăn với cái áo mỏng thôi. Áo bông, áo len bé để ở nhà cho út hết, thế có hư không?”.
Hòa bình, anh chị mới được sống bên nhau. Hạnh phúc nhưng anh chị vẫn cảm thấy không trọn vẹn vì mái ấm thiếu tiếng cười con trẻ. Thanh rất buồn, nhất là khi anh Tố Hữu thủ thỉ:
– Ước gì có tiếng giày lộp cộp của trẻ nhỏ.
Sau 9 năm làm đám cưới, chị có mang. Thanh mừng ứa nước mắt. Năm 1956, chị sinh con đầu lòng. Bác Hồ gửi tặng một tấm lụa chúc mừng anh chị. Anh Tố Hữu vui lắm, ngắm con không chán mắt. Thanh may đôi giày vải đỏ, đôi áo phin nõn cho con, anh Tố Hữu giữ mãi đến sau này. Sau đó chị sinh thêm 2 con nữa. Không khí gia đình càng êm ấm, vui vẻ. Khi phải đi công tác xa, viết thư về, bao giờ anh cũng dành cho các con hàng trang giấy. Anh viết rất trìu mến: “Hoa ơi, con khỏe không. Con nói thêm mấy tiếng? Con ăn có nhiều không? Đêm còn nhè bà ngoại nữa không? Con biết thêm mấy chuyện bà kể nữa? Ba về Mạc Tư Khoa sẽ mua cho con một con búp bê thật đẹp nhé. Cu Phương lật được chưa? Ba về chắc con ngồi được rồi đấy. Bé đã cho con ăn cháo được chưa nhỉ. Ba sẽ mua cho Phương một bộ áo quần mũ và giày với một bộ đồ chơi thú lắm”.
Tuy công việc bận rộn, anh Tố Hữu luôn dành thời gian chăm sóc các con. Là Phó ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, năm nào Thanh cũng đi công tác nước ngoài. Anh Tố Hữu viết thư, kể tỉ mỉ chuyện nhà, chuyện các con cho chị nghe: “Ôi, mấy đêm đầu, mẹ đi vắng thật là lâm ly. Mấy đứa con cứ tranh nhau mà ấp cái gối của mẹ cho đỡ nhớ mà. Cái Hoa lại chảy nước mắt ra nữa chứ. Chả nhẽ ba lại mếu. Đành phải động viên kịch liệt và tạm làm mẹ cho hai cô con gái vậy”.
Thanh luôn đồng ý với anh về cách dạy con. Anh thường dạy bảo các cháu: “Trung thực thật thà, phải có lòng thiện và chí tiến thủ”. Sau này, Hoa con gái đầu của anh đi học ở Liên Xô, anh viết thư cho con rất đều đặn, khuyên bảo và trò chuyện với con như bạn bè. Những lá thư của anh, Hoa thường đem đọc chung với các bạn.
Mọi người hay trêu Thanh:
– Nhà thơ chắc có nhiều “nàng thơ” lắm.
Thanh chỉ cười, chị tôn trọng thế giới riêng của chồng. Chị rất tin anh. Thanh nghĩ: “Anh ấy nghệ sĩ mà. Thỉnh thoảng mình cũng thấy buồn buồn khi anh ấy ngắm nhìn lâu một ai đấy. Nhưng mà nghĩ lại, mình còn thích ngắm người đẹp nữa là các anh”.
Trong suốt thời gian chung sống, anh Tố Hữu luôn giữ gìn, tránh những chuyện có thể làm chị buồn. Anh Tố Hữu thích chia sẻ với Thanh những cảm hứng sáng tác. Nhiều đêm, đang ngủ say, Thanh bị đánh thức dậy:
– Anh vừa nghĩ ra tứ thơ mới. Nghe thử nhé.
Thanh là độc giả đầu tiên của những bài thơ. Có khi chị còn gợi ý tưởng, từ ngữ cho anh. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là anh viết bài “Bác ơi” sau khi Bác qua đời. Anh ngồi một mình trong phòng, vừa viết vừa đưa khăn thấm nước mắt. Thanh lặng lẽ thức đêm cùng anh. Mấy tháng sau, anh bị ốm nặng. Bác sĩ chẩn đoán anh bị bệnh máu trắng. Nghĩ bệnh mình không chữa khỏi, anh quyết định phải làm một việc gì đó có ý nghĩa trong những ngày cuối cuộc đời. Một tháng sau, anh viết xong bài thơ “Theo chân Bác”. Viết xong, anh mệt quá, Thanh giúp anh chép lại bài thơ ấy. Thật lạ, sau đó, anh hồi phục dần và khỏi hẳn. Anh nói vui: “Có lẽ Cụ phù hộ mình”.
Vì bận công tác, anh ít có dịp tặng riêng vợ nhưng giữa dòng thơ cách mạng, anh dành cho chị những câu thơ tình rất hay:
… Trái tim anh đó
Rất chân thật, chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ và phần để em yêu.
Cho đến khi hai người tóc đã bạc, ở tuổi bảy mươi, anh mới dành được nhiều thời gian hơn bên vợ. Những vần thơ tặng vợ thật đằm thắm, sôi nổi:
Lạ chưa, vẫn ở bên em
Mà anh cứ nhớ, cứ thèm gần em…
Năm nào anh Tố Hữu cũng tự mình chuẩn bị ngày sinh nhật cho Thanh. Năm 1969, anh viết tặng chị bốn câu thơ:
Ngày em sinh Cách mạng tháng Mười
Em cho anh, nước Nga cho đời
Nguồn vui lớn với niềm vui nhỏ
Anh tặng em hai đóa hồng tươi.
Những ngày cuối đời, nằm trên gường bệnh, anh Tố Hữu vẫn nhớ ngày sinh nhật chị. Sau một thời gian dài bị hôn mê, tự nhiên, đến ngày sinh nhật Thanh, anh chợt tỉnh lại trong chốc lát. Anh mỉm cười và cố hết sức nắm bàn tay chị. Cho đến khi anh mất, bông hồng đỏ chưa kịp tặng chị vẫn nằm giữa hai bàn tay nắm hờ của anh
Nguyệt Tú – Nguyệt Tĩnh (rút từ cuốn Chuyện tình của các chính khách Việt Nam, Nxb. Phụ nữ)