Em rất hồn nhiên: Tại em uống hai ly xíu muội mới đủ. Tại vì anh đâu phải là người yêu của em đâu mà em sợ ăn uống nhiều quá thì… mất bạn trai.
***
Em không phải tên là Xí Muội. Ai cũng biết xí muội là một món ăn chơi. Chắc chắn rằng vì đó chỉ là một món ăn chơi nên không ai ghi lịch sử của nó. Tôi không quan tâm đến lịch sử của em. Em cười khi đang ngậm viên xí muội trong miệng: “Trời ơi, lịch sử của em là lịch sử của một cô gái tối ngày đi học”. Còn tôi thì đọc cho em nghe những gì tôi đã kiếm tìm về em, dù khi tôi gõ tên em: “Mỹ Nga” vào trang Google thì chỉ thấy thông tin về hai cường quốc Mỹ và Nga. Em bảo: “Chu cho, anh phải đánh đủ cái tên của em Lê Hoàng Mỹ Nga thử xem sao”. Tôi bấm vào trang tìm kiếm theo cách em nói thì không có thông tin nào hết. “Ừ, em vô danh mà hay. Để ai đó lỡ có thương em, lên mạng không thấy cái gì thuộc về em, họ sẽ lãng quên”. Em nói thế.
Lúc đầu, em chỉ là một người con gái, nói theo kiểu của tôi là em đang chìm khuất trong đám đông. Năm 15 tuổi, em còn nhỏ xíu xíu, tự dưng buổi sáng chủ nhật em gọi cho tôi: “Mình đi cà phê, anh Tuấn nhé”. Thật ra tôi đâu có rảnh để chở một cô bé con đi cà phê. Nhưng sáng hôm đó tôi rảnh, chẳng biết làm gì với buổi sáng nắng đang ngập tràn trên con phố.
– Cho em xin hai ly xíu muội.
Em đã gọi như thế khi lần đầu tiên vào quán cùng tôi. Em rất hồn nhiên: Tại em uống hai ly xíu muội mới đủ. Tại vì anh đâu phải là người yêu của em đâu mà em sợ ăn uống nhiều quá thì… mất bạn trai.
Cũng từ ngày đó, tôi vẫn thường thích rủ em đi đâu đó như che bớt những bất an của lòng mình. Mà lòng người thì luôn dằng dặc những bất an. Tôi yêu rồi đau khổ vì tình yêu.Thủy đi lấy chồng khi tình yêu của hai đứa vừa mới bắt đầu những nồng ấm. Em biết Thủy, cô gái có nước da trắng như chẳng hề sợ nắng mưa tạt vào. Cô gái có chiếc răng khểnh xinh xinh làm nao lòng người khi cất tiếng cười rúc rích. Thủy có ưu điểm của một người đàn bà đẹp, nhưng người đàn bà đẹp đó đã lạc vào trong một đám đông.
Thỉnh thoảng em qua nhà tôi chơi, chẳng để làm gì. Em thích đọc sách. Em ngắm nhìn tủ sách của tôi, đủ loại sách tôi mua trong rất nhiều năm. Em nói: Anh cho em mượn một cuốn, anh nhé. Tôi không thích cho ai mượn sách bởi cho mượn sách coi như mất sách luôn. Có lần có những cuốn sách quý giá, một ông bạn ở nước ngoài về năn nỉ mượn đọc vài ngày. Nào ngờ sau đó ông bạn tốt đã lẳng lặng đem theo cuốn sách đó ra tận nước ngoài. Kể chuyện đó cho em nghe, em vỗ tay: “Những người ăn cắp sách là những người tốt anh ạ”.
Em thường xuyên qua nhà tôi mượn sách. Có những cuốn sách em thích, tôi lại mua cho em. Tôi mua sách cho em cũng như mời em uống những ly xíu muội để em kể cho tôi nghe chuyện của Thủy. Trong tình yêu, đôi khi người ta thích được nghe kể chuyện người mình yêu thương là điều rất bình thường. Em bảo: “Em mà là chị Thủy, em sẽ ghi giọng nói của mình vào để anh cài vào máy, mỗi tối anh ngủ, anh gắn vào tai mà nghe cho đỡ nhớ”.
***
Thủy không thuộc về tôi. Cũng như người ta hay nói đùa rằng đôi khi cứ bước chân nhưng sẽ chẳng bao giờ tới ngôi phía trước mặt, bởi vì ngôi nhà đó không thuộc về mình. Hôm chia tay tôi để yêu một chàng trai Việt kiều, để có một tương lai tươi sáng ở nước ngoài, Thủy nhờ Xí Muội đem cho tôi một lá thư.
Năm đó em 17 tuổi. Em cũng sắp sửa từ giã tôi để đi học đại học. Tủ sách của em trong ngần ấy năm trời cũng đã nhiều lên. Tôi thích mua sách, và khi nào tôi cũng mua tặng thêm cho em một hay hai cuốn sách nào đó. Tất cả những cuốn sách tôi tặng, em đều bắt tôi ký tên vào. Em bảo: “Anh có biết tại sao không? Vì sách có chữ kí của người tặng, mai mốt đem bán mới có giá trị”. Mỗi khi đọc xong cuốn sách nào đó, em hay nhắn tin cho tôi: “Cà phê không anh?”. Em nói thế là tôi hiểu tôi và em sẽ gặp nhau ở đâu. Đó là quán cà phê nhỏ, có căn gác gỗ lửng lơ, phủ những cây trường sinh. Đó là nơi yên tĩnh để nói chuyện mà không bị tiếng nhạc át đi. Em nói: “Uống cà phê với anh, em vui lắm. Anh uống cà phê với em có vui không?”. Tôi trả lời: “Vui”. Em hỏi lại: “Vậy anh uống cà phê với chị Thủy, anh có vui không?”. Tôi nhìn em, nhìn thẳng vào đôi mắt em. Tôi phát hiện rằng em có đôi mắt rất đẹp.
