Và có lẽ không ai lại có thể đau đầu đến mất ăn mất ngủ hơn Garuda cả. Từ khi làm lễ đính hôn đến nay, chưa một lúc nào anh ăn ngon ngủ yên cả. Vì thế mà những cơn giật mình thon thót với đầy những mộng mị liên tục thi nhau hành hạ Garuda mỗi khi anh thiếp đi.
Theo truyền thống từ hàng nghìn năm nay, người dân Ấn Độ rất coi trọng việc tổ chức đám cưới. Người ta coi đó như là một dịp để gia đình, dòng họ và bản thân cô dâu và chú rể có được cơ hội ngàn vàng để thể hiện sự giàu sang quyền quý của mình với thiên hạ. Chính vì cái sự “con gà tức nhau tiếng gáy” ấy mà từ xa xưa cho tới bây giờ, thường thì cả nhà trai lẫn nhà gái đều thi nhau đổ từng núi tiền một cách không thương tiếc vào đủ các thứ việc, nào thì sắm lễ vật, nào là tổ chức hôn lễ sao cho không thua kém nhau bất kỳ ai chung quanh..v.v…
Garuda và Isha là một cặp đôi sắp làm lễ thành hôn. Cả hai người đều xuất thân từ những gia đình khá giả. Garuda là con trai trưởng của một gia tộc có truyền thống chuyên nghề quản tượng đã hơn hai trăm năm nay. Còn cha của nàng Isha xinh đẹp là một trong những doanh nhân đầu tiên ở Ấn Độ làm cái nghề cho thuê máy bay trực thăng.
Với điều kiện xuất phát điểm của đôi trai gái vô cùng cơ bản như vậy cho nên, chỉ mỗi việc suy nghĩ làm sao để cho đám cưới của đôi trẻ diễn ra thật hoành tráng và sành điệu khiến cho thiên hạ phải thật sự lác mắt mà tâm phục khẩu phục đã làm cho cả hai bên gia đình đau đầu nhức óc suốt từ hơn một năm trời nay.
Minh họa: Lê Tâm.
Và có lẽ không ai lại có thể đau đầu đến mất ăn mất ngủ hơn Garuda cả. Từ khi làm lễ đính hôn đến nay, chưa một lúc nào anh ăn ngon ngủ yên cả. Vì thế mà những cơn giật mình thon thót với đầy những mộng mị liên tục thi nhau hành hạ Garuda mỗi khi anh thiếp đi.
Cũng thật may mắn cho Garuda khi mà gần như mọi thủ tục, nghi thức liên quan đến buổi tổ chức đám cưới đều đã được bên nhà Isha bao chi gần hết. Ngay cả đám cưới cũng sẽ được tổ chức trên một hòn đảo xa bờ – bởi lẽ cha của nàng Isha vốn dĩ quen biết rất nhiều doanh nhân ngành du lịch, trong đó có một ông chủ khu resort trên hòn đảo Kim Cương nổi tiếng.
Tuy vậy, Garuda đã bàn bạc hết nước hết cái với gia đình mình mà vẫn không tài nào tìm ra được câu trả lời thật sự thỏa đáng, rằng: sẽ sắm thứ đồ sính lễ gì thật quý giá, đắt tiền đây để có thể môn đăng hộ đối được với nhà gái?! Cứ nghĩ đến cảnh ngày đám cưới tưng bừng diễn ra, mọi người nhìn vào bên cô dâu giàu có rồi lại ngó sang nhà anh trông tuềnh toàng mà cười nhạo làm cho Garuda rơi vào tình trạng vô cùng khủng hoảng tinh thần.
Hồi hộp mong chờ mãi rồi thì cuối cùng ngày làm lễ thành hôn của đôi tân lang tân nương cũng đã tới. Với một cảm giác vô cùng nặng nề u ám, Garuda đáp chiếc trực thăng được ông bố vợ của mình phái đến để chở anh ra hòn đảo Kim Cương chốn thiên đường nơi hạ giới. Bất ngờ hơn cũng chính lại là ông bố vợ ấy của Garuda là người đứng chờ anh tại bãi đáp trực thăng. Tuy vậy, không hiểu sao bộ mặt ông lại đầy vẻ hoảng loạn, khác hẳn với những gì mà Garuda đã tưởng tượng ra trước đó.
“Này, anh, sao giờ này anh còn ở đây hả?!” – Ông bố vợ của Garuda nôn nóng lên tiếng trong sự bấn loạn kịch tầm.
“Thưa bố, con…” – Garuda đoán rằng hẳn vì trông thấy đồ sính lễ của nhà mình nghèo nàn mà ông bố vợ tương lai cho rằng mối quan hệ giữa hai bên hoàn toàn không tương xứng cho nên đã đổi ý, muốn hủy đám cưới của anh và Isha.
Không để cho gã con rể của mình kịp nói hết câu, tức thì ông bố vợ hoảng loạn cướp lời:
“Giời ạ! Con tàu bố mẹ anh đang đi vừa bị lật, người ta đang tổ chức cứu vớt mọi người đấy! Anh mau mà đi ra đấy xem xét tình hình ngay đi!”.
“Bố nói sao cơ, tàu lật ư? Sao lại thế được?!” – Toát hết mồ hôi hột, chàng rể giật bắn người lên trong cơn kinh hãi tột cùng. Trong khi đó, ông bố vợ của anh ta trả lời trong muôn vàn sự chua chát:
“Bố anh cứ nằng nặc đòi phải chất bằng được hai con voi của mình lên tàu, bảo là làm của hồi môn cho các con. Không ngờ đột nhiên hôm nay biển động dữ dội, tàu lại chở nặng thế nên chưa ra khỏi cảng bao lâu đã bị lật úp, chìm nghỉm xuống dưới tận cùng đáy đại dương rồi!”.
Theo VNCA