google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Chuyện ít người biết về tác giả bài thơ Chùa Hương - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

Chuyện ít người biết về tác giả bài thơ Chùa Hương

Cha ông ta có câu, “giỏ nhà ai, quai nhà nấy” thật có sai bao giờ. Cứ xem, ông Nguyễn Văn Vĩnh có một sự nghiệp lẫy lừng đến vậy, con cái ông cũng nhiều đó chứ, mà có ai theo nghiệp cha? Nhưng đứt dòng chữ nghĩa thì không, vì còn đó Nguyễn Nhược Pháp.


Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp

Tiểu sử của nhà thơ Chùa Hương, được Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân tóm lược là “Con nhà văn hào Nguyễn Văn Vĩnh. Sinh ngày 12 Décembre 1914 ở Hà Nội, mất ngày… Novembre 1938. Có bằng tú tài tây”.

Nhà thơ có cái tên… lịch sử

Tên gọi của Nguyễn Nhược Pháp cũng có tính lịch sử lắm chứ chẳng chơi. Điểm này, xem trong Nguyễn Văn Vĩnh – Chuyện nghiệp, chuyện đời mới thấy. Thân sinh ra nhà thơ Chùa Hương, học giả Nguyễn Văn Vĩnh đặt tên con cái cũng thật kỳ khôi. Khi ở Hải Phòng, ông Vĩnh đặt tên con trai đầu lòng là Hải. Lúc ở Bắc Giang, con thứ ông đặt là Giang.

Những người anh của Nguyễn Nhược Pháp, đều không mang tên đệm: Nguyễn Hải, Nguyễn Giang, Nguyễn Dực, Nguyễn Phùng… nhưng chú bé Pháp lại có tên đệm, và có nguyên do hẳn hoi. Khi Nguyễn Nhược Pháp sinh, là vào cuối năm 1914 khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất đã bùng nổ.

Những mong Pháp thua trong thế chiến, ông Vĩnh gửi ý mình trong cái tên con trai: Nhược Pháp, ấy là kiến giải trong Nguyễn Văn Vĩnh – Chuyện nghiệp, chuyện đời. Thiển nghĩ của người viết bài này, cái ý ấy của ông Vĩnh, cũng thật kỳ cục khi cho ứng vào con trai mình.

Nguyễn Nhược Pháp là kết quả của mối tình giữa ông Vĩnh với bà vợ thứ hai Phan Thị Lựu, người dân tộc Tày, đất Lạng Sơn. Ngặt nỗi, số ông Vĩnh đào hoa, khi chú bé Pháp lên 2 tuổi thì ông Vĩnh có người thứ ba, cô gái lai Tây Suzanne Giáp Thị Thục.

Bà Lựu nổi cơn ghen, và trong truyện “Khẩu súng trong tay người đàn bà” của sách Hà Nội, những câu chuyện kể từ cuối thế kỷ XIX – XX cho hay, bà mẹ trẻ của cậu bé Pháp đã kết liễu đời mình bằng một phát súng, trên ngực vẫn còn tấm ảnh cậu con trai lúc ấy đang ở Lạng Sơn.

Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp

Sau cái chết của mẹ, qua 49 ngày, cậu bé Nhược Pháp được cha đưa từ Lạng Sơn về Hà Nội cho bà vợ cả Đinh Thị Tính trông nom, nuôi nấng như con đẻ, sống cùng các anh, chị cùng cha khác mẹ.

Lúc nhỏ, nhà thơ tương lai ấy và các anh chị được học chữ Nho với ông tú Phùng Năng Tĩnh người Bát Tràng. Sau này cậu học ở trường Trí Tri, rồi trường Trung học Albert Saraut. 20 tuổi đỗ tú tài, rồi theo học Đại học Luật.

Hồn thơ trong trẻo, vui tươi

Viết về tuổi thơ của chú bé Pháp, trong Nguyễn Văn Vĩnh – Chuyện nghiệp, chuyện đời cho hay Pháp thông minh, học giỏi lại đẹp trai. Cậu bé từng soạn khoảng 50 câu thông dụng cho các anh em trong nhà cần tránh để không nói tục, chửi thề… Chú bé cũng rất thích bơi lội.

Cái óc tổ chức, có phần giống cha khi Pháp cũng “máu mê” báo chí, cậu cùng mấy anh chị lớn hơn dồn tiền làm vốn in báo Tuổi cười. Báo in thạch, có hai màu đỏ và tím, mỗi tháng ra một số với 16 trang, khổ 15x20cm và phát hành trong nội bộ… gia đình.

Nghiệp thơ của Nguyễn Nhược Pháp, theo Lược truyện các tác gia Việt Nam, kể cũng ít ỏi khi chỉ xuất bản tập thơ Ngày xưa năm 1935 do Nxb. Nguyễn Dương ấn hành, hài kịch Người học vẽ của nhà in Trung Bắc tân văn năm 1936.

Hẳn một phần bởi tuổi đời cũng ngắn ngủi khi chỉ ở trên dương thế 24 năm. Nhà thơ có bài thơ đầu tiên năm 1932, và cũng từng cộng tác với một số báo như: Annam nouveau, Hanoi báo, Tinh hoa, Đông Dương tạp chí… Đồng thời, Nguyễn Nhược Pháp còn viết nhiều truyện ngắn và kịch.

