Chuyện tình của giai nhân phong trào Thơ mới

Xinh đẹp nhưng nữ thi sĩ ấy may mắn không phải chịu cảnh mệnh bạc. Bà đã tìm thấy người đàn ông mình yêu, vượt qua sóng gió để kết hôn và nắm tay bạn đời đến khi xa lìa nhân thế.

Nhắc đến các nhà thơ nữ trong phong trào Thơ mới cuối những năm 1920 – đầu những năm 1930 của thế kỷ trước, dường như người ta chỉ nhớ tới vài cái tên như Anh Thơ, Vân Đài, Mộng Tuyết mà quên mất người con gái xứ Quảng, Lê Hằng Phương.

Nhưng hồn thơ sâu lắng, mang đậm tính dân gian và dạt dào tình cảm của bà được nhà phê bình Hoài Thanh đánh giá cao. Trong tập Thi nhân Việt Nam, ông dành cho Hằng Phương và bài thơ Lòng quê sự trân trọng.

Nữ sĩ Hằng Phương sinh năm 1908 tại làng Nông Sơn, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Sinh ra trong gia đình có dòng dõi thư hương, cha của bà là nhà nghiên cứu Hán Nôm, lịch sử và văn học Lê Dư. Ông được nhiều người biết đến với hiệu Sở Cuồng.

Lê Dư là người đầu tiên đã phát hiện ra dòng họ Lý (hay Lee) ở bán đảo Triều Tiên khi đó, là hậu duệ của hoàng tử Lý Long Tường con thứ của vua Lý Anh Tông sang đây lánh nạn từ thế kỷ thứ 8. Còn mẹ của nhà thơ Hằng Phương là cháu ngoại của Tổng đốc Hoàng Diệu, đồng thời là em gái của nhà văn Phan Khôi.

Nhà thơ Hằng Phương làm thơ từ những năm 20 tuổi, bà có nhiều bài thơ đăng trên các báo và tạp chí bán chạy lúc bấy giờ, đặc biệt là các ấn phẩm dành cho phụ nữ như: Phụ nữ tân văn, Đàn bà, Tri Tân, Hà Nội tân văn… Năm 1943 bà cùng 3 nhà thơ nữ Anh Thơ, Vân Đài, Mộng Tuyết in chung tập thơ Hương xuân. Đây là tâp thơ hiện đại đầu tiên của các nhà thơ nữ Việt Nam.

 


Nhà thơ Hằng Phương.

Năm 14 tuổi, cô tiểu thư đất Quảng rời quê ra Hà Nội. Không chỉ thông minh, hoạt bát, Hằng Phương còn sở hữu một gương mặt thanh tú, nước da trắng ngần cùng phong thái đài các khiến bao chàng trai đất Hà thành say đắm. Nhưng người tương tư nhiều nhất về giai nhân là chàng công tử Vũ Ngọc Phan. Người mà sau này trở thành nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng.

Đầu năm 1924, Vũ Ngọc Phan tới trọ học ở nhà người cô ở số 3 phố Phạm Phú Thứ, gần ngõ chợ Hàng Da (nay là phố Nguyễn Quang Bích). Ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy dáng vẻ yêu kiều cùng hàm răng trắng và đôi mắt biết nói của cô hàng xóm Hằng Phương, chàng học trò lớp Đệ tam đã chao đảo như trúng “tiếng sét ái tình”.

Là người đẹp trai, nho nhã, lại được ăn học đàng hoàng, chàng công tử họ Vũ khi ấy cũng được nhiều tiểu thư con quan, tiểu thư nhà buôn bán để ý. Có nhà còn hứa, nếu Vũ Ngọc Phan đồng ý làm con rể sẽ cho anh tiền sang Pháp du học. Vì đã trót yêu Hằng Phương nên chàng thư sinh lãng mạn từ chối tất cả những lời mai mối ấy.

Thấy con trai cứ ra ngẩn vào ngơ như người mất hồn, lại không thiết tha chuyện lấy vợ. Mẹ của Vũ Ngọc Phan khi ấy trộm nghĩ hay con trai bà muốn đi tu. Chàng thư sinh đành thưa chuyện với mẹ để mang trầu cau sang hỏi cưới cô tiểu thư xinh đẹp xứ Đàng Trong.

Về phần Hằng Phương, khi ấy bà cũng được nhiều người để ý, muốn cùng nhau tính chuyện trăm năm. Công tử con quan lại đương chức, con cái nhà buôn đi học bên Pháp về, học Cao đẳng Đông Dương đều có cả. So với gia cảnh của Vũ Ngọc Phan khi ấy, những “tình địch” hơn ông về mọi mặt.

Biết Hằng Phương đem lòng yêu Vũ Ngọc Phan, đám cậu ấm này tức tối ra mặt. Có người xấu bụng còn viết thư nặc danh bôi nhọ chàng thư sinh họ Vũ và gửi tới cho Hằng Phương, nào là nợ nần chồng chất, nào là mắc bệnh ho lao, yểu tướng… đều có cả.

Vợ chồng học giả Lê Dư nghe vậy không khỏi giật mình lo lắng cho con gái. Nhưng bỏ ngoài tai những lời dị nghị của thiên hạ, mặc thầy mẹ can ngăn, cô tiểu thư bạo dạn ấy vẫn quyết tâm lấy người mình yêu.

Hai người làm lễ thành hôn đúng vào dịp Giáng sinh ngày 25/12/1925. Dù đã là vợ chồng nhiều năm, trải qua bộn bề cơm áo, phải lo lắng cho gia đình và con cái, nhưng Vũ Ngọc Phan vẫn dành cho nữ sĩ Hằng Phương những tình cảm ngọt ngào, tha thiết chẳng kém gì những đôi tình nhân mới chớm hẹn hò.

Năm 1942, Vũ Ngọc Phan dịch cuốn truyện thơ nổi tiếng của Pháp Chàng T’rixtăng và nàng Ydơ, đây được xem là thiên tình sử bi thương và lãng mạn sánh ngang Romeo và Juliet. Do đặc điểm người đọc ở trong nước lúc bấy giờ không có thói quen đọc phiên âm tiếng Latinh nên ông đã phiên âm thành Tiểu Nhiên và Mị Cơ. Điều đáng nói là ở ngoài bìa tác phẩm Vũ Ngọc Phan đã viết lời đề tựa: “Tặng Hằng Phương, Mị Cơ của lòng tôi”.

Còn bài thơ Lòng quê của nhà thơ Hằng Phương, tác phẩm được nhà phê bình Hoài Thanh đưa vào tập Thi nhân Việt Nam cũng chính là món quà tinh thần bà sáng tác tặng người bạn đời. Năm 1961, khi biết mình có khối u ở tử cung, nhà thơ Hằng Phương đã rất lo sợ. Bà không sợ chết, chỉ sợ bỏ lại Vũ Ngọc Phan cô đơn một mình.

May mắn thay, nhà thơ Hằng Phương đã vượt qua cơn hiểm nghèo. Bà mất năm 1983, còn nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan mất năm 1988. Họ đã cùng nhau đồng cam cộng khổ, vun đắp cho cuộc hôn nhân dài hơn nửa thế kỷ. Thế mới biết, mối tình đẹp nhất là có thể gặp nhau khi tóc còn xanh và nắm tay nhau cho tới lúc đầu bạc!

THEO ZING

Bình luận Facebook