Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào xanh hơn
Như tiếng chim hót gọi
Như chồi non cỏ biếc
Như rừng cây của lá
Như tình yêu đôi ta.
Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào cao hơn
Như đầu sông đầu suối
Như đầu mây đầu gió
Như quê ta ngọn núi
Như đất trời biên cương.
Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào đẹp hơn
Khi mùa hoa đào nở
Khi mùa sở ra cây
Lúa lượn bậc thang mây
Mùi toả ngát hương bay.
Chiều biên giới em ơi
Rừng chăng dây điện sáng
Ta nghe tiếng máy gọi
Như nghe tiếng cuộc đời
Lòng ta thầm mê say
Trên nông trường lộng gió
Rộng như trời mênh mông.
Chiều biên giới em ơi
Đôi ta cùng chiến hào
Gần nhau thêm bền chí
Tình yêu là vũ khí
Giữ đất trời quê hương.
Chiều biên giới em ơi
Nghe con sông chảy xiết
Nghe con suối thác đổ
Hồn ta như ngọn gió
Thổi giữa trời quê hương
Hoàng Liên Sơn, 1980
Lò Ngân Sủn
Bài thơ được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc đã trở thành ca khúc quen thuộc với công chúng.
Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, hình ảnh biên giới luôn là một khái niệm vừa đẹp đẽ thiêng liêng nhưng cũng vô cùng gần gũi. Nó đã trở thành nguồn cảm hứng của thi ca nhạc họa, thậm chí trong dòng thơ – nhạc Việt Nam có hẳn một dòng thơ – nhạc về chủ đề này, như Gửi em ở cuối sông Hồng của Dương Soái, Lời thương ta ngỏ cùng nhau của Đức Miêng, Hát về anh người chiến sĩ biên cương của Thế Hiển…Và đặc biệt là bài thơ Chiều biên giới em ơi của nhà thơ người dân tộc Dáy – Lò Ngân Sủn được xếp vào hàng một trong những bài thơ hay nhất. Bài thơ được tác giả sáng tác năm 1980, giữa những ngày tháng khí thế chống quân bành trướng phương Bắc cao ngút, biên giới là mặt trận nóng bỏng. Ngay sau đó nhạc sĩ Trần Chung đã phổ nhạc cho bài thơ này với giai điệu mượt mà đầy cảm xúc ngọt ngào quyến rũ cả một thế hệ.
Hẳn nhiên không phải ai cũng được một lần đến với những vùng đất địa đầu của Tổ quốc, chạm vào đường biên ranh giới để cảm nhận rõ hơn tình yêu Tổ quốc trong chính trái tim mình. Nhưng qua bài thơ Chiều biên giới em ơi của nhà thơ Lò Ngân Sủng người ta có thể cảm nhận được đầy đủ vẻ đẹp bao la, hùng vĩ và thơ mộng về một vùng đất không hoang vu mà ấm áp tình người. Cảm nhận được vẻ đẹp của tiếng suối reo, tiếng xào xạc của ngàn lau dập dìu trong gió, hình ảnh của những người lính biên phòng cưỡi ngựa đi tuần tra… Bài thơ được mở ra với những câu thơ “Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào xanh hơn/ Như tiếng chim hót gọi/ Như chồi non cỏ biếc/ Như rừng cây cỏ lá/ Như tình yêu đôi ta”. Như một bức tranh thủy mặc được bao phủ bởi màu xanh của những chồi non, những cỏ cây, màu xanh trường cửu của đất trời và tình yêu. Và câu thơ cảm thán “Chiều biên giới em ơi” được lặp đi lặp lại, đứng ở vị trí đầu của mỗi khổ thơ vừa làm cho giọng thơ thêm tha thiết ngọt ngào vừa diễn tả thật hay thật cảm xúc, mê say, tự hào trước vẻ đẹp của quê hương xứ sở.
Những câu thơ tiếp theo được viết rất sáng tạo: “Chiều biên giới em ơi/Có nơi nào cao hơn/ Như đầu sông ngọn suối/Như đầu mây đầu gió/Như quê ta ngọn núi/Như đất trời biên cương”. Từ “đầu” trong khổ thơ được tác giả đặt vào từng câu thơ vừa để chỉ tầm cao vừa chỉ nơi đầu nguồn. Sông, suối, mây, gió,núi, đất, trời… là hình ảnh của biên giới nhưng cũng là quê hương Việt Nam yêu dấu. Tình yêu Tổ quốc chẳng phải được bắt nguồn từ tình yêu những gì gần gũi, thân thuộc xung quanh chúng ta trong cuộc sống hàng ngày đó ư! Và nếu không xuất phát từ tình yêu đó thì làm sao nhà thơ có thể viết nên những câu thơ để ngợi ca và khẳng định chiều biên giới rất đẹp, không thể có nơi nào đẹp hơn: “Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào đẹp hơn/Khi mùa đầo hoa nở/Khi mùa sở ra cây/Lúa lượn bậc thang mây/Mùa tỏa ngát hương bay”. Những hình ảnh rất đặc trưng của vùng cao Tây Bắc với hoa đào đỏ thắm, đồi sở trổ cành sum suê, xanh biếc, những thưở ruộng bậc thang như lượn sóng tỏa hương thơm ngát. Và quê hương hôm nay mỗi ngày một đổi thay, cuộc sống ấm no hạnh phúc đang hiện hữu trên vùng đất này: “Chiều biên giới em ơi/Rằng chăng dây điện sáng/Ta nghe tiếng máy gọi/Như nghe tiếng cuộc đời”. Đó là kết quả của bao máu xương đã đổ của các thế hệ cha anh, những người đã viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Tình yêu quê hương hòa quyện cùng tình yêu đôi lứa cảu người lính trên chiến hào giữ vùng đất biên cương của Tổ Quốc: “Chiều biên giới em ơi/ Đôi ta cùng chiến hào/Gần nhau thêm bền chí/Tình yêu là vũ khí/Giữ đất trời quê hương”.
Bài thơ Chiều biên giới em ơi của nhà thơ Lò Ngân Sủn ra đời trong một hoàn cảnh cũng rất thú vị. Năm 1980, trong một buổi tối mùa đông, thầy giáo trẻ người dân tộc Dáy Lò Ngân Sủn xem văn công phục vụ bộ đội nơi điểm Tựa (Chốt), có ca sĩ hát bài “Chiều trên bến cảng”, rất hứng khởi, anh chạy về sáng tác một bài thơ để “khoe” miền biên cương của mình. Bài thơ sau đó được đăng trên báo Nhân dân và được nhạc sĩ Trần Trung phổ nhạc. Và thi phẩm này được đánh giá là thi phẩm thành công nhất trong sự nghiệp sáng tác của cả hai tác giả thơ và nhạc. Mỗi khi giai điệu cất lên lại làm lay động hàng triệu trái tim người nghe bởi chạm đến thứ tình cảm thiêng liêng nhất đối với bất kì ai – đó chính là tình yêu đối với miền biên cương Tổ quốc và nói rộng ra là tình yêu quê hương đất nước.
sưu tầm