Chuyện tình của nhà thơ Lư Nhất Vũ – Lê Giang
Ươm mầm âm nhạc nơi điền dã
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang không chỉ đồng hành cùng nhau trên bước đường đời, mà còn là những người bạn bộ hành trên con đường âm nhạc. Sự kết hợp này đã cho ra đời biết bao tác phẩm mang giá trị cao, thấm đẫm chất nghệ thuật và được rất nhiều khán giả yêu mến. Có thể kể đến một số tác phẩm như: Hãy yên lòng mẹ ơi, Bài ca đất Phương Nam. Bên cạnh đó, ông bà còn cất công đi sưu tầm hàng loạt điệu hò, câu lý trên khắp mọi miền đất nước nhằm giữ lại những giá trị văn hóa tinh thần vốn có từ ngàn xưa của ông cha ta.
Sau ngày đất nước giải phóng, từ chiến trường trở về, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang dừng chân tại Sài Gòn. Cuộc sống của ông bà gắn liền với khu chung cư nhỏ đã cũ và chật chội nằm chót vót trên khoảng không cao vút, gắn liền với 108 bậc thang đầy kỷ niệm. Mặc dù, có tiếng là nhà ở Sài Gòn, nhưng dường như ông bà chẳng bao giờ ở đó. Thời gian lớn trong cuộc đời ông bà dành cho những cuộc lãng du khắp mọi miền đất nước từ mũi Cà Mau chạy dài lên các tỉnh phía Bắc để đi tìm những điệu hò, câu lý còn lưu lạc trong dân gian. Cuộc hành trình tưởng như đơn giản chỉ là tìm kiếm và sưu tầm nhưng thật ra không đơn thuần như thế. Nó đòi hỏi phải có tình yêu với quê hương, và nhiệt huyết của một trái tim cháy bỏng.
Chuyện đi sưu tầm của ông bà cũng đầy thăng trầm, buồn vui trào ra nước mắt. Có lẽ trong tất cả những lần đi điền dã tại Kiên Giang để viết Lý chèo đưa cá Ông là một trong những câu chuyện đáng nhớ nhất. Trong những chuyến đi không phải lúc nào mọi chuyện cũng được thuận buồm xuôi gió. Vốn dĩ mảnh đất miền Tây có những người nông dân chất phác, thật tình lúc nào cũng hiếu khách và nồng nhiệt. Tuy nhiên, do đã quen với công việc thường ngày giờ bị bắt ra ngồi để hát cho khách phương xa tới nghe, mà những người khách này lại lỉnh kỉnh máy ghi âm, giấy viết khiến những nghệ sĩ dân gian cảm thấy không được thoải mái cho lắm thế là họ không hát. Dù cố gắng ra sức thuyết phục nhiều lần, nhưng nhà thơ Lê Giang vẫn không làm người nghệ sĩ dân gian này lay động được. Tôi không phải là ca sĩ, cũng không thường hát khi có đông người, tôi không hát đâu, nhà thơ Lê Giang vẫn nhớ như in lần từ chối của ông lão ngư phủ ấy.
Những tưởng chuyện sưu tầm đi vào bế tắc vì người nghệ sĩ này không chịu hợp tác thì sẽ gây ra sự lãng phí các thế hệ sau vì không bao giờ được ngâm nga lời ca, câu hát đậm đà giai điệu quê hương này. Nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ bèn nghĩ những người lao động thường đem lời ca tiếng hát vào những lúc làm việc mệt nhọc. Đó là cách họ đem lại niềm vui cho mình, và để thấy yêu công việc hơn. Nếu hát trong lúc ra đồng, hay chèo thuyền giăng lưới người ta sẽ thấy dễ dàng hơn. Nghĩ vậy nên nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ liền đề nghị lão ngư hát trong lúc làm việc. Ngư phủ bèn cởi phăng chiếc áo đang mặc lấy mái chèo bơi mải miết ra biển cả mênh mông. Khi tay chèo càng mạnh, mồ hôi ướt đầm cơ thể cũng là lúc, lời ca, tiếng hát bậc lên trên môi người lao động miền sông nước.
Ông cất giọng cao vút và bắt đầu hát: “Nghề đánh cá thanh nhàn nơi sóng biển, thấy ăn làm nhớ chuyện thánh thần, công ơn còn tạc vào tâm”. Từng lời ca được vang lên, khiến cho tâm hồn của Lê Giang và Lư Nhất Vũ quá đỗi bồi hồi xúc động. Từ đây những điệu lý, câu hò của dân tộc đã có thể truyền lưu lại cho các thế hệ sau.
