Chơi tranh Tết- nét đẹp trong văn hóa Việt
“Tết về nhớ bánh chưng xanh
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh Lợn, Gà”
(Bàng Bá Lân)
Từ xưa mỗi dịp khi tết đến xuân về, từ thành thị đến nông thôn, từ người lớn hay trẻ nhỏ, từ người giàu hay người nghèo, người trí thức hay người dân quê đều có tục chơi tranh ngày tết .
Tranh dân gian Việt Nam vốn phong phú, đa dạng bao gồm tranh thờ và tranh Tết. Cả hai loại tranh trên đã trở thành nhu cầu của đời sống văn hóa đáp ứng yêu cầu của mọi người, mọi nhà. Có đủ loại tranh phù hợp với mọi lứa tuổi, ý thích của người lớn hay trẻ nhỏ, người giàu hay người nghèo, người trí thức hay người dân quê.
Trong các gia đình nông dân ở thôn quê, việc sở hữu một vài bức tranh treo trong ngày tết là điều không hề khó với giá cả phải chăng và kích thước thích hợp tranh được mua về dán từ ngoài cổng vào đến trong nhà mang đến một không khí tươi vui, rộn ràng của mùa xuân. Ở hai cánh cổng hoặc hai bên cánh cửa là hai bức tranh Tiến Tài – Tiến Lộc đối nhau. Tranh vẽ hai vị thần mũ áo triều phục mang dáng vẻ văn quan. Người nông dân quan niệm rằng, đó là hai vị thần mang lại sự thịnh vượng và may mắn cho gia đình. Có gia đình dán ngoài cổng hai bức tranh Vũ Đình – Thiên Ất. Tranh vẽ hai vị thần võ tướng, mang vũ khí, ngụ ý dùng vũ lực trấn áp tà ma, quỉ quái cho gia đình yên ổn làm ăn. Phần lớn các gia đình dán hai bức Đại Cát, Nghinh xuân để cầu may và xua đuổi tà ma. Ngoài ra, còn một số bức được yêu thích như tranh: Vinh hoa, Phú quý, Gà đàn, Lợn đàn, Đánh ghen…
Những gia đình ở thành thị, tri thức, nho học khá giả thời xưa việc treo tranh không đơn thuần là treo tranh trang trí cho có không khí tết mà các loại tranh được chọn thường là các loại tranh dân gian chọn lọc mang triết lí sống và khát vọng của họ. Đó chính là tranh tượng trưng cho tư tưởng “Anh hùng độc lập” với bức họa con chim ô đậu trên mỏm đá cao hoặc tranh Tùng cúc, Tam đa, Lý ngư vọng nguyệt….
Ở các nơi thờ cúng thiêng liêng (điện, đền, miếu), người ta treo nhiều loại tranh thờ khác nhau: Tranh Ngũ hổ, Hắc hổ thần tướng, Bà chúa Thượng ngàn... Những hình tượng thần thánh này được thể hiện bằng vẻ uy nghiêm hay dữ tợn và mang đậm màu sắc huyền bí.
Tranh dân gian được “chơi” không chỉ trong ba ngày Tết mà được dán trên tường quanh năm để thưởng thức. Khi nào tranh bị rách, bị hỏng mới bóc đi.
Mỗi năm, người ta mua tranh một lần từ 23 đến 30 tháng chạp. Khắp chợ cùng quê đều bày bán tranh. Hàng tranh ngồi đan xen hàng lá dong, hàng cam, hàng bưởi, hàng hương, thậm chí ngồi bên hàng gạo nếp, hàng đường… Người mua xúm quanh hàng tranh đông nhất vẫn là các bà mẹ, say sưa đến mức kì lạ là trẻ em:
“Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh Gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi”.
(Chợ Tết – Đoàn Văn Cừ)
Vậy ai là người đầu tiên vẽ tranh Tết? và tục chơi tranh ngày tết có từ bao giờ? . Đó là câu hỏi mà cho đến bây giờ, nó vẫn còn là mối băn khoăn, chưa có câu trả lời thỏa đáng. Gần đây, một số nhà khảo cổ và nghiên cứu nghệ thuật dựa trên những nguồn tư khảo ngày càng nhiều và đáng tin cậy đã cố gắng mở ra con đường trở về với nguồn gốc tranh dân gian Việt Nam. Họ cho rằng, loại hình nghệ thuật dân gian này xuất hiện từ thời nhà Lý (1010 – 1225) đến thời nhà Hồ (1400 – 1414), được duy trì và phát triển mạnh dưới thời Hậu Lê (1533 – 1788), song song với việc in và phát hành tiền giấy cũng như cùng với thời điểm đạo Phật thịnh hành.