Miêu tả Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Vỹ cho hay, chàng thơ mặt dài, cao 1,52m, người gầy ốm và đầu tóc thì bờm xờm. Là con nhà có tên tuổi đấy, nhưng Nhược Pháp được cái tính hiền lành, mà như Văn thi sĩ tiền chiến ghi là “hay nói, hay cười, tuy chỉ cười mỉm, và rất ưa nói khôi hài, giọng nói rủ rỉ dịu dàng như cô gái bẽn lẽn trên đường đi chùa Hương”.

Nguyễn Nhược Pháp được miêu tả là người xã giao tốt, lịch thiệp với mọi người, và một phần tính nết có sự tương đồng với cụ thân sinh khi rất trọng những tư tưởng tự do, độc lập, không chịu để ai chi phối. Đó là cái cá tính cần có để làm nên một hồn thơ riêng vậy.

Được cái, cũng bởi tính tình dễ mến như thế nên theo nhận xét của Thi nhân Việt Nam “thơ in ít mà được người mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp”…“đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoảng thấy bóng một người đương khúc khích cười…

Nó hiền lành và thanh tao. Nội chừng ấy có lẽ cũng đủ cho nó có một địa vị trên thi đàn”. Và điều đáng quý ở hồn thơ, giọng thơ của Nguyễn Nhược Pháp là “nụ cười trên miệng bao giờ cũng kèm theo một ít cảm động trong lòng”.

Chính Nguyễn Nhược Pháp từng nhận xét về thơ của mình với Nguyễn Vỹ là “thơ của moa “superficielle” (tức là có bề mặt mà không có chiều sâu). Hồn thơ của Nguyễn Nhược Pháp được cho là không có thi cảm nồng nhiệt và thấm thía, cũng không dồi dào về thi tứ, mà ưa cái phảng phất, nhẹ nhàng như chính con người nhà thơ vậy.

Còn Tác gia văn học Thăng Long – Hà Nội (từ thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XX) thì cho hay “thơ ông đậm đà những phong tục xưa, những nền nếp văn hóa truyền thống được thể hiện qua những nét tinh tế, thấm hồn dân tộc”… “Thơ Nguyễn Nhược Pháp thanh tao, tinh tế, đôn hậu trẻ trung và duyên thầm”.

Ngày nay, hầu hết thế hệ độc giả qua các thời nhớ tới nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp với bài Chùa Hương, đã được phổ nhạc thành bài hát “Em đi chùa Hương” quen thuộc với khán thính giả bởi Trung Đức.

Duyên lành cho sự ra đời bài thơ Chùa Hương, cũng ly kỳ hấp dẫn lắm, để từ đó nhà thơ đột khởi nên một thi phẩm mãi ghi dấu ấn đẹp trong lòng độc giả qua thời gian. Nguồn gốc bài thơ ấy, phải nghe Nguyễn Vỹ, một người trong cuộc hồi tưởng lại qua Văn thi sĩ tiền chiến thì mới thấy hết được cái thú của nó.

Số là, có dịp nọ Nguyễn Vỹ, Nguyễn Nhược Pháp cùng hai cô bạn là nữ sinh đi vãn cảnh chùa Hương. Khi trèo đến Rừng Mơ, nhóm bạn gặp một cụ bà vừa bước lên đèo, vừa chắp tay niệm “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát”; bên cạnh đó là một cô gái quê chắc là con của cụ, cũng đang niệm câu ấy.

Hai chàng trai trẻ thấy lạ, cứ thế nhìn, cô gái quê trông thấy thì bẽn lẽn không niệm nữa, đôi má hồng đỏ bừng, mặt cúi xuống thẹn thùng. Hai anh chàng nhà thơ mới hỏi: “Sao trông thấy chúng tôi, cô không niệm Phật nữa?” Cô gái quê càng bối rối không trả lời được, áng chừng muốn khóc.

Trong khi ấy, hai cô bạn nữ sinh kia tay cầm máy ảnh, liền chụp luôn cái khoảnh khắc ấy nhưng rồi thấy hai chàng trai vì mải tò mò cô gái quê mà quên mình, nên bỏ đi trước. Hai anh chàng, sau một hồi nói chuyện với cô gái quê chợt gặp ấy, quay qua quay lại thì mất hút bóng hai cô bạn rồi.

Đêm ấy hai anh chàng ngủ trong chùa Hương, sáng mai ra mới gặp lại hai cô bạn nữ sinh, Nguyễn Vỹ rối rít xin lỗi, còn Nguyễn Nhược Pháp thì cứ tủm tỉm cười không nói gì.

Về Hà Nội, hai ngày sau Nguyễn Nhược Pháp đem đến cho Nguyễn Vỹ bài thơ Chùa Hương, mà tên ban đầu đề là Cô gái chùa Hương.

Chính lần gặp gỡ tình cờ hữu duyên vô phận ấy đã là nguồn thi hứng cho Nguyễn Nhược Pháp bay bổng trí tưởng tượng, viết nên “bài thơ đẹp, giọng thơ ngây, y như cô gái chùa Hương hôm ấy”. Và lớp lớp độc giả được thưởng thức một tuyệt phẩm để đời của nhà thơ họ Nguyễn, như những câu sau đây:

…Em tuy mới mười lăm,

Mà đã lắm người thăm.

Nhờ mối mai đưa tiếng,

Khen tươi như trăng rằm.

Nhưng em chưa lấy ai,

Vì thầy bảo người mai.

Rằng em còn bé lắm

(Ý đợi người tài trai)…

sưu tầm

Bình luận Facebook