Chúng ta đều là những đứa trẻ trốn mình trong những mùa trung thu cũ

Mỗi mùa thu sang, khi sắc vàng đã bắt đầu nhuộm trên từng tán lá, khi cơn gió bắt đầu se se và hương cốm, hương ổi, hương hoa sữa đã ngập tràn trên phố… không khí Tết Trung thu cũng theo đó mà bồi hồi trong lòng người.

Trung thu không chỉ là Tết cho thiếu nhi với bánh trái, múa lân, rước đèn, là dịp để các gia đình đoàn tụ quây quần bên nhau, thưởng thức những chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon, mà với tôi nó còn là dịp để nhớ về những mùa Trung thu chỉ còn lại trong kí ức tuổi thơ.

Ở miền Bắc, mùa thu là mùa dễ khiến người ta yêu bởi thời tiết dễ thương và cái bâng khuâng, ngẩn ngơ mà nó mang lại. Nhưng tôi nghĩ mùa thu đặc biệt trong trái tim mỗi người một phần là bởi có ngày Tết Trung thu.


Khi khắp chợ đã bắt đầu lập lòe những sắc đèn lồng đỏ, tổ dân phố bắt đầu kêu gọi trẻ con trong xóm đi tham gia biểu diễn văn nghệ, là khi Trung thu đã sắp về tới cửa. Có lẽ chỉ có Tết Trung thu là dịp để những người lớn như tôi có thể trở lại thành trẻ con, dù chỉ trong chốc lát bằng kí ức của những ngày đã cũ.

Nhớ lại Trung thu ngày xưa thì không thể không nhớ đến những chiếc đèn lồng, những đèn ông sao nhiều màu sắc, những buổi phá cố linh đình bên bọn trẻ con hàng xóm. Cái thời mà tivi, điện thoại còn chưa có nhiều, thú vui của bọn trẻ con là những buổi chiều đi học về rủ nhau chơi đuổi bắt, câu cá, lia ống bơ… Trung thu chỉ quanh quẩn trong cái không gian nhỏ từ nhà ra tới ngõ, tụ tập cùng tụi trẻ con trong xóm, vậy mà cũng quanh quẩn hết cả cái tuổi thơ…

Tết Trung thu đến, mỗi xóm đều có một trại nho nhỏ để trẻ con cùng phá cỗ. Đến đúng 6h30, năm nào cũng vậy, đám múa lân sẽ kéo nhau qua từng nhà và trẻ con ùa ra, nô nức, vui vẻ hơn cả ngày Tết Nguyên đán, rồng rắn nhau đi đến trại Trung thu. Những ánh đèn kéo quân, đèn ông sao… cứ lung linh, nhấp nhô theo từng bước nhảy chân sáo của lũ trẻ.

Ngày ấy chưa có những chiếc đèn Trung thu điện tử màu mè, cầu kì và phát ra tiếng nhạc như bây giờ, người lớn thường mua giấy kính màu và tre vót sẵn về cho trẻ con trong nhà tự làm đèn ông sao. Những miếng giấy kính màu xanh màu đỏ trước khi làm thành chiếc đèn hoàn chỉnh sẽ được chuyền tay hết đứa này đến đứa khác, giơ lên trước mắt để rồi thích thú nhìn mọi thứ xung quanh chỉ một màu đỏ rực…

Bây giờ nghĩ lại mới thấy chiếc đèn ông sao méo mó, xiêu vẹo được làm ra từ những đôi tay vụng về ngày ấy mới là đẹp nhất, bởi chúng chứa cả những niềm vui non trẻ và niềm háo hức thơ ngây.


Tôi còn nhớ hồi đó chị em tôi thích ăn nhất bánh Trung thu, mà chẳng phải những chiếc bánh nướng nhân đậu xanh, đậu đỏ, lá dứa… đa dạng và đẹp mắt như bây giờ, phải là chiếc bánh nướng, bánh dẻo nhân thập cẩm truyền thống mới chính là niềm ao ước của mọi đứa trẻ.

