Bức thư của Phùng Quán gửi cậu
Mấy bận cứ dùng dắng định lên Bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam đưa mấy cái bút tích của nhà thơ Phùng Quán xem có giá trị và giúp ích được gì không trong việc lưu trữ?
Nhà thơ Phùng Quán (1932–1995)
Vài bút tích ấy là:
– Bản thảo bài viết Bản trường ca bị mối xông và mười bảy bộ hài cốt. Bản viết tay gồm 29 trang khổ A4. Phùng Quán ghi cuối bài là Hồ Tây ngày 14 tháng 8 Âm lịch năm Nhâm Thân (1992)
– Bài thơ chép tay của Phùng Quán Cây xương rồng đính kèm bức ảnh Phùng Quán chụp với Nguyễn Hữu Đang dịp mừng thọ ông Nguyễn Hữu Đang 80 tuổi. Chót bài thơ là mấy dòng Tặng Xuân Ba Hồ Tây mùa đông năm 1992.
– Điếu văn nhà thơ Phùng Quán do nhà văn Phùng Cung đọc (Bản chép tay của nhà thơ Phùng Cung tặng tác giả bài viết này).
– Và một bản photo bức thư của Phùng Quán gửi ông Tố Hữu…
Tất tật đã xuộm vàng thời gian.
Hình như những lưu bút di bút ấy, không phải hơi hướng nữa mà đều toát đều dính đến những chuyện buồn của nhà thơ Phùng Quán?
Bức thư đây chẳng hạn.
Bức thư của Phùng Quán gửi cậu
“Hà Nội 28 tết
Kính thưa cậu!
Thấm thoát thế mà đã mười mấy năm cháu chưa có dịp gặp lại cậu. Trong hơn mười mấy năm qua cháu được Hội văn nghệ bố trí cho đi lao động thực tế nhiều nơi: Khu công nghiệp Việt Trì, nông trường cà phê cao su Thắng Lợi Thanh Hóa, công trường Trạm bơm điện Cổ Đam Nam Hà, xây dựng thủy lợi miền núi Lao Cai Hà Bắc… Từ năm 1967 cháu được bố trí về công tác ở Bộ Văn hóa Vụ văn hóa quần chúng – Vụ do anh Trần Tiến phụ trách – từ tháng 10 năm 1971 cháu được các đồng chí ở Bộ điều sang công tác ở Tạp chí Văn học Nghệ thuật làm biên tập viên.
Sau gần 5 năm công tác ở Vụ văn hóa quần chúng cháu được các đồng chí lãnh đạo Vụ cũng như chi bộ cơ quan xem xét tốt và đã nhiều lần được Hội Nhà văn Hội văn nghệ cho cháu trở lại sáng tác nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết. Cháu nghĩ rằng việc này hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ tiến bộ của bản thân cháu, các đồng chí lãnh đạo Hội còn thận trọng trong việc giải quyết là vì mức độ đó còn chưa đủ tin cậy. Nó còn đòi hỏi cháu phải cố gắng nỗ lực hơn nữa. Nghĩ vậy nên cháu nhẫn nại kiên trì làm việc, phấn đấu nhiều lần cháu tự viết thư đề nghị với các đồng chí Đảng Đoàn Hội hãy cử cháu đến công tác ở những nơi mũi nhọn của cuộc chiến đấu để cháu được thử thách rèn luyện cao hơn. Nhưng cháu chưa bao giờ được các đồng chí trả lời cho cháu một tiếng về những đề nghị hết sức tha thiết thành tâm này nên không khỏi có những lúc cháu thấy hết sức khổ tâm.
Hồi cậu Sanh (cán bộ cấp vụ, một người bà con gần với ông Tố Hữu và Phùng Quán – NV) còn sống, cậu thường gặp cháu hỏi han động viên cháu. Nhiều hôm cậu Sanh về nhà cháu ở Nghi Tàm Hồ Tây hai cậu cháu ngủ với nhau chuyện trò tâm sự. Cậu Sanh hứa đưa cháu đến thăm cậu để cháu được trình bày tất cả với cậu và xin cậu những lời khuyên. Nhưng rồi cậu Sanh mất. Trước khi cậu mất chừng hơn mấy tháng cháu cùng vợ cháu đến thăm cậu ở bệnh viện có gặp cả thím Ba, Lan Anh, cậu Sanh nói “Tết này thể nào cậu cũng dẫn cháu đến chỗ cậu Út cho cháu thăm và nói hết nguyện vọng của cháu” và cậu đã mất trong khi cháu đi công tác ở Quảng Bình, Vĩnh Linh.