Khi người nghệ sĩ dân gian ấy hát xong lời ca, cũng là lúc công việc của nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ hoàn thành công việc lưu giữ lại hạt ngọc cho đời. Xong công việc nhưng cái tâm, và đạo đức của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang đối với lão ngư phủ tràn đầy tình cảm. Tình bạn của họ ngày càng bền chặt hơn. Khi quay trở về thành phố, ông bà không quên thực hiện những lời đã hứa với lão ngư. Đó là đưa bài hát phổ biến rộng rãi đến công chúng, cũng như gửi cho ông bức hình làm kỷ niệm, thứ mà nhiều người vẫn thường quên đi khi đã thực hiện xong công việc của mình. Đến sau này khi lão ngư phủ mất đi, tấm hình mà gia đình nhạc sĩ chụp tặng lại đã được gia đình ngư phủ trân trọng dùng làm di ảnh cho người cha đáng kính. Chuyện đi điền dã còn nhiều những khó khăn khác nữa nhưng bằng tấm lòng yêu thương các điệu lý, câu hò của quê hương, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang đã chắt chiu từng người nghệ sĩ để giữ lại cho đời biết bao tinh hoa của dân tộc.
Con tằm nhả tơ
Không chỉ viết sách, viết nhạc, ông bà còn viết kịch bản phim tài liệu nghệ thuật phối hợp cùng hãng phim truyền hình TP. Hồ Chí Minh – TFS thực hiện như: Tiếng vọng đồng quê, âm vang đất nước, hát ru các dân tộc Việt Nam, Lời nguyền chiến thắng (4 tập), Người là niềm tin tất thắng (4 tập), Đáp lời sông núi (4 tập), Bộ hành với Lê Giang. Đó là chưa kể đến việc biên soạn sách dân ca, sách âm nhạc là những thứ tài sản đồ sộ mà ông bà đã lao động cật lực trong biết bao năm qua.
Sự kết hợp giữa ông và bà đã cho ra rất nhiều đứa con tinh thần giàu cảm xúc. Nếu những ai yêu thích dòng âm nhạc cách mạng sẽ chẳng thể nào quên bài Hãy yên lòng, mẹ ơi do Lê Giang viết lời, Lư Nhất Vũ viết nhạc. Nếu yêu thích nhạc phim thì vô cùng ngậm ngùi khi hát lại Bài ca Đất phương Nam trầm hùng và vô cùng duyên dáng. Ở mỗi tác phẩm của ông bà đều chứa đựng giai điệu, và tiếng nói quê hương sâu sắc. Đó cũng chính là quan niệm sống của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ: “Văn là hồn vía của một dân tộc, người Việt nào để mất đi cái Văn của dân tộc mình, tự thân sẽ không còn là người Việt nữa”.
Dù ở đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang vẫn chăm chỉ làm việc. Bây giờ, ông bà không đi nhiều và đi xa như ngày xưa, nhưng ngày nào cũng giành thời gian để làm việc. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang tâm sự: “Dù bây giờ chúng tôi đã lớn tuổi, nhưng điều đó không có nghĩa là không phải làm việc. Chúng tôi không có khái niệm về nghỉ hưu, miễn còn sức khỏe là chúng tôi vẫn làm việc như bình thường. Chúng tôi vẫn muốn mình như con tằm nhả tơ”.
Thật vậy, mới đây nhất ông bà đã cho ra những tác phẩm mới nhất của mình. Đó là: Tự truyện của Lư Nhất Vũ; Ngày ấy đã qua rồi, hay bút ký, tản văn Lê Giang; Ừa, chỉ có vậy thôi. Những câu chuyện dung dị được trải nghiệm bằng chính cuộc đời mình đã đưa những độc giả càng trân trọng và yêu thương cuộc sống này. Và hơn hết, độc giả càng cảm nhận được tinh thần làm việc bền bỉ của nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, đó là trách nhiệm của những người đi trước luôn dìu dắt, tiếp bước cho thế hệ sau.
Bây giờ, ông bà không còn sống ở chung cư cũ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa mà chuyển về Bình Thuận sinh sống cùng gia đình. Hàng ngày, ở một góc phòng ông bà vẫn đều đều làm việc. Không sử dụng máy vi tính, ông bà vẫn ngồi nắn nót từng chữ trên tờ giấy trắng tinh để cho ra đời biết bao tinh hoa cho cuộc sống. Cần mẫn và hăng say như những chú ong góp mật cho đời. Nhà văn Văn Lê từng nhật xét về tinh thần làm việc của ông bà: Luôn cặm cụi làm việc, giống như một bông sen trong đồng lặng lẽ tỏa hương bằng chính mùi thơm của nó. Chính sự hăng hái lao động của ông bà đôi khi làm những người trẻ phải nể phục, nhìn lại mình và suy ngẫm.
Việc thầm lặng nhưng ý nghĩa
Sau ngày giải phóng, nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã bắt đầu đi sưu tầm, tìm kiếm những câu lý, điệu hò của dân tộc. Việc bảo tồn những giá trị văn hóa này đã góp phần giữ gìn những tài sản quý giá để không bị mai một. Công việc thầm lặng của ông bà đã để lại cho đời những giá trị quý báu. Năm 2009, trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã công bố xác lập và công nhận nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang đạt kỷ lục quốc gia về công trình sưu tầm, chọn lọc và nghiên cứu giới thiệu dân ca Nam Bộ trong suốt thời gian qua.
sưu tầm