Cà phê với em. Chính xác là tôi uống cà phê, còn em thì uống xíu muội đã là chuyện bình thường. Em hồn nhiên như một cơn mưa, cứ rơi là làm ướt đất. Em hồn nhiên như cơn gió, cứ làm mát lòng người. Còn tôi thì dựa vào em để kể về niềm vui của mình. Em cứ thế cho tới khi em mang cho tôi lá thư chia tay của chị Thủy.
Việc viết thư chia tay trong cuộc sống này bây giờ cũng đã hiếm hoi. Nhưng ở quán cà phê, tôi và em thường ngồi, khi em đưa lá thư cho tôi, dường như tay em run. Còn tôi, những dòng chữ làm tan nát lòng tôi. Rồi tôi bảo em: “Em đi uống bia với anh, em nhé”.
Em ngoan ngoãn ngồi sau lưng xe. Rồi em ngồi nhìn tôi uống bia. Khi thất tình, bia như nước lã. Khi thất tình, bia như con suối. Em lấy ly, rót đầy: “Em cũng thất tình đây. Em uống với anh, anh nhé”.
Em bảo tôi trong đêm đó khi em đưa tôi về trước nhà: “Hãy cho em ôm anh một lần có được không?”. Rồi không đợi tôi trả lời. Em ôm chặt tôi khi mà cả tôi và em cùng say. Rồi em đặt nhẹ nhàng đôi môi em lên đôi môi của tôi, rất nhẹ. Phút chốc em buông rời tôi ra và biến mất trong đêm tối. Ngày hôm sau, khi tỉnh cơn say, tôi nhắn tin bảo em đi cà phê với tôi. Em trả lời: “Em vào Sài Gòn rồi anh ạ. Em đang trên chuyến xe đò đây. Bye anh”.
Tôi giữ trong hành trang của mình một cuốn sách: “Hãy yêu người như anh” do Xí Muội tặng tôi trước khi em lạc vào đám đông. Trong đó, Xí Muội ghi: “Một ngày người ta có thể sẽ thay đổi, một tháng người ta có thể sẽ thay đổi…, nhưng em tự nhủ, sẽ yêu người như anh, vì em không thay đổi”.
Tôi đã tìm em trong lòng thành phố Sài Gòn gần 5 triệu dân. Những con phố ồn ào với những cô gái xinh xinh như em lướt qua. Tôi cứ tìm những quán cà phê có thể ngó ra những ngã tư đèn xanh đèn đỏ để tìm em. Bởi vì chắc chắn em sẽ phải ra đường, em sẽ phải đi chợ, em sẽ phải uống cà phê và chắc chắn khi ngọn đèn đỏ bật lên, em sẽ phải dừng lại. Rồi tôi sẽ bỏ dở dang ly cà phê, băng qua giữa đám đông mà gọi: “Xí Muội, Xí Muội”. Chắc chắn em sẽ quay đầu lại nhìn tôi. Rồi hai đứa sẽ kiếm một quán vắng nào đó kiếm cái gì ăn cho đỡ đói. Em sẽ kêu một ly xí muội như ngày nào.
4 năm trôi qua. Tôi cũng ở thành phố chừng ấy năm. Tôi làm việc, tôi gặp bạn bè, tôi tham gia những trò vui mà trong lòng cứ đầy ắp hình ảnh của em. Cứ nghe tiếng cười của em: “Anh ơi cho em hai ly xí muội”.
Rồi tôi phải có chuyện rời thành phố ít hôm. Chuyến tàu cánh ngầm rời cảng Bạch Đằng đưa tôi rời khỏi thành phố tới Vũng Tàu hôm đó trong mưa giăng. Tôi sẽ phải làm việc với một đơn vị thiết kế những poster cho một chương trình văn nghệ của họ. Tàu rời khỏi sông Sài Gòn, những mảng xanh dọc bên sông buồn buồn như làm cho lòng người đau nhói. Một cô gái có dáng quen như em làm cho tôi giật mình. Lạ cho tôi chưa, bất kể điều gì liên quan đến em đều khiến tôi phải giật mình.
Còn 30 phút nữa mới đến giờ hẹn tàu dừng bến. Tôi kiếm một quán cà phê dọc biển, gọi một cà phê đen đốt thời gian chờ đợi.
– Anh ơi, cho hai xí muội.
Em bất ngờ ngôi bên cạnh tôi. Tiếng gọi nước quen làm cho tôi có cảm giác như trong mơ. Tôi nhìn em: “Mặt em có dính lọ à?” Tôi thở dài: “Không phải, anh đã đi tìm em khắp thế gian”.
Trong trời đất mênh mông này, có những người yêu nhau cả đời phải lạc nhau, nhưng tôi đã gặp em trong lúc tôi không ngờ nhất. Hai ly xíu muội đem ra, vẫn là thói quen trẻ con của em ngày xưa.
“Cho anh ôm em một lần được không?” Tôi đã nói với em như thế.
S.T