Chuyện đời NHÀ THƠ Bùi Giáng: Ai đưa Bùi Giáng vào nhà thương điên ?
Không chỉ là một giọng thơ lạ lùng, cuộc đời Bùi Giáng cũng có vô số chuyện lạ lùng bởi ông “chẳng sống theo thời thế, mà chỉ biết sống từ cõi văn nghệ lúy túy càn khôn”.Xin giới thiệu với bạn đọc những tài liệu mới nhất về thi sĩ Bùi Giáng.
Không chỉ là một giọng thơ lạ lùng, cuộc đời Bùi Giáng cũng có vô số chuyện lạ lùng bởi ông “chẳng sống theo thời thế, mà chỉ biết sống từ cõi văn nghệ lúy túy càn khôn”. Xin giới thiệu với bạn đọc những tài liệu mới nhất về thi sĩ Bùi Giáng.
Bùi Giáng qua ký họa của Chóe – Ảnh: Tư liệu
Có cuộn băng cassette ghi lời kể của chính Bùi Giáng về nguyên do ông bị “áp tải” vào nhà thương điên Biên Hòa.
Những tài liệu này ghi nhận qua các buổi gặp gỡ với đại diện của Bùi tộc Vĩnh Trinh tại TP.HCM – ông Bùi Dương Thạch, hoặc những người từng sống gắn bó nhiều năm với Bùi Giáng như ông Nguyễn Thanh Hoài tại số 482/35/5 Lê Quang Định, P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Chính ở địa chỉ đó, hiện vẫn còn lưu giữ các cuốn băng với nhiều chi tiết sống động do Bùi Giáng kể ra, được Thanh Hoài ghi âm:
“Những năm cuối đời của bác Giáng, nhất là từ 1990 trở đi, hai bác cháu thường ngồi nói những chuyện riêng tư cho đỡ buồn trước hiên nhà, hoặc dưới tàng cây trong sân vào mỗi đêm khi gia đình đã đi ngủ hết. Bác kể hết sức chi tiết về chuyện đời của bác, từ thời còn nhỏ cho đến lúc lớn lên, rời miền Trung vào Sài Gòn sinh sống, làm thơ và giao du với ai, cũng như việc sáng tác, in ấn như thế nào… Một bữa, tôi lấy máy cassette để ghi âm lại lời nói của bác thì thấy bác có vẻ băn khoăn hỏi: “Mi thâu làm cái chi?”. Tôi nói với bác thâu để có gì hay thì cháu nghe lại không thôi nó quên! Bác nói rứa thì được, mi cứ thâu đi, tao nói cho nghe”. Và Bùi Giáng nói về “sự cố” đã đẩy ông vào nhà thương Biên Hòa với nội dung như lời Thanh Hoài tóm lược dưới đây.
“Vào những năm đầu tiên của thập niên 1960, bác Giáng viết rất nhiều, gần như không có ngày nào dừng bút, bản thảo dày lên chưa kịp in thì xảy ra vụ cháy nhà nơi bác đang ở trên đường Phan Thanh Giản, nay là đường Điện Biên Phủ, khiến bao nhiêu bản thảo cháy rụi. Bác nói với tôi là tao quá tiếc và đau đớn nhất là công trình biên soạn về truyện Kiều ròng rã suốt 3 năm trời đã thành tro, làm tao buồn quá bỏ hết để rong chơi khắp lục tỉnh, sông nước kênh rạch chỗ nào có dịp là tao tới.
Khi về, thì Tòa đại sứ Pháp và Tòa đại sứ Đức ở Sài Gòn có mời tao đến hỏi thăm, họ nói nếu tao cần sách gì họ sẽ mang tặng không đòi một đồng nào. Nhưng nhà cháy rồi, lấy sách của Pháp của Đức về cũng không có chỗ để, nên tao cám ơn rồi từ chối, không nhận. Thế nhưng hai tòa đại sứ kia không biết thế nào vẫn lại tìm cách gửi đến tao mấy thùng sách quý của các tác giả nổi danh ở nước họ và trên thế giới. Tao đành phải nhận nhưng không biết cất nơi nào nên tao mới đến gặp ông chủ (tạm giấu tên) của NXB VT để vui vẻ tặng lại cho ông ta. Nhưng ông ta không nhận, vì ông nói người Pháp người Đức tặng cho anh toàn sách quý, nếu anh không có chỗ cất vì nhà đã cháy, thì tôi chỉ giữ giùm, khi nào anh cần đến nói là tôi giao lại cho anh. Tao vui vẻ ra về.
Đến không lâu sau tao kẹt quá, không có tiền đủ để ăn cơm bình dân và uống la-de con cọp chai loại lớn nên tao đến gặp ông chủ NXB kia để nhận lại số sách đã gửi. Nhưng kỳ cục là khi tao đến lấy, thì ông ta không giữ lời, nhất định không chịu trả. Tao nhắc lại là tại sao khi tao tặng thì không nhận, nói giữ giùm, bây chừ đến lấy tại sao lại không đưa? Ông ta cứ một mực tỉnh bơ, không trả. Tao nổi điên tao chửi một trận, rồi tao về. Bước ra ngoài đường tao thấy chiếc xe hơi kiểu Nhật sang trọng của ông chủ đó đang đậu trước nhà, luôn tiện tức quá tao lượm một cục đá xanh thiệt to ném thẳng vào chiếc xe đó cho hả giận, ai dè nó bể cái kính xe, mà lúc đó chiếc xe trị giá cả bạc triệu. Ông ta chạy ra thì sự đã rồi, vừa tiếc của, vừa giận tao lắm, mới điện thoại cho thằng em ruột của tao (không nêu tên) lúc ấy là sĩ quan của quân đội ông Thiệu đến mắng vốn và để chở tao về. Khi về đến nhà, thằng em ruột của tao ngao ngán nhìn tao và có lẽ nhớ đến chiếc xe đắt giá bị bể kiếng rồi sợ rằng tao ở trong nhà nó có thể cũng sẽ gây ra cảnh tương tự như thế. Nói trắng ra là thằng em tao với đứa con gái út của nó chắc hẳn nghĩ rằng tao điên nên đã cùng nói với tao là thôi để ngày mai tụi em chở anh về Vũng Tàu vài hôm nghỉ mát cho khỏe người tĩnh trí anh à. Tao cứ tưởng thật nên sáng hôm sau ngồi lên xe cho chúng chở đi về Vũng Tàu. Nào ngờ đến Biên Hòa tụi nó đã chở thẳng tao vào nhà thương điên để gửi, tao có nói gì đi nữa thì bọn “cai ngục” chung quanh cũng chẳng ai tin, mi thấy có đắng họng không?”. Về sau ông viết mấy câu: “Gặp người tôi tưởng người điên – gặp tôi tôi tưởng tôi điên như người”… (Còn nữa)
Theo Thanh Niên