Trong mười mấy năm qua, cháu đã tranh thủ vừa công tác vừa sáng tác vừa để rèn luyện mình và cũng để báo cáo với Đảng về kết quả lao động của mình, Cháu làm được khoảng hơn 100 bài thơ ngắn dài và viết được một truyện dài về Thừa Thiên kháng chiến. Cách đây mấy năm cháu có chép một tập thơ chừng 20 bài thơ nhờ Văn phòng hội Văn nghệ gửi lên cậu. Trong dịp cuối năm nay cháu cũng một tập về những bài cháu mới làm định gửi lên cậu vì nghĩ rằng thơ sẽ nói rõ được lòng cháu hơn.
Nhiều lần cháu muốn được lên thăm cậu nhưng nghĩ rằng cậu bận quá nhiều việc sợ làm mất thì giờ của cậu nên cháu lại ngại ngùng không dám. Tết nay nếu có thể thì cậu cho phép cháu đến thăm và mang thơ gửi cậu xem và mong cậu cho ý kiến.
Vừa rồi tòa soạn Văn hóa nghệ thuật có cử cháu đến gặp anh Trần Quý Hai mời anh viết bài về Ba Tơ khởi nghĩa. Anh Hai trước đây là Chính ủy Trung đoàn cháu. Cháu cùng sống và chiến đấu với anh trong thời gian gian khổ nhất của chiến trường Bình Trị Thiên đánh Pháp. Cháu được anh giác ngộ rèn luyện nhiều và rất hiểu cháu. Anh Hai có trao đổi với cháu xem cháu có thể giúp anh ghi lại cuộc kháng chiến Thừa thiên và sư đoàn 325. Đây là một công việc mà cháu vẫn hằng mơ ước và nếu được làm với anh Hai việc này thì cháu vô cùng sung sướng. Vì cháu sẽ lại được sống lại những năm tháng tốt đẹp nhất của cuộc đời cháu mà cho đến chết vẫn không quên. Nhưng vì hoàn cảnh của cháu hiện nay nên cháu cứ băn khoăn, không biết cháu có thể làm việc với anh Trần Quý Hai không? Cháu muốn báo cáo việc này với cậu và xin cậu ý kiến. Cháu cũng có đề nghị với anh Hai gặp cậu để nói rõ việc này.
Cháu rất mong được cậu đồng ý. Và nếu được làm việc với anh Hai cháu xin hứa sẽ cố gắng hết sức cháu để phần nào đền đáp công ơn của quê hương kháng chiến cách mạng và Đảng đã dạy dỗ giáo dục cháu.
Cuối thư cháu kính chúc cậu mợ và cả nhà năm mới được mạnh khỏe.
Cây hồng như thực như mơ
Khách qua đường những ngẩn ngơ… ghé nhìn của cậu gần như ngày nào cháu cũng ghé nhìn và thực sự là ngẩn ngơ… tự hỏi “Nhà cậu Lành có cây hồng gì mà lạ lùng như trong truyện cổ tích thế không biết”
Cháu của cậu
Phùng Quán”
Sau bức tâm thư đó một thời gian, nhà thơ Tố Hữu, cậu Lành của Phùng Quán đã phê vào góc bức thư của anh cháu Phùng Quán gửi cho nhà thơ Hoàng Trung Thông khi ấy là người phụ trách Vụ văn hóa văn nghệ.
Nhoáng nhoàng nhiều năm đã qua… Vẫn chưa có dịp hỏi lại nhà văn Phùng Quán, làm sao ông lại có được lá thư của chính mình với mấy dòng bút phê ấy?
“Kính gửi anh Hoàng Trung Thông
Anh xem Phùng Quán tiến bộ thế nào? Ý tôi: Không nên sang Hội Nhà văn mà vẫn tiếp tục công tác ở Vụ Văn hóa quần chúng như hiện nay và có thể sáng tác. Nếu tốt thì có thể dùng
Lành”
… Và nữa, nhà thơ Phùng Quán viết đầu thư Hà Nội 28 Tết là năm nào nhỉ? Bao nhiêu là những nhỡ nhàng, hối tiếc… Bởi ông dã biệt cõi dương thế tròn 20 năm rồi!
Nhưng cứ trong ý tứ mà suy, năm 1967 Phùng Quán về Vụ văn hóa quần chúng, như ông viết trong thư 5 năm sau… 28 Tết ấy có lẽ là năm 1973, sau Hiệp đinh Paris được ký kết?
Dằng dặc bao nhiêu năm, nhà thơ Phùng Quán không phải Tết nay nếu có thể thì cậu cho phép cháu đến thăm mà sau 32 năm, nhà thơ mới đến xông đất nhà ông cậu Tố Hữu của mình!