Chúng tôi thường chăm chú nhìn theo bàn tay mẹ cắt bánh, bánh cắt ra 8 phần bằng nhau chia đều cho mọi người trong nhà, trẻ con lúc nào cũng được nhường cho phần có nhiều nhân dừa nhất. Sau đó chúng tôi sẽ tíu tít hỏi nhau trong miếng nhân nhỏ xíu ấy có những nguyên liệu gì, nào là dừa, mứt bí, mứt sen, vừng rang, lạp xưởng… Trong mắt những đứa trẻ chẳng có đồ chơi, chẳng có đồ ăn ngon và bánh kẹo ngày ấy, mỗi đêm Trung thu phá cỗ giống như một đại tiệc linh đình.Đêm phá cỗ tại trại Trung thu cũng là một trong những điều mà bất cứ ai đã từng trải qua luôn ghi nhớ mãi. Chiếc trại màu xanh được dựng lên trên một con phố rộng, xung quanh là rất nhiều trại của các tổ dân phố khác, xếp thành một hàng dọc và đông đúc những người là người.

Những đứa trẻ đuổi bắt nhau hoặc chuẩn bị cho màn biểu diễn văn nghệ, người lớn cũng vui không kém khi đứng nhìn lũ trẻ đùa nghịch và xem múa kì lân. Trong trại sẽ có một chiếc bàn được trải khăn trang trọng, trên đó bày rất nhiều hoa quả, bánh kẹo và cả bánh nướng, bánh dẻo nữa. Đứa trẻ nào cũng háo hức, nhấp nhổm chờ đến giây phút được phá cỗ và chia chỗ bánh kẹo đó với nhau.

Khi chương trình buổi tối bắt đầu, bác tổ trưởng tổ dân phố sẽ đứng lên phát biểu đôi lời, sau đó là văn nghệ do chính những đứa trẻ trong xóm biểu diễn. Không thể thiếu trong mỗi dịp này chắc chắn sẽ có bài “Rước đèn ông sao”, rồi những bài hát thiếu nhi hoặc bài hát dân gian quen thuộc. “Hai tay bưng dĩa í a bánh bò, giấu cha giấu mẹ chân đi khé né, tối trời sợ té lén đem cho trò…” Những lời hát quen thuộc năm nào cũng hát đi hát lại mà sao vẫn thấy thân thương.

Rồi đến khi phá cỗ xong, trại tan, lũ trẻ mỗi đứa ôm một bọc bánh kẹo, mắt cười tít. Ai nấy trở về nhà mình vẫn mang theo niềm vui vẻ hồ hởi của không khí Trung thu, về nhà cùng nhau chia sẻ một chiếc bánh nướng thơm lừng và kể cho nhau nghe những câu chuyện xưa cũ. Những mảnh kí ức tuy nhỏ nhưng vẫn luôn lấp lánh hiện lên đâu đó trong lòng những người lớn cho đến bây giờ, lại càng thổn thức hơn mỗi dịp Trung thu về.

Cuộc sống hiện đại dần khiến cho tuổi thơ của những đứa trẻ ngày nay bớt đi những điều giản dị như vậy. Tôi cũng không tưởng tượng được nếu thiếu đi chiếc đèn ông sao, thiếu đi mâm cỗ đầy và ánh nhìn thòm thèm của đám trẻ, thì Trung thu bây giờ còn lại gì.

Những chiếc đèn lồng tự chế được thay thế bằng những chiếc đèn lồng chạy bằng điện nhiều màu sắc, những chiếc bánh Trung thu truyền thống bây giờ đã có nhiều vị hơn, nhưng không hiểu sao ăn lại cảm thấy nhạt nhẽo hơn. Nhiều khi tôi muốn có thể đưa lũ trẻ bây giờ ngược dòng thời gian về hai chục năm trước, để chúng biết được niềm vui đôi khi chỉ cần đơn giản vậy thôi nhưng vẫn khiến cho con người ta hạnh phúc. Những niềm vui và giây phút ấm áp bên gia đình mà đến giờ phút này vẫn còn bồi hồi trong trái tim của một kẻ trưởng thành.

Thời thơ ấu dù đã lùi xa và không thể trở lại, nhưng mỗi dịp Trung thu len lỏi qua những chiếc lá vàng khô rơi rụng trên mặt đường, đến trước cửa nhà chúng ta và khẽ khàng gọi, chúng ta sẽ lại được sống lại niềm hân hoan ngày ấy. Và tôi tin những kẻ trưởng thành là chúng ta đây sẽ ít nhất một lần khao khát được trao lại một mảnh tuổi thơ mình cho những đứa con, để mùa Trung thu năm nào sẽ không bao giờ cũ…

Ái Linh

Bình luận Facebook