Bắt nguồn từ nghệ thuật nguyên thủy, nghệ thuật tranh dân gian nảy sinh phát triển trong đời sống lao động, tín ngưỡng của con người. Trải qua nhiều triều đại khác nhau, tranh dân gian đã có những bước ngoặt đáng kể. Thế kỉ XV tranh dân gian khắc gỗ đã tiến một bước rất quan trọng. Đến thế kỉ XVII, tranh dân gian phát triển khá mạnh. Không những được nhân dân ở các làng quê yêu thích mà tranh dân gian còn được các nhà quyền quý, khá giả ở kinh thành ưa chuộng. Nhà thơ Hoàng Sĩ Khải (người làng Lai Xá, Hà Bắc), khi tả cảnh Tết ở Thăng Long trong sáng tác nổi tiếng “Tứ thời khúc vịnh” đã ghi lại:
“Chung Quỳ khéo vẽ lên hình
Bùa đào cấm quỷ phòng linh ngăn tà
Tranh vẽ gà cửa treo thiếp yểm
Dưới thềm lầu hoa điểm Thọ Dương”
Sang thế kỉ XVIII. Khắp nơi đều xây cất đình làng. Suốt mấy trăm năm theo Đạo giáo, đã xuất hiện nhiều hình tượng: tiên, thánh, mẫu, tổ…đều được in vẽ thành tranh thờ tại các điện, miếu. Tranh mở rộng đề tài tới những lĩnh vực khác trong đời sống. Có lẽ vậy mà nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã ca ngợi sự hoàn thiện tuyệt mĩ của bộ tranh Tố nữ:
“Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình?
Chị cũng xinh mà em cũng xinh
Đôi lứa như in tờ giấy trắng
Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh”.
Nghề làm tranh đã lan truyền rộng rãi hầu khắp cả nước. Kéo theo đó là tập tục chơi tranh của người dân. Những dòng tranh mới xuất hiện, được gọi tên theo địa danh nơi sản xuất với những phong cách riêng của mình. Nét riêng của mỗi dòng tranh chính là sự khác biệt giữa kĩ thuật khắc ván in, kĩ thuật vẽ, nguyên liệu làm tranh, cách pha chế tạo màu sắc riêng… Trong đó không thể không nhắc đến hai dòng tranh dân gian phổ biến là tranh Đông Hồ (làng Hồ, Bắc Ninh) và tranh Hàng Trống (Hà Nội) là những lựa chọn không thể thiếu của người dân mỗi dịp tết đến xuân về.
Người đi sắm Tết thường không bao giờ bỏ qua mẹt hàng tranh chỉ cần vài xu lẻ là có thể có vài bức tranh treo tết dù là người giàu hay nghèo ở lứa tuổi nào cũng không quên dừng bước.
Thú chơi tranh ngày tết ngày nay dường như đã không còn được chú ý như trước nữa, một thú chơi tao nhã của người Việt xưa đã đi sâu vào tiềm thức “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” vào dịp tết đến xuân về đã dần bị lãng quên thay vào đó là các tranh in sẵn của Trung Quốc tràn ngập trên thị trường. Ngày tết thứ tranh được người dân lựa chọn treo giờ đây không phải là thứ tranh tết dân gian Tiến tài, Tiến lộc, Vinh hoa, Phú quý như trước nữa mà là tranh những em bé hay thần tài ôm thỏi vàng, cá chép, rồng vàng… được chế tác bằng vi tính với màu sắc rực rỡ để dán ngoài cửa nhà hay trong nhà. Người ta cũng không còn thấy cái không khí rộ ràng , hối hả của tranh dân gian đến với người dân trong ngày Tết Nguyên Đán như trước nữa nhưng với những người yêu tranh dân gian với tục chơi tranh ngày tết thì những dòng tranh dân gian như Đông Hồ hay Hàng Trống vẫn luôn là sự lựa chọn hàng đầu khi tết đến xuân về như một nét đẹp văn hóa của dân tộc./.
Lan Anh