… Sau cái Tết thân 1992, được ít ngày. Trời không lây rây mưa bụi mà gần trưa ấy nắng hửng. Nhà thơ Phùng Quán quen thuộc trong bộ quần áo màu gụ cúc áo cài bằng nhựa giả ngà, áo chàm khoác ngoài, guốc mộc lóc cóc khua nhẹ bậc cầu thang đá của Tòa soạn Báo Tiền Phong.
… Vốn quen biết qua mấy lần gặp, nghĩ nên tiếp nhà thơ chỗ khác chứ không phải trong công sở chuyện trò cho thoải mái, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, thư ký tòa soạn tờ Tiền phong Chủ nhật và tôi dẫn ông sang cái quán của Chu Thành, con trai tướng Chu Văn Tấn, đối diện với tòa báo.
Nhà thơ Phùng Quán thoải mái xoài người trên ghế rồi dáng vẻ trịnh trọng moi trong bị cói luôn kè kè bên người ra một chai con trăng trắng nút bấc dung lượng chỉ nhỉnh hơn một cút. Cái cười khà quen thuộc và chất giọng trầm rè như mọi bận của nhà thơ bữa nay hình có chút chi đó khang khác?
Rượu Tết đây. Này uống mừng đi… Tết nay có chuyện đấy nhé…
Chuyện chi chả biết? Nhưng cái cút con con này, từng ấy người nhằm nhò gì? Chợt nghĩ ngay đến cái vò sành màu da lươn mà cô giáo Trâm vợ nhà thơ thường hào phóng dốc ra mỗi khi có khách tụ và đĩa lạc vỏ rang… Chắc nhà thơ khi xuất hành, chai con kia cũng chiết từ vò ấy? Tôi gọi thêm bia (hình như Vạn Lực của Tàu?) và rinh ngay về một cái điếu cày, thứ không thể thiếu với nhà thơ. Phùng Quán cười hì hì nhìn cánh nốc bia, vẻ coi thường ra mặt.
Đoạn ông vuốt nhẹ chòm râu thưa phơ phất bạc. Thì ra việc có chuyện là mới Tết rồi, vợ chồng nhà thơ Phùng Quán đến chúc Tết nhà ông cậu Lành…
Trong gia tộc, miềng gọi nhà thơ Tố Hữu bằng cậu. Miền Bắc vẫn thường gọi là bác vì nhà thơ Tố Hữu anh em cô cậu ruột với mẹ miềng. Cậu Lành là con út trong gia đình…
… Trời hửng nhưng thi thoảng vẫn luồn trong vòm hồng xiêm quán vườn Chu Thành những làn gió lành lạnh. Câu chuyện của nhà thơ khiến chúng tôi xích lại gần nhau hơn bởi sự tò mò và cả ngạc nhiên nữa về chuyến vợ chồng nhà thơ chúc tết nhà riêng ông cậu Tố Hữu. Chuyện ông cậu khuyến khích ông cháu đọc thơ và Phùng Quán đã đọc bài Đêm Nghi Tàm đọc thơ Đỗ Phủ cho vợ nghe mà như nhà thơ nheo mắt lè lưỡi đọc xong sợ hết hồn. Rồi trong không khí vui vẻ thân tình, ông cậu cũng đọc bài thơ anh bộ đội mua đồng hồ… Mà Phùng Quán nhận ra ngay vẻ hẫng hụt của những người có mặt… Chuyện vợ chồng nhà thơ gặp ở nhà ông cậu, phu nhân của đồng chí Võ Chí Công với khẩu khí hơi bị lạ Tôi nói thật, mất đi mười ông Phó Thủ tướng tôi cũng chắng tiếc bằng mất một nhà thơ như anh… Lạ nữa là câu cuối của ông cậu Lành khi tiễn vợ chồng Phùng Quán ra cổng Thằng Quán dại… Mà cậu cũng dại…
vv…
Chuyện nối chuyện. Lân cả sang chiều. Một quyết định trong buổi gặp, nói trưa thì hơi quá mà chiều thì hơi sớm ấy là nhà thơ ưng thuận việc viết bài cho Tiền Phong chủ nhật.
Bài viết của Phùng Quán Xông đất nhà thơ Tố Hữu (đăng sau Tạp chí Cửa Việt) xuất hiện trong số sớm nhất sau Tết. Tôi nhớ số báo ấy với số lượng phát hành nhiều chục vạn bản… Nhuận bút cho bài Xông đất… đâu như 200 ngàn đồng thì phải. Thời ấy tiền đó cũng gọi là to.
Bây chừ ngồi gẫm, không phải tiếc cái thời tira (số lượng phát hành) khủng (!?) mà như hơi tiêng tiếc giá như ngoài vài trăm ngàn và nhiều bạn đọc khác nữa, thời điểm ấy biết thêm và có trong tay cái bức thư buồn của nhà thơ Phùng Quán?
XUÂN BA
Báo Văn Nghệ